Một Giáng Sinh dưới chiến hào
Khoảnh khắc cao đẹp của nhân loại giữa một trong những cuộc chiến kinh khủng nhất lịch sử
Bạn có thể nói nhiều về việc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai là cuộc chiến tàn khốc nhất từ trước tới nay, nhưng bạn sẽ chẳng thể thay đổi việc tôi luôn cho rằng Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất mới là cuộc chiến tồi tệ nhất lịch sử.
Không có một lý tưởng nguy hiểm tàn bạo nào cần cả thế giới chung tay tiêu diệt nào cả. Không có kẻ thù chung nào hết. Không có chút công lý hay sứ mệnh cao cả nào để phụng sự.
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chiến tranh được công nghiệp hóa. Mọi lý tưởng lãng mạn của người châu Âu về chiến đấu đều bị nghiền nát dưới bánh xe cơ giới và phương tiện chiến tranh. Súng máy, súng phun lửa, hơi ngạt, xe tăng... Bạn cứ thử tưởng tượng xem, một người lính nào đó đến từ vùng Siberia xa xôi hay quanh năm ở trên những dãy núi Bavaria, cả đời có khi còn chưa thấy cái xe hơi bao giờ, sẽ cảm thấy kinh hoàng đến mức nào khi trông thấy cỗ xe tăng khổng lồ cày qua dây thép gai và càn quét đồng đội của anh ấy.
"Lão ta gọi chúng tôi là tuổi trẻ sắt gang. Phải, họ nghĩ vậy đấy, họ nghĩ vậy đấy, hàng trăm nghìn cái lão Kantorek ấy! Tuổi trẻ sắt gang,. Tuổi trẻ. Tất cả chúng tôi đều chưa quá tuổi đôi mươi. Nhưng mà trẻ ư? Tuổi trẻ hay sao? Cái đó qua lâu rồi. Chúng tôi là những ông già"_Erich Maria Remarque_
Một cuộc chiến tranh vô nghĩa của các đế quốc chỉ để tranh giành lợi ích. 40 triệu binh lính và dân thường bỏ mạng vì ảo mộng của đám tướng lĩnh và chính trị gia Anh, Pháp, Đức, Nga, Áo, Mỹ... Binh lính chôn chân dưới chiến hào quanh năm suốt tháng, cả chục ngàn người chết mỗi ngày chỉ để chiến tuyến nhích thêm vài trăm mét.
"Thay vì đẩy chúng tôi ra chiến trường, họ nên để chúng tôi ở nhà và xử bắn 50 nghìn thanh niên mỗi ngày cho tiết kiệm thời gian và chi phí" _Hồi ký của một người lính Anh_
Họ gọi những bãi chiến trường ấy là No Man's Land - vùng đất không người. Họ gọi cuộc chiến ấy là Cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến bởi tính phá hủy khủng khiếp của nó. Nhưng không, nó làm sao kết thúc mọi cuộc chiến được. Nó dẫn tới hai mươi năm đầy bất ổn và rối loạn để lục rục chuẩn bị cho cuộc chiến lần thứ hai tàn khốc hơn.
Ấy vậy, giữa một trong những thời khắc đen tối nhất của nhân loại, vẫn có một tia sáng của hy vọng. Một ngọn lửa nhỏ của hơi ấm tình người giữa một cơn bão của sự điên loạn và hủy diệt.
Một khoảnh khắc xuất phát từ những gì tốt đẹp nhất của trái tim con người: lòng cao thượng, tinh thần nhân đạo, sự thấu hiểu, đồng cảm, và trên tất cả là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và nhân loại của những người lính bình dị ở cả hai phe trên mặt trận phía Tây.
Vào ngày Lễ Giáng Sinh, binh sĩ từ hai phía ở một số khu vực cùng dò dẫm tiến vào vùng giao tranh, và cùng nhau thống nhất rằng sẽ ngừng bắn trong kỳ lễ Giáng Sinh. Họ trao đổi tù binh, tổ chức chung lễ an táng cho những người đã khuất, rồi hát với nhau các ca khúc Giáng Sinh trước khi chia tay. Họ cũng tổ chức những trận đấu bóng giao hữu. Họ cùng nhau tổ chức thánh lễ, cùng cầu nguyện về một ngày cuộc chiến kết thúc và họ được trở về nhà bình an. Họ trao đổi với nhau các món quà, thức ăn, những chai rượu hoặc bao thuốc lá.
Khó có thể tưởng tượng nổi việc chỉ trước đó một vài ngày, họ đã tàn sát đồng đội của nhau. Vậy mà trong suốt dịp lễ ấy, tiếng bom đạn đã phải nhường chỗ cho tiếng hát, tiếng cười. Tiếng súng đã lặng im và chỉ còn tiếng các thiên sứ hát vang.
Tại Ypres (Bỉ), đầu tiên, những người lính Đức thắp nến và trang trí cây thông dưới chiến hào, rồi tổ chức lễ. Khi các binh sĩ người Scotland thấy ánh sáng từ phía địch, họ tưởng người Đức đang phát động tấn công, cho đến khi họ nghe thấy tiếng hát bài "Stille Nacht, Heilige Nacht" (bản tiếng Đức của O Holy Night).
Một người Anh nói: "Họ đang hát đấy, chúng ta cũng hát đi!", và người Anh đáp lễ bằng cách hát bài O Holy Night. Cả hai phe đáp lại nhau bằng những tràng pháo tay. Họ kêu to những tiếng chào hỏi và chúc mừng Giáng Sinh qua chiến tuyến.
Ngay sau đó, nhiều người băng qua trận địa, chào hỏi, bắt tay và tặng những món quà nhỏ cho nhau. Họ tổ chức lễ tang trọng thể cho các đồng đội ngã xuống. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện ở nhà, về quê hương, về các cô gái. Họ thậm chí còn chơi bóng đá với nhau.
Ở một nơi khác, người Pháp và người Đức tuy dè dặt hơn nhưng cũng đã tổ chức khám bệnh cho nhau bằng các binh sĩ quân y của cả hai phe, đồng thời cũng tổ chức những buổi ngừng bắn và trao đổi các tờ nhật báo cùng nhau.
“Tôi không chịu đổi ngày Giáng sinh ấy cho bất cứ điều gì khác… Tôi thấy một sĩ quan Đức, có lẽ là một trung úy. Là người thích sưu tập, tôi nói với anh ấy rằng tôi thích những nút áo của anh ấy… Với một kềm cắt tôi khéo léo lặt hai nút áo bỏ vào túi, rồi tặng anh ấy hai nút áo của tôi… Người sau cùng tôi nhìn thấy là một chàng lính Đức kiên nhẫn quỳ trên sàn nhà để tay súng máy của tôi, trước khi nhập ngũ là thợ hớt tóc, dùng tông-đơ tỉa tót mái tóc dài bất thường của mình.” _Bruce Bairnsfather, quân nhân Anh_
“Con viết từ chiến hào. Bây giờ là 11 giờ sáng. Cạnh con là lò sưởi than, đối diện với con là hầm trú ẩn ẩm ướt có chứa rơm. Mặt đất trơn trợt trong giao thông hào, bên ngoài là băng giá. Con đang ngậm tẩu. Trong tẩu có thuốc. Dĩ nhiên, mẹ sẽ nói thế. Nhưng đừng vội. Trong tẩu là thuốc lá Đức. Ha ha, mẹ sẽ nói, là của một tù binh hoặc con tìm thấy trong một chiến hào chiếm được. Ồ không! Đó là quà của một người lính Đức. Vâng, một lính Đức còn sống đến từ chiến hào của anh ấy. Hôm qua lính Anh và Đức gặp và bắt tay nhau trên mặt trận, giữa những chiến hào, trao đổi vật kỷ niệm, và bắt tay nhau. Vâng, suốt ngày lễ Giáng sinh, và như con viết. Thật tuyệt vời!” _Thư của binh nhì Henry Williamson, 19 tuổi, người Anh_
“... vội chụp lấy ống nhòm nhìn qua bờ chiến hào thấy cảnh tượng không thể tin nổi: những người lính của chúng tôi đang trao đổi thuốc lá, rượu, và sô-cô-la với quân thù.” _Trung úy Johannes Niemann, người Pháp_
"Khi chuông Giáng sinh reo vang trên khắp các ngôi làng trong vùng Vosges đằng sau các chiến tuyến… một điều kỳ diệu đã xảy ra. Binh lính Đức và Pháp cùng tự nguyện bắt cầu hòa bình và tạm ngưng thái độ thù địch; họ băng qua các chiến hào bỏ hoang để tìm đến chào hỏi nhau, trao đổi rượu vang, cognac và thuốc lá để lấy bánh mì đen Westphalia, bánh quy và thịt nguội. Điều này mang hạnh phúc đến cho những người lính từ hai phía đối địch đến nỗi họ đã cố kéo dài tình bằng hữu cho đến hết Giáng sinh."_Hồi ký tháng 12 năm 1915 của Richard Schirrman, quân nhân người Đức_
“Người mẹ thân mến của con, đây là lễ Giáng sinh mà con đã trải qua và có thể cũng là lễ Giáng sinh khó quên nhất. […] Binh lính Đức bắt đầu đặt đầy nến, đèn và cây thông cạnh chiến hào của họ và đến chỗ chúng con, chúc chúng con Giáng sinh vui vẻ, […] chỗ chúng con cũng có nhiều người qua bên chiến tuyến của họ để thăm hỏi họ. [...] gửi những lời chúc thân ái nhất đến tất cả mọi người.” _Thư gửi mẹ của một người lính Anh_
Trong số những người lính Đức ở khu vực tham gia lễ hưu chiến, chỉ có một người tỏ ra hục hặc và khó chịu khi đồng đội của mình muốn làm thân với kẻ thù. Kẻ đó chính là anh họa sĩ Áo có bộ ria xấu xí - bộ mặt đại diện cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan sau này.
Sẽ thật kỳ diệu nếu như khoảnh khắc này có thể kết thúc chiến tranh, nhưng không. Các tướng lĩnh và chính trị gia ở hai phe rất tức giận khi biết binh lính hai phe đang ăn mừng lễ Giáng Sinh với nhau. Tướng Charles de Gaulle của Pháp thậm chí đã dùng từ "thảm hại" khi thấy binh sĩ của mình thân thiện với người Đức. Kể từ sau năm 1914, càng ngày càng có ít những cuộc hưu chiến vào đêm Giáng Sinh.
"Tôi đã khóc rất nhiều trong ngày hôm ấy. Tôi không chỉ khóc vì những gì tôi chứng kiến ở đây thực sự quá đẹp đẽ đến mức không tưởng. Tôi khóc vì ngày mai chúng tôi sẽ lại phải quay lại chém giết nhau, chúng tôi lại phải tìm cách giết họ, và họ lại phải tìm cách giết chúng tôi" _Nhật ký của một người lính Anh tử trận_
Tuy không có nhiều ý nghĩa về chính trị nhưng cuộc ngừng bắn đêm Giáng Sinh có ý nghĩa cực kì nhân văn và cao cả về những giá trị nhân đạo. Điều đó chứng tỏ rằng trên thế giới này tất cả mọi người đều là anh em. Những sự khác biệt về quốc tịch chỉ là những ranh giới nhân tạo. Như nhà văn Erich Maria Remarque đã từng viết trong cuốn tiểu thuyết Phía Tây không có gì lạ của ông:
"Tại sao người ta không nhắc đi nhắc lại cho chúng tôi biết, rằng các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như chúng tôi, rằng những bà mẹ của các cậu cũng sợ hãi cho con mình như những bà mẹ của chúng tôi, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau và chịu đựng những nỗi đau đớn như nhau [...] Nếu chúng ta ném bỏ vũ khí này, tháo bỏ bộ quân phục này, thì cậu hoàn toàn có thể là người anh em của tôi..."
"...nghi thức tuyên chiến nên là một lễ hội của dân chúng, có vé vào của và âm nhạc đàng hoàng, giống như thi đấu bò tót. Sau đó trên đấu trường, các ngài bộ trưởng và các vị tướng của hai nước sẽ mặc đồ bơi, cầm gậy xông vào phang nhau, vị nào trụ được thì nước của vị ấy thắng trận. Như thế sẽ đơn giản và tốt hơn ở đây, nơi toàn những người chẳng có thù oán gì cứ phải choảng nhau".
Chiến tranh là tai họa của nhân loại. Nhưng giữa tai họa ấy vẫn có một khoảnh khắc đẹp đẽ và diệu kì. Một tia sáng nhân văn giữa màn đêm tàn bạo và diệt chủng. Một Giáng Sinh dưới chiến hào, nhưng lại ấm cúng hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Có thể tôi là một kẻ mộng mơ, nhưng xin phép được mộng mơ trong ngày lễ đặc biệt này. Xin được gửi tới mọi người một cái ôm thật chặt trong đêm đông lạnh lẽo. Chúc mọi người một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc. Mong cho thế giới này sớm có được hòa bình.
Xin được gửi tới mọi người ca khúc Giáng Sinh hay nhất tôi từng nghe từ trước tới nay, một ca khúc xứng đáng được biết đến nhiều hơn.
Và hôm nay chúng ta đều là anh em, đêm nay chúng ta đều là bạn
Một khoảnh khắc hòa bình giữa cuộc chiến dai dẳng này
Hôm nay chúng ta đều là anh em, chúng ta cùng ăn mừng
Giờ thì Giáng Sinh đã đến và tuyết phủ trắng mọi nơi
Cất lên tiếng hát từ chiến hào, chúng ta hát bài Đêm Thánh
Những bông tuyết đang rơi trên đầu mũi súng
Một Giáng Sinh dưới chiến hào, nơi tiền tuyến xa xôi
Một Giáng Sinh trên tiền tuyến, chúng ta đi cùng những người bạn
Chúng ta không nghĩ về ngày mai, khi cuộc chiến lại bắt đầu
Khi ăn mừng Giáng Sinh, chúng ta cùng nghĩ về những người bạn
Những người không thể trở về nhà, khi cuộc chiến lại bắt đầu
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất