Mùa đông không lạnh
Hồi lớp 4 lớp 5 gì đó, mình được đi thi đội tuyển Toán Văn cấp thành phố. Thực ra lúc đó mình chỉ thích Toán thôi, văn vở là một thứ...
Hồi lớp 4 lớp 5 gì đó, mình được đi thi đội tuyển Toán Văn cấp thành phố.
Thực ra lúc đó mình chỉ thích Toán thôi, văn vở là một thứ gì đó vẫn còn quá lãng mạn mà tâm hồn khô khan của một đứa trẻ 10 tuổi khó mà cảm nhận được. Cái ngày đấy, mình không biết cách để tạo ra những con chữ giàu màu sắc, hoàn toàn chỉ có thể bộc lộ những cảm xúc thô kệch, thiếu mài giũa. Vậy nên, thường giờ văn mình chẳng bao giờ được cô giáo khen, mà mình cũng chẳng chú tâm đến lời cô nói nhiều đến thế.
Rồi đến một đợt, chúng mình được cho viết các bài văn tả bốn mùa. Xuân, hạ, thu, ba mùa trôi qua rất nhẹ nhàng qua những dòng văn của tôi như cách chúng vẫn thường thể hiện trong tâm trí, nếu không muốn nói là nhạt nhòa.
Nhưng, đến mùa đông, cái mùa khắc nghiệt, lạnh giá nhất trong năm, đã có một sự bất ngờ. Bài văn tả mùa đông của mình, được cô khen là bài một bài viết hay (ít nhất cũng là khá so với một học sinh tiểu học), do trong đó có sử dụng một hình ảnh khác biệt. Cùng lúc những bạn khác mô tả hình ảnh mùa đông như một bà chúa tuyết độc ác đem đến những cái rét cắt da cắt thịt, mình đã dùng hình ảnh những người sà vào quán bên đường thưởng thức một cốc nước chè đặc nóng. Trà đá vẫn luôn là một thức uống được ưa chuộng của mọi mùa, tuy nhiên, chắc chỉ có mùa đông, người ta mới uống trà nóng, để xua bớt đi cái lạnh.
Ngày đó, trước cửa nhà mình là một hàng nước chè, giống mọi hàng trà đá thuốc lào khác chúng ta vẫn hay gặp trên phố. Hình ảnh đó, là trải nghiệm gần gũi và chân thực nhất mình thấy được. Chắc cũng tại hồi bé mình ít ra ngoài đi chơi, nên, thế giới quan cũng chỉ gói gọn trong một dãy phố nhỏ với một khoảng sân rộng có hàng nước chè, chứ cũng chẳng có trải nghiệm gì gọi là lớn lao sâu sắc.
Lạ thật, thế mà lại thành một hình ảnh đẹp.
Bài viết đó, hình như là lần duy nhất mình được khen. Rồi từ đó đến lúc đi thi, mọi thứ lại đâu vào đấy, lại tầm thường như nó vốn có.
Chẳng ai biết chắc được.
————————————————————————————————————
Mười năm sau, mình là một sinh viên năm 2.
Nói theo kiểu của một bạn rapper trường Đại học Quốc gia, mình học lớp 14.
Từ ngày lên Đại học, có nhiều chuyện xảy ra, nhiều thứ đã thay đổi. Mình cân bằng thời gian tốt hơn, nên mình có thêm thời gian được ngắm nhìn và thắc mắc về mọi chuyện xung quanh.
Dạo gần đây, mình nhận ra, dù tuổi tác bắt đầu hơi tương đối, tâm hồn mình vẫn còn trẻ con. Chậc, người ta bắt đầu lớn khi khối óc và con tim bắt đầu bé mà. Mình vẫn cho phép bản thân có những mộng tưởng viển vông. Vậy nên, mình đã thử nhìn ngó một chút về những điều mà ngày xưa, lúc mình là trẻ con thật, từng trải qua, một cách chưa hoàn thiện.
Trời bắt đầu trở lạnh. Gió mùa Đông Bắc tràn về, những giọt nắng lẻ loi yếu ớt không giúp ích gì nổi việc giữ những kẻ cô đơn quên đi tình cảnh hiện hữu. Mùa đông tới, theo cái cách nó vẫn hay làm: buồn bã, lạnh lùng.
Nhưng mùa đông cũng có những sự rất lạ, rất “đông”, chẳng bao giờ có, chỉ đông có.
Có những thứ ẩm thức lẩn trốn cả năm, chỉ xuất hiện khi người ta bắt đầu thở ra khói trắng, đôi tay bắt đầu chà xát vào nhau sưởi ấm. Trước tháng 11, đố ai tìm được một hàng nào bán bánh trôi tàu ngon ở Hà Nội, từng chiếc bánh núng nính bơi trong bát nước gừng đường phên tô điểm chút dừa, chút lạc đây? Hay, một bếp lửa bập bùng, bên trên là ngô, là khoai. Phải là bếp than củi, nó mới đúng điệu, mới thơm mùi gỗ cháy, chứ ở đâu dùng bếp than tổ ong nướng ngô khoai thì hàng đó đúng là không biết làm. Hoặc là, một chảo rang hạt dẻ bên đường. Mua một túi nhỏ ăn chơi, về đến nhà hạt dẻ vẫn còn nóng hôi hổi. Những thứ này, chẳng bao giờ, xin nhắc lại, chẳng bao giờ có nếu mùa đông chưa tới. Dù cho chúng có là một phần của nền văn hóa ẩm thực Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng vẫn mang cho mình một sự đặc biệt, một nét đặc trưng của những ngày trời trở gió. Chúng là một thông lệ.
Nói tiếp về sự kì lạ của mùa đông, chẳng biết từ bao giờ mùa đông lại là mùa yêu đương. Mình từng nghĩ, yêu nhau thì yêu cả năm, chứ nói thế này khác nào coi tình yêu là thứ thời vụ.
Hạn hẹp thay những điểm nhìn của quá khứ, vì không thể thấu nổi những cảm xúc trong sáng, ngọt ngào đó. Xem những đôi trẻ, cùng nhau đi dạo phố trong những chiếc áo phao dày cộp dưới tiết trời căm căm, trao gửi những yêu thương và quan tâm đầy hạnh phúc và hi vọng. Nghĩ rộng hơn thì, tình yêu là chuyện của hai người, mà cũng chỉ hai người biết. Chả áp đặt được suy nghĩ của mình vào câu chuyện của người lạ, vì mình thấy nó không hay, nhưng người khác lại thấy tuyệt vời. Mình không cảm được tình yêu nồng nhiệt của mùa đông thì người khác cảm, cớ sao lại nỡ ép buộc người ta phải giống mình?
Mà, vẫn chưa hết lạ. Nói theo kiểu loại suy, thì sự lạnh lẽo của trời đất đáng ra cũng sẽ gắn liền với sự lạnh lùng của lòng người. Như một món hàng đi kèm kiểu dao cạo – lưỡi dao mình học trong những bài giảng kinh tế vi mô 2.
Nhưng không. Trời càng lạnh, người ta càng có cớ xích lại gần nhau.
Từ khi nào người ta lại vin vào sự thiếu đồng thuận của thời tiết để làm một lí do để đồng cảm cho nhau, hay, nói cách khác, lấy cái lạnh nơi thiên nhiên để tìm về sự ấm áp của con tim?
Có phải do, bản chất của con người vốn là tốt, nhưng bị những điều tồi tệ làm vẩn đục, và có cơ hội sẽ luôn hướng thiện, luôn tìm về những giá trị cơ bản? Hay đơn thuần, con người là một tờ giấy trắng với xu hướng xã hội, nên sẽ tìm mọi cách về với nhau khi đơn côi biến thành lạc lõng?
Không cần nhìn đâu xa. Việt Nam là một đất nước với đa số người dân là người vô thần. Ấy vậy, họ vẫn coi Giáng Sinh là một dịp để chung vui, quây quần, bên cạnh những dịp lễ cổ truyền, cho dù đây là ngày để con chiên nhớ về nguồn cội của họ. Đêm Giáng Sinh, người ta vẫn lên phố Nhà Thờ. Vẫn mua cây thông về trang trí. Vẫn trao nhau những gói quà và những chiếc thiệp hồng đỏ thắm. Chẳng phải chiên con thờ Thiên Chúa, cái họ cần, chỉ là ở bên nhau.
Vì ngoài kia, trời rất lạnh.
Thật lạ lùng làm sao, “lớn” rồi, nhưng nhìn mọi thứ vẫn như con nít.
Vẫn thật mộng mơ.
Chẳng ai biết chắc được.
————————————————————————————————————
Chúng ta đã luôn cô đơn trong vũ trụ bao la, nhưng, đáng buồn hơn, ta thậm chí còn vô vọng.
Khốn khổ làm sao, là một sinh mệnh đơn độc trong bảy tỉ con người.
Lẻ loi biết mấy, là tám mươi xuân xanh của bốn tỷ sáu trăm triệu năm.
Cô quạnh thay, kiếp con người.
Lạc lõng một sự trầm kha.
Trong sự vô hạn của không gian dù những cấu tử thật nhỏ,
trong sự bất tận của thời gian dù từng sát na thật chớp nhoáng,
trong cái ma trận héo hon của đời người,
chúng ta đã luôn đơn độc.
Nên mới cần những dịp thế này để tạm thời giấu đi thực tại, để chúng bớt làm phiền tâm trí mỏng manh của giống loài, mỉa mai thay, vô cùng đặc biệt.
Mình hết buồn chưa?
Con người hết buồn chưa?
Chẳng ai biết chắc được.
————————————————————————————————————
Nếu bây giờ, tự dưng mình nói mùa đông là mùa ấm áp nhất trong năm, kiểu gì mình cũng bị phản bác bằng những góc nhìn vật lý học của những con người thuần chủ nghĩa kinh nghiệm.
Nhưng, với góc nhìn đến từ những điều mình thấy và kể lại ở trên, mình luôn tin mùa đông là mùa ấm áp nhất. Một niềm tin được tinh tế hóa, được xây dựng bắt đầu bằng góc nhìn của một đứa trẻ, rồi nó cứ lớn dần lớn dần. Dù nó chưa hoàn hảo, chưa chạm được đến tận cùng buốt giá, nó vẫn được đặc cách trở thành một định nghĩa.
Bằng lí luận của Kant, chẳng có hai người nào cảm nhận một sự việc theo cùng một kiểu, mà cũng chẳng ai hiểu được hoàn toàn bản chất của bất kì sự vật sự việc nào, do giác quan của con người có hạn. Tuy vậy, có lẽ nó vẫn đủ để mình, và riêng mình, biết rằng mùa đông ấm áp, không bởi vì chính nó, mà bởi những thứ bên trong.
Mùa đông, với mình, là thời điểm khiến cho sự nồng hậu của tình người trở nên rực rỡ hơn. Giống hệt cái cách người nghệ sĩ tỏa sáng dưới ánh đèn, họ cần có một sân khấu để thể hiện tài năng bản thân. Thì ở đây, mùa đông là sân khấu để sự ấm áp được lên ngôi. Chẳng phải mâu thuẫn, cũng chẳng phải đối nghịch. Chúng chỉ đơn giản bổ trợ cho nhau, làm người ta thấy thoải mái, bình yên.
Như một kẻ duy lí từng nói, thế giới này là thế giới đẹp nhất có thể. Chúng ta đang tận hưởng những gì tốt nhất cuộc đời có để trao tặng. Có lẽ, cũng nên hạ thấp chuẩn mực cá nhân xuống một xíu. Làm những điều cho lòng mình nhẹ nhõm. Nhấm nháp một cốc chocolate. Gọi điện thoại cho bố mẹ. Thấy cuộc sống tươi vui ấm áp.
Hãy cứ coi như, sự buốt giá này là sự buốt giá tuyệt vời nhất có thể đi.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất