Một buổi tham vấn tâm lý diễn ra như thế nào?
Bài viết này là những chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình, cộng với những kiến thức mình được đào tạo và quan sát tại cơ sở. Tất...
Bài viết này là những chia sẻ từ kinh nghiệm cá nhân của mình, cộng với những kiến thức mình được đào tạo và quan sát tại cơ sở. Tất nhiên, mỗi nơi sẽ có quy trình làm việc khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn sẽ tuân theo một số khung đạo đức nghề cơ bản, bạn có thể tham khảo để "chuẩn bị tâm lý" trước khi đi tham vấn tâm lý ^^.
Đây là một số điều bạn cần biết trước buổi tham vấn tâm lý
1. Hiểu rõ tham vấn tâm lý và khám tâm thần là khác nhau
Bạn có thể đọc chi tiết trong bài viết này của Viện tâm lý Việt Pháp: Bác sĩ tâm lý có tồn tại? Chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần khác nhau như thế nào?
Nếu bạn vẫn phân vân chưa biết vấn đề của mình nên gặp nhà tham vấn tâm lý hay bác sĩ tâm thần, bạn có thể đến những cơ sở có cả hai dịch vụ này. Hoặc trong trường hợp bạn đến một trong hai, nhà tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần sẽ khuyến nghị bạn nên đi gặp người còn lại khi đánh giá thấy tình trạng của bạn cần sự kết hợp của của hai bên. Và trong một số trường hợp, bạn cần sự kết hợp của nhiều hơn hai bên, bao gồm thêm nhà công tác xã hội, bác sĩ đa khoa...
2. Thời gian và chi phí tham vấn
Tuỳ vào vấn đề và mục tiêu của bạn, bạn có thể làm việc với nhà tham vấn tâm lý nhiều hơn một buổi (hay còn gọi là một phiên). Ví dụ như trong CBT - một trường phái trị liệu khá phổ biến hiện nay, thời gian trị liệu trung bình thường kéo dào 6-20 phiên. Mỗi phiên thường cách nhau một tuần và kéo dài 60 phút. Thời gian trên có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tuỳ trường hợp.
Chi phí cho mỗi buổi tham vấn tâm lý tuỳ thuộc vào cơ sở. Nếu chọn tham vấn tâm lý tại bệnh viện, bạn có thể tham khảo trong bảng giá khám chữa bệnh (tầm 100-500.000/lượt tại bệnh viện công). Chi phí tham vấn tâm lý ở các cơ sở tư nhân thường cao hơn, trung bình tầm 700-800.000/giờ hoặc có thể cao gấp nhiều lần tuỳ cơ sở. Những chi phí trên chưa tính đến phí làm trắc nghiệm tâm lý nếu cần thiết (lưu ý: một số bài trắc nghiệm với mục đích sàng lọc sẽ không tính phí ví dụ như DASS, một số bài cần làm để đưa ra chẩn đoán sẽ có tính phí và chỉ bác sĩ tâm thần mới được đưa ra chẩn đoán). Trong trường hợp bạn gặp khó khăn về tài chính, cũng có rất nhiều cơ sở có chính sách hỗ trợ phù hợp với bạn.
3. Có nhiều trường phái tham vấn tâm lý khác nhau
Mỗi nhà tâm lý theo mỗi trường phái có cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Không phải nhà tâm lý nào cũng sẽ hỏi về tuổi thơ của bạn, về giấc mơ của bạn hay thực hành chánh niệm...Thế nên, có thể bạn sẽ phù hợp với một số phong cách tham vấn nhất định. Vậy nên ở các cơ sở tư nhân, thông thường bạn sẽ gặp người tiếp nhận (hay còn gọi là điều phối ca, , quản lý ca...). Họ sẽ lắng nghe vấn đề của bạn trước tiên, tìm hiểu một số thông tin cơ bản và sau đó, sắp xếp một nhà tham vấn phù hợp cho bạn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo 13 điều cần chuẩn bị trước khi đến buổi tham vấn tâm lý đầu tiên tại đây: How to Prepare for Your First Therapy Session
Một buổi tham vấn thường sẽ diễn ra như thế nào?
Như mình chia sẻ ở trên, có rất nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau nên cách nhà tham vấn tâm lý làm việc với bạn trong mỗi buổi cũng khác nhau. Hiện mình đang chia sẻ một buổi tham vấn cho cá nhân (trên 18 tuổi) theo CBT - một liệu pháp tâm lý phổ biến và hiệu quả với những vấn đề như căng thẳng, lo âu, trầm cảm, sang chấn...
1. Buổi đầu tiên
Vì là buổi đầu tiên nhà tham vấn và bạn làm việc với nhau, nên cần một chút thời gian đầu giờ để làm quen và chia sẻ nguyên tắc làm việc. Ở một số cơ sở, bạn đã được người tiếp nhận chia sẻ những nguyên tắc này trước khi gặp nhà tham vấn. Nguyên tắc quan trọng nhất mà bạn cần nắm là thông tin chia sẻ của bạn sẽ được bảo mật (trừ trường hợp có yêu cầu pháp luật hoặc đe doạ đến tính mạng của bạn phải thông báo cho bên thứ ba). Một số nguyên tắc khác sẽ được cơ sở trao đổi với bạn tuỳ khung đạo đức như: phương pháp trị liệu là gì, thời gian trị liệu như thế nào, quyền dừng tham vấn, đổi nhà tham vấn, chuyển gửi...
Sau đó, nhà tham vấn sẽ hỏi và lắng nghe vấn đề bạn đang gặp phải. Nhà tham vấn được đào tạo những kỹ năng về tham vấn (lắng nghe, đặt câu hỏi, phản hồi, xử lý thông tin...), cộng với một số phẩm chất cần có (thấu cảm, quan tâm,...) để có thể hiểu vấn đề của bạn một cách trọn vẹn nhất. Trong buổi đầu tiên, nhà tham vấn có thể hỏi thêm về những điều khác ngoài vấn đề bạn đang gặp phải như mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ ngoài cộng đồng, công việc, mục tiêu bạn theo đuổi...để hình dung tổng thể bức tranh cuộc sống của bạn.
Nhà tham vấn cũng cần biết mong đợi của bạn. Bạn muốn gì khi đến gặp nhà tham vấn? Và liệu mong đợi đó có phù hợp không, cho cả hai bên.
Và rất có thể ngay trong buổi đầu tiên, bạn có thể sẽ có "bài tập về nhà" (với CBT, một số liệu pháp khác có thể không có). Điều này xuất phát từ niềm tin rằng cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bạn tương tác qua lại lẫn nhau. Thế nên, bạn cũng cần hành động để tạo ra sự thay đổi về tổng thể của mình. Bài tập sẽ tuỳ theo vấn đề và mong muốn của bạn (hoàn toàn không phải do nhà tham vấn "giao"). Ví dụ như bạn sợ thuyết trình, bài tập có thể là bạn tưởng tượng về việc mình thuyết trình môn học cuối kỳ trong 5 phút, sau đó ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình...
Mục tiêu quan trọng nhất của buổi đầu vẫn là lắng nghe vấn đề bạn đang gặp phải. Thế nên, trong một số trường hợp, giải toả cảm xúc của bạn được ưu tiên hơn việc nói về những nguyên tắc ngay từ đầu hay bài tập về nhà.
2. Buổi thứ hai trở đi
5-10 phút đầu
Đầu tiên, nhà tham vấn sẽ hỏi thăm bạn về tình trạng hiện tại (Bạn cảm thấy như thế nào? Có điều gì đặc biệt xảy đến trong tuần qua hay không?...). Nếu tâm trạng bạn không đủ thoải mái để làm việc, nhà tham vấn có thể hỗ trợ bạn một số kỹ thuật giúp thư giãn. Tâm trạng của bạn là điều kiện cần để tiến hành buổi tham vấn. Nhà tham vấn cũng sẽ hỏi sơ lại những gì bạn học được, nhìn nhận được từ phiên làm việc trước.
Sau đó, nhà tham vấn sẽ trao đổi với bạn về những nội dung làm việc hôm nay (agenda). Nội dung này phụ thuộc vào vấn đề của bạn và tiến trình đang đi. Những buổi đầu có thể sẽ tập trung vào việc trao đổi sâu vào vấn đề, giúp nhà tham vấn đánh giá và định hình ca. Những buổi sau, nội dung sẽ đi sâu vào việc can thiệp như thế nào và tái đánh giá. Tuy nhiên, đôi khi có những vấn đề cấp thiết xảy ra, ưu tiên của bạn vẫn là quan trọng nhất. Ví dụ, bạn gặp vấn đề về lo âu xã hội, tuần này cần trao đổi về cách giúp bạn giữ được sự bình tĩnh trước đám đông. Nhưng tuần rồi, bạn bị mẹ mắng và lời nói đó làm bạn suy nghĩ tiêu cực và không đủ tự tin bước ra ngoài. Vậy có thể tạm dời mục tiêu kia lại và ưu tiên làm việc những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực bạn đang hiện có. Việc thiết lập nội dung làm việc trong phiên được cả bạn và nhà tham vấn xây dựng, nên nhà tham vấn sẽ hỏi thêm bạn những câu như "Có điều gì bạn muốn làm trong phiên này không?", "Có điều gì bạn muốn ưu tiên giải quyết"...
Và tất nhiên "giao" bài tập về nhà thì sẽ có "kiểm tra" bài tập về nhà rồi. Điều này giúp ích cho bạn và cho cả nhà tham vấn. Bạn sẽ xem lại trong tuần qua mình có cải thiện gì không, hay vấn đề vẫn vậy, thậm chí tệ hơn (Kết quả đó đến từ đầu? Bạn cảm thấy gì, suy nghĩ gì?)...Nhà tham vấn khi nghe bạn chia sẻ có thể đánh giá được tiến trình có đang đi đúng hướng không? Và cần điều chỉnh như thế nào.
35-40 phút tiếp theo
Dựa vào nội dung làm việc đã thống nhất từ trước mà phần làm việc tiếp theo sẽ khác nhau. Bạn và nhà tham vấn sẽ trao đổi rất nhiều, vì bản chất tham vấn là "talk therapy". Phần này là phần làm việc chính nhưng mình lại không chia sẻ được gì nhiều vì nó rất linh động và chuyên sâu hơn. Một số trao đổi có thể là về: mô hình nhận thức, hành vi của bạn, thảo luận về các can thiệp, cách thức đo lường....
Và tiếp tục có bài tập về nhà.
5 phút cuối
Tổng kết và cho đánh giá. Bạn sẽ chia sẻ lại cảm nhận và những gì bạn nhìn nhận được trong buổi (Buổi hôm nay bạn thấy thế nào? Bạn nhận thấy/học được những gì? Điều gì cần ghi nhớ?...). Bạn cũng cho nhà tham vấn những đánh giá về buổi. (Có điều gì cần cải thiện/tiếp tục? Có điều gì tôi đã bỏ lỡ?...)
3. Tổng quan 6-20 tuần tham vấn
Mình đã chia sẻ chi tiết một buổi tham vấn cá nhân theo CBT diễn ra như thế nào. Một bức tranh tổng thể hơn, trong 6-20 tuần làm việc, tiến trình diễn ra như sau.
Giai đoạn 1: Đánh giá
Giai đoạn 2: Định hình ca
Giai đoạn 3: Đo lường
Giai đoạn 4: Áp dụng những phương pháp mới để thay đổi vấn đề
Mỗi giai đoạn sẽ cần một đến vài phiên và có những kỹ thuật sâu hơn khác nhau. Có thể hiểu là tuỳ theo buổi bạn đi tham vấn nằm trong giai đoạn nào mà buổi đó cũng sẽ có tính chất khác nhau.
Cũng lưu ý là, trong bài này, mình chia sẻ tiến trình tham vấn trong một buổi hay tiến trình chung theo cấu trúc tuyến tính. Nhưng trên thực tế, sẽ có sự "nhảy múa" qua lại giữa các giai đoạn. Mình cũng dùng nhiều từ ước lượng như "thông thường", "có thể", "tuỳ"...vì bản chất tham vấn tâm lý là làm việc với con người, mà mỗi con người lại là một cá thể rất đặc biệt - one size does not fit all.
Và mình xin phép nhấn mạnh lần nữa là chia sẻ trên là cho trường hợp tham vấn tâm lý cá nhân trên 18 tuổi theo trường phái CBT. Những trường hợp khác như đi tham vấn cặp đôi gia đình, tham vấn nghề nghiệp, tham vấn theo trường phái nhân văn, hiện sinh, phân tâm...sẽ khác.
Hi vọng bài viết này có thể là một nguồn tham khảo hữu ích cho bạn.
Nice day!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất