Vũ trụ song song cùng với thuyết "đa vũ trụ" là một khái niệm không còn mới mẻ đối với chúng ta. Nhưng đây cũng là một trong những vấn đề gây nên sự tranh cãi gay gắt trong giới khoa học cho đến hiện tại.
"Liệu có tồn tại một tôi ở vũ trụ khác không?"
Thú vị và đầy bí ẩn. Không còn là một khái niệm chỉ tồn tại trong các bộ phim khoa học viễn tưởng như "Star Trek", "Spiderman" hay "Doctor Strange", vũ trụ song song từ lâu đã được các nhà khoa học làm thành những đề tài nghiên cứu có sức ảnh hưởng không nhỏ.
Vậy nên qua bài viết này, mình sẽ trình bày một số giả thuyết phổ biến về vũ trụ song song đã được các nhà khoa học đưa ra, cũng như những ý kiến bên lề của các nhà chuyên môn khác qua những đề mục sau:
1. Mối liên hệ giữa sự giãn nở của vũ trụ, vụ nổ Big Bang và vũ trụ song song
2. Cơ học lượng tử và vũ trụ song song
3. Không gian vô tận, vũ trụ vô hạn
4. Lập luận chống lại thuyết đa vũ trụ
5. Chuyện bên lề

#1 MỐI LIÊN HỆ GIỮA SỰ GIÃN NỞ CỦA VŨ TRỤ, VỤ NỔ BIG BANG VÀ VŨ TRỤ SONG SONG

Khoảng 13,8 tỷ năm trước, tất cả mọi thứ chỉ là một điểm kỳ dị vô cùng nhỏ. Sau đó, theo lý thuyết Big Bang, thì nó đột ngột phồng ra nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng theo mọi hướng trong một phần giây cực kỳ nhỏ. Trước khi 10^-32 giây trôi qua, vũ trụ đã nở ra gấp 10^26 lần kích thước của nó lúc đầu, và người ta gọi quá trình này là sự giãn nở của vũ trụ. Theo đó, vụ nổ Big Bang chính là hệ quả của tất cả sự giãn nở này: khi quá trình giãn nở bắt đầu chậm lại, một cơn lũ của vật chất và bức xạ xuất hiện, tạo ra quả cầu lửa Big Bang như chúng ta đã biết, và các nguyên tử, phân tử, sao và thiên hà bắt đầu đầu hình thành trong một không gian rộng lớn.
Quá trình giãn nở bí ẩn đó và "Vụ nổ Big Bang" đã khiến một số nhà nghiên cứu tin rằng sự tồn tại của đa vũ trụ là có thể, hoặc thậm chí là rất có thể xảy ra. Theo nhà vật lý lý thuyết Alexander Vilenkin của Đại học Tufts ở Massachusetts, sự giãn nở ở mọi nơi không dừng lại cùng một thời điểm. Trong khi sự giãn nở của vũ trụ đã kết thúc cách đây khoảng 13,8 tỷ năm với những hiểu biết của chúng ta về những gì đang tồn tại trên Trái Đất, thì sự giãn nở ấy vẫn đang tiếp diễn ở nơi khác. Đây được gọi là sự "giãn nở vĩnh cửu".
Và khi sự giãn nở ấy kết thúc ở một nơi nào đó, một vũ trụ bong bóng mới sẽ được hình thành, theo Scientific American. Thế nhưng, những vũ trụ bong bóng ấy lại không thể liên hệ với nhau vì chúng vẫn đang tiếp tục mở rộng đến vô tận. Nếu chúng ta cố đến rìa bong bóng của mình, nơi nó có thể tiếp xúc với vũ trụ bong bóng khác, thì chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ tới được đó. Bởi lẽ rìa bong bóng ngày càng ra xa chúng ta với tốc độ nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng.
Minh hoạ
Minh hoạ
Nhưng ngay cả khi chúng ta đến được bong bóng khác, theo sự "giãn nở vĩnh cữu" (kết hợp với lý thuyết dây), vũ trụ quen thuộc của chúng ta với các hằng số vật lý và điều kiện có thể ở được có thể hoàn toàn khác với vũ trụ bong bóng bên cạnh. Nhà vật lý Vilenkin còn ngụ ý rằng ở một số vũ trụ bong bóng khác ngoài vũ trụ của chúng ta, có thể có những "người quan sát thông minh" khác. Nhưng mỗi khoảnh khắc qua đi, chúng ta lại càng xa họ hơn, ta và họ sẽ không bao giờ giao nhau.

#2 CƠ HỌC LƯỢNG TỬ VÀ VŨ TRỤ SONG SONG

Một số nhà nghiên cứu khác đưa ra ý tưởng về vũ trụ song song dựa trên cơ học lượng tử. Trong cơ học lượng tử, nhiều trạng thái tồn tại của các hạt siêu nhỏ có thể xảy ra đồng thời - một "hàm sóng" bao gồm tất cả các khả năng. Tuy nhiên, khi quan sát, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một trong các khả năng. Lý thuyết về đa vũ trụ đề xuất rằng mỗi khi một trạng thái hoặc kết quả được quan sát, thì sẽ có một "thế giới" khác trong đó một kết quả lượng tử khác trở thành hiện thực. Vũ trụ của chúng ta phân nhánh thành các lựa chọn gần như vô tận.
Những vũ trụ song song đó hoàn toàn tách biệt và không thể giao nhau, vì vậy mặc dù có thể có vô số phiên bản "bạn" hay "mình" sống một cuộc sống hơi — hoặc cực kỳ — khác với cuộc sống của chúng ta ở thế giới này, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều đó.

#3 KHÔNG GIAN VÔ TẬN, VŨ TRỤ VÔ HẠN

Dãy ngân hà khi nhìn từ Trái Đất
Dãy ngân hà khi nhìn từ Trái Đất
Một số nhà vật lý khác lại cho rằng nếu vũ trụ mà chúng ta đang sống tồn tại vĩnh viễn, thì có rất nhiều cách để các khối vật chất tự sắp xếp trong không gian vô tận. Cho đến một lúc nào đó, bất kỳ số lượng hữu hạn các loại hạt nào cũng phải lặp lại một cách sắp xếp cụ thể. Theo giả thuyết, trong một không gian đủ lớn, những hạt đó phải lặp lại cách sắp xếp toàn bộ hệ mặt trời và cả các thiên hà. Vì vậy cuộc đời của chúng ta cũng có thể được lặp lại ở nơi khác trong vũ trụ.
Nhưng nếu vũ trụ bắt đầu từ một điểm hữu hạn, như các nhà vật lý vẫn tin từ trước tới nay, thì một phiên bản "bạn" hoặc "mình" khác có thể không tồn tại, theo nhà vật lý thiên văn Ethan Siegel năm 2015. Theo Siegel, số lượng cách sắp xếp của các hạt trong vũ trụ có thể tiến đến vô hạn nhanh hơn so với số lượng các vũ trụ có thể tăng lên do giãn nở.

#4 LẬP LUẬN CHỐNG LẠI THUYẾT ĐA VŨ TRỤ

Lưu ý: đây là ý kiến tham khảo được từ một số nhà khoa học, nó không phải là ý kiến cá nhân của riêng mình hay bất kỳ ai.
Thứ nhất, không có cách nào để chúng ta kiểm tra các lý thuyết về đa vũ trụ. Chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy được bên ngoài vũ trụ, vì vậy nếu không có cách nào để bác bỏ các lý thuyết, liệu chúng có thực sự đáng tin không?
Thứ hai, đôi khi, những ý tưởng đơn giản nhất lại là những ý tưởng tốt nhất. Một số nhà vật lý cho rằng chúng ta không cần lý thuyết đa vũ trụ. Nó không giải quyết được bất kỳ nghịch lý nào mà chỉ tạo ra sự phức tạp.
Thứ ba, chúng ta không những không thể bác bỏ bất kỳ lý thuyết đa vũ trụ nào mà còn không thể chứng minh chúng. Hiện tại chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy đa vũ trụ tồn tại và mọi thứ chúng ta có thể thấy đều cho thấy chỉ có một vũ trụ - vũ trụ của chính chúng ta.

#5 CHUYỆN NGOÀI LỀ

Vô số tác phẩm thần thoại và hư cấu lấy ý tưởng từ các vũ trụ song song và đa vũ trụ. Các thế giới chồng chéo xuất hiện trong thần thoại Bắc Âu cũng như vũ trụ học Phật giáo và Ấn Độ giáo. Ý tưởng về nhiều vũ trụ tiếp xúc với nhau đã xuất hiện trong tiểu thuyết "Flatland: A Romance of Many Dimensions" (Seeley & Co., 1884) của Edwin A. Abbott, và vẫn có thể thấy trong các bộ phim gần đây như "Doctor Strange" (2016)...
Hay mới đây nhất là anime điện ảnh "Nhắn gửi một tôi, người đã yêu em" và "Nhắn gửi tất cả các em, những người tôi đã yêu". Hai bộ phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết lãng mạn, khoa học viễn tưởng ăn khách do nhà văn xứ Phù Tang Otono Yomoji chấp bút. Lấy bối cảnh một thế giới giả tưởng, nơi con người có thể dịch chuyển qua các thế giới song song. Mỗi phiên bản của chính ta ở một thế giới song song lại có cuộc sống, tính cách và những mối quan hệ khác nhau. Loạt anime này cũng góp phần vào một trong những lý do khiến mình muốn tìm hiểu về đề tài vũ trụ song song và tạo nên bài viết này.

KẾT

Dù có nhiều giả thuyết và những ý kiến trái chiều về vũ trụ song song cũng như đa vũ trụ, thế nhưng chúng ta cũng không thể bác bỏ rằng đây là một đề tài vô cùng thú vị và là nguồn cảm hứng của rất nhiều những quyển sách, những bộ phim kinh điển. Do vậy, không phủ nhận cũng không bác bỏ, tìm hiểu về gốc rễ vũ trụ - nơi chúng ta được sinh ra dường như là bản năng của tất cả mọi người. Hy vọng đến một ngày nào đó, nhân loại có thể làm sáng tỏ mọi thứ.
Tham khảo từ trang: Space, Wikipedia