Khải Định, vị vua thứ 12 triều Nguyễn. Lên ngôi danh chính ngôn thuận, được lấy ngự tên trong Kim Sách vậy mà lại chẳng có được cảm tình của dân chúng. Thậm chí, trong dân gian, người dân Huế còn truyền tụng nhau những bài vè, câu ca dao lăng mạ, sỉ nhục nhà vua: 
“Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây 
Nghề này thì lấy ông này tiên sư” 
hay 
“Ai về địa phủ hỏi Gia Long, 
Khải Định thằng này phải cháu ông?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ; 
Trăm gia ba chục khổ nhà nông. 
Mới rồi ngoài Bắc tại liền đến,
Năm ngoái qua Tây ỉa vãi vùng.
Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ 
Vua thời còn đó, nước thời không. ”
Vua Khải Định chẳng là khuôn mặt đáng chú ý trong lịch sử hay còn bị người đương thời biếm trách là vị vua bù nhìn do người Pháp dựng lên để dễ điều khiển sau khi gặp nhiều sự phản kháng của hai vị vua Thành Thái và Duy Tân. 
Khi tìm kiếm google với từ khóa “Vua Khải Định” thì kết quả trả lại là những bài viết miêu tả Khải Định với chân dung một vị vua kỳ quặc, nhu nhược, không quan tâm chính sự mà chỉ chơi bời, tiêu pha hoang phí.
Nhưng liệu sự thật có phải là như vậy? Nếu ông thực sự bất tài vô dụng thì làm sao được hội đồng Tôn Nhơn Phủ thông qua, đường đường chính chính lên ngôi cửu ngũ? Nếu ông chỉ lo việc ăn chơi trác táng, không để ý tới quốc sự thì làm sao ra được những chiếu chỉ khuyến khích công thương nghiệp, thúc đẩy thủ công nghiệp như trong Đại Nam thực lục và Khải Định chính yếu từng chép? 
Thông qua bài viết này, tôi mong bạn sẽ có cái nhìn khác về vua Khải Định. Một ông vua đang bị mắc kẹt giữa hai con đường duy tân hay khởi binh đoạt quyền kiểm soát và để có thể lý giải được tại sao ông lại chọn con đường thân Pháp. 

Quân cờ chính trị

Vua Khải Định húy Nguyễn Phúc Bửu Đảo, ngự danh Nguyễn Phước Tuấn, sinh ngày 8/10/1885, là con trai trưởng của vua Đồng Khánh. Khi vua Đồng Khánh mất năm 1889, hoàng tử Bửu Đảo mới hơn ba tuổi, và đấy cũng là một trong những lý do khiến ông không được nối ngôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Trong tất cả các con cháu còn có thể thừa kế ngai vàng thì chỉ có Nguyễn Phúc Bửu Lân (khi ấy đã 8 tuổi) vừa đủ các yếu tố. Không quá nhỏ vì thời gian cấp bách, không quá lớn có thể rèn giũa nhờ vào các bậc đại thần. 
Đúng như ý nguyện của triều đình Nguyễn, vua Thành Thái có những tư tưởng cấp tiến, chống Pháp. Những hành động đó khiến vua Thành Thái trở thành cái gai trong mắt chính quyền thực dân và người Pháp tìm cách trừ bỏ ông. Để che mắt, Thành Thái giả hành động như người mất trí. Khi các bản vũ khí của ông bị phát hiện, ông vờ như phát bệnh giả điên xé rách mọi chứng cứ. Nhân vào việc đó, chính quyền Pháp ép ông thoái vị phải nhường ngôi. 
Năm 1906, Khâm sứ Levecque, khi nghiên cứu những người có thể kế vị ngai vua, đã loại bỏ Bửu Đảo ngay từ vòng đầu. Theo Levecque: Đó là một thanh niên vô giá trị, bị bệnh điên bí hiểm và sự thác loạn di truyền theo quan điểm An-nam-mít. Bề ngoài dễ bảo và hòa nhã khiến ông ta có một số bạn người Âu ở Huế. Nhưng không tiền bạc, không có ý chí tuyệt đối, nếu chẳng muốn nói là một sự hèn nhát nổi loạn, trên thực tế đó là loại vô tư cách với đủ tật tội. Bửu Đảo có một đảng mà ông ta biết rõ, đang trông chờ ông ta lên nắm quyền, gồm phần đông những thủ hạ của cha ông ta đã bị Thành Thái loại bỏ, và họ nuôi hy vọng nếu Bửu Đảo lên ngôi thì họ sẽ có trong tay một dụng cụ ngoan ngoãn…. Họ chỉ bị lôi kéo bằng lợi lộc.
Tể tướng hiện nay (Trương Như Cương) là cha vợ của cả Thành Thái và Hoàng tử Bửu Đảo. Cựu Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải cũng hy vọng trở lại triều cương khi ứng cử viên của ông ta lên ngôi.  
Hội Truyền giáo, đã đề cử Đồng Khánh, cũng yểm trợ con Đồng Khánh với hy vọng thực hiện những gì mà người cha chưa làm được.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy, Tôn Nhơn Phủ lấy lý do Bửu Đảo đã lớn tuổi (22 tuổi) không có con nối dõi và chính quyền Pháp cũng không muốn chọn một vị vua lớn tuổi lên ngôi vì khó lòng sai bảo vì vậy đã chọn Nguyễn Phúc Hoảng (8 tuổi) lên ngôi. Nhưng không ngờ, người con của Thành Thái lại có những bước chống Pháp quyết liệt hơn người cha. 
Chỉ đến năm 1913, hoàng tử Vĩnh Thụy ra đời cùng với sự kiện vua Duy Tân năm 1916 tham dự vào binh biến lật đổ Pháp, khi này ngôi vua sau 27 năm mới trở về tay Bửu Đảo. Quân cờ chính trị ra đời từ đây. 

Nạn nhân của cuộc chiến triều đình 

Tài liệu lịch sử trong nước viết về vua Khải Định không còn được bao nhiêu, không được đa dạng. Thông thường, chỉ là những lời đả kích hay nhận xét phiến diện một chiều. Nhưng thật may trong thời đại ấy, sự xuất hiện của những phóng viên người Pháp đã giúp chúng ta có góc nhìn khác về vị vua này cũng như thời đại. 
Theo Francois de Tessan viết về vua Khải Định đăng trên tạp chí La Revue de Paris đã ghi chép rất rõ ràng về việc vua Thành Thái chán ghét ông hoàng cảc “Vua Thành Thái tự trong sâu xa, rất hiềm khích với ông hoàng trẻ, trong khi ông này không nghi ngờ gì cả. Vua không bỏ qua một dịp hà hiếp nào. Thế nên ông hoàng Phụng Hóa bị cấm cửa không cho phép vào hoàng cung tham dự các lễ lớn. Người ta gạt ông ra khỏi mọi thứ vinh dự.”(tr 156).
Cụ Vương Hồng Sển, công chức xứ Nam Kỳ thuộc địa, trong cuốn hồi ký “Hơn nửa đời hư” của mình cũng nêu ra quan điểm tương tự “húng hiếp, gặp mặt là rượt đánh, là sỉ mạ lắm điều,..” Vì thế, có thể tin rằng hiềm khích này là thật. 
Hơn nửa đời hư - Vương Hồng Sển
Hơn nửa đời hư - Vương Hồng Sển
Xét về vai vế trong dòng họ vua Thành Thái và Khải Định là anh em chú bác vì cả hai đều cùng chữ lót là Bửu. Nhưng dù là anh em hay là vua tôi cũng không thể có thái độ chán ghét lộ liễu như vậy được. 
Và phải chăng, sự ghét bỏ lộ liễu đến từ một ông vua có xu hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc đã đóng góp vào dư luận xấu của người dân Huế lúc bấy giờ về vua Khải Định? Kết hợp với xuất thân đặc biệt của ông Hoàng - cha là ông vua nhân nhượng Pháp, bố vợ là quan đầu triều thân Pháp - dư luận đã gán cho ông thêm nhiều cái mác khác nhau.
Chúng ta chưa có lời giải đáp cho việc này nhưng điều chúng ta có thể thấy, vua Khải Định đang là nạn nhân, bi kịch của vấn đề chia bè phái đã diễn ra trong cung đình Việt Nam. 

Lố lăng hay cải cách

Người ta vẫn cho rằng vua Khải Định là một người có thói ăn mặc lố lăng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Có lẽ, người ta căn cứ vào những hình ảnh còn sót lại của vua với đầy đủ áo mão, cân đai, huy chương, bội tinh đầy ngực. Nhưng sự thật thì ngay cả vua Thành Thái cũng có những bức ảnh tương tự với bội tinh đầy ngực, chỉ khác rằng trang phục vua Khải Định có phần đỏm dáng hơn. Tại sao lại xảy ra cơ sự vậy? Chúng ta hãy quay ngược thời gian trở về với khi ngài vẫn còn sử dụng tên Bửu Đảo. 
Vua Khải Định khi còn là ông hoàng đã sống ở dân gian vậy nên việc tiếp xúc nhiều với phương tây là điều rất đơn giản. Không những vậy, tác giả R.Orband ghi lại trong phóng sự “Voyage de S.M. Khai Dinh dans le Nord Annam et au Tonkin” (Chuyến du hành của Hoàng đế Khải Định ra Bắc kỳ và Trung kỳ), đăng trên Tập san Đô thành Hiếu cổ (Buletin des Amis due Vieux Hue - BAVH, số 3 năm 1918), thì khi đang còn là ông hoàng đã từng ra Bắc vào Nam du lịch với tư cách cá nhân. Và như chúng ta đã biết, miền Bắc là nơi Pháp chiếm quyền bảo hộ hoàn toàn và văn hóa Pháp đã xâm nhập sâu vào trong đại chúng. Việc đi thăm thú với tư cách cá nhân như vậy sẽ khiến cho vua Khải Định dễ dàng tiếp xúc với văn hóa Pháp và sự pha trộn hai nền văn hóa Pháp - Việt trong dân gian dễ dàng hơn. Khác hẳn khi ông tiến đến Bắc Kỳ trong chuyến Ngự giá Bắc tuần trong tư cách nhà chính khách. Vậy nên, chẳng trách được vua Khải Định lại có sự thay đổi về cảm quan mãnh liệt đến như vậy. 
Việc thay đổi trang phục không chỉ có ở Khải Định mà ngay cả vua Thành Thái cũng có một số đặc điểm khác biệt so với trang phục truyền thống. Như ảnh tôi sưu tầm dưới đây, vua cũng mang bên mình thanh kiếm Pháp.
Thành Thái
Thành Thái
Trong bộ võ phục của nhà vua, căn bản là chiếc áo dài đàn ông, may chẽn, nhưng là áo của vua nên phải thuộc loại gấm vóc, thêu rồng vẽ phượng khác hẳn người thường. Điều đáng nói là vua đã cho gắn thêm hai cái ngù vai - thứ thường trông thấy trên lễ phục của sĩ quan Pháp. Ngoài ra, thay vì mang hia, vua đi ủng da láng bóng, có trang trí hoa văn bằng bạc, ngang lưng mang đai cẩn ngọc, mang kiếm Pháp, tay mang bao tay trắng, quần tây trắng, nhưng đầu vẫn bịt khăn đóng và có khi đội nón chóp. 
Khải Định
Khải Định
Vua không chỉ cải cách y phục cho riêng mình mà còn thay đổi cho các cận thần, chẳng hạn các Thị vệ. Thay vì mang hia, vua cho họ mang giày ống, trông gọn gàng và mạnh mẽ hơn. Đồng phục của kỵ binh cũng được đổi mới theo kiểu Tây phương, thay vì mặc áo trấn thủ, chân đất quấn xà cạp thì được mặc áo nỉ đỏ, mặc quần trắng, đi giày, đội nón kiểu tây. 
Lễ Tế Nam Giao, Huế 1924
Lễ Tế Nam Giao, Huế 1924
Sự cải cách của vua không chỉ dừng lại tại vấn đề cải cách trang phục mà còn trong các công trình kiến trúc dưới thời Khải Định. 
Lăng Đồng Khánh, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, điện Thái Hòa, cửa Hiếu Nhơn, cửa Chương Đức,...là những công trình được sửa chữa hoặc làm mới dưới triều vua Khải Định. Đặc biệt, các công trình mang đậm nét giao thoa văn hóa chúng ta không thể không nhắc tới điện Kiến Trung, cung An Định và lăng Khải Định. Cả 3 công trình này đều sử dụng vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng tây phương, các đường nét kiến trúc chịu ảnh hưởng bởi cung điện Pháp. Nội thất công năng được bố trí theo phương tây nhưng vẫn giữ được nguyên tắc phong thủy truyền thống. Ứng Lăng lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm nơi “tiền án”, có khe suối Châu Ê chảy từ bên trái qua làm “thủy tụ”, núi Chóp Vung ở bên tả và núi Kim sơn ở bên hữu làm Tả Thanh Long và hữu Bạch hổ (tức là rồng, cọp chầu Ứng Lăng). Nhà vua đã cho đổi tên núi Châu ngữ thành núi Ứng sơn và đặt tên lăng là Ứng Lăng. Ngoài ra, nhà vua cũng để lại dấu ấn của riêng mình với việc sử dụng mảnh chai, mảnh sành, mảnh sứ làm vật liệu trang trí bên trong lẫn bên ngoài. 
Lăng Khải Định, Huế 1969
Lăng Khải Định, Huế 1969

Chờ thời hay ngả mũ quy hàng 

Trong hoàn cảnh của đất nước ta lúc bấy giờ, người đứng đầu triều đình chỉ có 2 con đường có thể lựa chọn: hoặc chống lại sự thống trị của người Pháp, như vua Duy Tân đã làm và không có kết quả vì chưa hội tụ đủ các điều kiện cần và đủ về kinh tế cũng như tư duy; hoặc tạm thời hợp tác với người Pháp để cho đất nước được ổn định và phát triển, chờ thời như vua Khải Định đã làm. 
Những nhận định của phái chủ chiến con đường của Khải Định đang làm là núp bóng, tay sai cho Pháp. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận một cách sâu rộng về bản chất cũng như hoàn cảnh của đất nước cũng như vị trí của Khải Định trong tình thế rối ren này. 
Kế hoạch của vua Duy Tân khởi binh gặp thất bại không những thế lại bị quân địch bắt sống. Khải Định thuộc dòng dõi của nhà Nguyễn, lại đã có con trai là Vĩnh Thụy, việc Tôn Nhơn Phủ đưa Khải Định lên ngôi chỉ là cách để bảo toàn “Tôn Miếu”, chế độ quân chủ, sự hiện diện của nhà Nguyễn trong nước Nam. Với vị thế của người đứng đầu triều đình, Khải Định hiểu rõ nguyên nhân của những thất bại trên và lựa chọn con đường ôn hòa nhằm có đủ thời gian để cải tổ bộ máy của mình với phương châm “Thà làm anh em với Tây Âu chứ không làm bạn với Đông Á”. Quan điểm chính trị của Khải Định xây dựng dựa trên 3 yếu tố: tôn quân quyền, khai dân trí, làm dân giàu. Điều này được vua diễn giải như sau“Đại khái quân quyền tôn thì việc dân mới có thể chấn chỉnh, tới như việc khai dân trí thuộc về Bộ Học, việc làm dân giàu thuộc về Bộ Hộ, tự có người chuyên trách. Tuy nhiên, việc gấp hiện nay không gì bằng những người làm quan đều kể việc gần khảo việc xa, chọn những điều quan trọng hợp thời nghĩ tâu bày, trẫm sẽ chọn dùng, không thể nhất loạt thoái thác mà không lưu ý. Huống hồ việc quan trọng nhất hiện nay là trừ mối tệ làm dân yên, nếu rõ ràng thì những việc khác mới có thể dần dần tiến hành”. 
Thành quả quan điểm làm dân giàu của Khải Định chúng ta đã thấy được rõ nét và nhà vua cũng đã tận mắt chứng kiến được nhờ vào chuyến du lịch khi còn là ông hoàng cho đến sau này là chuyến Ngự giá bắc tuần. Nhờ Pháp mà nền kinh tế lạc hậu của nước Nam ta có biến chuyển tích cực mặc dầu ẩn chứa bên trong đó là sự vụ lợi. Các ngành nông, lâm, ngư, nghiệp tự cung tự cấp đã tan rã và xác lập nền kinh tế hàng hóa có tính chất tư bản chủ nghĩa. Quy mô sản xuất thay đổi kết hợp với việc chú trọng vào kỹ thuật và cơ cấu cây trồng đã tạo ra cuộc cách mạng nông nghiệp của Việt Nam. Cây cao su, cây cà phê là bản sắc tự hào của Việt Nam hiện nay cũng là sản phẩm của cuộc cách mạng này. Chăn nuôi cũng là một trong những ưu tiên của Pháp. Mặc dù phát triển chậm nhưng đã đảm bảo được sức kéo và lượng thịt cung ứng cho thị trường. Nhiều giống bò lợn ngoại nhập về, kỹ thuật chăn nuôi chế biến được cải tiến, kỹ nghệ thuộc da phát triển. Nền kinh tế công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cũng có những chuyển biến tích cực với hàng loạt các nhà máy ra đời: Nhà máy rượu (1898), nhà máy diêm (1899), nhà máy xi măng Hải Phòng (1899), nhà máy sợi Hải Phòng (1900), công ty thiếc (1902),...Giao thông vận tải cũng có sự chuyển biến lớn lao với hàng loạt những tuyến đường sắt thuộc địa, tuyến oto, xe máy vận chuyển tỏa ra nhiều nơi trong nước ta. 
Cầu Hạ Lý, Hải Phòng 1937
Cầu Hạ Lý, Hải Phòng 1937
Còn về phần Khải Định, ông cũng có những chính sách để phát triển nghề thủ công truyền thống và tạo ra tiếng vang lớn “Vào những triều đại cuối Nguyễn, nhất là thời vua Khải Định (1916-1925) đội ngũ thợ thủ công không chỉ riêng ngành thêu mà hàng loạt các nghề khác đều rất phát triển” (Nguyễn Hữu Thông, Huế, nghề và làng nghề thủ công truyền thống). Hay với vấn đề nông công thương nghiệp, năm 1918, triều đình Khải Định đã ra quy định, người Việt Nam làm việc có ích trên lĩnh vực nông công thương thì sẽ đặc cách thưởng cho quan hàm. Quy định này đề ra đánh thẳng vào chính sự phát triển đến từ con người Việt Nam nhằm kích thích dân bản địa phát triển. Một trong những tên tuổi của người Việt trong thời đại này mà chúng ta đã từng nghe danh đó chính là Bạch Thái Bưởi hay Bùi Huy Tín. 
Đối với vấn đề khai dân chí, Khải Định cũng đã có một số bước tiến mạnh mẽ như: Mở trường nữ sinh Đồng Khánh (1917), bãi bỏ thi cử Nho học (1919), lập Hội đồng tư vấn Trung Kỳ (1920),... 
Tuy nhiên việc cải tạo chính thể Nam triều. tôn quân quyền của Khải Định lại gặp nhiều bất lợi. Đề cao sự chi phối trung ương tập quyền nhưng vẫn chấp nhận tinh thần lập hiến của phương Tây “Việc lập hiến là điều trẫm mong mỏi, đại khái việc lập hiến bàn xong thì chức trách của vua được rảnh rỗi hơn, đặt riêng một đại thần quốc vụ để giúp đỡ thì về lý đã đủ rồi”. Sự xung đột lợi ích đang diễn ra bên trong con người Khải Định. Một mặt vẫn phải giữ sự chi phối của nhà vua và tôn nghiêm của hoàng thất, một mặt vẫn phải duy tân theo phương Tây để phát triển. Ông lúng túng giữa việc lựa chọn, bất lực trước hoàn cảnh, thời thế. Nhưng ông vẫn còn một con đường khác : gửi gắm ý niệm thay đổi bộ máy chính trị vào người con trai của mình - Vĩnh Thụy mà thôi. Vì thế Khải Định đã quyết định cho Vĩnh Thụy đi du học. Trở thành vị hoàng tử thứ 2 của Đại Nam sang Tây. 
Khải Định và Vĩnh Thụy ở Paris năm 1922
Khải Định và Vĩnh Thụy ở Paris năm 1922
Theo Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 2, mặt khắc 46, vua Khải Định đã gọi Vĩnh Thụy đến căn dặn:
“Sở dĩ cha mệnh cho con đi du học chính là muốn con mở rộng kiến thức, tăng cường trí tuệ, đồng thời có được hiểu biết về công việc giao thiệp, để sau khi thành tài có được một tư chất hoàn hảo. Vả lại, làm địa vị một người đứng trên những người khác thì trách nhiệm không phải dễ dàng. Với trách nhiệm nặng nề to lớn thì phải có tư chất hơn người mới có thể đảm đương được. Nếu may mà con đi học thành tài trở về, đến khi cha gia trăm tuổi qua đời rồi, triều đình lập con lên kế ngôi thì tư chất của con đã đủ để gánh vác trách nhiệm ấy. Còn nếu vạn nhất chẳng may vì duyên cớ ngoài ý muốn mà con không học được thành tài, khi đó nếu triều đình có đón con về lập lên ngôi thì con phải từ chối, nhất thiết không được nhận. Nhận ngôi để rồi không đảm đương được trách nhiệm thì không chỉ hại đến bản thân mà thôi đâu. Cái hại đối với bản thân mình còn là nhỏ, để lại mối lo cho tôn miếu xã tắc thì cái hại ấy mới là thật lớn. Con hãy nghe theo lời cha”.
Bên cạnh việc khuyên bảo Thái tử Vĩnh Thụy, vua Khải Định còn xuống dụ cho Giảng dụ Lê Nhữ Lâm được thăng hàm Thái thượng tự khanh, sung làm Phụ đạo Hán học cho Đông Cung và ban lời Dụ rằng: “Việc Hoàng tử xuất dương du học đã được đề cập rõ trong lời dụ về chuyến ngự giá sang Tây của trẫm. Nhưng vì Hoàng Thái tử tuổi còn trẻ, e nếu học tập ở châu Âu lâu ngày thì sẽ quên hết Á học, sau khi học xong rồi thì kém phần hoàn thiện.
Vì vậy, truyền Hồng Lô tự thiếu khanh, sung Giảng tập Lê Nhữ Lâm chuẩn cho thăng Thự hàm Thái thường Tự khanh, sung làm Hán học phụ đạo. Khanh hãy đi theo Hoàng Thái tử sang Tây để vào những lúc Hoàng Thái tử nghỉ ngơi rảnh rỗi sau khi học Tây học thì giảng dạy Nho học cho Thái tử, để sau này Thái tử thành tài đạt đức, có đủ kiến thức tinh vi ra trường trở về, thỏa niềm mong mỏi của trẫm. Khanh hãy kính vâng mệnh ra đi, chớ phụ mệnh của trẫm”.
  Đâu phải Khải Định vô năng, đâu phải Khải Định chi ăn chơi hưởng lạc mà quên đi đất nước. Chỉ là trong hoàn cảnh như vậy, đất nước không đủ mạnh không có quyền nói chuyện ngang hàng. Thay vì cứ nổi dậy chiến tranh khiến đời sống nhân dân cơ cực ngày một cơ cực hơn thì ông chọn ở giữa tạo cơ hội cho đất nước phát triển. Ông chọn cách ẩn nhẫn chờ thời, lót đường để đợi con trai mình trở về sau khi học thành tài sẽ thay ông chấn hưng cơ nghiệp của dòng tộc.