Một số trận chiến tại Trung Hoa cuối thời trung đại
Những đợt xâm lấn của Mông Cổ vào lãnh thổ nhà Minh; Nhật Bản xâm lược Triều Tiên; chiến tranh giữa Mãn Châu với nhà Minh; Mãn Thanh...
Những đợt xâm lấn của Mông Cổ vào lãnh thổ nhà Minh; Nhật Bản xâm lược Triều Tiên; chiến tranh giữa Mãn Châu với nhà Minh; Mãn Thanh thống nhất, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ là những hoạt động quân sự chủ yếu tại Trung Hoa cuối thời Trung Đại. Đây là một trích đoạn trong cuốn "Late Imperial Chinese army" của Chris Peers và Christa Hook. Đoạn này đưa ra một số trận chiến tiêu biểu nhằm khắc họa lại bức tranh về xung đột quân sự tại Trung Hoa từ thế kỉ 16 đến đầu thế kỉ 19.
1, Ứng Châu, 1517
Hoàng đế Chính Đức nhà Minh thân chinh chống lại Mông Cổ
Tháng 10 năm 1517, một lực lượng lớn quân Mông Cổ vòng qua pháo đài biên giới tại Đại Đồng tiến vào Trung Quốc. Ngày 18 tháng 10, họ bị một lực lượng quân Minh chặn lại ở Ứng Châu, cách Đại Đồng 40 dặm về phía Nam. Trận chiến lâm vào thế giằng co cho đến tận cuối ngày. Hôm sau, hoàng đế Chính Đức mang quân đến tiếp viện và trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông đã rất tích cực trong trận chiến, đích thân chiến đấu tiêu diệt quân địch và tự bảo vệ được bản thân. Đến hoàng hôn ngày 20 tháng 10, quân Mông Cổ rút lui, một cơn bão cát nổ ra đúng lúc đã che chắn cho họ trước sự truy kích của quân Minh
2, Bình Nhưỡng, 1593
Nhà Minh can thiệp vào chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên
422 nghìn quân Minh dẫn đầu bởi Lý Như Tùng tiến đến Bình Nhưỡng vào tháng 1 năm 1593. Đối thủ của họ là 18.700 quân Nhật dưới sự chỉ huy của Konishi Yukinaga. Các lính canh Nhật ở hai pháo đài gần đó bỏ trốn, Konisshi còn lại một mình trên một ngọn đồi phía Bắc thành phố. Đây là vị trí đắc địa, phía Tây được núi che chở, phía Nam và phía Đông được bao bọc bởi sông Tadong. Người Nhật đã củng cố chiến tuyến của họ bằng việc đào những con hào và xây hàng rào để hỗ trợ cho những xạ thủ súng hỏa mai (arquebusiers). Tuy có pháo, nhưng người Trung Quốc chỉ có 3000 tay súng, hoàn toàn bị áp đảo về hỏa lực. Do đó, Lý Như Tùng không còn cách nào khác ngoài việc tràn lên tấn công trực diện. Cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 10 tháng 2, các quan sát viên Triều Tiên đã bị sốc khi chứng kiến cảnh những người lính bộ binh Trung Quốc không được che chắn liên tục tiến lên rồi bị bắn hạ đến hàng trăm người. Sau hai ngày giao tranh đẫm máu, người Nhật bị đẩy lùi khỏi chiến tuyến, lui vào cố thủ trong thành Bình Nhưỡng và để lại chiến trường khoảng 2000 xác chết. Lý Như Tùng cho quân dừng lại nghỉ ngơi. Tranh thủ thời gian này, Konishi đã sơ tán thành phố và rút lui về phía Nam. Lý Như Tùng dẫn theo 1000 kị binh truy kích. Tuy nhiên ông đã phải bỏ cuộc sau khi đụng độ với một lượng lớn quân Nhật ở gần Seoul
3, Sarhu, 1619
Chiến dịch thảo phạt Mãn Châu của nhà Minh
(Lời người dịch: đoạn này chỉ đề cập đến một trong bốn cánh quân của nhà Minh trong chiến dịch lớn, những chi tiết được nhắc tới cũng còn một số vấn đề cần kiểm định lại)
Để đáp trả lại những hành động gây hấn của Mãn Châu tại biên giới, nhà Minh đã tiến một chiến dịch quân sự lớn vào đầu năm 1619. Bốn đạo quân Minh đi theo bốn hướng bắt đầu xuất phát vào tháng 4 năm 1619 với đích đến là thủ phủ của Mãn Châu ở Hetu Ala. Đội quân 2,5 vạn người của Đỗ Tùng là cánh quân đầu tiên đụng độ với quân Mãn Châu. Ông là một vị chỉ huy nổi tiếng với sự điên cuồng, hiếu chiến và nóng vội. Đỗ Tùng vội vã vượt sông với bộ binh và kị binh, bỏ lại những chiếc xe được trang bị pháo lại bờ bên kia. Sau khi vượt qua một số hàng phòng thủ bên ngoài, ông bị phục kích bởi 3 vạn quân Mông Cổ, đường rút lui bị cắt đứt. Trước tình hình này, ông cố gắng tiến lên một ngọn núi gần đó. Đây là một lựa chọn khá hợp lý, tuy nhiên Nỗ Nhi Cáp Xích đã đoán trước được tình hình, một cái bẫy thứ hai được giăng ra dưới chân núi đã giết chết Đỗ Tùng và rất nhiều binh sĩ quân Minh.
4, Trấn Giang, 1645
Mãn Thanh tiến xuống phía Nam tiêu diệt tàn dư nhà Minh
Trấn Giang là một thành phố quan trọng ở phía Nam của sông Dương Tử. Đây là điểm phòng thủ cốt yếu của quân Nam Minh trước đợt Nam tiến của Mãn Châu. Trịnh Hồng Quỳ và Cheng Ts’ai (?) là hai em của Trịnh Chi Long có nhiệm vụ trấn giữ khu vực này. Đêm mùng 1 tháng 6 năm 1645, trời có sương mù, tầm nhìn rất kém. Hoàng Tử Đa Đạc của Mãn Châu hạ lệnh cho thả những chiếc bè không người được thắp đuốc để đánh lừa quân Minh trong khi lực lượng chính dùng một con đường khác ở phía hạ lưu. Quân Minh mắc mưu, hai anh em họ Trịnh bỏ lại quân lính của mình rồi chạy lên Phúc Châu bằng đường thủy. Trấn Giang thất thủ, Nam Kinh trơ trọi trước bước tiến của Mãn Châu.
5, Hai lần hãm thành Albazin, 1685-86
Đụng độ biên giới giữa Nga và Mãn Thanh
Năm 1685, người Nga gần như hoàn toàn bị đẩy khỏi thung lũng Amur ở miền Bắc Mãn Châu. Albazin là căn cứ duy nhất còn sót lại của họ được phòng thủ bởi 500 người Cossacks. Pháo đài được xây bằng gỗ với những tháp canh, hỏa điểm có thể trang bị pháo, bên ngoài được hào bao bọc, bên ngoài hào có thêm một lớp hàng rào gỗ. Tháng 6 năm 1685, một vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của viên quan địa phương Sabsu đã xây dựng các công trình bao vây pháo đài và đưa những tàu pháo đến sông Amur. Để tấn công pháo đài, quân Thanh phóng hỏa đốt cháy hàng rào gỗ bên ngoài. Tolbuzin đầu hàng và được cho phép quay về Nerchinsk. Người Mãn Châu đốt pháo đài rồi bỏ đi, họ không để tâm đến việc tàn phá hay thu hoạch các cánh đồng đang đến vụ mà người Nga đã gieo trồng trong khu vực lân cận. Ngay sau đó, Tolbuzin đã tái chiếm khu vực với 826 người, 12 khẩu pháo và 1 kỹ sư Phổ đi theo hỗ trợ kĩ thuật. Albazin được xây dựng lại và trở thành một pháo đài kiên cố, thuốc súng và lương thực được dự trữ đầy đủ. Tháng 7 năm 1686, Sabsu trở lại với 7000 người và 40 khẩu pháo. Ông đặt những khẩu đại bác tại một ngọn đồi cách đó 1/3 dặm và đặt những khẩu pháo nhẹ hơn cách lớp hàng rào gỗ ngoài cùng 500 bước. Dưới sự yểm trợ của pháo binh, quân Mãn Châu đã bắn những mũi tên lửa và sử dụng những chiếc xe được trang bị khiên để che chắn cho binh lính tấn công. Tuy nhiên, những khẩu súng Nga đã làm thất bại những nỗ lực trèo lên pháo đài. Tolbuzin tử trận, tuy nhiên pháo đài vẫn đứng vững cho đến tháng 11, khi những cuộc thương lượng giữa hai quốc gia bắt đầu. Chỉ còn 66 người phòng thủ còn sống. Người Nga nhận thấy họ không có khả năng giữ được pháo đài nên đã đồng ý trao nó cho triều đình Mãn Thanh.
6, Maymyo, 1767
Mãn Thanh xâm lược Miến Điện
Minh Thụy, phò mã của hoàng đế Càn Long dẫn 5 vạn quân chia làm hai đường tiến đến thủ đô Ava của Miến Điện. Đội quân đầu tiên tiến tới Bhamo, đội quân thứ hai do đích thân Minh Thụy chỉ huy tiến xuống phía Nam vào Hsien-wi. Sau khi tiến vào Kaungton, viên chỉ huy cánh quân Thanh này đã tự ý rút lui. Vua Miến Điện Hsinbyushin đã phái hai đạo quân đến đối phó với Minh Thụy, một đạo quân bao gồm 1 vạn bộ binh và 2000 kị binh tiến thẳng tới giáp chiến với quân Thanh. Trong khi đó một lực lượng lớn hơn dưới quyền chỉ huy của Maha Thuha Thura di chuyển vòng qua các ngọn đồi phía Nam để đánh vào phía sau quân Thanh. Minh Thụy nhanh chóng đẩy lùi được đạo quân phía trước và tiếp tục tiến lên. Tuy nhiên, những kĩ sĩ Mãn Châu đã thất bại trong nỗ lực bảo vệ tuyến đường hậu cần. Hai ngày sau, tại một địa điểm cách Ava 50 dặm về phía Đông Bắc, Maha Thiha Thura xuất hiện ở phía sau quân Thanh. Ba ngày sau đó, quân Thanh bị kẹp giữa hai đạo quân Miến Điện. Minh Thụy cố gắng dồn lực tiêu diện lực lượng nhỏ hơn để phá vòng vây, tuy nhiên quân Miến đã trụ vững được cho đến khi các cánh quân khác xuất hiện và cùng tấn công quân Thanh ở mọi hướng. 2500 người Trung Quốc bị bắt làm nô lệ, phần còn lại bị tàn sát. Để chịu trách nhiệm cho thất bại của mình, Minh Thụy đã tự sát.
7, Yarkand, 1830
Nhà Thanh phòng thủ trước các thế lực vùng biên
Một vạn kị binh Kokandi băng qua núi Ala T’au tiến vào thung lũng Tarim và chiếm thành trấn vùng biên Kashgar của Trung Quốc. Lực lượng quân đội gần đó ở Yarkand đã tổ chức phòng thủ mặc dù chỉ có 500 quân Bát kỳ và 4500 dân quân địa phương được huấn luyện sơ sài. Pich’ang, viên quan nhà Thanh ở khu vực này đã triển khai 400 người của ông phục kích bên ngoài cổng phía Đông và để lại 1000 dân binh bảo vệ thị trấn và trại lính Mãn Châu. Ông đã phá vỡ những quầy hàng ngoài trời và các tòa nhà để tạo khoảng trống cho những khẩu pháo khai hỏa. Kokandi vội vã tấn công vào cổng và nhanh chóng mất 300 người chỉ sau loạt bắn đầu tiên. Sau đó, họ tập hợp lại và tấn công một lần nữa nhưng không thành công. Kokandi quyết định rút lui, mang theo một lượng lớn nô lệ và chiến lợi phẩm cướp bóc được từ những vùng xung quanh.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất