Ba năm trước, mình từng viết một bài về trải nghiệm cận tử và ý nghĩa cái chết trong Coco. Đây là bài viết đánh dấu đợt nghỉ việc đầu tiên của mình. Kiểu mới được thoát khỏi lồng “Viết gì cho hôm nay” nên thoải mái lắm, bung xõa thoải mái. Bài sau đó đăng trên Spiderum trước, sau đó Trạm Đọc cũng đăng.Nên khi đồng nghiệp hỏi lần đầu “Em xem Coco chưa?” sợ đến nỗi không dám hé răng lời nào. Mãi mấy ngày sau mới hỏi xíu xíu từ đồng nghiệp cũ.
Rồi một ngày đẹp trời cũng quyết định một ngày ngồi mở máy xem. Lúc đó cũng muốn gửi bài cho Trạm nên coi đó là sự dũng cảm. Khi ấy không cảm được nhiều mấy. 
Cho đến mùa Covid cách ly năm ngoái, cũng trải qua những mâu thuẫn ngầm với gia đình, thì mình bắt đầu nghiệm lại rất nhiều về Coco. Dù không xem lại, nhưng mình bắt đầu liên kết một số điểm nhấn, thấy hay hay nên triển luôn. 
Bài viết này ban đầu mình tính triển khai về bao dung, hoà giải những mâu thuẫn và hướng về sự lý tưởng nhất trong một gia đình: sự quan tâm và chấp nhận lẫn nhau một cách vô điều kiện nhất. Mình đã từng chờ đợi và cố gắng (có cố gắng) hàn gắn những thứ nghĩ là có thể.
Yêu thương và chấp nhận là điều khó, cần phải học cả đời. Với kinh nghiệm bản thân thì những gì hệ thống giáo dục dạy về yêu thương trong gia đình (chưa tính đến đôi lứa) còn thiếu rất nhiều. Mình đã từng cố gắng ngồi rị mọ nát óc để làm một bài văn mô tả về người thân. Vì từ nhỏ lớn lên trong môi trường khá nghiêm khắc dù cũng được cưng chiều, chưa kể tính còn thiếu nhạy cảm và ít quan tâm đến người khác, nên để mô tả một ai đó, nhìn vào trong sâu và hiểu là rất khó. Tình cảm gia đình theo những gì mình từng được học qua văn mẫu, tiếp xúc trong nhà trường và văn học có phần được lãng mạn hoá không khác gì chủ nghĩa lãng mạn trong tình yêu. Vì nếu được dạy đúng về việc hiểu, bao dung, thương và chấp nhận thì đâu có câu chuyện đau lòng về thế giới hậu tuổi thơ- chủ đề dạo này đưa đến việc chữa lành (à mục tiêu ban đầu của bài viết này cũng là về chữa lành á, nhưng có nhiều người hiểu tốt hơn rồi). Qua thời gian, nguồn cơn của những bất hòa trong gia đình cũng xuất phát từ những tổn thương thời thơ ấu hay mất mát họ từng trải qua. Những vết thương lòng không lành hình thành nên tính cách của thế hệ lớn tổn thương và tiếp tục truyền lại cho thế hệ trẻ cũng mang nhiều vết xước. 
Uhm, nói thế không có nghĩa là mình sẽ không nhắc đến sự hàn gắn của tình yêu thương (một thứ hồi bé mình từng rất thích, sau đó có một giai đoạn coi là sến súa, rồi giờ lại thấy cần học dài dài). Bài viết này sẽ chỉ ra những chi tiết, điểm nhấn mà mình muốn chia sẻ thêm. Ý định viết lúc đầu là nhờ vào bình luận của Hex, trong đó so sánh Soul với Coco, nhưng mình cũng không nói gì đến điều này trong đây.
Hy vọng mọi người có những “aha moment” sau khi đọc xong!

Về những ca khúc trong phim và tone giọng của những nhân vật

Mình thú thật là ở đoạn đầu khi nghe Miguel kể về thần tượng của mình, nghe khúc Ernesto de la Cruz hát Remember Me trong lòng không hề có cảm xúc. Vì sắc thái bài đó thường quá, trong đầu kiểu “Ủa cái gì vậy trời, cái bài này mà là ca khúc bất hủ mọi thời đại khiến thằng cha này sống mãi trong lòng người dân sao?”
Ernersto trình diễn trên sân khấu lớn, xung quanh toàn là vũ công mĩ nữ khắp nơi. Phần trình diễn của hắn xoàng xĩnh, loè loẹt và giống kiểu một gã đào hoa đang hát để an ủi một cô gái làm con mồi của hắn vậy.
Kể cả bài La Llorona Ernesto hát với Imelda để xem ai có tấm ảnh của Hector vậy. Nó chỉ đơn thuần là phần diễn một người có thể hát cao giọng, thuộc bài rồi đứng hát thôi. Thậm chí cũng không hiểu luôn thông điệp và ẩn ý bài hát. La Llorona không phải là bài để hát bằng giọng sôi nổi. Và Ernesto, trong cả hai bài hát trên, chỉ có đúng một kiểu giọng để hát, phô diễn kỹ thuật quá đà mà quên cả ý nghĩa và mạch cảm xúc của bài hát ra sao. 
Đó là điểm hoàn toàn đối lập với gia đình Miguel. Mãi sau này khi không bỏ sót bất kỳ ca khúc nào trong Coco, mình mới phát hiện thêm độ chênh lệch rõ lớn giữa một nghệ sĩ có tài chân chính và một kẻ bất tài. Bản Remember Me do Hector hát và sau đó Miguel hát lại cho bà cố Coco nghe khiến mình rơm rớm. Vì nó chân thật. Khi Ernesto hát Remember Me, thứ hắn cầu cạnh chỉ là việc mọi người nhớ về danh tiếng kể cả khi mình chết đi. Hector sáng tác Remember Me chỉ để dành tặng con gái mình, chỉ riêng Coco thôi. 
Hãy nhớ đến cha
Kể cả khi cha phải nói lời tạm biệt
Nhớ đến cha
Đừng để điều ấy khiến con khóc 
Kể khi mình có cách xa nhau
Cha vẫn ôm ấp con trong trái tim mình
Cha hát một bài ca bí mật cho con
Mỗi đêm chúng ta xa nhau
Nhớ đến cha
Khi cha còn mải rong ruổi trên đoạn đường xa 
Nhớ đến cha
Mỗi khi con nghe điệu guitar buồn nào đó
Hiểu rằng khi cha con mình bên nhau
Là con đường duy nhất cha có thể trở thành
Đến khi con trong vòng tay lần nữa
Hãy nhớ đến cha
Những bài hát khác do Miguel và Hector hát, như Un Poco Loco, Proud Corazon, Juanita, tất cả đều có tone thấp và ai cũng có thể hát được. La Llorona (khúc sau mình đề cập đến) cũng vậy. Không cần kỹ thuật, mà cái chính là cảm xúc. Đó mới là nghệ thuật thực sự. Nghệ thuật có thể đến từ bất kỳ nơi nào, bất kể già trẻ, giàu nghèo. Miễn nó tạo sự rung cảm. 
Thời điểm xem phim, bản mình xem không có phiên dịch ngôn ngữ Mexico. Nhưng đến mỗi đoạn, vibe hào hứng, vibe trầm lắng, buồn bã, khóc thương đều có thể tự cảm được. Đó có thể là ý đồ người làm phim.
Giá trị quan trọng nhất của nghệ thuật vẫn là khơi gợi cảm xúc ở người nghe. Coco đã làm tốt điều ấy qua những bản nhạc, người xem có thể không đọc hết phụ đề vẫn cảm thấy rơm rớm khi coi những đoạn hát này, vì nó mang chất gia đình trong đó. 

Về bài hát La Llorona và tiếng khóc thầm của Imelda

La Llorona là bài hát gây ấn tượng đầu tiên với mình, trước cả Remember Me. Imelda, cụ cố của Miguel là người hát bài này. Cả đời bà không tha thứ cho Hector vì ông bỏ gia đình với khao khát muốn mang lời đàn ca cho cả thế giới nghe. Nỗi hận của bà lớn đến độ gương mặt của ông bị xé khỏi tấm ảnh gia đình. Hector lặn ngụp lẩn trốn suốt để cố gắng vào được Cổng vàng của Thế giới người chết là vì điều này. 
Khi Imelda tìm mọi cách níu giữ Miguel trên con đường đến gặp Ernesto (lúc ấy cậu vẫn đinh ninh Ernesto là cụ cố mình), bà cất giọng hát đoạn đầu của La Llorona. Không hiểu sao, dù đó là một câu ngắn, “Ay de mi La Llorona”, lồng ngực mình bỗng dưng thắt nghẹn lại.

Imelda khi còn sống là thợ làm giày. Bà chắc chắn không thể lên giọng cao như Hector và Ernesto. Thứ Imelda có được là phần hồn, là tiếng “khóc”. Bật bài này, nhìn cử chỉ của bà, sau đó nghe bài này lần hai, nhắm mắt lại. Bạn sẽ cảm nhận tiếng khóc trong đó. Có lẽ chính tiếng khóc thầm, âm nỉ non và những khổ đau chất chứa bấy lâu chưa nói được đã tiếp thêm cảm xúc, độ lắng và độ sâu nhờ vào tiếng guitar của Hector - đã thực sự khiến cả dàn nhạc khi đó phải nổi lên. Khi hát ở trên sân khấu trong tình trạng bất đắc dĩ, bà chỉ hướng về Hector. 
Kể khi điều này phải trả giá bằng cuộc đời em, Llorona
Em sẽ không ngừng yêu anh
Em sẽ không ngừng yêu anh
Em trèo lên cây thông cao nhất, Lloronaa
Để xem có bóng hình anh ở đó
Nhưng cây thông ấy lại yếu ớt, Llorona ạ
Khi cây nhìn em khóc, cây cũng khóc theo
Đau khổ và điều vốn dĩ không đau khổ, Llorona
Mọi thứ đều là niềm đau trong em
Hôm qua em khóc vì em muốn thấy anh, Llorona
Giờ thì em khóc vì đã nhìn thấy anh
Mình không biết phải mô tả thế nào vì ngôn từ không đủ nhiều để nói lên. Chỉ nhớ rằng mỗi lần nghe lại bài này, tiếng thở dài và chữ “ay” được kéo dài cứ khiến lồng ngực vẫn thắt nghẹn như thưở đầu nghe nhạc.
 Xuyên suốt bộ phim, Imelda luôn cho thấy hình ảnh của sự mạnh mẽ, quyết đoán và nhiều lúc hài hước (lấy guốc nện vô người mình ghét là một quả ăn tiền). Chỉ đến khi bà cất tiếng hát, người nghe mới cảm nhận được nỗi đau tột cùng và tiếng lòng đau đáu của một người đã không nhỏ một giọt nước mắt từ khi chồng bỏ đi. 
“Bà đã từng rất yêu âm nhạc. Bà và hắn ta đã cùng nhau hát những giai điệu suốt cho nhau nghe. Nhưng khi có Coco, những cảm giác về âm nhạc của ta không còn nữa. Có một điều gì đó lớn hơn đã chiếm trọn. Ta muốn chăm sóc cho gia đình, còn ông ta chỉ muốn hát cho cả thế giới.”
Đây là đoạn thoại Imelda thổ lộ khi níu giữ Miguel. Phân đoạn duy nhất Imelda buồn. Và nó cho mình thấy, sự yếu đuối và chịu đựng của người phụ nữ mạnh mẽ đẹp đến nhường nào. 
Không chỉ tiếng khóc thầm của Imelda, tất cả những hoà giải trong Coco được giải quyết bằng những giọt nước mắt. Mình thấy đây là điểm rất hay. Tự dưng đặt lại câu hỏi tại sao sống chung với gia đình, không phải ai cũng dễ cho người thân thấy những giọt nước mắt và phút giây yếu đuối của mình.  Chúng ta được dạy khóc là điều yếu đuối, và chỉ trẻ con mới thường hay khóc. Lớn lên cứ phải mạnh mẽ, con người giấu đi những giọt nước mắt bên trong, chờ đến khi có một người xa lạ phù hợp để phô bày sự yếu đuối nhất trong mình. Từ khi nào, việc bộc lộ cảm xúc với người thân yêu lại xa xỉ đến thế?

Khi tác giả trên Spiderum chia sẻ bài La Llorona do danh ca Bạch Yến hát trên Facebook, mình đã bất ngờ. Hoá ra La Llorona đã xuất hiện rất rất lâu trước cả Coco. Sau đó mình nghe hết mọi phiên bản của bài hát này. La Llorona gốc được sáng tác để kể về hồn ma nữ khóc về đứa con chết đuối. Pixar và danh ca Bạch Yến lại bài này thành phiên bản khác: về người tình nữ khóc than.
La Llorona để lại cho mình câu hỏi lớn về tình yêu và sự thù hận. Mình đã rất bất ngờ với mạch cảm xúc và tình cảm Imelda dành cho Hector khi ấy. Bà hận ông cả đời, kể cả khi hiểu chuyện nỗi hận ấy vẫn còn. Nhưng đến khi cả nhà Miguel đi xử Hector, bà đã nói:
“Cú nện này là cho kẻ dám giết tình yêu của đời tôi”.
Đáng lẽ Imelda có thể buông, coi ông như đã chết. Coco cũng có thể hận và quên cha mình. Và sẽ không có Hector trong câu chuyện. Nhưng Coco và Imelda không chọn như thế.
Và nó đưa mình đến một ý nghĩa khác trong tình yêu: tình thương. Thương vượt cả yêu. Là cả khi biết người thân thương nhất của mình có những điều không thể tha thứ được, tình cảm vẫn còn đó. Tình thương của Coco mang ý nghĩa cứu sinh vậy. Nếu Coco không ngồi mãi ở đó, tin tưởng vào Hector, có lẽ ông đã chết từ rất lâu rồi.
Nó gợi cho mình hình ảnh giống như trong truyện Pinocchio vậy: ông lão Gepetto lênh đênh suốt ở biển khơi, bị chui vào bụng cá. Pinocchio trước đó rất ngỗ ngược và biến thành con lừa, cậu tìm cách để cứu cha, bất kể mình có ra sao. Đứa trẻ bảo vệ cha.
Trong đây cũng vậy, ký ức dài hạn của Coco đã cứu rỗi Hector. Rồi sau đó, chính Miguel cũng đưa cụ cố mình thoát khỏi vực thẳm Ernesto đẩy xuống. Cậu không cần biết mình sống hay không, miễn Hector không bị lãng quên là được.
Và cả Imelda, khi đó vẫn rất giận Hector, vẫn cứu Hector và bảo “Tôi không thể để cháu mình ghét ông được”. Khoảnh khắc đó khiến mình vỡ oà. Đó là giai đoạn tiền hoà giải, trước khi Miguel về lại Nhân gian, khôi phục ký ức của Coco và giảng hoà với gia đình. 
Mình nhận ra, à hoá ra tình thương nhiều lúc chẳng cần logic gì hết. Với Coco, thứ bà còn nhớ chính là khoảnh khắc hai cha con cùng hát Remember Me. Với Imelda, thứ khiến bà hận và cũng để bà quay lại với Hector, cũng là những khoảnh khắc họ đàn hát cho nhau nghe.
Đó là thứ tình cảm vô điều kiện được xây dựng từ chuỗi ký ức, không thể giải thích bằng logic được. 

Khi tình thương cũng là món nợ


Ở Imelda và Hector khiến mình nghĩ đến khái niệm kiếp sau của Phật giáo. Dù có muôn vàn trắc trở, cuối cùng họ vẫn yêu nhau da diết và làm tri kỷ bên nhau. 
Càng lớn, mình thấy lời hứa kiếp sau nó có sức mạnh lớn lắm. Kiếp sau nếu có chọn em vẫn sẽ là vợ anh, có cho chọn con vẫn làm con của ba mẹ.  Mình đã từng nghe điều này rất nhiều lần ở những người: người thân, người họ hàng, cả những bài báo khi một người thể hiện nỗi nhớ thương khi người kia qua đời. Mà chỉ có chữ Duyên mới có thể kết những người xa lạ trở thành máu mủ của nhau. 
Mọi thứ, kể từ gắn bó đến biến mất đều liên quan đến chữ Duyên đó. Chữ Duyên không chỉ nằm ở những người yêu nhau, ở cặp vợ chồng. Chữ Duyên chứa trong cả ông bà, cha mẹ - con cái, anh chị em. Nói gì về một người thân vắn số? Kiếp này cái duyên vậy là hết, kiếp sau gặp lại. Cái Duyên có một điều gì đó vô cùng lạ lùng, khiến người ta có thể thân và gắn bó ngay từ tức khắc, có thể khiến một mối quan hệ tưởng chừng đứt gãy có thể hàn gắn lại qua thời gian. Có thể khiến người ta có cảm tình, yêu thương ngay tức khắc. 
Nhưng có Duyên thì cũng Nợ kèm theo đó. Nợ mang ý nghĩa ràng buộc, nó vừa gắn bó nhưng nhiều khi là cội nguồn cho những khổ đau. Khi yêu thương nhiều lúc gắn với ràng buộc, ép uổng và trách nhiệm, người ta chỉ cảm thấy ngạt thở và muốn rời đi.  Tình thương khi ấy, bỗng chốc trở thành món nợ. Mình không dám bàn sâu thêm, nhưng bữa trước có đọc một post của chị Hương Ann, khi yêu thương, vô tình người ta muốn áp đặt thật nhiều quan điểm và mong muốn của mình lên người khác. Mình thấy đúng.  Giống như Miguel và Hector vậy. 
Trở lại với nỗi hận của Imelda với Hector. Họ rời xa nhau là vì quan điểm sống quá khác biệt. Việc Hector bỏ đi đã là một vết sẹo không lành trong lòng Imelda, dẫn đến việc sau này âm nhạc không bao giờ xuất hiện trong gia đình này nữa. Điều này dẫn đến đoạn cao trào của Miguel với gia đình: cậu không muốn xuất hiện trong phòng cung hiến. 
Xem đoạn đầu mà mình ức cho Miguel luôn ấy. Nó giống với thực trạng mà nhiều người trải qua, áp đặt của gia đình khiến một đứa trẻ cảm thấy ngạt thở và không dám mở lòng với gia đình từ đó nữa.
Chỉ mãi đến khi họ hiểu cái phi lý trí của thương, tức tình yêu vô điều kiện, mọi thứ mới bừng sáng. Đó là khoảnh khắc khi trở về với thế giới của người sống, người ở thế giới tử phải cầm một bông hoa chúc phúc để cậu có thể quay về. Mọi thứ sẽ có hiệu lực nếu bông hoa sáng vàng. Mình nhớ lần lượt những lần chúc phúc ấy. Điều kiện để bông hoa sáng rực phải từ chính máu mủ của người đó thực hiện. Lần đầu khi ngộ nhận Ernesto là ông cố của mình, bông hoa trên tay Miguel vụt tắt. Lần hai khi vợ của Hector cố chúc phúc với điều kiện Miguel không được chơi nhạc, bông hoa bị cướp khỏi tay ngăn Miguel về cửa sống. Lần thứ ba khi mọi sai lầm được hóa giải, gia đình thật sự đoàn tụ, khi ấy bông hoa mới thực sự sáng. Imelda và Hector đã không đòi hỏi điều kiện gì với Miguel.
“Không điều kiện gì cả”.

Gút thắt giải quyết cho tình thương này đã được thể hiện từ đầu. Coco không hề đòi hỏi cha mình trở về. Bà chỉ đơn giản là tin tưởng và chờ đợi ông đến khi trí nhớ mất gần hết. 
Và còn điều gì nữa? Có một đoạn mà bạn mình có nhắc về lúc khi Miguel cảm thấy tự hào khi ở trong một gia đình. Đó là lúc cậu sẵn sàng từ bỏ đam mê, miễn là Hector được sống.
À quên, khoảnh khắc trước khi Hector đầu độc - ông quyết định đi về nhà khi mãi rong ruổi lưu diễn cho thứ hư danh. Ông đi về vì Coco.
Nó đối lập với thứ tình cảm ban đầu Ernesto dành cho Miguel. Hắn chỉ đến nhận mặt cậu bé vì cậu có tài, và cũng vì sợ cậu thấy được bộ mặt xấu xa thật sự đã đẩy cậu vào chỗ chết. 

Về ý nghĩa của kiếp sau, và phù hộ

Đoạn cuối của Proud Corazon là một khúc rất dễ thương. Coco đoàn tụ với cha và mẹ. Trong khúc hoan ca ở bữa tiệc gia đình, người sống và người chết cùng vui cười bên nhau. 
Đoạn này khiến mình bật khóc vì vui sướng. 
Những tấm ảnh của người đã khuất luôn mang ý nghĩa của riêng nó. Và gợi nhiều cảm xúc với người còn sống. 
Hồi bé, do khóc dai nên mình bị nhốt ở phòng thờ cho đến khi nào hết khóc thì thôi. Ngồi một mình ngoài đái dầm ra thì chỉ biết ngắm ảnh ở bàn thờ. Có lẽ chưa hiểu hết về cái chết, nên việc nhìn ngắm những bức ảnh ở bàn thờ khiến một con bé ở độ tuổi lên bốn, lên năm vô cùng thích thú. Tại sao họ lại có mặt ở đây, mình chưa từng gặp bao giờ. Và bằng một trò đùa ngớ ngẩn, mình đã từng chạy hổn hển mười mấy vòng trong phòng chỉ bằng niềm tin rằng hai người bác được dựng ảnh trên bàn thờ sẽ thấy vui khi mình ngoan. Đã nhiều lúc con bé ngày xưa ấy từng mang một niềm tin mãnh liệt rằng bức ảnh ấy sẽ cười với mình lại. Và có thể một ngày nào đó, có thể con bé có thể nói chuyện với những tấm ảnh ấy.
Đến lớn, hiểu chuyện, con bé ấy mới hiểu, rằng những tấm ảnh chỉ được để vậy khi ai đó mất đi. Mỗi năm đi chùa, thắp nhang, viếng mộ, nhìn vào những bức hình, mình lại thấy ý nghĩa khác. 
Đó là sự kết nối. Những tấm ảnh và câu chuyện truyền qua mỗi thế hệ để nhắc rằng họ từng ở đó, sống và cười, cũng trải qua mọi hỷ nộ ái ố và mâu thuẫn với người thân. Khi ở nhân gian đủ rồi, họ bước đi một mình trên cửa tử. Trước khi chết, ai cũng muốn được nằm ở căn nhà của mình. Linh hồn họ bay đi mang theo tình thương. À sựphù hộ nữa.
Khi nói về sự phù hộ, thứ người ta muốn nhắc đến là niềm nhớ. 
Hồi ông nội mình mất, lúc biết ông vào ngày hôm đó chỉ còn là mớ tro tàn, mình đã bật khóc nức nở. Cảm giác đó cũng trở lại với mình khi bà ngoại mất. Lúc bà về đất, tự dưng tất cả mọi thứ ký ức ùa về với mình.
Không hiểu sao, chỉ đến khi một người thực sự biến mất, thì niềm nhớ mới bắt đầu mạnh mẽ dần lên. Người sống bằng cách nào đó, vô thức cố gắng nắm giữ những ý những thứ còn có thể. Của những cười nói, những lần giận hờn. Đồ đạc của người thì cứ tan biến, ký ức lại dần được trở về.
Ký ức về, để biết rằng người mình thương yêu, từng tồn tại thế nào. Từng trải qua những khóc cười giận dỗi và bất đồng ra sao. Đã từng tha thứ cho nhau ra sao. 
Mình nghĩ khi thắp nhang phù hộ cho người thân, thứ người thắp mong mỏi không chỉ là điều kiện. Thường mình thắp nhang ít khi nghĩ ngợi gì về mong ước lắm. Mình tin vào điều gì đó tự nhiên. Cảm xúc nhớ về khoảnh khắc lúc người thân còn sống, thương mình ra sao đã chiếm trọn tâm trí khi đó. 
Có lẽ là tình thương và sự kết nối. Rằng họ vẫn ở đó, chỉ là không ở xác thịt. Vẫn dõi theo từng bước, chứng kiến những mâu thuẫn, hoà giải và chữa lành. Chỉ là bước sang một trang mới ở kiếp sau, họ đoàn tụ với những người thân đã ở dưới đó từ rất lâu, nắm tay nhau và chờ đến ngày giỗ, hay dịp Tết để cùng ăn một bữa ăn sum vầy với gia đình. Hình ảnh những người chết nối tay nhau ở Cổng Vàng trong Coco làm mình nhớ đến câu hát trong “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn: (ngày xưa cũng chỉ ấn tượng mỗi hai câu này) 
“Người chết nối linh thiêng vào đời
Và nụ cười nở trên môi”
Khúc này cưng lắm coi cả chục lần rồi á
p.s: đây chỉ là những gì mình chiêm nghiệm lại. Bài viết cũng khá dài hơi nên tạm kết ở đây. Tương lai có thể nếu có góc nhìn hay sẽ viết bài mới. Có một điều mình muốn nói là sau khi viết bài này, mình đã quyết định về quê ngoại sau khoảng thời gian mâu thuẫn ngầm rất lớn. Mình tin rằng những xích mích, mâu thuẫn trong gia đình luôn tồn tại, hết vấn đề này thì sẽ có vấn đề khác đến. Quan trọng là sau tất cả, cùng ngồi lại và từ từ giao tiếp với nhau. Đến giờ mình vẫn chưa làm được nhiều nên không dám nói. Cảm ơn các bạn đã đọc!
Ann
À cho bạn nào tò mò bài cũ mình viết: