(Vừa rồi mình xem một đoạn phim về những cải cách của Hồ Quý Ly trên VTV. Thấy đây là một đoạn phim hay, nên tiện ghi chép lại một vài cảm nghĩ.)

Những cảm nhận về thước phim

Đoạn phim mô tả những cải cách của Hồ Quý Ly cuối thời Trần, một cách sâu chuỗi, đầy đủ và rất sinh động.
Tác giả đã tự bổ khuyết thêm các chi tiết nhỏ, để chêm vào giữa những ghi chép trong chính sử, rất khéo léo, tài tình và hợp lý. Làm rõ thêm nguyên nhân, thực trạng dẫn đến các cải các. Khiến cho nội dung uyển chuyển, sống động hơn rất nhiều. Đặc biệt là đoạn cải cách giáo dục và tăng đạo, cuộc gặp gỡ, tri âm giữa Hồ Quý Ly với Nguyễn Phi Khanh. Kịch bản viết thật khá.
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế: là đã lý tưởng hóa con người của Hồ Quý Ly, khiến cho người xem có thể hụt hẫng khi sau này ông thất bại. Nhưng với đối tượng khán giả phần lớn là trẻ em, nên cũng chấp nhận được.

Một vài suy nghĩ về nhân vật Hồ Quý Ly và thời đại của ông

Hồ Quý Ly là một con người phức tạp, tuy hết lòng chống đỡ quốc gia đang suy vi, nhưng bản thân ông cũng có tư tâm của riêng mình, cái này nhiều sử gia cả thời phong kiến lẫn hiện đại đều nói đến rồi. Nếu ông không tiếm vị nhà Trần, thì có lẽ, đã không thật bại trong chiến cuộc với quân Minh. Tuy nhiên, cũng có thể cảm thông cho ông, ở chỗ nếu không tập trung quyền lực vào tay mình, thì cuộc cải cách khó mà thực hiện. Giống như trường hợp Vương An Thạch đời Tống, cuối cùng chỉ dẫn đến đấu đá nội bộ, mà chẳng đi đến đâu.
Hồ Quý Ly là một người có học thức uyên thâm, khát vọng kinh bang tế thế. Ông phê phán lối học khuôn sáo tầm chương trích cú đương thời, đả phá việc xem trọng lý luận siêu hình của Tống nho. Ông đặt lại các trường thi cho đầy đủ - đã được kế thừa về sau, tự mình viết sách, dịch sách, đưa việc dạy học về địa phương để tìm kiếm người tài, chú trọng vào chỗ thi hành thực tiễn, thay vì chỉ viện dẫn kinh điển. Ông cũng xem trọng chữ Nôm, dịch những chỗ tâm đắc ra chữ Nôm, làm thơ phú, viết lách bằng chữ Nôm, và có ý định đưa vào thi cử. Ngày nay, tư liệu bằng chữ Nôm cũ nhất còn lại, có lẽ chỉ còn bộ 'Quốc âm thi tập' của Nguyễn Trãi. Suốt một thời Lê sơ, Nam - Bắc Triều, Trịnh -Nguyễn phân tranh, đều không có một tác phẩm chữ Nôm nổi bật nào khác. Điều đó có thể cho thấy không khí học tập đặc biệt một thời, ở đó sự đề cao ngôn ngữ dân tộc đến mức nào. Là một trí thức có chân tài thực học, có lẽ do đó mà ông có chỗ gần gũi với tâm hồn Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi. Về sau 2 con người tài hoa ấy cùng ra làm quan dưới triều của ông. Nhưng Hồ Quý Ly lại quá mạnh tay, không kiêng nể tầng lớp quý tộc, sỹ phu cũ, không e dè chúng nhân tăng lữ, không xem sét đến cảm nhận của dân gian, lại càng không để vào mắt tư duy của giới trí thức đương thời. Một mình ông như đi thuyền giữa biển, chỗ đó cũng nói lên tính cố chấp, thiếu linh hoạt của một học giả. Hồ Quý Ly là một con người quyết đoán và hành động, trong vòng có mấy năm mà ông làm được rất nhiều việc như: cải cách chế độ điền trang thời Trần bằng hạn điền, hạn nô, cải cách thi cử và giáo dục, khuyến khích chữ nôm và tính toán, ban hành tiền giấy, cải cách thuế khóa, tăng cường quản lý ruộng đất công và hộ tịch, nâng cao kỹ thuật quân sự, ... Chỉ tiếc rằng ông có chí để dời non lấp biển, mà công việc của ông lại chưa mang lại được nhiều kết quả, cũng như không có đủ thời gian để thực hiện và quan trọng hơn cả là không có những con người có tài năng để cùng ông gánh vác. (Mà với tính cách quyết đoán của Hồ Quý Ly, có lẽ cũng ít ai đến gần ông được). Những việc ông làm mất lòng người lại quá nhiều, ông bắt thi cử, ép hoàn tục giới tăng nhân mà không sợ mất lòng dân chúng vốn chuộng đạo Phật. Ông tự mình tiếm ngôi mà không sợ sự coi thường của một xã hội đã thấm nhuần đạo Nho. Cũng là thay triều đổi ngôi, mà trước đây Trần Thủ Độ tuy không học sách vở nhiều mà làm việc khéo léo, sắp xếp chu toàn hơn ông. Nên sau cuộc thí đoạt, Trần Thủ Độ có thể thành công trong cuộc xây dựng triều đại của mình. Tuy nhiên cũng phải xét thêm, là chính sách của Trần Thủ Độ tuy không đột phá nhưng lại thiết thực, có tác dụng ổn định xã hội và cải thiện đời sống hơn (Ví dụ như chính sách khuyến khích khai hoang lập ấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, ...).
Một lý do hết sức quan trọng nữa là nhà Trần đoạt ngôi khi nhà Tống đã suy yếu, biên thùy tương đối yên ổn, nên có đủ thời gian để ổn định cục diện và nhân tâm trong nước, thể hiện được năng lực lãnh đạo của mình (gần 30 năm). Trong khi ấy, nhà Hồ chỉ có vẻn vẹn 6 năm, lại đúng khi quân Minh đang mạnh, lúc nào cũng phải gồng mình lo chuẩn bị chiến tranh nên quốc lực không được bồi đắp đủ, đời sống thứ dân lại hay bị phiền nhiễu. Đến khi quân Minh kéo sang thì đơn độc đối chọi với kẻ thù mà đi đến thất bại.
Nhận thức được hạn chế ấy, cho nên sau này, Nguyễn Trãi khi phò Lê Lợi đã đề ra chính sách cố kết nhân tâm, nêu cao đại nghĩa để tiến hành khởi nghĩa. Giúp cho phong trào Lam Sơn sau giai đoạn khó khăn đạt được những bước tiến thần kỳ, "nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới"," kiếm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn". Chính là nhờ đường lối thân dân, tụ họp 4 phương manh lệ ấy .
Ở Nguyễn Trãi, cũng có cái tài bác sử thông kinh như Hồ Quý Ly, nhưng ông đã bù đắp vào đó chỗ am hiểu về lòng người, gần gũi với thế gian. Cho nên, có thể thấy, tất cả những cuộc biến chuyển lớn lao, nếu như không thuận theo với thế thời, không hòa hợp với lòng người, thì suất sắc đến mấy, sức 1 vài người cũng không sao làm nổi.
Có lẽ vì thế mà trong 'Bình Ngô đại cáo' Nguyễn Trãi chỉ chê trách nhà Hồ là "Chính sự phiền hà" mà thôi .
Bài Quan hải, Ức trai cũng để lại bao cảm hoài về số phận của những kẻ hào kiệt một thời:
關 海 樁 木 重 重 海 浪 前, 沉 江 鐵 鎖 亦 徒 然。 覆 舟 始 信 民 猶 水, 恃 險 難 憑 命 在 天。 禍 福 有 媒 非 一 日, 英 雄 遺 恨 幾 千 年。 乾 坤 今 古 無 窮 意, 卻 在 滄 浪 遠 樹 煙。 Quan hải Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền, Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên. Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ, Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên. Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật, Anh hùng di hận kỷ thiên niên. Kiền khôn kim cổ vô cùng y, Khước tại Thương Lang viễn thụ yên Bản dịch Đào Duy Anh Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển, Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi. Lật thuyền mới rõ dân như nước, Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời. Hoạ phúc gây mầm không một chốc, Anh hùng để hận mấy trăm đời. Vô cùng trời đất gương kim cổ, Cây khói xa mù bát ngát khơi.
img_0