Cậu Vàng 2021 vốn đã là một bộ phim gây tranh cãi ngay từ cái thời chọn chó đi diễn. Nhà sản xuất quyết định chọn một con chó Nhật (Shiba) được đóng vai của chó Việt. Đó thực sự là một quyết định dũng cảm, khi nó hùng dũng đạp lên cái sự thật lịch sử rằng chính Nhật là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái đói trong tác phẩm gốc.
Bộ phim còn dũng cảm hơn nữa khi cho một phân cảnh con chó này xuất hiện như một siêu anh hùng, đánh bại hết đám chó cỏ xung quanh, và vươn lên vị trí của kẻ dẫn đầu.
Cơ mà thôi, tôi không bàn đến con chó ấy. Bỏ qua sự dũng cảm kinh người này của nhà sản xuất, hãy bàn đến câu chuyện được kể trong phim một cách khách quan nhất.
Nhân danh một người suốt những năm tháng cấp 2 được gọi là Vàng ( :> ), tôi tự hỏi bộ phim có thể truyền đạt được thông điệp gì khi chính đạo diễn Trần Vũ Thủy đã thất bại trong việc trả lời những câu hỏi cơ bản nhất.

Câu hỏi đầu tiên, ai là nhân vật chính ?
À thì chắc nhân vật chính là Cậu Vàng, vì cái lẽ hiển nhiên tên phim là Cậu Vàng. Nhưng rất tiếc, khoảng 90 phút thể hiện trên màn ảnh, các biên kịch và đạo diễn đã thất bại trong việc thể hiện sự hiển nhiên này.
Tuyến Lão Hạc - Cậu Vàng quá mỏng. Tuyến của Dì Ba quá dài không cần thiết, che mờ đi những ý đồ cốt lõi. Tình tiết dồn dập, quá nhiều nhân vật bị dàn trải cả về thời lượng và tính cách: Từ Lý Cường, Binh Tư đến vợ chồng Ông Giáo liên tiếp chen vào tuyến gốc của Cậu Vàng.
Thực ra nhiều nhân vật cũng chả sao, nhưng vấn đề là kết hợp họ thế nào để toàn phim tạo thành một cái mạch thống nhất và đẩy diễn tiến theo ý đồ bố cục. Phim Cậu Vàng 2020 là một chuỗi các tiểu cảnh nhỏ không liên quan nối tiếp nhau, làm cho phim thật sự loạn và khó nhìn ra nổi ai là nhân vật chính.
Tất nhiên chúng ta có thể suy nghĩ sâu xa hơn, như những bài phân tích thơ ca của giáo viên cấp 2, rằng đạo diễn Trần Vũ Thủy thực chất muốn xây dựng nhân vật chính ở đây là Làng Vũ Đại. Và mọi nhân vật, mọi câu chuyện đều xoay quanh nó.
Nhưng nếu có ai đó thực sự nghĩ vậy, tôi cho rằng họ đã nghĩ xa quá rồi. Vì hình ảnh cái Làng này được thể hiện cực kì nghèo nàn. Còn thua cả làng Đo Đo của Ngạn.
Quay lại chính yếu về câu hỏi nhân vật. Việc không xác định được nhân vật chính là lỗi lớn của Kịch bản. Nó đã tạo ra một bố cục rất thô, tham lam và thiếu sự tinh tế để làm nổi bật thứ cần phải nổi bật. Dựng phim cũng là một thủ phạm không thể bỏ qua. Việc dựng dồn dập, nối các tiểu cảnh liên tiếp với nhau mà không có điểm nối đã giết chết bố cục phim. Và tất nhiên, trách nhiệm còn lại lớn nhất thuộc về Đạo diễn.
Một món lẩu thập cẩm mà không rõ món nào là món nổi bật nhất, thì chỉ là một thứ bỏ đi.


Câu hỏi lớn thứ 2, động cơ của các nhân vật là gì ?
Mọi bộ phim đều là những lát cắt của những câu chuyện. Mỗi câu chuyện đều là sự kiện của các nhân vật. Và mỗi nhân vật thường thể hiện sự thay đổi, phát triển để nổi bật thông điệp phim.
Nhưng không phải vì thế mà đùng một phát nhân vật phát triển, đùng một phát nhân vật lớn lên. Như cái cây trồng sau vài phút đã lớn. Việc ép nhân vật phát triển tạo nên lỗ hổng của sự thuyết phục. Khiến cho nhân vật, thay vì là một con người (hoặc con chó) thì sẽ trở thành con rối đúng nghĩa của kịch bản.
Cậu Vàng 2020, rất tiếc, toàn những con rối kiểu vậy.
Con rối số một, Binh Tư. Binh Tư thực chất có một cái nền hay, vì hắn vốn được xây dựng trên hình ảnh của Chí Phèo - Một trong những nhân vật xuất sắc bậc nhất trong văn học Việt Nam mọi thời đại. Nhưng hãy xem, bộ phim đã làm gì với cái tiềm năng lớn lao này.
Binh Tư khởi đầu với câu chuyện của Chí: đi tù về, lang thang côn đồ, rồi trở thành tay sai của Bá Kiến và con trai. Điểm ngoặt ở đây để y quay về làm người lương thiện, là y được Lão Hạc cứu sống sau khi say rượu nằm ngất ở ngoài đồng.
Mặc dù bước ngoặt này trên phim được thể hiện hết sức sơ sài và vắn tắt chỉ qua 1, 2 cảnh cho có. Nhưng tôi cũng sẽ ghi nhận nỗ lực của Trần Vũ Thủy, vì nó giải thích trực tiếp cho việc Binh Tư từ chối lệnh phá hoại vườn Lão Hạc của Lý Cường. Đồng thời cũng làm nổi bật nét tính cách nghĩa khí của y.
Tuy nhiên, một và chỉ một điểm ngoặt nhỏ bé này không thể giải thích cho quyết định quan trọng nhất của Binh Tư: là y chết thay cho Dì Ba và Người yêu dì (Mà tôi chẳng nhớ tên).
Tại sao ? Tại sao ? Tại sao ?
Ừ thì Binh Tư có thể giúp Dì Ba vì y muốn làm người tốt. Nhưng chết thay ư ? Không thuyết phục!
Hoàn toàn có thể xây dựng thêm động lực của y, dựa vào nguyên bản Chí Phèo, đó là khao khát làm người lương thiện đến mức tuyệt vọng. Nhưng Chí Phèo quẫn chí lao vào tử cùng Bá Kiến vì y bị Thị Nở bỏ rơi, vì y nhận ra y không thể quay đầu. Còn Binh Tư, tại sao y bước vào cửa tử vì một người xa lạ ?
Tôi không biết. Giá mà tôi biết. Giá mà đạo diễn Trần Vũ Thủy trả lời trên phim được cho tôi, thì tôi đã không phải viết những dòng này. Việc áp đặt hành động vô lí ấy, mà không xây dựng động cơ cho nhân vật, là lỗi sơ đẳng thực sự rất khó chịu.
Nhân vật thứ hai, là một nhân vật xuyên suốt, Lão Hạc.  Sao Lão Hạc lại bán Cậu Vàng ?
Có thể hiểu trong tác phẩm gốc, là Lão Hạc đói. Lão cố sống cố chết giữ lại mảnh vườn cho thằng con, vì lão nghĩ đó là tiền đồ của con lão, là tương lai của nó khi nó quay lại làng. Trong truyện, Lão Hạc bán con chó đi để giữ lại vườn, rồi Lão nhịn ăn nhịn đói rồi quyết chết để không ăn vào tương lai của con Lão.
Trên phim thì sao ?Vừa cảnh trước còn ôm ấp nó, hạnh phúc bên con chó các thứ. Ngay cảnh sau đã chạy ra bảo ông Giáo là định bán nó. Và sau đó cũng không giải thích gì hơn.
Quyết định bán nó là hiển nhiên, nhưng cái tôi cần là lời giải thích. Cảnh nào chứng tỏ lão nghĩ cho tương lai con lão, cảnh nào chứng tỏ sự đói ăn khổ sở gây ra quyết định bán con chó - một phần của chính lão. Sự dằng xé trước khi Lão ra quyết định đấy đâu. Tại sao phải đột ngột như thế ?
Ai đó mà bảo tôi chỉ một câu thoại kiểu "Bán nó kẻo không có gì ăn" là đủ. Thì xin thưa là không thể đủ. Đây là quyết định quan trọng bậc nhất, và quyết định này xứng đáng được dành ít ra là vài phút để chuẩn bị và khai thác. Tại sao nó lại quan trọng à ? Vì đây là điểm gãy đầu tiên trong sự khổ cực của Lão Hạc. Lão phải bán đi kẻ thân thiết với lão nhất để giữ lấy niềm tin của mình.
Nhân tiện thì điểm gãy thứ hai là khi lão quyết định chết.
Một trong những sự kiện lớn lao như vậy, mà không thể khai thác được nguyên nhân, thì nếu tôi chưa từng đọc Lão Hạc, tôi có hiểu được không ?
Nhân vật thứ 3 có hành động tôi không hiểu nổi là ông Giáo. Đầu tiên ông Giáo từ chối bán sách để giúp Lão Hạc vì đó là sách quý của ông. Rồi bùm cuối phim có cảnh ông bán sách lấy tiền cho Lão Hạc.
Xử lí nhân vật này rất dễ. Chỉ cần cho vài giây ông Giáo nhìn Lão Hạc trầm ngâm các thứ chẳng hạn, rồi có khoảnh khắc quyết định hi sinh bộ sách ấy vì Lão, vì tình người. Là đã có một câu chuyện hoàn chỉnh. Kiểu thế.
Nhưng đạo diễn bảo không! Nhân vật này chỉ hành động theo chỉ thị của kịch bản, chỉ thị của tao. Không cần xây dựng động cơ đâu.
Chậc.

Câu hỏi thứ 3 tôi nghĩ bộ phim không trả lời được, là hồn cốt tác phẩm ở đâu ?
Cái hồn của tác phẩm gốc, xoay xung quanh cái đói và sự lương thiện. Là sự tuyệt vọng trong vòng quay xã hội bí bách, chèn ép con người.
Tất nhiên là phim thì có thể phóng tác, nhưng hình như phóng tác hơi xa. Vì ngoài Lão Hạc có vẻ nghèo đói ra, tôi thấy ai cũng hạnh phúc cười nói phớ lớ trong cái làng. Mọi nhân vật khác (Trừ Binh Tư) đều có vẻ no đủ và hoàn toàn không tuyệt vọng gì sất.
Cái đói đã không được xây dựng một Background nhân vật thuyết phục thì chứ, cái màu phim lại tươi mới theo trend Mắt Biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Thì, đạo diễn có vẻ đã đi hơi xa so với cái hiện thực tàn khốc của tác phẩm gốc.
Và cuối cùng, làm một trong những câu thoại tôi ghét nhất, không nguyên văn đâu nhé.
Binh Tư nói: Đến con chó Vàng còn sống tốt (gì gì đó), còn mấy người (gì gì đó)
Thì vấn đề là mối quan hệ giữa Binh Tư và con chó đâu được xây dựng tốt để y có thể thở ra câu đó. Ngoài cái cảnh con chó ngửi ngửi lúc y nằm bất động ngoài đồng (Và được giải thích chỉ bằng lời nói sau đó là nó cứu y ???)
Và con Vàng trong phim nó sống thể nào ? Trước cái lời thoại kia, tôi chỉ thấy nó sủa những ai bước vào nhà nó thôi, chứ để tóm lại thành một câu nói vĩ đại như kia, chẳng phải chưa đủ sao ?

Tóm lại là tôi hơi có định kiến về phim trước đó, nên chắc tôi có bỏ qua vài điểm tốt của phim, như diễn xuất hay việc lồng ghép văn hóa dân gian vào chẳng hạn. Cơ mà nói thật các ông ạ, xem phim xong khó chịu lắm!