Chuyện là dạo gần đây tôi có đọc cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không" của Paul Kalanithi và xem bộ phim "Đại chiến Titan". Điều trùng hợp là cả hai đều đề cập đến "sự sống và cái chết" và "ý nghĩa của một cuộc đời".

1. Về cuốn sách "Khi hơi thở hóa thinh không"

“Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn tự truyện mà tác giả viết trong giai đoạn đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Cuộc đời là hữu hạn,đó là sự thật mà ai cũng cảm nhận được và rồi sẽ cảm nhận được khi những người thân yêu bạn từ giã cõi đời. Nhưng liệu có mấy người dám đối mặt với cái chết?
Về câu chuyện của tác giả, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp thì anh nhận được tin mình mắc ung thứ phổi. Nhưng cũng chính căn bệnh ung thư đó đã cứu vãn cuộc hôn nhân của anh. Trong khoảng thời gian gấp rút còn lại, anh đã nổ lực hoàn thành chương trình nội trú. Khoảng thời gian tồi tệ này cuộc sống của anh đã chuyển biến một 180 độ. Từ một bác sĩ, anh trở thành bệnh nhân. Từ người điều trị cho người khác, anh được người khác điều trị, đôi khi là tự điều trị cho chính bản thân mình. Từ một người có cuộc sống “bình thường”, anh ước mình có thể quay lại những ngày “bình thường” đó. Rồi anh và vợ trăn trở về quyết định nên có em bé trong khoảng thời gian này hay không? Với khoảng thời gian ít ỏi còn lại, nếu có em bé thì người vất vả là vợ anh. Sau cùng, họ đã dũng cảm lựa chọn có em bé. Rồi cả đại gia đình họ tận hưởng những ngày cuối tuần bên nhau, đi nhà thờ cùng nhau.
Trước khi từ giã cõi đời, anh muốn được viết sách, anh muốn được thấy con mình lớn lên, được làm một người cha, một người chồng, một người con. Cả đời anh đi tìm hiểu về sự sống và cái chết. Với vai trò là một bác sĩ, anh đã cứu sống nhiều người. Với vai trò là một nhà văn, anh cho những người đọc dũng khí để đối mặt với cuộc đời đầy ngắn ngủi này.
Khi đươc lắng nghe câu chuyện về cuộc đời anh (giọng kể khá gấp gáp, có lẽ vì bệnh tật, vì không còn đủ thời gian) tôi càng hiểu thêm câu nói của tác giả Hideko Suzuki trong cuốn sách “Rồi một ngày cuộc sống hóa hư vô”:
Còn hơn cả cuộc sống trong nhung lụa, cuộc sống thường ngày trong chính căn phòng của bạn mới đem lại hạnh phúc.

2. Về bộ phim “Đại chiến Titan”.

Phim này tôi được bạn giới thiệu vài ba lần thì mới bắt đầu xem. Bộ phim có cái mở đầu khá loạn. Mở đầu phim chết rất nhiều. Câu hỏi kiểu như: “Cuộc đời của tôi có ý nghĩa không?”, “Cuộc đời của tôi có giúp ích cho sự phát triển của loài người?”,… Những câu hỏi này xuất hiện từ tập 1 đến những tập mới nhất. Cuộc đời của mỗi nhân vật trong phim đều vô cùng ngắn ngủi. Có những nhân vật mới xuất hiện bạn nghĩ chắc họ sẽ không chết đâu. Và rồi, học chết ngay sau đó. Câu truyện đặt trong bối cảnh loài người phải sống trong ba bức tường đồ sộ được dựng lên để bảo vệ những người ở trong khỏi những tên khổng lồ ăn thịt người được gọi là Titan. Thực chất tôi không ấn tượng lắm đến nhân vật chính trong phim. Thứ tôi ấn tượng là sứ mệnh, công việc, trách nhiệm và kèm theo đó là lý tưởng của những người lính. Ở đó, quân đội được chia làm ba sư đoàn, được từ quyền lãnh đạo, nhưng tất cả đều chỉ huy bởi tổng tư lệnh. Ba sư đoàn này gồm: đội trinh sát, đội đòn trú, đội cảnh vệ. Quân trinh sát được giao nhiệm vụ tìm cách thu thập thông tin ở bên ngoài. Có thể nói những người lính thuộc sư đoàn này là những người lính dũng cảm. Các trinh sát thường bị nhiều người coi thường vì những chuyến đi ra bên ngoài của họ thường tổn thất nhiều mà không lấy được nhiều thông tin. Tiếp theo là Đội Đồn trú. Đội này chịu trách nhiệm tuần tra và bảo vệ các bức tường. Cuối cùng là đội cảnh vệ. Những người này có nhiệm vụ bảo vệ các bức tường là nhà vua. Chỉ có top 10 học viên ưu tú mới được nộp đơn đăng ký tham gia đơn vị này. Những học viên tốt nghiệp với nhiều mục đích, lý tưởng khác nhau, nhưng rồi đơn vị họ tham gia sẽ dần tác động và thay đổi con người họ. Xuyên suốt các tập phim ta thấy được những cái chết đến với các nhân vật một cách nhanh gọn. Từ người có kinh nghiệm đến những lính mới tham gia vào quân đoàn, từ những người dũng cảm tới những người hèn nhát,… Họ đều phải đối diện với cái chết. Rồi khi cái chết ập đến họ chẳng còn có thời gian mà nghĩ về tương lai, thay vào đó là nghỉ về quá khứ, về những ngày bình yên đã qua. Những ngày bình yên đó vô cùng quý giá nhưng chỉ khi nó đi xa rồi ta mới nhớ đến.

3. Lời kết.

Trên đời này chẳng có gì là chắc chắn cả, ngoại trừ cái chết. Rồi một ngày nào đó ta sẽ phải đối diện với nó. Đó là một dấu chấm viên mãn cho cuộc đời bạn hay là một dấu ba chấm với những điều nuối tiếc đều phụ thuộc ở chính bạn. Tôi biết ơn những ngày tháng tuổi trẻ mình đang có hiện tại. Tôi biết ơn vì bố mẹ tôi vẫn đang khỏe, và vì thế tôi vẫn có thể thoải mái theo đuổi niềm đam mê của mình. Tôi biết ơn vì tôi được sinh ra với cơ thể khỏe mạnh. Cuối cùng tôi trân trọng từng khoảng khắc hiện tại.