Tôi và cậu đi chơi. Chúng ta không phải bạn bè nhưng cũng không phải người yêu. Chúng ta là một cái gì đó khác, cái mà nếu ta gọi tên nó ra thì nó sẽ biến mất. Sự gọi tên là một sự bạo lực của con người, mà khi chúng ta đặt tên cho nó, chúng ta đã gán cho nó một sự phổ quát nào đấy. Khi tôi gọi chuyến đi chơi này là đi cùng một người bạn, tôi sẽ phải đối xử với cậu như bạn bè với những quy luật xã hội chung của tình bạn. Khi tôi gọi đó là tình yêu, thì chúng ta lại bị nằm trong một lớp nghĩa hoàn toàn bị giới hạn bởi ngôn ngữ với những quy luật chung của nó.
Vì vậy, chúng ta đi chơi nhưng chúng ta không nói giữa chúng ta là gì. Chúng ta chỉ đi chơi thôi, nhưng giữa mọi hành động của chúng ta là sự vờn trốn. Xin hãy chú ý lại: Đây không phải một tình cảm được định danh. Và khi tôi sử dụng sự vờn bắt, tôi không đặt tính nam hay tính nữ ở vị trí cố định “vờn” hay “trốn” cả. Trên thực tế, giả sử người A là người “vờn” còn người B là người “trốn” (vẫn không có giới tính ở đây), chúng ta hoàn toàn có thể đảo ngược vị trí của hai người: Đâu có lý do gì để chúng ta không cho rằng người B đang chạy trước và dẫn dắt người A vào cõi xa lạ. Điều này Baudrillard gọi là phép “hoán vị” (hoán đổi vị trí – reversibility) hay từ quyển Seduction trở đi, gọi là “sự quyến rũ - seduction” (bản thân gốc từ “quyến rũ” trong tiếng Anh và Pháp đã là “làm cho chệch hướng”, nhấn mạnh vào sự chủ động của vật bị chứng kiến).
Một cuộc hẹn hò luôn chứa đầy những ẩn ý ngầm, những dấu hiệu của nó. Những dấu hiệu ở đây là gì? Là những câu nói xa nói vòng, chia sẻ về người yêu về sự trông ngóng, là ánh mắt cậu chìm trong âm nhạc nhưng thỉnh thoảng liếc nhẹ sang tôi. Là cách cậu để tay xuống ghế, ngón tay duỗi ra, thật thật gần tay tôi, dường như là vô ý. Tôi có nên nắm tay cậu không? Tôi có quàng tay qua người cậu khi cậu kêu lạnh và ép cậu dựa vào vai tôi không? Tôi nên đáp trả những dấu hiệu của cậu bằng những dấu hiệu gì?
Paul Ricoeur lại nói, những dấu hiệu và những biểu tượng là cách ta khái niệm hoá những thứ phi vật thể. Quá trình này là quá trình thông diễn (hermeneutics). Tình yêu là một thứ phi vật thể như vậy. Khi tôi thông diễn những dấu hiệu của cậu, cái tôi đạt được có phải tình yêu không?
Giả sử tôi chọn đáp trả những dấu hiệu của cậu – hoặc ngược lại, cậu chọn đáp trả tôi – thì có nghĩa là tôi đã phá vỡ tình cảm cá nhân kia, tôi đưa nó ánh sáng ra bằng chữ viết, bằng khái niệm. Cùng với lúc tôi thổi sự sống, sự tồn tại vào tình cảm đó, tôi cũng tự tay tiêu huỷ nó cùng sự phổ quát. Nhưng tôi phải làm thôi. Một cuộc vờn trốn luôn có cái kết của nó. Và tôi nên đáp trả những dấu hiệu đó bằng gì?
Một nụ hôn. Bằng một nụ hôn.
Tác phẩm Ruby's Room No.6 của nhiếp ảnh gia Anne Noble.
Nụ hôn bất chợt, đôi khi trước hoặc sau khi nắm tay, trước cả khi tôi ôm trọn cậu vào lòng, là một dấu hiệu hoàn hảo cho sự kết thúc. Nó không thể, và không nên đến bằng lời nói: Chúng ta đang kết thúc một hành trình vô cùng cá nhân, liệu cậu có muốn chúng ta đột ngột bạo lực lôi nó ánh sáng bằng một câu cảm thán hay một lời tuyên ngôn? Chúng ta hãy kết thúc sự mơ màng vô danh trong cuộc hẹn bằng sự tôn trọng với những dấu hiệu. Chúng ta kết thúc nó cũng bằng một dấu hiệu.
Nụ hôn là một dấu hiệu đặc biệt. Nó chỉ đẹp và nó chỉ hoàn hảo khi có sự đồng thuận từ hai phía. Trong khoảnh khắc từ thông diễn tới hành động, tôi phải rụt rè đánh cược: Liệu tôi hôn cậu có là đúng? Liệu cậu sẽ hôn lại tôi, sẽ đẩy tôi ra hay sẽ tát tôi? Trong chính khoảnh khắc đó, tôi đang giữ một lời hứa với tôi của tương lai, người nằm trong tay quyền định đoạt của tôi qua những hành động của tôi hiện tại. Cũng trong chính khoảnh khắc đó, khoảnh khắc trước-nụ-hôn, cậu đang giữ quyền định đoạt chính tôi hiện tại, vì mọi hành động của tôi sẽ chỉ thật sự hoàn thành và tương lai sẽ bắt đầu chỉ khi cậu kết thúc nó, dù bằng cách nào chăng nữa. Đó là khoảnh khắc của vô hạn khả năng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nụ hôn đến từ miệng. Miệng nơi chúng ta nói, chúng ta trực tiếp sử dụng ngôn ngữ. Hôn là việc khiến ta không thể nói. Chúng ta áp môi vào nhau, và giữa sát na đó, một thứ gì đó vừa nổ ra và một thứ gì đó và biến mất, thứ không-thể-nói. Giống như pháo hoa, khi nó đẹp là khi nó đang tàn lụi.
Nụ hôn, chính vì sự không thể nói của nó, lại một lần nữa đại diện và vượt lên trên cả tình yêu bằng lời. “Tôi yêu cậu quá, tôi yêu cậu đến mức không lời nào diễn tả được” chính là khái niệm của một nụ hôn chân thành. Tôi hôn cậu nghĩa là chúng ta đã có một hành động gì đó vượt lên trên cả lời nói, chúng ta đã tìm được sự đồng thuận chung, và chúng ta cùng làm một hành động giống nhau. Chúng ta chấp nhận nhau để bước vào thế giới của nhau.
Nhưng nếu cậu đẩy tôi ra – như vậy cũng có sao? Tôi sẽ không làm cậu không thoải mái. Tôi xin lỗi vì đã thông diễn sai những ký hiệu như vậy và mong cậu không khó chịu. Cuộc vờn trốn kết thúc. Nếu cậu vẫn thấy ổn, và vẫn tôn trọng tôi, thì cũng chẳng có gì phải quá buồn bã. Chúng ta có thể vừa xuề xoà vui vẻ uống nốt chén rượu vừa lo tính những chuyện tương lai. Chẳng có gì mất đi cả.
Chà… Nụ hôn không thật sự cần thiết. Có bạn bảo tôi, nụ hôn chỉ là một khế ước xã hội, được tạo ra bởi một công ty son Pháp nào đó để quảng cáo cho loại son lì của mình. Nhưng cũng có sao. Nụ hôn đẹp vì những mối ràng buộc hiện đại của nó, vì những cảm xúc của nhau và những dấu hiệu của nhau. Cũng có người sẽ chọn nắm tay. Có người chọn nói thẳng ra. Thật ra thì chẳng sao, chỉ là một nụ hôn khi đã chín muồi để kế thúc mối quan hệ vô danh sẽ là một biểu tượng cuối cùng.