Lý thuyết về chính trị

Chính trị, hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó là hoạt động mà thông qua con người tạo ra, lưu giữ và sửa đổi những nguyên tắc tổng thể nằm ẩn dưới đời sống xã hội. Do đó chính trị liên hệ một cách chặt chẽ đến các hiện tượng xung đột và hợp tác. Một mặt, sự tồn tại của các quan điểm đối nghịch, nhu cầu và mong muốn khác nhau, lợi ích mâu thuẫn, sự bất đồng về quy tắc ứng xử chung. Mặt khác, người ta công nhận rằng, để gây ảnh hưởng đến những quy tắc này và đảm bảo chúng được tán thành thì họ cũng phải tìm cách hợp tác với nhau. Chính vì vậy, định nghĩa của triết gia chính trị Hannah Arendt về quyền lực chính trị là một “hành động trong sự hòa hợp”. Đó là lý do tại sao điểm tinh yếu của chính trị thường được khắc họa như một tiến trình giải quyết các xung đột. Tuy nhiên, chính trị ở nghĩa rộng này thì chỉ là một sự “tìm kiếm” cách giải quyết xung đột hơn là một “thành tựu”, bởi vì, không phải tất cả các xung đột đều có thể giải quyết.
Chính vì là một sự tìm kiếm bất tận, nội hàm của khái niệm chính trị vẫn đang được các học giả tiếp tục tranh luận cho tới ngày nay. Theo Hay (2002)[1], dù vẫn tồn tại những khái niệm đối nghịch hoặc có thể thay thể, tuy nhiên có hai hướng tiếp cận chính có thẻ giúp chúng ta phân biệt cách định nghĩa về chính trị. Đó là hướng tiếp cận xem chính trị như một vũ đài (arena) và như một quá trình (process).
 
Chính trị như là một vũ đài
Chính trị như là một quá trình
Định nghĩa chính trị
Nghệ thuật quản trịNhững công việc cộng đồng Thỏa hiệp và bằng lòngQuyền lực và sự phân phối các nguồn lựcCác hình thức thể hiện
Tâm lý học hành viChủ nghĩa tự do thể chế (Institutionalism)Chủ nghĩa nữ quyềnChủ nghĩa MarxChủ nghĩa hậu thực chứng (post-positivism
 

1. Chính trị như là một nghệ thuật quản trị

Thuật ngữ chính trị (politics) bắt nguồn từ Polis, nghĩa là thành quốc trong tiếng Hy Lạp cổ, mà ở đó mỗi Polis sở hữu một hệ thống quản trị của chính họ, thường được khắc họa như một cái nôi của nhà nước dân chủ. Theo cách hiểu này, chính trị có thể được hiểu để ám chỉ đến công việc của Polis. Do đó, hình thức hiện đại của định nghĩa này là “những gì liên quan đến nhà nước”. Tuy nhiên, vấn đề hóc búa của định nghĩa này là nó đang đưa ra một góc nhìn khá hạn chế về chính trị. Chính trị là những gì diễn ra trong Polity, một hệ thống tổ chức xã hội được tập trung vào cơ chế quản trị, do đó, nó chỉ diễn ra trong phòng họp của các thành viên chính phủ hoặc cơ quan lập pháp, nó chỉ được tham gia bởi một số người giới hạn và cụ thể như là chính trị gia, công chức, viên chức. Điều đó có nghĩa là phần lớn người dân, thiết chế, hay nhà hoạt động xã hội đêù bị xem là nằm ngoài chính trị.

2. Chính trị như là những công việc cộng đồng

 Khái niệm thứ hai và rộng lớn hơn của chính trị đưa nó đi xa hơn công việc quản trị đơn thuần, mà còn liên quan đến cái được cho rằng “đời sống cộng đồng” (public life) hay “công việc cộng đồng” (pulic affairs). Nói cách khác, sự phân biệt giữa “chính trị” và “phi chính trị đồng thời là sự phân biệt một cách nền tảng giữa “lãnh vực công” (public sphere) và “lãnh vực tư” (private sphere). Trong đó, lãnh vực công bao gồm các hoạt động chính trị, thương mại, văn hóa, nghệ thuật, còn lãnh vực tư thì thuộc về đời sống cá nhân như gia đình hay công việc nội bộ.
 

3. Chính trị như là sự thỏa hiệp và bằng lòng

 Cách hiểu thứ ba của khái niệm chính trị liên quan đến cách mà quyết định được tạo ra. Cụ thể là chính trị được nhìn nhận như là một phương tiện cụ thể để giải quyết xung đột, đó là sự hòa giải, thỏa hiệp, thương lượng, hơn là thông qua sự cưỡng chế hay quyền lực thô. Theo quan điểm này, căn cốt của chính trị là sự phân tán quyền lực một cách rộng rãi. Chấp nhận xung đột là một điều không thể tránh khỏi, Bernard Crick trong tác phẩm In Defence of Politics đã cho rằng khi các nhóm lợi ích nắm giữ quyền lực, thì chúng [quyền lực] nhất định cần phải được hóa giải, chúng không thể chèn ép lẫn nhau[2].
 

4. Chính trị như là quyền lực

 Định nghĩa cuối cùng của quyền lực vừa rộng lớn nhất về mặt nội hàm vừa có tính nền tảng nhất. Quan điểm này nhìn nhận chính trị hiện diện trong tất cả các hoạt động xã hội và trong mọi ngóc ngách của đời sống con người, như Adrian Leftwich chỉ ra chính trị là trung tâm của tất cả các hoạt động xã hội tập thể, chính thức hoặc phi chính thức, công hoặc tư, trong mọi nhóm người, mọi thiết chế và mọi xã hội[3]. Theo cách hiểu này, chính trị diễn ra trong mọi cấp độ của sự tương tác xã hội, nó có thể tìm thấy trong gia đình, giữa những nhóm nhóm bạn bè, cũng như giữa các quốc gia, dân tộc.

Đọc thêm:

 Lý thuyết về tham gia chính trị

1. Các hướng tiếp cận

Một khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu về sự tham gia chính trị ngày nay là câu hỏi ai tham gia, và tại sao nó lại quan trọng. Sự tham gia chính trị có thể hiểu dễ dàng hơn từ hai quan điểm lý thuyết, đó là hướng tiếp cận xây dựng (constructive approach) và hướng tiếp cận phê phán (critical approach)[4]. Hướng tiếp cận xây dựng cho rằng sự tham gia chính trị tác động đến điều kiện xã hội một cách cốt yếu và có tính xây dựng. Nó nhìn nhận sự tham gia chính trị như là một thành tố quan trọng và là phương tiện cho tính ổn định xã hội giữa quần chúng và những nhà hoạch định chính sách. Thông qua sự tham gia, quần chúng nhân dân sẽ vượt qua được sự không hài lòng, thất vọng và xa hơn là cải thiện được tình hình[5]. Andrea Cornwall và Anne Marie Goetz (2005) trong nghiên cứu Democratizing Democracy: Feminist Perspectives chỉ ra:
 Sự tham gia chính trị có một tầm quan trọng lớn lao đối với phụ nữ. Nó không chỉ vì những kết quả đầy tiềm năng của những cuộc biểu tình thành công, huy động nguồn lực của lợi ích tập thể sẵn có hay tham gia vào quy trình chính sách, mà còn gợi mở cho họ những thực hành chính trị sơ khởi như công nhận và làm rõ những lợi ích, xây dựng liên minh, hay học cách hợp tác, xây dựng các dự án chung dựa trên sự đồng thuận.[6]
 Một mặt khác, hướng tiếp cận phê phán có một quan điểm đối ngược về sự tham gia của quần chúng, cái mà Herbert Marcuse gọi là một “mánh lới dân chủ” (democratic trick), khi có quan điểm cho rằng sự tham gia của quần chúng không thực sự quan trọng vì nó có thể tạo ra sự hỗn loạn, mất trật tự trong xã hội, bởi thông qua sự tham gia chính trị, người dân được phép bày tỏ cảm xúc tiêu cực của mình và sự tham gia đó là không có tính đóng góp.

 

2. Khái niệm sự tham gia chính trị

 Khái niệm sự tham gia chính trị được định nghĩa rất khác nhau bởi nhiều học giả khác nhau. Sự tham gia được nhìn nhận như một nhân tố quan trọng trong sự phát triển con người thông qua việc trao đổi tư tưởng, ý thức hệ và hành động. Edward Kluienko trong nghiên cứu Political Participation: theory, methodology and measurement with the help of Guttman one dimension Continuity Scale của ông ấy thảo luận rằng, nhiều nhà nghiên cứu liên hệ “sự ra đời” thực sự của tham gia chính trị đến sự chuyển hóa của xã hội truyền thống[7]. Còn Marilee thì nhấn mạnh thuật ngữ “tham gia” như là sự dấn thân của người dân trong các tiến trình kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội, tác động đến đời sống của họ. Các loại hình tham gia có thể kiểm soát toàn bộ và trực tiếp, một phần hay gián tiếp các tiến trình trên. Trong đó, người dân nên có quyền tiếp quyền lực và quá trình ra quyết định cận bất cứ lúc nào[8].  Còn Huntington thì nhận định rằng, chính trị hiện đại mở ra một chiều kích rộng hơn trong sự tham gia chính trị bằng sự hình thành nên các nhóm xã mới, khi nhận thức chính trị tăng lên trong bộ phận dân chúng[9].
Theo Từ điển Bách khoa Quốc tế về Khoa học Xã hội, thuật ngữ “tham gia chính trị” biểu thị các hoạt động tự nguyện bởi những thành viên của một xã hội chia sẻ chung sự chọn lọc những người cai trị một cách trực tiếp và gián tiếp, trong việc hoạch định các chính sách công[10]. Tương tự, Norman và D. Palmer định nghĩa sự tham gia chính trị như một sự dấn thân của công dân trong các hoạt động chính trị, cái mà ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi và quyết định của nhà làm luật[11]. Còn theo Từ điển Bách khoa Quốc tế về Chính quyền và Chính trị, “Sự tham gia chính trị quan tâm đến cách xử sự khi công dân tương tác với chính quyền. Thông qua sự chủ động tham gia, công dân nỗ lực truyền tải nhu cầu của họ tới cán bộ công quyền với hi vọng là nhu cầu của họ được đáp ứng[12].
 

3. Các phương thức của tham gia chính trị

 Khi khái niệm sự tham gia chính trị vẫn đang trải qua sự biến đổi theo từng năm, thì các phương thức biểu hiện của nó cũng tăng dần ở một viễn cảnh rộng lớn hơn. Theo Từ điển Bách khoa Quốc tế về Khoa học Xã hội, sự tham gia chính trị bao gồm bầu cử, tiếp cận thông tin, thảo luận và chính trị hóa, tham gia các cuộc họp, đóng góp về mặt tài chính, và giao tiếp với đại biểu của mình. Các dạng chủ động hơn của sự tham gia chính trị bao gồm sự tham gia chính thức vào một đảng phái, vận động tranh cử và đăng ký làm cử tri, viết và đọc diễn văn[13] Những loại hình tham gia chính trị trên có thể được hiểu như là sự tham gia chính thức (conventional).
 Trọng tâm của nội hàm khái niệm được dịch chuyển từ sự tham gia chính thức đến sự tham gia không chính thức (unconventional), ví dụ như là sự phản kháng hay bạo lực chính trị. Về mặt truyền thống, sự tham gia chính trị sẽ chỉ ám chỉ đến sự tham gia chính thức trong đó bầu cử hay hay việc lựa chọn đại biểu vẫn được xem là hình thức thông thường của sự tham gia chính trị. Trong khi Nie và Verba cân nhắc thêm cả sự phản kháng bao gồm cả bất hợp pháp và bạo lực,  và sự tham gia không hợp thức vào công việc của cộng đồng bởi vì đó cũng là sự tương tác với mong muốn được lắng nghe và đáp ứng nhu cầu.

Đọc thêm:

 
Các tài liệu tham khảo
[1] Hay, Colin. Political analysis: a critical introduction. Macmillan International Higher Education, 2002.
[2] Crick, Bernard. In defence of politics. A&C Black, 2005.
[3] Leftwich, Adrian. What is politics: The Activity and its study. John Wiley & Sons, 2015.
[4] R.C. Vermani. An Introduction to Political Theory . New Delhi: Gitanjali Publishing House, 2000-2001. trang 365.
[5] Kluieko, Eduard. Political participation: theory, methodology, measurement with the help of the Guttmann: One Dimension Continuity Scale.  Ukrainian Sociological Review. 2004-2005. Trang 122-154.
[6] Cornwall, Andrea, and Anne Marie Goetz. Democratizing democracy: Feminist perspectives, 2005. Trang 783-800
[7] Trong nguồn đã được trích dẫn trước đó. Trang 122
[8] Karl, Marilee. Women and Empowerment: Participation and Decision Making. London: Zed Books Ltd, 1995. Trang 4-5
[9] Huntington, Samuel P. The third wave: Democratization in the late twentieth century. London: University of Oklahoma Press, 1991.
[10] Herbert M.C. Closky. “Political Participation” International Encyclopedia of Social Sciences vol:12 . New York: Mac Millan ,1968. Trang 253
[11] Norman và D. Palmer. Election and Political Development: The South Asian Experience . New Delhi: Vikas Publishing House, 1976. Trang 57
[12] N. Frank Macgill. International Encyclopedia of Government and Politics, Volume Two. New Delhi: S. Chand & Company Ltd, 2002. Trang 1016
[13] David L. Sills,ed. “Political participation “International Encyclopedia of the Social Sciences , Vol.12. London: Macmillan Company & The Free press, 1972. Trang 252