Mình được sinh ra ở thành thị, sống và gắn bó với thành phố hoa lệ Sài Gòn được đâu đó cũng chục chục năm rồi chứ ít ỏi gì. Có cơ hội được sống, ăn mặc và trải nghiệm những tinh hoa hiện đại của kỷ nguyên công nghệ mà thành phố mang lại, được chứng kiến những xa hoa, lộng lẫy chốn phồn hoa đồ thị, mỗi sáng đi học đồng phục được vận tươm tất, thơm tho mùi nước xả Downy, trưa thì có cơm nhà mẹ nấu tay xách nách mang từ sáng, tối về cơm dọn sẵn trước bàn, hoá đơn tiền bạc chẳng phải đụng tới. Cho đến khi lớn lên một chút, từng trải những lần "vô tình", vô tình thấy người mẹ bồng đứa con ngồi ở cầu Tham Lương, những chú xe ôm lấy nón làm gối đầu ngủ trên những chiếc xe máy cà tàng cũ kĩ, đến giọt mồ hôi lăn trên má của các cô chú tất tả bưng nước, bưng cơm phục vụ khách, những cảm giác bất chợt đến như cơn mưa đầu mùa, dội gáo nước lạnh vào mặt mới làm mình tỉnh ngộ ra. Ờ ha! Cuộc sống đâu có thuận buồm xuôi gió, sòng phẳng với tất cả mọi người. Nó như một trò chơi, ai không đủ sức chọi lại những đối thủ khác thì bị out, văng ra khỏi trò chơi tiền bạc, game over. Đó là chưa kể đến xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau, 7 tỉ người có 7 tỉ hoàn cảnh, muôn hình vạn trạng, thật khó lường. Và đôi khi xuất phát điểm của người này lại là đích đến của biết bao nhiêu người khác.


Ở thành thị, bản thân được chứng kiến thiệt là nhiều điều, dễ thương có, vui buồn, đau thương, mất mát có đủ. Sài Gòn phóng khoáng, dễ chịu, là vùng đất lập nghiệp của biết bao đứa con xa xứ, là cái nôi hội tụ của nền văn hoá, ẩm thực ở khắp mọi nẻo đường trên dải đất hình chữ S mênh mông rộng lớn. Sài Gòn hoa lệ, luôn mở cửa chào đón những đứa con của mọi miền thương nhớ, vì thế cũng hội tụ biết bao mảnh đời không chốn nương tàn.

 Tô canh hẹ 

Những ký ức đẹp còn đọng lại trong mình về người Sài Gòn là những hàng cây xanh thẳng tắp ở quận 1, những toà nhà cao chọc trời Vinhomes ở quận Bình Thạnh, mà đặc biệt là cái tánh niềm nở, cởi mở đối với mọi người xung quanh mình. Vì thế mà những câu chuyện tử tế, dễ thương - như cách người Sài Gòn hay gọi - vẫn luôn hiện hữu giữa cuộc sống hiện đại gấp gáp, xô bồ. Đối với mình, đó là một buổi tối mưa tầm mưa tã, mình với mẹ đi chơi bên ngoại về thì đột nhiên bánh xe bị lủng. Mà đêm hôm khoảng 9 giờ hơn không còn chỗ sửa xe nào xung quanh mở cửa, mưa lại rơi nặng hạt thế này, tưởng phải dắt xe đi dọc suốt đường Phan Huy Ích rồi. Ai ngờ đâu xa xa có anh mặc áo mưa chạy xe máy tới: "Xe bị gì vậy em? Để anh sửa cho." Nói rồi anh lấy đồ nghề ngồi chòm hỏm cặm cụi vá con xe Dream mình. Mình thấy vậy hỏi:
 - Anh làm sửa xe hở? Em gặp anh được may ghê!
 - Anh làm sửa xe. Tối nào mưa là anh cũng đi vòng vòng, coi dân mình lỡ gặp chuyện gì rồi giúp họ à em ơi. Em là người thứ hai tối nay rồi đó!
 Anh ngồi vá một lúc, kêu ok rồi đó em. Mình mau mắn trả tiền, ríu rít cảm ơn. Anh cười mỉm, không có gì đâu em, thôi anh đi vòng tiếp nha.
 Câu chuyện mới hôm thứ hai, mình đi tour trong ngày loanh quanh Sài Gòn, sáng đến Củ Chi, chiều quay về trung tâm thành phố dạo chơi ngắm cảnh. Chiều đó là lần đầu được đi xe bus hai tầng ngắm cảnh - Sightseeing bus - chu du khắp mọi nẻo đường trong lòng phố thị. Mình ngộ nhận ra mình đã sống ở thành phố này cũng được gần hai chục nồi bánh trưng rồi, mà đây là lần đầu được ngắm nhìn Sài Gòn dưới góc nhìn thảnh thơi hơn nhiều so với ngồi xe máy - đi đến đâu cũng hít bụi cho căng tràn lá phổi. Ngồi trên xe, nghe giới thiệu về những địa danh nổi tiếng trong thành, một số đã quen thuộc đến nằm lòng vị trí như Bưu điện Sài Gòn, Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà hay Dinh Độc Lập, còn một số bản thân chưa từng biết tới như các bảo tàng chiến tranh nè. Tuy vậy, điểm chung giữa những nơi quen và lạ, khoác trên mình những chiếc áo khác nhau về kiến trúc và lịch sử nhưng mọi nơi, mọi nẻo đường lại mang một vẻ đẹp gần gũi, thân quen đến lạ. Hít hà không khí có phần xanh hơn, nhìn dòng người tất bật hối hả, đi đi lại lại giữa những chiếc đèn giao thông nhấp nháy đủ màu, thiệt là một trải nghiệm khó quên. Nghĩ vậy nên mình muốn làm cho trải nghiệm trở nên thú vị và sâu đậm hơn, nên mình đã...vẫy tay và chào mọi người :).Cụ thể là người đi đường, chú bảo vệ, bà ngồi với đứa cháu, các bác xe ôm, những người đang ăn dở tô hủ tíu mì, cơm tấm ở vỉa hè, những bạn đang đi bộ dọc đường, những chiếc xe dừng lại trước đèn báo hiệu của đèn giao thông và cả những cô, chị đang ngồi chờ chuyến xe buýt về nhà nữa! Giữa nhiệt độ 36 độ C, mọi người hứng khởi chào lại mình bằng những nụ cười niềm nở kèm theo những cái vẫy tay kí hiệu như muốn xua đi thời tiết oi ả, nhìn thiệt là dễ gần, dễ thương gì đâu! Khi xe đi qua, mình thường chào các chú bảo vệ nồng nhiệt nhất cho dù họ là những người ít khi chào lại, bởi vì nụ cười đã nhạt dần vì những gánh nặng cuộc sống, gia đình, cái nghề nghiệp bắt họ phải đứng hàng giờ và phải giữ thái độ nghiêm túc, có phần dễ sợ như muốn ăn tươi nuốt sống người khác. Vì vậy tiếc gì mà không trao đi nụ cười và những lời yêu thương đến những người đã không còn một nụ cười nào để trao đi, nhờ?

Giữa những tất bật hối hả giữa cuộc sống thường nhật, ai cũng có những nỗi niềm trăn trở, ai cũng phải ăn lấy phần tô canh hẹ của đời mình. Dù trong những ngày không có sao băng, đâu đó vẫn còn những tia sáng của lòng tử tế, tấm lòng giữa người với người. Hãy suy nghĩ và phản tư lại xem, người đối diện bạn trong quán cà phê, ba mẹ ở dưới nhà và cả đứa em đang nghịch phá đồ chơi kế bên bạn kìa. Bạn đã quên đoái hoài tới những người thật sự yêu thương mình bao lâu rồi? Hãy dừng lại và làm những điều nho nhỏ xuất phát từ trái tim bạn, không mưu cầu cũng không vị kỷ, hay chỉ đơn giản dành ra một chút thời gian lắng nghe và bày tỏ với họ. Bởi, không có gì ngầu hơn lòng tốt và sự tử tế!  

Đi xa để nhớ - Nhìn lại để thương!

Mình luôn muốn đi du lịch, đi để giải khuây sau những ngày tháng cặm cụi học tập, vừa đi để học những điều mới mẻ, những nền văn hoá đa dạng, con người và những trải nghiệm quý giá lụm lặt được trong chặng hành trình xê dịch của mình. "Khi muốn hiểu một việc gì đó, trước tiên ta phải thoát khỏi nó." Mình thích triết lý này quá chừng, chỉ khi ta bước ra khỏi những định kiến xã hội thì mới hiểu sự vật sự việc một cách đa chiều hơn, khi bước ra khỏi cái tôi to lớn, ta mới lại tìm về với chính mình, thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Tương tự như vậy, muốn hiểu nơi mình sống, ta phải thoát ra khỏi ao làng, ra sức bơi vẫy vùng ngoài biển khơi một lúc xem sao. Sau nhiều tuần du học hè ở Mỹ và Singapore, bắt đầu với cuộc sống khá tự lập, học tập ở môi trường hoàn toàn khác và đi chơi ở trung tâm siêu đô thị hoành tráng lệ, mình lại nhớ nhà. Nhớ Sài Gòn, nhớ những món ăn đậm vị mẹ nấu và thấy nhớ con đường mỗi ngày đến trường. Nhớ cảm giác được thuộc về, được ở bên những người mình thương yêu ở nửa vòng Trái Đất...

Dù vậy, Sài Gòn lạ lắm nhen, phải để người ta trải qua bao nhiêu là quãng tám của cảm xúc mới chịu hay sao í. Sài Gòn làm người ta ghét vì cái nắng sóng sánh, đặc quánh, nơi khói bụi xe cộ toả đầy đường, giao thông rối nùi như lẩu tả pí lù, và hàng trăm thứ lặt vặt khác nữa. Sài Gòn với nhiều người lại khó sống, mưu toan vất vả quá, bản thân gồng gánh không nổi, đành phải cuốn gói về lại ao làng. Sài Gòn năng động, nơi nhiều người chỉ muốn quăng mình chơi bời thoải mái vài ngày thôi rồi về lại, lắc đầu tấm tắc không phải nơi để định cư lâu dài. Dù vậy Sài Gòn trong mình vẫn luôn niềm nở và dành tình thương yêu đối với mọi người, nhất là những người con xa xứ đi tha phương cầu thực ở mảnh đất miền nam qua những món ăn "đặc sản" của địa phương. Nói không ngoa, Sài Gòn là nồi món ăn thập cẩm của mọi vùng miền trên dải đất Việt, những món ăn đậm chất miền quê luôn làm nô nức trái tim của những tâm hồn thổn thức khi nhớ về quê hương nguồn cội...

"Có thể vào một ngày nào đó khi đã chán mơ núi mơ sống, nhớ về căn nhà cũ có vạt hoa dại trồng trước cửa, những bước chân đi sẽ trở về. Điểm khác biệt khi ấy là người trở về đã hiểu rõ về những con đường. Khi từ bỏ là biết chắc mình đã từ bỏ điều gì. Khi dừng lại là đã biết con đường sắp tới sẽ đi đến đâu, chỉ là mình không còn cần nó nữa." Nếu đi xa là để nhớ, thì hãy không quên nhìn lại để thương. Dòng đời vội vã và mọi người bước qua đời nhau chỉ qua một cái chớp mắt, đôi khi ta cứ mãi chăm chăm vào kết quả nó mang lại, nhưng lại quên mất sự thú vị nhất nằm ở chặng hành trình mà ta đã đi qua, gặp gỡ những người xa lạ từ mọi nẻo đường, những cung bậc tâm trạng buồn vui, lạc lõng, thất vọng, háo hức... đó những trải nghiệm vô giá khi ta sống chậm lại hơn dù chỉ một giây, để tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc dừng đèn đỏ và ngắm nhìn dòng chảy của thành phố theo một góc nhìn khác, lãng mạn và thơ mộng và rất "đời" hơn, có lẽ.

Chuyện tình sướt mướt lâm li giữa anh Timesquare và cô gái Sunwah

Công dân lãng mạn!


Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi,
Việt Nam hát mãi lên Việt Nam ơi!

 Thời chiến đã qua lâu rồi, khi sự đoàn kết đồng tâm hiệp sức của toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ giành độc lập dân tộc. Ngày nay trong thời bình, sợi dây gắn kết mọi người Việt Nam lại với nhau không chỉ còn là những trận chiến đánh giặc giữ nước, mà còn là niềm tự tôn dân tộc được tinh tế gửi gắm qua những bộ môn thể thao, đặc biệt với môn bóng đá. Mình không rành hay am hiểu về bóng đá, chỉ đơn giản khi đội bóng Việt Nam tham gia vào các giải đấu lớn gần đây, lòng mình mới chực dâng lên niềm tự hào, niềm vui nho nhỏ như ùa lên đến đỉnh điểm sau mỗi trận vinh quang mà đội bóng U22 VN đem lại, được vỡ oà trong tuyệt vọng, chưng hửng và cả hạnh phúc khi trái tim của hàng trăm triệu người đều hoà làm một, trong dòng chảy của những giọt máu đỏ da vàng, bài Quốc ca vang lên hào hùng giữa đất khách quê người, và các anh không cô đơn, trên lưng các anh là cả sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, và những trận đi bão đổ ồ ập ra đường là cung cách thể hiện sự đoàn kết, và hơn hết, là tình yêu thương đối với những con người xa lạ nhưng có cùng dòng máu con rồng cháu tiên, chúng ta kết nối với nhau qua sợi dây bền vững tên là con người, hơn cả, là con người Việt Nam.
 "Người ta thường nói Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông, nhưng theo tôi thì không phải vậy.", giữa tiếng ồn ào í ới của những ngã đường xe cộ nghịt người chen chúc nhau, chú chậm rãi nói, "Dân ta khi bị thực dân Pháp đô hộ đã bị đày ải, khổ cùng cực, chúng tìm tới đất Nam là nơi để giải trí, là quyền trượng của giàu sang danh vọng. Ai nói Sài Gòn là hòn ngọc viễn đông chứ tôi thì không, vì đó là hòn ngọc viễn đông cho thực dân Pháp, chứ chẳng phải là cái mỏ của sự đủ đầy, ấm êm cho dân mình"- Giọng chú rắn rỏi, nghị lực hùn hụt từ ngọn lửa của căm phẫn, của cay đắng...

Kết


Dù có nói thế nào đi nữa, ở ngõ ngách khu ổ chuột hay trung tâm xa hoa trong lòng đô thị, đều ẩn chứa những vẻ đẹp bí ẩn và thơ mộng riêng mà phố thị đã đặc quyền ban cho, phố thị rộng rãi ôm trọn con người ta vào lòng, để họ coi như là nhà, là gia đình mình. Gia đình không phải trạm dừng chân, mà là tất cả, là nơi để đi, để đến và để quay về. Nhưng kì thực, cuộc sống không thuận theo lòng người, những dòng chảy xô bờ bến đưa về biết trăm ngả biền biệt. Sài Gòn là thế, có háo hức người đi, có mong mỏi người về. Dù trải qua những cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhưng thời gian không thể làm mờ nhạt đi tình yêu mình dành cho nơi được gọi là "quê". Ai bảo dân Sì Gòn không có quê, đâu cần phải đi xa rồi mới trân quý nơi trôn rau cắt rốn của mình, mà chặng hành trình không mệt mỏi bắt đầu từ những bước chân đầu tiên, những bước chân thúc đẩy ta về những khung trời mới. Nên hãy thương nơi mình đang ở, nơi đất lành chim đậu, dù chim có bay đi rồi thì vẫn hãy dành một khoảng tình yêu trong tim và lan truyền ngọn nến yêu thương này thiệt nhiều nhaaaaa!