Nhân dịp mình vừa mới coi xong một bộ phim tình cảm (tên của nó là Us and Them) và cảm thấy buồn tới mức không thể ngủ được, mình quyết định viết lăng nhăng đôi ba dòng về Gustav Klimt - hoạ sĩ yêu thích của mình. 
Nói sơ qua một chút về thân thế Gustav Klimt: Ông sinh 14/7/1862 và mất 6/2/1918, là con trai của một thợ kim hoàn có hơi hướng nghệ thuật. Người ta cho rằng chính vì từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với các kim loại lấp lánh từ cha mình mà về sau, trong những tác phẩm của ông, Gustav luôn sử dụng thứ kim loại vàng xa xỉ để tăng vẻ hào nhoáng và độc đáo cho tác phẩm của mình. Năm 1883, ông tốt nghiệp bằng kĩ sư ở Đại Học nghệ thuật Vienna, vài năm sau đó, Gustav cùng với người em trai mình và một người bạn mở một văn phòng “Company of Artist" và từ đây bắt đầu sự nghiệp hoạ sĩ vẽ kiến trúc chuyên nghiệp của mình. Năm 1888, ông được trao tặng huân chương vàng Merit bởi Hoàng đế Franz Josef I vì những đóng góp của mình. Năm 90, ông gặp Emilie Flöge, nàng thơ trong các kiệt tác của ông và là người đã theo ông đến cuối đời. Là người đã sáng lập ra nhóm Li khai Vienna - tổ chức hỗ trợ những nghệ sĩ trẻ không có tiền, Gustav Klimt là hoạ sĩ vĩ đại nhất của giai đoạn Tân Nghệ Thuật.
(Phong trào Tân Nghệ Thuật: Tuy chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn từ 1890 - 1914, với nỗ lực hiện đại hoá trong thiết kế và cũng nhằm dung hoà các sản phẩm đại trà với thủ công, các nghệ sĩ và nhà thiết kế Tân Nghệ Thuật đã sáng tạo nên những hoạ tiết uốn lượn, mềm mại và trang nhã, thường với những bố cục bất đối xứng mang lại cảm giác chuyển động. Các nghệ sĩ tân Nghệ Thuật nhắm đến mục đích nâng ngành thủ công và thiết kế lên thành mĩ thuật.)
Những đề tài, chủ thể mà Klimt thường hướng tới là phụ nữ, những người được ông miêu tả ở tư thế khiêu gợi nhất, và nhiều trong số đó là gái bán hoa. Ông yêu cái đẹp của người khác trong tranh hơn, trên hết là những người phụ nữ quyến rũ.

The Kiss




Được vẽ trong thời kì Hoàng Kim của Klimt, bức tranh khắc hoạ một người đàn ông đang cúi xuống hôn một người phụ nữ trên cánh đồng hoa. Có một số giả thiết được đặt ra cho bức tranh:
  • Người đàn ông đội vòng hoa là một vị thần Hy Lạp cổ đại, và những bông hoa trên đầu và cổ cô gái khiến xung quanh cô như đang toả ra một vầng hào quang, nên có thể cô cũng là một vị thần nào đó. 
  • 2 người trong bức tranh này không ai khác chính là Gustav Klimt và Emilie Flöge đang ân ái với nhau. 
Thứ khiến mình thích ở bức tranh này đó là chiếc váy của người phụ nữ được điểm tô bởi các lá vàng lá bạc, các hoạ tiết hoa lá rực rỡ màu sắc cùng các hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, uốn lượn và mềm mại, đây chính là cách Klimt thể hiện sự mềm mại, nữ tính và sinh sôi nảy nở. Nhưng đồng thời ở người phụ nữ này, ta cũng thấy một nét thoáng qua của sự mạnh mẽ, khi trên váy áo của nàng có một chút xám. Ngược lại, chiếc áo choàng của người đàn ông được trang trí bởi các biểu tượng cứng nhắc và đầy nam tính, tạo nên sự tương phản, hay nói cách khác là quy luật bù trừ trong tình yêu.

The tree of life


“Cây đời” – là một biểu tượng quan trọng trong Triết học, Thần học và Thần thoại. Nó là sự kết nối của thiên đường, mặt đất và thế giới ngầm và đồng thời, The tree of life (1909) của Gustav Klimt là một ví dụ hoàn hảo của những đường cong Tân Nghệ Thuật.
Các nhánh xoáy tạo ra biểu tượng thần thoại, cho thấy sự trường tồn của cuộc sống. Các nhánh xoắn, xoay, xoắn ốc và nhấp nhô, tạo ra một mớ các nhánh mạnh, dây leo dài và các sợi mỏng manh, một biểu hiện của sự phức tạp của cuộc sống. Với các nhánh vươn lên trời, cây sự sống đâm sâu vào trái đất bên dưới, tạo ra mối liên hệ giữa trời và đất. Cây sự sống được khắc hoạ bởi Klimt cũng tạo ra một kết nối với thế giới ngầm, biểu thị cho cái đích cuối cùng của bất kỳ sinh vật sống nào, được sinh ra, lớn lên và sau đó quay trở lại trái đất.
Sự tương phản của gương mặt hai người phụ nữ và không gian dát vàng “siêu thực” khiến gợi nhớ đến Adele Bloch-Bauer. Trong tranh Klimt, phụ nữ không chỉ là những nhân vật quyến rũ và bí hiểm, mà còn đóng vai trò trang trí, cũng như những bông hoa, những con chim, con bướm trên cây. Hai người phụ nữ hai bên tranh được coi là biểu tượng về hai giai đoạn của đời người, còn cái cây là một thực thể sống động, biến hình và thay đổi liên tục như cuộc sống vậy. Nếu coi “Cây đời” là một bức tranh phong cảnh thì đây là bức tranh phong cảnh duy nhất còn sống sót của Klimt mà có sử dụng chất liệu vàng.
(cá nhân mình thì mình rất thích nét mặt của 2 người phụ nữ được thể hiện trong bức tranh này. cô gái bên phải vẫn đang phơi phới tuổi xuân, vừa mới bước vào đời và vẫn đang ôm trong mình những mơ mộng và hoài bão, đó là lí do tại sao mà Klimt lại vẽ mặt cô gục lên tay như vậy. còn người phụ nữ bên trái, đó là biểu hiện của sự trải và sỏi đời, được trang điểm rất đậm và đôi mắt hơi xéo sắc. đặc biệt, hoạ tiết trên váy áo của cô gái bên trái là hình tam giác với tông màu lạnh, có phần gai góc hơn những chấm hình tròn màu sắc sặc sỡ của cô gái bên phải. cả 2 cô gái này đều khiến mình liên tưởng tới mẹ mình.)

Ba thế hệ


Tác phẩm có ba người phụ nữ ở các giai đoạn tuổi khác nhau, tượng trưng cho ba chu kỳ của cuộc sống.
Ba người phụ nữ là tâm điểm của tác phẩm. Hai người phụ nữ trẻ hơn đứng trong hào quang màu xanh có hoa văn màu sắc mát mẻ. Người phụ nữ lớn tuổi đang ở trong hào quang với sự khác biệt rõ ràng so với 2 người còn lại, khi có vẻ ấm áp hơn. Đối với người phụ nữ đứng giữa hai hào quang, đó là một cách thể hiện tinh tế của Klimt về vẻ đẹp chín mùi mặn mà nhưng đồng thời báo hiệu sự sắp chuyển giao tuổi tác của cô.
Nhân vật nhỏ nhất là một đứa bé, nó đang được mẹ bế trên tay và họ là hai người duy nhất chạm vào nhau, họ cũng có vải màu xanh tuyệt đẹp rủ xuống chân. Cả hai người phụ nữ này cũng nhắm mắt lại.
Trong bức tranh, người phụ nữ ngoài cùng bên trái được thể hiện xấu xí và già nua nhất, đó là lí do tại sao mà cô lại tự ti và xoã tóc rũ rượi che mặt đi. Mình nghĩ đã là một người con gái thì nhan sắc rất quan trọng, họ muốn đẹp để tự tin hơn, được mọi người công nhận và quan trọng nhất là được yêu thương. Nhưng nhan sắc không kéo dài mãi mãi, và họ luôn sống trong nỗi sợ hãi rằng khi họ già nua xấu xí đi, rằng sẽ không có ai yêu thương họ nữa.

Death and Life


Lí do khiến mình thích bức tranh này đó là vì nó gợi cho mình nhớ lại câu nói của Toru trong Rừng Na Uy “Cái chết gắn liền với sự sống. Khi ta sống, ta nuôi dưỡng cái chết.” và trong bức tranh này, Gustav Klimt cũng đã thể hiện một điều tương tự.
Khi nhìn vào bức tranh này, nó thể hiện một cách dung hoà giữa sự sống và cái chết, và ở một khía cạnh nào đó, thay vì sợ thần chết đứng bên trái, mình lại thấy rất vui vì những bông hoa, sự chở che, ôm ấp, nụ cười của những con người đang ôm lấy cái sinh linh bé nhỏ, để thể hiện rằng tuy con người sinh ra, cốt chỉ để đến cái đích cuối cùng là cát bụi, sự xuất hiện của chúng ta là quý giá và làm vui biết bao nhiêu người trên thế gian này.
p.s: thật ra ông này có nhiều tác phẩm nổi tiếng hơn nhưng mình chỉ thực sự thích 1 vài cái trên thôi :>>
nguồn:
http://soi.today/?p=134476