Một vài suy nghĩ về THE TALE OF PRINCESS KAGUYA
Một bộ phim “công chúa” không dành cho trẻ em, thực sự. Nó để lại trong đầu mình một vạn câu hỏi vì sao. Lang thang khắp các trang...
Một bộ phim “công chúa” không dành cho trẻ em, thực sự. Nó để lại trong đầu mình một vạn câu hỏi vì sao. Lang thang khắp các trang review lớn nhỏ, mình vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Hầu hết đều ca ngợi bộ phim về triết lý nhân sinh, nhưng triết lý ấy là gì thì chưa trang nào phân tích được cặn kẽ. Thì phim Ghibli có bao giờ đơn giản đâu.
Dưới đây là cách hiểu mình đã đúc kết sau nhiều “trằn trọc” và tham khảo.
Chủ đề của bộ phim, theo mình, là về giá trị của quãng thời gian ngắn ngủi trong cuộc đời mỗi người.
Việc đoàn người nhà trời đưa Kaguya trở về mặt trăng chính là ẩn dụ của cái chết. Khi hay tin sẽ có người tới đón công chúa về mặt trăng, người cha đã quyết bảo vệ nàng bằng mọi cách: “Con nghĩ là cha sẽ để họ đem con đi hay sao?” Nhưng mặc cho hàng trăm quân lính canh gác ngày đêm, đoàn người kia vẫn tới, đem Kaguya đi một cách hết sức nhẹ nhàng. Cái chết vẫn là một điều gì siêu nhiên quá, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người bé nhỏ.
Đám rước đưa công chúa đi trong tiếng nhạc kèn rất vui tươi, bên cạnh là tiếng kêu khóc thảm thiết của người cha, người mẹ già. Một cảnh kết xuất sắc của các nhà làm phim. Và tiếng kèn, tiếng kêu khóc ấy làm mình liên tưởng tới một đám tang. Theo phong tục của một số nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, người ta chơi nhạc trong đám ma với ý nghĩa đưa người chết về với một cõi an vui hơn trần gian khổ ải. Giống như vị tiên nữ khoác tấm áo choàng lãng quên lên người Kaguya đã nói: “Trong sự thanh khiết của Cung Trăng, ngươi sẽ bỏ lại nỗi đau và sự ô uế của thế giới này.”
Đáng buồn là, người ta chỉ thực sự “sống” khi đã có một cuộc hẹn trước với cái chết. Chỉ khi biết mình sẽ phải trở về Cung Trăng, Kaguya mới thực sự cương quyết trở về tìm Sutemaru, muốn cùng anh bỏ trốn, sống cuộc sống tự do. Nhưng đã quá muộn, nàng lặp đi lặp lại, đã quá muộn mất rồi.
Vậy Kaguya có nhu nhược quá không, khi để người khác định đoạt cuộc đời của mình như thế?
Thật ra đã có lần Kaguya đứng lên và chạy trốn khỏi sự ràng buộc tù túng kia. Trong lễ trưởng thành, nàng chạy về vùng núi nơi mình từng sống, nhưng tất cả còn lại chỉ là một khung cảnh tiêu điều. Người đàn ông trên núi nói: “Ngọn núi không chết đâu, đợi đông qua rồi xuân sẽ lại về.” Nàng quay trở về dinh thự, và từ đó ngoan ngoãn sống cuộc sống của một công chúa. Nàng đang chấp nhận mùa đông và chờ đợi mùa xuân đến.
Đó chính là sự giằng co giữa điều mình muốn làm và điều mình nên làm. Việc trở thành công chúa là bổn phận của nàng, một bổn phận “trời định” (vàng và vải vóc quý ông lão cha nàng tìm được trong rừng tre đã báo hiệu về bổn phận này), làm tròn chữ hiếu cũng là bổn phận của nàng. Dù khao khát cuộc sống tự do, nàng vẫn luôn chọn bổn phận. Ngay từ khi chập chững biết đi, giữa tiếng gọi “búp măng” của đám trẻ trong làng, và tiếng kêu “công chúa” của cha, dù có phân vân do dự, Kaguya đã luôn chọn cha mình, chọn trở thành một công chúa. Nàng biết rõ hạnh phúc của mình nằm ở đâu (khi còn ở vùng núi nghèo khổ, Kaguya lớn nhanh bất thường, nhưng từ lúc về dinh thự thì hiện tượng đó không còn xảy ra), nhưng không thể làm khác đi. Nàng chỉ có thể tạo dựng chút niềm vui nhỏ nhoi cho mình bằng việc tái hiện một khu vườn nhỏ sau nhà.
Rồi mùa xuân cũng đến, Sutemaru trở về, nhưng thời gian ở trần thế của Kaguya cũng hết. Nàng chỉ kịp tận hưởng hạnh phúc thực sự của tình yêu, của tự do trong một thời khắc ngắn ngủi, ngắn như một giấc mơ.
Trong một đời người, đôi khi mùa đông quá dài, còn mùa xuân thì đến muộn màng như thế. Chính điều này làm cho bộ phim trở nên quá sức u buồn. Sau cùng thì tất cả hàm ý tinh đọng lại trong câu hát xuyên suốt phim:
Lifetimes come and go in turn
Đời người đến rồi đi...
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất