Một tinh thần hòa giải trong điện ảnh Đặng Nhật Minh
Về tác phẩm cuối cùng của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Hoa nhài, và tinh thần hòa giải xuyên suốt điện ảnh bác.
Từ Bao giờ cho đến tháng Mười, đến bài bình tổng hợp, đến cuối cùng dừng lại ở Hoa nhài, mình nghĩ, mở đầu vốn đã khó, thân khó, chọn một cái kết lại càng khó hơn.
Cái khó nhất ở đây là vì đó là Hoa nhài.
Mỗi đạo diễn có một giọng điệu riêng. Giọng điệu của bác là không lên giọng, cũng không xuống giọng, cứ bình bình như vậy mà kể về cuộc đời, bởi vì cuộc đời, đúng là vốn cũng đâu có nhiều kịch tính, mình thầm nhủ vậy.
Lần này thì khác, với Hoa nhài, mình biết, rồi đó cũng sẽ là một phần của lịch sử, cũng là một nét mực trong những năm tháng phát triển của đất nước, mà ở đó, ai rồi cũng sẽ là lịch sử, hoặc là một phần của lịch sử, không nhất thiết phải là oanh liệt, thì mới đáng nhớ, đáng được khắc họa.
Nhưng cũng bởi vậy mà Hoa nhài lại làm khó mình khai triển được một bài viết dày dặn và như ý. Thế nên, mãi vẫn không hạ bút được.
Mình nghĩ mãi nghĩ mãi, rồi cuối cùng mới đưa ra được quyết định. Lần này, với Hoa nhài, hãy để mình được nói về “Tinh thần hòa giải” trong điện ảnh bác.
Thành thật mà nói thì chính mình cũng không rõ ràng mấy, nguồn gốc ý tưởng này bắt nguồn từ đâu. Một tia linh cảm nhỏ nhoi hình như bật ra từ lúc bác trả lời phỏng vấn. Bác nói, bác vẫn nghe người ta chê Hà Nội thế này, thế khác, người Hà Nội thế nọ, thế kia. Và đó là động lực để bác làm bộ phim này, một bộ phim tôn vinh những điều tốt đẹp giản đơn của người Hà Nội.
Trong phim, bác đã chọn kể nhân vật chính trong mạch phim là cậu bé Đức, một cậu bé ở ngoại thành Hà Nội, vào trong thành phố, cố gắng đánh giày để chắt mót chút tiền sống qua ngày, và phụ mẹ đang bệnh nặng phải nằm viện.
Thực ra điều mình tò mò hơn cả khi xem những cảnh đánh giày là, thực sự vẫn còn nghề nghiệp này sao, và thực sự có thể kiếm sống qua ngày chỉ dựa vào nó sao?
Nhưng thôi, cứ tạm bỏ qua điểm này, mình nghĩ, cũng như nhiều người, mình sẽ bị cuốn vào cảnh hai ông bà nghe tin mẹ Đức nhập viện phải phẫu thuật, đã vội vã đến, nộp viện phí, mà không mong chờ được trả lại.
Mình nghĩ, dường như cháu có thể gặp hai ông bà ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam này. Ở Sài Gòn, ở Huế, ở Đà Nẵng, hay Nha Trang… Đâu đâu cũng có, ai ai cũng sẽ có lúc đẹp bình dị đến vậy mà thôi!
Phương tiện truyền thông đại chúng càng nhiều, báo đài càng nhan nhản những tin lừa đảo, cuộc sống cũng trở nên đáng chán ngán. Sau những ngày ngày mưa dầm, đột nhiên thấy hửng nắng nhân tình như vậy, cháu nghĩ, âu cũng là một vẻ đẹp của điện ảnh.
Nghệ thuật cuối cùng là gì chứ, là trông mong con người ta sống chân thành hơn, sống hướng thiện hơn, sống đẹp hơn đó thôi?
Và kể đến cái tốt đẹp của thầy giáo Hùng.
Thầy đi dạy hát cho những người khiếm thị. Và thầy cũng là người kéo Đức ra khỏi vũng lầy của cuộc đời, cho Đức được đi học, được có một cái nghề. Với thực tế thừa thầy thiếu thợ của Việt Nam, có lẽ, một đôi tay lành nghề bếp của Đức có thể đảm bảo cho cậu sống thoải mái trong suốt quãng đời còn lại của mình. Vậy là, nhờ những điều tốt đẹp, tử tế ấy, đến từ những con người khác nhau, cuộc đời một con người được vớt vát, thậm chí tốt đẹp hơn…Một người hùng rất bình thường trong đời sống thường nhật?
Hay phải chăng điều mà bác muốn nhắn nhủ là, mỗi một cái vươn tay đều có thể thành cái chung tay của xã hội, giúp đỡ mọi người cùng trở nên tốt đẹp hơn, cùng đi tới một tương lai đáng sống hơn?
Bản thân đạo diễn Đặng Nhật Minh khi làm bộ phim này là bắt nguồn từ nhã ý hòa giải một sự hiểu lầm đã ăn sâu vào nhiều người. Và bản thân từng chi tiết tốt đẹp như thế này, là một sự hòa giải vùng miền đậm nét, vì mìnhthấy nó rất đơn giản, đơn giản đến nỗi, dù là ở vùng miền nào đi nữa cũng có thể bắt gặp một người như thế - người Việt Nam chúng ta.
Thật ra, phân biệt vùng miền không phải là vấn đề mới trong xã hội nước ta, và kể cả các quốc gia khác trên thế giới. Nó bắt nguồn từ sự khác nhau trong tất cả mọi vấn đề, mọi sắc độ, và lâu dần, nếu không có sự điều hòa tốt, sẽ trở thành sự khác biệt to lớn. Trong ý nghĩ có phần hơi to lớn quá mức của mình, nếu có nhiều hơn một Hoa nhài chung tay, có lẽ sẽ xóa nhòa ranh giới vùng miền hơn một chút - một vấn đề mà càng tô đậm thì chỉ càng đem lại sự bất ổn, không hơn!
Và mình còn bắt gặp tinh thần hòa giải này một lần nữa, trong Đừng đốt.
Mình lần mò đến Đừng đốt
Hiện tại mình xem phim, đều sẽ sử dụng công cụ hỗ trợ tăng tốc độ. Có phim mình xem với tốc độ gấp 1.25 lần bình thường, có phim là tốc độ gấp 2, thậm chí, một số phim quá chậm, mình có thể xem với tốc độ gấp 3 lần. Thậm chí, có một số công cụ hỗ trợ tăng tốc độ đến gấp 32 lần. Đã có một lần mình thử tính năng này, và xem một bộ phim dài một tiếng rưỡi đồng hồ trong 3 phút. Tất nhiên là chẳng có gì ngoài những khung hình nhanh đến chóng mặt. Mình chia sẻ với bác điều này chỉ muốn nói rằng, dường như hiện tại, không chỉ người ta, mà cả mình nữa, cũng muốn sống nhanh, sống gọn.
Nhưng với Đừng đốt, mình đã không tua. Mình nghĩ, thành công không nên chỉ biểu đạt đơn giản như vậy, nhưng ít nhất, đó cũng là một trong các cách thức để mình biểu đạt rằng một lần nữa, phim của bác thực sự hay, không thừa, không thiếu, và có một nhịp độ vô cùng tốt. Hoặc có thể chỉ đơn giản là phù hợp với mình. Mình nghĩ khống chế nhịp độ là một cái gì đó khó hơn cả!
Và thêm nữa, mình đã đọc lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Nói là đọc lại là bởi vì năm đó khi quyển nhật ký này làm dậy sóng truyền thông, mình đã từng đọc vài trang, nhưng lại cảm thấy quá đỗi bình thường. Nó thậm chí không “hay” như mình nghĩ.
Và mình bỏ lửng nó.
Mình cũng biết Đừng đốt của bác, nhưng cháu lại chưa xem, nói ra thì khi đó, Internet cũng chưa phổ biến như bây giờ.
Trước hết, mình phải thừa nhận rằng, thật khó để đưa tác phẩm này lên màn ảnh rộng.
Nó rất đơn giản, nó rất bình thường, nó có đầy đủ những yếu tố của nhật ký, ghi chép những điều diễn ra hằng ngày, những sự vụn vặt, hỗn độn, những cảm xúc lặp lại, những dày vò trường kỳ. Là một người hay viết nhật ký, đôi khi cháu còn nghĩ, người ta hay viết nhật ký khi buồn, chứ chẳng mấy ai viết khi vui. Có lẽ đó là lý do cuốn nhật ký này là một chuỗi những sự lặp đi lặp lại, của một đôi tình cảm ẩn khuất khó giãi bày, của những nỗ lực cứu chữa vết thương, và của những cái chết. Những cái chết không của cùng một người, với tần suất khủng khiếp, đến mức người ta phải hoảng hốt vì sự khốc liệt của chiến tranh.
Có quá nhiều tình cảm trộn lẫn trong từng trang nhật ký. Bóc tách và xếp đặt chúng làm sao thì quả là còn khó. Cháu cũng đã nghĩ, có lẽ một điều nổi cộm lên trong cách viết kịch bản của bác là nó không đi đến kịch tính mức cao nhất. Bác không thích điều đó chăng? Có lẽ như bác nói, cuộc sống thì chảy trôi như vậy, không có kịch tính đến mức đó đâu, và mọi thứ, chỉ vừa đủ.
Vừa đủ hay, vừa đủ ám ảnh.
Mình nghĩ như vậy đó lại càng khó. Người ta ấn tượng hơn với những gì cao trào, kịch tính. Còn món ăn của bác bày biện lại thanh đạm, hơi quá lửa một tí thì không đúng, mà yếu đi chút lửa, thì lại không ngon.
Cảm ơn bác, đã cho cuốn Nhật ký ấy một đời sống hoàn toàn mới.
Nhưng bác biết không, lần thứ hai trong lúc xem phim bác, cháu không kiềm được nghĩ đến sự hòa giải ở bộ phim này.
Nếu như ở Hoa nhài, đó trước hết là một sự hòa giải mang tính vùng miền, thì ở đây, cấp độ đã được nâng lên, đó là sự hòa giải giữa hai thế lực: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa, thông qua nhân vật Mai, và sự hòa giải giữa hai đất nước, Việt Nam và Mỹ, thông qua Fred.
Mình lại càng vô cùng cảm động khi thấy chi tiết Iraq được bác lồng vào. Máu thịt ở quốc gia nào thì cũng là máu thịt, tình thương ở quốc gia nào thì cũng là tình thương. Đó là những điều không khác biệt trên cõi đời này.
Sự cảm động dâng lên từ trong những suy tư. Và chi tiết thì giúp làm dày câu chuyện, có tầng có tán. Ở đâu thì tình yêu cũng giống nhau, nỗi buồn cũng giống nhau, nó không phân thế lực, chủng tộc, ngôn ngữ. Nó dễ cảm động người ta, khiến người ta bị thiêu đốt, phải lặn lội bao năm để trả quyển nhật ký về gia đình của chủ nhân nó.
Thực ra bản thân cuốn nhật ký không giàu chất liệu điện ảnh đến vậy, nhưng cuộc hành trình để nó về với gia đình thì có. Thật lạ và chẳng biết là có thật không, nhưng mình đọc được ở đâu đó rằng, khi tìm kiếm, Fred thậm chí đã nghĩ, liệu chị Đặng Thùy Trâm có phải là có họ hàng với bác sĩ Đặng Văn Ngữ hay không?
Mình thì còn thấy kỳ lạ ở một điểm nữa, mà mình nghĩ suốt không ra. Không biết tại sao, mình luôn cảm thấy các phân cảnh của bác rất rời nhau, nó chừng như không liên quan gì cả, nhưng cứ đi dần dần từng bước, từng bước một lại không hề khó hiểu, nó dễ hiểu đến độ mình không miêu tả được. Nhưng đó là chất keo gì chứ, hoặc đường khâu gì chứ, mình vẫn nhìn mãi mà chưa ra…
Ở cấp độ hòa giải cuối cùng, mình sẽ viết về Hà Nội mùa đông năm 46.
Hà Nội mùa đông năm 46 vẫn gây ấn tượng với mình là vì trên trang Wikipedia của bộ phim có đầy đủ các phân cảnh một cách cụ thể, chi tiết. Mình không biết làm sao mà lại có, trong khi các phim khác của bác thì không. Nhưng dù sao, với mình, nó lại làm mình ấn tượng thêm.
“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”
Thực ra câu này mình đã học thuộc suốt những năm phổ thông, đến bây giờ vẫn có thể đọc lại tương đối suôn sẻ. Nhưng nếu như không có phim của bác, quả thực mình vẫn không cảm nhận được, tình thế lúc đó lại khó khăn như vậy.
Chúng ta có một đất nước non trẻ, và một chính quyền non trẻ. Chúng ta chắc chắn không muốn chiến tranh. Phải, có lẽ bất cứ giai đoạn nào cũng vậy, trên thực tế, chiến tranh đồng nghĩa với mất mát hơn là chiến thắng, độc lập, tự do. Nếu chúng ta có thể đi đến độc lập, tự do, mà không cần đổ máu, thì chính là điều tuyệt vời nhất. Hơn bất cứ điều tuyệt vời nào.
Nhưng sự thực đã cho thấy, thực dân Pháp chưa bao giờ ngưng dã tâm.
Chúng đánh vào Nhà Hát Lớn, chúng khiêu khích trên đường phố, chúng làm tất cả mọi thứ để buộc nhân dân ta bước vào một cuộc chiến mới.
Và trong dòng chảy của lịch sử, dân tộc Việt Nam vẫn lựa chọn đứng lên, kiên trì với bản sắc ngàn năm cha ông để lại.
Ở bộ phim này, mình nghĩ đã rất thành công trong việc khắc họa tinh thần yêu hòa bình của nhân dân ta, yêu hòa bình khi đương hòa bình, khi sắp đối diện với chiến tranh, khi đối diện với chiến tranh, và cả khi hòa bình lập lại.
Đó là một sự hòa giải của nhân dân ta đối với nhân dân trên toàn thế giới.
Mình được biết bộ phim cũng đã được chiếu ở nhiều liên hoan phim. Mình nghĩ, đó là một sự hòa giải của dân tộc ta với các dân tộc khác trên toàn thế giới. Chúng ta không hiếu chiến, chúng ta chỉ yêu hòa bình.
Chúng ta chỉ là sẽ chiến đấu đến khi bầu trời tuyền một màu xanh thì thôi.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất