Trích Ghi chép xoay quanh Cái chết của Văn hóa. Bản quyền © 2012 của tác giả, nhà văn Mario Vargas Llosa. Bản dịch sang tiếng Anh © 2015 do John King thực hiện, đăng trên Lithub.
---
Rất có thể chưa lúc nào trong lịch sử loài người lại có nhiều luận thuyết, tiểu luận, lý thuyết và các phân tích xoay quanh văn hóa như thời buổi hiện nay. Hiện thực này càng đáng kinh ngạc hơn nếu ta biết rằng văn hóa, theo nghĩa xưa nay vẫn quy gán, đang đứng trước bờ vực biến mất hoàn toàn. Và có lẽ văn hóa đã biến mất rồi đó thôi, lẳng lặng bị rút sạch mất nội dung, và thay thế bằng một thứ nội dung khác làm méo mó ý nghĩa trước kia.
Tiểu luận này không mang ý định tiếp tục bổ sung vào rất nhiều diễn giải hiện có về văn hóa đương đại, mà muốn thử khám phá sự biến hình của khái niệm trước kia được hiểu là văn hóa khi thế hệ tôi còn đang cắp cặp tới trung học hay giảng đường đại học, và những khái niệm tạp nhạp đã thay thế sau đó, một sự mạo hóa dường như xảy ra khá dễ dàng mà chẳng nhận về bấy phản kháng.
ảnh trong phim The Truman Show
Trước khi khai triển tự luận, cho phép tôi khám phá, dẫu tóm lược, một số tiểu luận xoay quanh chủ đề văn hóa từ nhiều góc độ khác nhau trong nhiều thập kỷ qua, và có lúc đã gây ra những tranh luận quan trọng thuộc về tư duy và chính trị. Mặc dù rất khác nhau, và chỉ là một mẫu nhỏ của những ý tưởng và luận điểm mà chủ đề văn hóa này cơi mở, những tranh luận trên quả cùng có chung mẫu số khi nhất loạt cho rằng văn hóa đang gặp khủng hoảng và trên đà suy vong. Phân tích sau cùng của tiểu luận này, trái lại, sẽ bàn về một văn hóa mới dựng nên từ những tàn tích của cái văn hóa cũ mà nó đến để thế chân.
Tôi bắt đầu bài nhận xét bằng tuyên ngôn trứ danh, và gây nhiều tranh cãi, của thi sĩ T. S. Eliot. Mặc dù chỉ mới 67 năm tính từ khi xuất bản (năm 1948) , tiểu luận Ghi chép về Khái niệm Văn hóa của Eliot, ngày nay khi chúng ta đọc lại, có vẻ đang nói về một thời kỳ thật xa xăm, không có chút dính dáng nào với hiện tại.
T.S. Eliot cam đoan với chúng ta rằng mục tiêu của ông cốt là đi định nghĩa khái niệm văn hóa, nhưng thực ra tham vọng của ông lớn hơn nhiều, bởi, bên cạnh việc làm tường minh khái niệm, ông còn đưa ra một chỉ trích bén ngót về hệ thống văn hóa của thời đại mình, cái hệ thống mà theo ông đang trở nên ngày càng xa cách khỏi mô hình lý tưởng nó từng điển trưng trong quá khứ. Trong câu viết ắt hẳn có vẻ thái quá vào thời điểm đó, ông luận rằng, “Tôi chẳng thấy lẽ gì sự mục ruỗng văn hóa không tiến triển hơn nữa, và vì sao chúng ta không được đón chờ một giai đoạn, dù ngắn hay dài, lúc ta có thể cho rằng chẳng còn chút văn hóa nào nữa. (Dự phóng nhận định của tôi trong Ghi chép về Cái chết của Văn hóa, tôi sẽ nói rằng thời đại mà Eliot đang đề cập chính là thời đại ngày nay chúng ta đang sống.)
Cái mô hình cũ xưa lý tưởng, theo Eliot, chính là một nền văn hóa cấu thành từ ba “tầng nghĩa” của khái niệm này: cá thể, tập thể hay giai cấp, và toàn thể xã hội. Dẫu có sự tương tác nhất định giữa ba phạm trù này, mỗi phạm trù lại giữ cho nó một sự tự chủ nhất định và hình thành nên một trạng thái thường trực xung đột với hai phạm trù còn lại, bên trong một trật tự cho phép toàn thể xã hội có thể tiến triển và duy trì sự kết dính.
T. S. Eliot cho rằng cái mà ông gọi là “văn hóa thượng tầng” là nơi chốn của cá thể tinh hoa, và ông biện minh cho quan điểm này này bằng cách quả quyết “điều kiện thiết yếu để bảo tồn phẩm chất của một thiểu số, là nó nên tiếp tục là một văn hóa thuộc thiểu số.” Tương tự như giới tinh hoa, giai tầng xã hội hay giai cấp là một thực tại buộc phải được duy trì, bởi tầng lớp hay nhóm người bảo tồn văn hóa thượng tầng bước ra từ đây, là một giới tinh hoa vốn không thể giống hệt một tập thể hưởng đặc quyền hay giai cấp quý tộc vốn cấu thành đại đa số thành viên của văn hóa ấy. Mỗi giai cấp sở hữu cho mình một văn hóa tự sản sinh và phù hợp chỉ riêng với nó và mặc dù, theo lẽ tự nhiên, các giai cấp này song song tồn tại trong xã hội, vẫn tồn tại những khác biệt đặc trưng liên quan tới hoàn cảnh kinh tế của riêng từng giai cấp. Đơn cử, không ai có thể hoài thai ra một văn hóa vừa quý tộc vừa dân dã giống hệt nhau, cho dù cả hai giai cấp quý tộc lẫn bình dân có với nhau nhiều điểm chung, như tôn giáo và ngôn ngữ.
Quan niệm về giai cấp của Eliot không cứng nhắc cũng không hề kiên cố như bàn thạch; mà là một quan niệm mở. Một người từ giai cấp này có thể di chuyển lên hoặc xuống một giai cấp khác, và đó là một điều hay, cho dù chỉ là ngoại lệ hơn là một quy luật. Hệ thống này vừa bảo đảm vừa diễn tả một trật tự xã hội, nhưng ngày nay trật tự ấy bị nứt gãy, gây ra hoang mang về tương lai. Cái suy nghĩ thơ ngây cho rằng, bằng giáo dục, ta có thể chuyển tải văn hóa tới toàn thể xã hội, đang phá hủy “văn hóa thượng tầng”, bởi cách duy nhất để đạt được sự dân chủ hóa toàn thể văn hóa chính là khiến cho nó nghèo nàn, trở nên ngày càng hời hợt phù phiếm. Cũng như giới tinh hoa là hiện diện bắt buộc trong cách Eliot nhìn nhận về “văn hóa thượng tầng”, một xã hội thiết yếu phải có những văn hóa vùng miền, địa phương nuôi dưỡng văn hóa dân tộc đồng thời tự thân tồn tại trong một mức tự chủ nhất định. “Điều quan trọng là một cá nhân nên cảm thấy mình không chỉ đơn thuần là công dân của riêng một quốc gia, mà họ còn là công dân của một nơi chốn cụ thể thuộc quốc gia đó, với sự trung thành gắn bó dành cho trú sở. Tựa như lòng trung thành với giai cấp, sự trung thành ấy có được từ lòng trung thành dành cho gia đình.”
Văn hóa được lưu truyền thông qua gia đình và khi gia đình không còn chức năng vận hành thỏa đáng, kết quả nhận được là “chúng ta phải mong cho văn hóa của chúng ta suy yếu”. Khi vượt khỏi phạm vi gia đình, hình thái lưu truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác luôn nằm ở Giáo hội, chẳng phải trường lớp. Chúng ta chớ nên đánh đồng văn hóa với tri thức. “Văn hóa không chỉ đơn thuần là tổng hòa nhiều sinh hoạt khác nhau, mà nó chính là một lối sống,” nơi hình thức cũng quan trọng chẳng kém nội dung. Tri thức lưu tâm tới tiến hóa của công nghệ và khoa học, còn văn hóa là cái đi trước tri thức, một thuộc tính của tinh thần, một cảm tình và một hun đúc một hình thức trao ý nghĩa và đường lối cho nhiều không gian tri thức khác nhau.
Văn hóa và tôn giáo không là một, nhưng cả hai không tách rời nhau bởi vì văn hóa sinh ra từ giữa tôn giáo và mặc dù, dọc theo tiến hóa lịch sử của nhân loại, đã một phần nào tách ra khỏi tôn giáo, văn hóa sẽ luôn gắn với nguồn dưỡng chất tôn giáo như một dây rốn nối thai nhi với mẹ. Tôn giáo, “chừng nào còn tồn tại, và theo quy mô của riêng nó, tạo ra một ý nghĩa rõ nét về cuộc sống, cung cấp cơ sở cho một hình thái văn hóa và bảo vệ không cho đám đông thấy chán chường, tuyệt vọng.”
Khi nói về tôn giáo, T. S. Eliot chủ yếu chỉ nói về Cơ Đốc giáo, theo thi sĩ là tôn giáo đã làm nên Châu Âu của ngày hôm nay:
Chính trong Cơ Đốc giáo nghệ thuật của chúng ta mới hình thành và phát triển; chính trong Cơ Đốc giáo luật pháp của Châu Âu - tận tới trước hiện tại - bắt rễ hình thành. Chỉ từ tấm phông Cơ Đốc toàn thể suy tư của chúng ta mới có sức nặng. Một cá thể người Châu Âu có thể không xác tín Đức tin Cơ Đốc, nhưng những gì họ nói, làm ra, thực hiện, đều sinh ra từ di sản của văn hóa Cơ Đốc và phụ thuộc về ý nghĩa nơi nền văn hóa đó. Chỉ nền văn hóa Cơ Đốc mới có thể sinh ra một Voltaire, hay một Nietzsche. Tôi không tin rằng nền văn hóa Châu Âu có thể tiếp tục tồn tại nếu Đức tin Cơ Đốc biến mất hoàn toàn.
Quan điểm của Eliot về xã hội và văn hóa đưa chúng ta nghĩ tới cấu trúc của thiên đường, luyện ngục và địa ngục trong Thần khúc của Dante với ba vòng tròn chồng lên nhau, với cấu trúc hình học cứng nhắc và phân tầng mà trong đó thánh thần trừng phạt sự xấu xa quỷ quyệt và thưởng ban cho người tốt dựa theo một trật tự vô hình.
Chừng 20 năm sau khi quyển sách của Eliot xuất bản, George Steiner đáp lại, vào năm 1971, trong tác phẩm Lâu đài Râu xanh: Vài ghi chép về Tái định nghĩa văn hóa. Trong tiểu luận súc tích và mãnh liệt này, Steiner cảm thấy bức xúc trước việc đại thi sĩ của tuyệt tác thơ Đất hoang, T. S. Eliot, lại có thể viết ra một chính luận về văn hóa chỉ ba năm sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai, mà không gắn luận điểm của mình với sự tàn phá kinh thiên động địa của hai cuộc thế chiến, và, hơn hết, không hề nhắc tới Thảm họa Diệt chủng, cuộc thanh trừng sáu triệu người Do Thái, về sự tụ kết của một truyền thống bài Do Thái ngay bên trong lòng văn hóa Phương Tây. Steiner đề nghị sửa chữa khiếm khuyết của Eliot bằng một phân tích về văn hóa ưu tiên trên hết mối liên hệ giữa nó với bạo lực chính trị và bạo lực xã hội.

Theo Steiner, sau cuộc Cách mạng Pháp 1789, sau Napoleon, sau chiến tranh Napoleon, Phái phục hoàng Bourbon, và chiến thắng của giai cấp tư sản Châu Âu, Cựu Lục trở thành con mồi cho “cơn đại chán chường”, một cảm giác bức bối, chán ngấy và buồn thảm, hòa với một khao khát bí mật dành cho bạo lực dữ dội, tai ương, vốn có thể tìm thấy trong những áng văn hay nhất Châu Âu và trong các tác phẩm như Văn minh và những bất mãn từ nó của Freud. Trào lưu Dada và siêu thực đang ở đỉnh cao cũng như ở những hình thái sắc rõ nhất của hiện tượng này. Với Steiner, văn hóa Châu Âu không chỉ đón đợi mà còn khao khát về khả năng xảy ra một vụ bùng nổ đẫm máu, mang tính thanh tẩy, mang hình vóc các cuộc cách mạng và hai cuộc Thế chiến. Thay vì ngăn chặn những vụ tắm máu kia, văn hóa Châu Âu mong mỏi muốn đánh thức và tung hê chúng. 
Steiner ngụ rằng có lẽ lý do Eliot không bao gồm “hiện tượng luận thảm sát diễn ra tại Châu Âu, từ Nam Tây Ban Nha cho tới các chiến trường Nga-Á trong khoảng thời gian 1936 đến 1945”, tới từ tinh thần bài Do Thái của nhà thơ, thoạt tiên có vẻ chỉ riêng tư cho tới khi các công bố các thư từ trao đổi sau khi ông qua đời đã mang nó ra ánh sáng. Trường hợp của T. S. Eliot không hề biệt lệ bởi vì “có rất ít cá nhân từng tìm cách liên hệ hiện tượng bao trùm của chủ nghĩa man rợ thế kỷ 20 với một lý thuyết phổ quát hơn về văn hóa.” Và, Steiner bổ sung,
Bất cứ lý thuyết văn hóa, bất cứ phân tích nào về tình hình hiện nay của chúng ta, mà không chọn cách cân nhắc đến những hình thái khủng bố gây ra chết chóc, thông qua chiến tranh, đói khát và thảm sát có chủ đích, đến 70 triệu con người ở Châu Âu và Nga trong khoảng thời gian từ lúc bắt đầu Thế Chiến thứ Nhất cho tới khi kết thúc Thế Chiến thứ Hai, với bản thân tôi là hết sức vô trách nhiệm.
Giải thích của Steiner có liên quan mật thiết với tôn giáo, mà theo ông nằm chính tại cái lõi của văn hóa, như Eliot từng nói, nhưng không kèm theo biện minh hẹp hòi của nhà thơ về “quy củ Cơ Đốc” vốn “giờ đây trở thành luận điểm yếu nhất trong lập luận của ông”. Trong lập luận của Steiner, “sự lôi kéo mãnh liệt của ý chí” làm sản sinh nên nghệ thuật và cả suy nghĩ bàng quan, có “gốc rễ tại một ván cược với đấng siêu phàm”. Đây chính là khía cạnh tôn giáo của mọi nền văn hóa. Văn hóa phương Tây đã bị đeo giăng bởi chủ nghĩa bài Do Thái từ rất, rất lâu, và nguyên nhân ở chính tôn giáo. Đó là một sự đáp trả đầy thù hằn của thế giới ngoại-Do Thái tới những con người phát minh ra chủ nghĩa độc thần, tức, ý niệm về một vị chúa độc nhất, vô hình, bất khả thấu tri và toàn năng nằm vượt khỏi hiểu biết và hình dung của con người. Thượng Đế của Moses ra đời để thay thế cho chủ nghĩa bách thần của các nam thần và nữ thần gần gũi với loài người trong các lốt dạng khác nhau, những thần linh mà nhiều người đàn ông và đàn bà có thể cảm thấy thoải mái và thân thuộc khi ở bên cạnh. Theo Steiner, Cơ Đốc giáo, cùng các thánh thần, cùng bí ẩn của Chúa Ba Ngôi và sự chiêm bái Đức mẹ Maria đồng trinh, luôn là một “hỗn hợp giữa các lý tưởng độc thần và các tục lệ thờ cúng bách thần”, tìm cách tái sinh một số phái sinh thiêng liêng trước đó đã bị chủ nghĩa độc thần của Moses xóa sổ. Thượng Đế độc nhất, bất khả tri của người Do Thái nằm ngoài tri kiến của con người - chỉ có thể tiếp nhận được thông qua đức tin - và trở thành nạn nhân của các triết thuyết Khai sáng, những kẻ tin rằng một nền văn hóa bình dân, thế tục sẽ chấm dứt bạo lực và giết chóc nảy sinh từ cuồng tín tôn giáo, từ các hành xử của tòa thẩm giáo và chiến tranh tôn giáo. Nhưng cái chết của Thượng Đế không đồng nghĩa với sự hoài mong về thiên đàng trên địa giới, mà là một địa ngục, đã từng được hình dung trước đó trong ác mộng Thần khúc của Dante hay trong những cung điện khoái lạc và hầm tra tấn của Marquis de Sade. Thế giới một khi đã không còn bóng dáng Thượng Đế dần bị chiếm đóng bởi quỷ dữ, bởi quỷ hồn, sự độc ác và hủy diệt làm nên hai cuộc Thế Chiến, những hố chôn xác của Nazi, và trại gulag của Xô Viết. Với biến cố này văn hóa đến hồi cáo chung và thời đại hậu-văn hóa bắt đầu.
Steiner nhấn mạnh các suy nghĩ “tự luận tội”, hay ăn năn sám hối nằm ngay chính giữa truyền thống phương Tây: “Chủng tộc nào khác lại ăn năn với những họ kẻ từng giam cầm, nền văn minh nào lại đi kết án chính sự huy hoàng trong quá khứ của chính nó? Phản ứng mang tính tự kiểm điểm nhân danh các tuyệt đối đúng sai về đạo đức, một lần nữa, là đặc tính cố hữu của một hành vi phương Tây, hậu Voltaire.”
Một trong những đặc điểm của hậu-văn hóa chính là không tin vào tiến bộ, rằng lịch sử đang trong một đường cong đi xuống. Thay vào đó chúng ta tìm thấy một Kulturpessimismus (Bi quan văn hóa) hay một tân hiện thực khắc kỷ. Ngạc nhiên thay thái độ này song song tồn tại với bằng chứng khẳng định rằng, trong lĩnh vực công nghệ và hiểu biết về khoa học, thời đại của chúng ta đang sản sinh ra phép màu mỗi ngày. Nhưng tiến bộ hiện đại, giờ đây chúng ta nhận ra, thường đi theo một cái giá phải trả mang tính chất hủy diệt, chẳng hạn tổn thất gây ra với tự nhiên và các hệ sinh thái không sao bù đắp được, và tiến bộ không phải lúc nào cũng có tác dụng làm thuyên giảm tình trạng nghèo đói mà chỉ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các quốc gia, các giai cấp và các dân tộc.
Hậu-văn hóa tiêu hủy huyền thoại mà chủ nghĩa nhân văn đã nhân tính hóa. Điều quá nhiều nhà giáo dục và triết gia hằng tin vào, rằng một nền giáo dục khai phóng dành cho tất cả sẽ bảo đảm một tương lai tiến bộ, hòa bình, tự do và bình đẳng về cơ hội trong các nền dân chủ hiện đại, chưa bao giờ tự chứng minh là đúng: “... các thư viện, bảo tàng, nhà hát, đại học, viện nghiên cứu, ở đó và thông qua đó chủ yếu diễn ra sự chuyển giao các giá trị nhân văn và khoa học, có thể trở thành các trại tập trung”. Ở các cá nhân, như trong xã hội, văn hóa thượng tầng, cảm xúc và trí tuệ đôi khi vẫn cùng song song tồn tại với sự cuồng tín của kẻ tra khảo và quân ám sát. Heidegger là một Nazi, nhưng ông cũng sáng tác trước tác triết học về ngôn ngữ ngay sát bên một trại tập trung: “Ngòi bút của Heidegger không dừng, đầu óc ông không lặng câm.”
Trong sự bi quan khắc kỷ của hậu-văn hóa, sự yên ổn mà những khác biệt lẫn các cấu trúc phân tầng của giá trị trước kia từng đưa ra giờ đây đã hoàn toàn biến mất: “Lằn ranh phân chia cái cao hơn khỏi cái thấp hơn, cái to hơn khỏi cái kém hơn; văn minh đến từ chủ nghĩa nguyên thủy trì độn, học hỏi từ sự vô minh, đặc quyền xã hội từ sự khúm núm tôi đòi, lão làng từ sự non nớt, đàn ông từ đàn bà. Và mỗi lần như thế, “từ” cũng tương đương với “cao hơn”. Sự sụp đổ của những khác biệt này nay chính là đặc điểm nổi trội nhất của văn hóa đương thời.
Hậu-văn hóa, đôi khi còn được gọi với cái tên “phản văn hóa”, có thể cảnh tỉnh nền văn hóa trước chủ nghĩa tinh hoa và những rường mối truyền thống mà nghệ thuật, văn học và khoa học đã từng có với chủ nghĩa tuyệt đối chính trị: “Chủ nghĩa nhân văn cao thượng đã làm được gì hay ho cho đại chúng bị đàn áp trong xã hội? Tác dụng của nó là gì khi chủ nghĩa mọi rợ man di xuất hiện?”
Trong các chương về cuối tác phẩm, Steiner phác thảo ra một bức tranh khá ảm đạm về chiều hướng phát triển của văn hóa, trong đó truyền thống, vốn đã khuyết đi sự định giá, bị bó ràng vào học thuật hàn lâm: “Một thành phần chủ chốt của thi ca, của tư tưởng tôn giáo, nghệ thuật đã thoái lui khỏi sự gần gũi cá nhân để trở thành sở hữu của bậc chuyên gia.” Cái trước đây từng là một cuộc sống sinh động sẽ trở thành một thứ đời sống nhân tạo của những kho lưu trữ. Và, bệ rạc hơn nữa, văn hóa trở thành một nạn nhân - nó đã trở thành nạn nhân - cho cái mà Steiner gọi là “thoái thác khỏi từ ngữ”. Trước kia, “diễn ngôn truyền khẩu, được ghi nhớ và ghi chép, chính là xương sống của ý thức.” Giờ đây ngôn từ ngày càng bị yếm thế trước hình ảnh. Và với âm nhạc, “ngôn ngữ toàn cầu” của thế hệ mới, nơi nhạc rock, pop và folk tạo ra một không gian bao bọc, một thế giới trong đó sự viết, sự học và trao đổi riêng tư “giờ đây xảy ra trong một trường ngân đinh tai nhức óc”. Thứ “âm nhạc hóa” nền văn hóa ấy có tác dụng gì đối với bộ não, với khả năng nhận thức của chúng ta đây?
Vừa nhấn mạnh diễn tiến kém cỏi hiện tại của ngôn từ, Steiner cũng chỉ ra như những đặc điểm nổi trội của thời đại chúng ta, đó là sự bận tâm dành cho tự nhiên và hệ sinh thái cùng sự phát triển phi thường của khoa học - chủ yếu là toán học và khoa học tự nhiên - càng vén lộ thêm những khía cạnh bất ngờ khác trong đời sống con người, thế giới tự nhiên và không gian nguyên tử cũng như không gian vũ trụ, đồng thời tạo ra những phương pháp có thể thay đổi và thao túng bộ não lẫn hành vi của con người. Nền văn hóa “sách vở” mà Eliot nhắc tới trong tác phẩm của mình đang đánh mất sức sống và đang tồn tại bên bờ biên của văn hóa đương thời, vốn đã cắt đứt gần như hoàn toàn khỏi chủ nghĩa nhân văn cổ điển - tiếng Hebrew, tiếng Hy Lạp, tiếng Latin - trong khi các bộ môn tự nhiên tự thân chúng trở thành chốn nương náu của những bậc chuyên gia gần như không một ai có thể hiểu nổi bởi những thuật từ bí hiểm, sự thông tuệ đến nghẹt thở và những lý thuyết lắm khi điên rồ, hoang tưởng của bọn họ.
Phần gây tranh cãi nhất trong tiểu luận của Steiner nằm ở chỗ ông cho rằng xã hội hậu hiện đại buộc mọi người, đàn ông và đàn bà, có văn hóa phải có kiến thức cơ bản về toán học và khoa học tự nhiên để hiểu được những tiến bộ nổi bật mà thế giới khoa học đã và đang tiếp tục tạo nên thuộc mọi lĩnh vực từ hóa học, vật lý và thiên văn học, vốn thường tài tình như những tác phẩm văn học táo bạo kỳ thú nhất. Mệnh đề này không tưởng chẳng kém những mệnh đề khác mà Steiner nêu ra trong tiểu luận, bởi vì nếu như trong đoạn lịch sử mới đây của nhân loại, một bậc thầy thông thái đương thời như Pico xứ Mirandola có thể thấu hiểu hết mọi tri thức của thời đại mình đã là điều không thể tưởng tượng ra được, thì ở thời đại chúng ta kể cả những cỗ máy tính mà Steiner vô cùng ngưỡng mộ, với khả năng lưu trữ dữ liệu vô hạn, cũng không thể nào có thể thấu hiểu thứ gì. Có thể thứ văn hóa ấy không còn khả thi trong thời đại của chúng ta, nhưng chẳng phải bởi lý do mà Steiner nêu ra, mà bởi chính cái ý nghĩ văn hóa chẳng bao giờ bao gồm bất cứ trữ lượng sẵn có nào về tri thức, mà còn là một phẩm chất, là một nét nhạy cảm. Như với các tiểu luận khác của Steiner, tiểu luận này bắt đầu giữa thực tế và kết thúc trong sự tung tẩy những suy đoán lý trí ngông cuồng.
Ít năm trước khi tiểu luận của Steiner ra đời, vào tháng Mười một 1967, Guy Debord công bố tại Paris tác phẩm Xã hội diễn cảnh, một tiêu đề giống hệt một phụ đề trong tập tiểu luận của chính tôi. Debord, một người tự học, một nhà tư tưởng tiên phong cấp tiến, một người cương quyết và ủng hộ các diễn tiến phản văn hóa thập niên 1960, đã đi định nghĩa “diễn cảnh” như khái niệm mà Marx từng gọi là sự “tha hóa” trong Luận cương Kinh tế Chính trị viết năm 1844, một tình trạng gây ra bởi sự thèm muốn hàng hóa, tình trạng mà, ở các xã hội tư bản đã phát triển, đã đón lấy một vai trò trung tâm trong đời sống của người tiêu thụ tới nỗi thay thế cho mọi thực tại văn hóa, tri thức hay chính trị còn lại. Sự mua sắm ám cưỡng hàng hóa qua quá trình chế tạo, thứ làm duy trì và mở rộng quá trình sản xuất hàng hóa, gây ra sự “vật hóa” cá nhân, biến con người trở thành đồ vật. Đàn ông và đàn bà trở thành chủ thể chủ động tiêu thụ hàng hóa - nhiều thứ trong số đó vô nghĩa lý và thừa mứa - mà thời trang và quảng cáo áp đặt lên họ, vắt kiệt những bận tâm về xã hội, tinh thần và thậm chí cả nhân tính, làm họ xa lánh và phá hủy nhận thức của người khác, của giai cấp và của chính bản thân tới mức, chẳng hạn, giai cấp vô sản, “vô sản hóa” bởi quá trình tha hóa, chẳng còn tỏ ra mình là một mối họa, hay thậm chí chỉ là một hình thái phản kháng, đối với giai cấp thống trị.
đoạn trích trong quyển Xã hội Diễn cảnh
Những tư tưởng của Marx trẻ tuổi, những tư tưởng mà ông không thể triển khai trong các tác phẩm chín chắn hơn về sau của mình, nằm ở nền tảng lý thuyết của Debord về thời đại chúng ta. Luận điểm trung tâm của Debord chính là ở xã hội công nghiệp hiện đại, nơi chủ nghĩa tư bản thắng thế và giai cấp lao động đã (chí ít tạm thời) bị đánh bại, quá trình tha hóa - ảo tưởng về một lời nói dối trở thành hiện thực - đã chiếm lấy tồn tại xã hội, biến nó trở thành một đại diện trong đó mọi thứ mang tính ngẫu nhiên, thuần khiết và nguyên bản - chân lý của xã hội nhân văn - bị thay thế bằng nhân tạo và dối trá. Trong thế giới đó, mọi thứ - hàng hóa - trở thành kẻ kiểm soát đích thực cho cuộc sống, chủ nhân mà mọi đàn ông lẫn đàn bà cung phụng nhằm bảo đảm quá trình sản xuất làm giàu cho chủ sở hữu các cỗ máy và ngành công nghiệp sản xuất ra chính chúng, những món hàng hóa. “Diễn cảnh,” theo Debord, “là chế độ độc tài ảo giác hữu hiệu trong xã hội hiện đại.”
Mặc dù trong các lĩnh vực khác Debord có nhiều phóng túng với lý thuyết của Marx, ông cũng xem lý thuyết lịch sử chính là đấu tranh giai cấp là chân lý kinh điển và sự “vật hóa” của đàn ông và đàn bà như hệ quả của chủ nghĩa tư bản, vốn tạo ra những nhu cầu, thời trang và ham muốn giả tạo nhằm duy trì một thị trường không ngừng mở rộng dành cho hàng hóa sản xuất ra. Viết theo một lối viết trừu tượng và trung lập, Xã hội diễn cảnh bao gồm chín chương sách và 221 luận điểm, một số ngắn tựa như cách ngôn, và gần như đều thiếu vắng các ví dụ minh họa cụ thể. Các lập luận của ông có lúc khó theo dõi, bởi đặc thù lối hành văn của Debord. Các chủ đề văn hóa cụ thể, liên quan tới nghệ thuật và văn chương, chỉ được đả động phớt qua. Tác phẩm của ông kiệm lời, triết lý và mang tính lịch sử nhiều hơn tính văn hóa, vốn là một khía cạnh của cuộc sống, trung thành với chủ nghĩa Marx cổ điển, mà Debord rút gọn thành một siêu cấu trúc dựa trên các mối quan hệ sản xuất là nền tảng cho sự tồn tại của xã hội. 
Tiểu luận của tôi, trái lại, neo đậu nơi chính địa hạt của văn hóa, được hiểu không chỉ như một hiện tượng thứ cấp của đời sống xã hội và kinh tế, mà như một thực tại tự vận hành, cấu từ những ý tưởng, giá trị mỹ học và đạo đức, và các tác phẩm nghệ thuật cũng như văn chương giao cắt với phần còn lại của tồn tại xã hội, và thường không chỉ là những phản ánh, mà chính là nguồn khơi của các hiện tượng xã hội, kinh tế, chính trị và thậm chí có cả hiện tượng tôn giáo.
Tác phẩm của Debord chứa đựng nhiều nhận định và trực giác trùng khớp với một số chủ đề được tiểu luận của tôi khai thác, chẳng hạn ý thay thế cuộc sống bằng sự đại diện, biến cuộc sống trở thành một diễn cảnh tự thân, dẫn tới sự nghèo nàn của tồn tại của con người (luận điểm 30). Tương tự, nhận xét của Debord, trong một môi trường nơi cuộc sống không được sống, mà chỉ đại diện, con người sống một cách mặc định, như những diễn viên khắc họa cuộc sống giả tạo của mình trên sân khấu hay màn bạc: “Người tiêu dùng hàng hóa trở thành người tiêu thụ ảo tưởng” (luận điểm 47). Quan sát tài tình này đã được khẳng định vững chắc nhiều năm sau khi tác phẩm của Debord được xuất bản.
Quá trình này, Debord tuyên bố, dẫn tới một cảm giác vô nghĩa lý “thống trị xã hội hiện đại”, bởi sự nhân cấp của hàng hóa mà người tiêu dùng có thể chọn lựa, và sự biến mất của tự do bởi bất cứ thay đổi nào về chính trị hay xã hội xảy ra đều không đến từ tự do lựa chọn của cá nhân, mà từ “hệ thống kinh tế, từ diễn biến của chủ nghĩa tư bản”.
Xa rời cấu trúc luận, mà Debord gọi là một “giấc mộng lạnh lẽo”, Debord bổ sung thêm rằng bất kỳ phê phán nào từ xã hội đối với diễn cảnh chỉ có thể xảy ra như một phần của một phê phán “thực dụng” các điều kiện cho phép diễn cảnh tồn tại: thực dụng ở đây theo nghĩa gây ra một hành động cách mạng khiến cho xã hội cáo chung (luận điểm 203). Theo đó, hơn hết, các lập luận của Debord nằm đối xứng với các lập luận của tôi.
Rất nhiều nghiên cứu những năm gần đây đã tìm cách định nghĩa những đặc điểm của nền văn hóa đương đại bên trong bối cảnh toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản và thị trường, và cuộc cách mạng phi thường trong công nghệ. Một trong những nghiên cứu sắc sảo nhất chính là Văn hóa-thế giới: Đáp lại một xã hội lệch hướng của hai nhà tư tưởng, xã hội học Gilles Lipovetsky và Jean Serroy. Nghiên cứu này đề xuất rằng giờ đây đã có một nền văn hóa toàn cầu hoàn thiện - một văn hóa-thế giới - là kết quả của sự xói mòn không ngừng biên giới gây ra bởi các thế lực thị trường, và các cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật (nhất là trong lĩnh vực truyền thông), đang tạo ra, lần đầu tiên trong lịch sử, những giá trị văn hóa nhất định được chia sẻ giữa các xã hội và các cá nhân trên khắp năm châu lục, những giá trị có thể được sẻ chia bình đẳng bất luận khác biệt về truyền thống, tín ngưỡng, và ngôn ngữ. Nền văn hóa này, không như những gì trước kia từng được định nghĩa là văn hóa, không còn mang tính tinh hoa, lưu loát và độc quyền, mà hoàn toàn là “văn hóa đại chúng”:
Đối xứng với các trào lưu tiền phong tinh hoa và dị hiếm, thứ văn hóa đại chúng này muốn trao những phát minh có thể tiếp cận bởi đông đảo nhất có thể, có thể làm đẹp lòng lượng người tiêu thụ cực đại. Mục tiêu của nó là mua vui và tạo sảng khoái, cung cấp một lối thoát dễ dàng và dễ có cho mọi người mà không cần phải có bất kỳ nền tảng giáo dục cụ thể, bất kỳ tham chiếu cụ thể và lưu loát nào cả. Các công nghiệp văn hóa tạo ra chính là một nền văn hóa được biến thành những sản phẩm tiêu thụ đại trà.
Nền văn hóa đại chúng ấy, theo hai tác giả, dựa trên sự thống trị của hình ảnh và âm thanh trước ngôn từ. Ngành công nghiệp điện ảnh, cụ thể là Hollywood, “toàn cầu hóa” phim ảnh, đưa chúng đến với mọi quốc gia, và ở từng quốc gia, vươn tới mọi nhóm đối tượng, bởi vì, giống với âm nhạc và truyền hình sẵn sàng để mua sắm, phim ảnh có thể tiếp cận dễ dàng với tất cả mọi người mà không đòi hỏi tầm hiểu biết của bậc chuyên gia mới có thể thưởng thức. Quá trình này được thúc đẩy nhanh chóng bởi cuộc cách mạng điều khiển học, sự ra đời của mạng xã hội và sức vươn toàn cầu của Internet. Không chỉ thông tin phá vỡ mọi biên giới và được tất cả mọi người tiếp cận, mà gần như mọi khía cạnh của truyền thông, nghệ thuật, thể thao, tôn giáo, v.v… đều cảm thấy những tác động biên cải của màn hình điện thoại: “Thế giới màn hình đã làm trật chỗ, phá vỡ đồng bộ và phá bỏ điều tiết đại lượng không- thời gian của văn hóa.”
Dĩ nhiên tất cả những điều vừa nêu đều đúng. Nhưng cái vẫn còn chưa sáng tỏ chính là liệu cái mà Lipovetsky và Serroy gọi là “văn hóa-thế giới” hay văn hóa đại chúng (trong đó chẳng hạn cả hai còn bao gồm cả “văn hóa thương hiệu” của các hàng hóa đắt tiền), có phải là văn hóa hay không, nếu xem xét một cách thỏa đáng, hay liệu có phải chúng ta đang nói về những cái khác nhau khi một mặt, chúng ta nói về một vở opera của Wagner hay triết thuyết của Nietzsche và mặt còn lại, chúng ta nói về phim ảnh của Alfred Hitchcock và John Ford (hai trong số các đạo diễn yêu thích nhất của tôi), hay một quảng cáo của Coca-Cola. Họ sẽ nói đúng vậy, rằng cả hai phân loại này đều là văn hóa, trong khi tôi lại cho rằng đã xảy ra một thay đổi, hay một bước nhảy vọt về chất theo Hegel, khiến cho phạm trù thứ hai trở thành một cái khác với phạm trù thứ nhất.
Hơn nữa, một số nhận xét trong Văn hóa-thế giới có vẻ như cần phải đặt dấu hỏi, chẳng hạn luận điểm cho rằng nền văn hóa toàn hành tinh mới mẻ này đã tạo nên chủ nghĩa cá nhân cực đoan trên khắp toàn cầu. Ngược lại thì đúng hơn: cách thức mà quảng cáo và thời trang đóng khung và quảng bá các sản phẩm văn hóa ngày nay là một trở ngại lớn để hình thành những cá thể độc lập, có thể tự phán xét những gì họ thích, những gì họ ngưỡng mộ, hay những gì họ thấy không thể chấp nhận, lừa phỉnh hay gớm ghiếc ở các sản phẩm kia. Thay vì hun đúc các cá thể, văn hóa-thế giới bóp chẹt họ, tước mất sự trôi chảy và tự do ý chí của họ, khiến họ phản ứng với “văn hóa” thống trị bằng một hiệu ứng bầy đàn, có điều kiện, như những chú chó của Pavlov phản ứng trước tiếng chuông báo bữa.
Một ý kiến khác của Lipovetsky và Serroy cũng đáng để chất vấn không kém chính là nhận xét rằng vì có hàng triệu du khách thăm viếng bảo tàng Louvre, Cổ thành Athens và các hí trường Hy Lạp tại Sicily, nền văn hóa chẳng mất đi giá trị nào cả, mà vẫn tận hưởng “một giá trị chính đáng”. Hai tác giả này dường như không nhận ra rằng những chuyến tham quan đến bảo tàng đồ sộ hay các công trình lịch sử cổ đại chẳng hề minh họa cho sự ham thích thuần thành dành cho “văn hóa thượng tầng” (khái niệm họ sử dụng), mà chính sự kiêu căng chỉ vì đã từng đặt chân đến những nơi chốn ấy là một phần nghĩa vụ của một du khách hậu hiện đại toàn bích đích thực. Thay vì gợi ra một ham thích về quá khứ cổ đại và nghệ thuật của nó, các chuyến tham quan này thay cho bất kỳ hình thức nghiên cứu và khảo cứu nghiêm cẩn nào khác. Thoáng nhìn đã là đủ để họ thấy mãn nguyện trước nhận thức về văn hóa của bản thân. Các chuyến tham quan cưỡi ngựa xem hoa ấy xói mòn ý nghĩa đích thực của các viện bảo tàng và các kỳ quan, đặt những nơi này ngang bằng với những bổn phận khác của một du khách hoàn hảo: ăn pasta, nhảy tarantella ở Ý, khen ngợi flamencocante jondo ở Andalucía, nếm ốc sên, tham quan bảo tàng Louvre và thưởng lãm bức Folies-Bergère (của Monet) ở Paris.
Năm 2010, nhà xuất bản Flammarion ở Paris xuất bản Mainstream, quyển sách của nhà xã hội học Frédéric Martel. Quyển sách muốn nêu rằng, ở chừng mực nhất định, “văn hóa mới” hay “văn hóa-thế giới” mà Lipovetsky và Serroy đề cập đã quá vãng, sai lạc với cơn bão hối hả của thời đại chúng ta. Quyển sách của Martel vừa thú vị vừa đáng sợ khi mô tả rằng “văn hóa giải trí” thay thế gần như tất cả mọi nơi cái mà già nửa thế kỷ trước đây còn được hiểu là văn hóa. Mainstream, kỳ thực, là một nghiên cứu đầy tham vọng, từ hàng trăm cuộc phỏng vấn từ nhiều nơi trên thế giới, về, nhờ vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng nghe nhìn, được chung tay bởi tất cả mọi người từ khắp năm châu, bất kể khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo và tập quán.
Nghiên cứu của Martel không bàn về sách vở - quyển sách duy nhất được đề cập trong hàng trăm trang viết trong sách là Mật mã Da Vinci của Dan Brown, và nữ tác giả duy nhất được nhắc tới là nhà phê bình điện ảnh Pauline Kael - về tranh và điêu khắc, hay về nhạc cổ điển và múa, hay về triết học và nhân văn nói chung. Thay vào đó quyển sách nói hoàn toàn về phim ảnh, về các chương trình truyền hình, về videogame, manga, về các buổi hòa nhạc rock, pop và rap, video và máy tính bảng, và về “ngành công nghiệp sáng tạo” sản sinh và cổ xúy chúng: tức, loại hình giải trí được tuyệt đại đa số thưởng thức đã và đang thay thế (và cuối cùng sẽ xóa sổ) văn hóa của quá khứ.
Martel chấp thuận thay đổi ấy, bởi vì, văn hóa chủ lưu, kết quả của quá trình này, đã quét đi đời sống văn hóa của thiểu số trước kia từng đóng vai trò độc tôn trong văn hóa; nay nó đã dân chủ hóa, đặt nó vào tầm với của tất cả mọi người, và bởi nội dung của thứ văn hóa ấy với Martel dường như hoàn toàn hòa điệu với hiện đại, với những phát minh khoa học và công nghệ vĩ đại của kỷ nguyên chúng ta.
Những chuyện kể và phỏng vấn mà Martel thu thập, cùng với phân tích của tác giả, vừa mang tính hướng dẫn vừa đại diện cho một thực tại mãi tận bây giờ, các nghiên cứu xã hội học và triết học vẫn còn chưa dám giải quyết. Phần lớn nhân loại không hề tham gia, sản xuất hay trân trọng bất kỳ hình thái văn hóa nào ngoại trừ những cái được những cá nhân được xem là có văn hóa, một cách rời rạc, từng xem như những thú tiêu khiển phổ thông, không hề liên quan gì tới các sinh hoạt văn chương, nghệ thuật, tri thức vốn từng thuộc tâm điểm của văn hóa. Thứ văn hóa ngày trước nay đã chết, dù nó vẫn còn tồn tại ở các lãnh thổ văn hóa nhỏ bé, chẳng ảnh hưởng gì đến văn hóa chủ lưu.
Khác biệt cốt yếu giữa văn hóa trong quá khứ và giải trí của ngày nay chính là những sản phẩm của nền văn hóa trong quá khứ tìm cách vượt khỏi thời điểm hiện tại của nó, để duy trì, và để hiện hữu cho thế hệ tương lai, trong khi sản phẩm của giải trí lại được tạo ra để tiêu thụ tức thời rồi biến mất, như bánh ngọt hay bắp rang. Tolstoy, Thomas Mann, hay cả Joyce và Faulkner, viết ra những áng văn có vẻ như tìm cách đánh bại cái chết, sống vượt vòng đời tác giả và tiếp tục không ngừng thu hút và chinh phục độc giả trong tương lai. Phim truyền hình nhiều tập Brazil, phim Bollywood, và các hòa nhạc của Shakira chẳng hề ra sức tồn tại lâu hơn thời lượng của chính chúng. Các tác phẩm này biến mất và nhường chỗ cho các sản phẩm thành công và phù du, khoảnh khắc chẳng kém. Văn hóa là giải trí và cái gì không mang tính giải trí không phải là văn hóa.
Khảo sát của Martel chỉ ra ngày nay đó văn hóa mang tính giải trí là một hiện tượng mang tính toàn cầu, một hiện tượng xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử, khi đó các quốc gia phát triển lẫn kém phát triển đều tham gia, bất kể các khác biệt về truyền thống, tín ngưỡng hay hệ thống chính quyền, cho dù, lẽ đương nhiên, mỗi quốc gia và mỗi xã hội sẽ bày trưng ra những khác biệt nhất định về chi tiết và sắc thái về điện ảnh, phim truyền hình dài tập, ca khúc, manga, hoạt hình, vân vân.
Văn hóa mới này cần cho nó một quá trình sản xuất công nghiệp và thành công thương mại đại trà. Khác biệt giữa giá thành và giá trị biến mất; giờ đây chúng là một, khi giá thành đã ăn mất và phá bỏ giá trị. Cái gì thành công và bán được là hay, và cái gì không thể bán được và không đến với đại chúng là dở. Giá trị duy nhất chính là giá trị thương mại. Sự biến mất của văn hóa cựu truyền hàm chứa cả sự biến mất của khái niệm cựu truyền về giá trị. Thứ giá trị đang tồn tại duy nhất ngày nay chính là cái mà thị trường chi phối.
Từ thời T. S. Eliot tới những năm của Frédéric Martel, hình dung của chúng ta về văn hóa chẳng hề chứng kiến một cuộc ì ạch tiến hóa, mà là cả một đổi thay sâu sắc, ở đó một thực tế mới vừa ra đời, chỉ còn chút dấu vết mơ hồ sót lại từ thực tại cũ mà nó đã thay thế.
k.