Xin chào, mình là Tiên, và đây là một số báo trong mục Modern Love, một series trên báo The New York Times.
Link đến bài viết gốc tại đây.
Bài viết sử dụng hình ảnh của họa sĩ Liz Fosslien, nguồn tại đây.
“Khi đang đau đớn, biết một ai đó có kinh nghiệm trong việc chữa trị nó sẽ tốt hơn.”

Cơn đau răng dai dẳng

Tôi từng dành vô số thời gian ngồi trên ghế nha khoa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi khóc trên nó.
Tôi bị đau răng, và nó trùng với thời điểm kết thúc cuộc hôn nhân 16 năm của bản thân. Khi ngồi trên ghế nha khoa để nhân viên làm vệ sinh những mảng bám trên răng, tôi đã rơi nước mắt, lặng thầm và không thể kiểm soát được, bên dưới chiếc kính. Đến khi cô ấy ngừng chọc vào lợi của tôi và hỏi liệu tôi có ổn không, mắt của tôi đã ngấn nước.
“Tôi xin lỗi, tôi đang trải qua một cuộc ly dị.”
Tôi gần 40 khi gặp vị nha sĩ này lần đầu tiên, mang theo một ca bệnh quá phức tạp cho những nha sĩ trước anh ta. Tôi mắc một căn bệnh, gọi là bệnh thừa chân răng*, nôm na là có rất nhiều chân răng thừa bên dưới răng của tôi. Đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều dây thần kinh.
Đó là mùa đông đầu tiên của dịch bệnh. Ba đứa con của tôi, những người mà tôi chưa bao giờ rời xa quá lâu, đều đang học online tại nhà. Có vẻ như ngay giây phút chúng rời khỏi nhà để đến nhà bố chúng vào cuối tuần, những gì tôi có thể làm chỉ là khóc. Tôi đã cố gắng trốn chạy bằng cách tham gia vào CLB “Tiết chế sự hăng hái của bạn”, thử gặp gỡ bạn bè để đi uống bên ngoài, nhưng tôi quá mỏng manh khi bao quanh mình là vô vàn những sợi thần kinh không được bảo vệ.
Sau khi đưa cho tôi một tờ khăn giấy, cô ấy rời khỏi phòng bệnh. Khi cô ấy quay lại, có một vị nha sĩ đi theo cùng.
“Có chuyện gì vậy?” Anh ấy cúi xuống và hỏi.
“Nó đau quá, tất cả mọi thứ đều đau.” Tôi trả lời.
Và thế là anh ấy ngồi xuống trên chiếc ghế đẩu và nói rằng, “Cô có thể chỉ cho tôi xem mình đau ở đâu được không?”
Tôi đã cố chỉ một vị trí nào đó mà bản thân thấy không thoải mái, nhưng càng cho tay vào sâu trong miệng thì vị trí đó càng mơ hồ hơn.
“Liệu đó có phải cơn đau không?” Anh ấy hỏi tiếp.
Đó không phải cơn đau. Đó như thể là một cảm giác nào đó mà tôi không thể chịu nổi, nhưng bộ phận thụ cảm của tôi lại không thể truyền tải một cách đúng nhất cảm giác đó được. Tôi cứ ngỡ đó là một cơn đau đến từ cái răng trong cùng, nhưng bác sĩ đã nhổ nó hơn một năm rồi mà. Giống như cuộc hôn nhân của tôi vậy, cái răng đã biến mất, nhưng vẫn sẽ luôn có một nơi mềm yếu nào đó luôn âm ỉ đau.
Vị nha khoa chạm vào nơi đó bằng cái gương tí hon của anh ấy. “Ở đây phải không?” Anh ấy vừa nói, vừa chạm vào hư không nơi từng có một chiếc răng khoẻ mạnh.
“Đúng vậy, đúng là nơi đó.” Tôi nói, nước mắt dâng trào.
Tuổi thơ của tôi từng ngập tràn những nỗi lo và sự mất mát liên quan tới răng miệng: sâu răng, nghiến răng, răng thưa, hay việc thiếu đi một vài cái răng hàm từng khiến một nha sĩ đùa răng tôi cực kỳ tiến hoá, hoặc là vẫn chưa tiến hoá hết. Nhưng tồi tệ hơn cả chính là việc thừa ống tuỷ răng bên trong chân răng. Đa số răng sẽ có một. Răng hàm sẽ có hai. Ba thì khá là hiếm và bốn như tôi thì càng hiếm hơn.
Những năm tôi 20 tuổi, một ống tuỷ răng đã gây ra một vấn đề khi một nha sĩ thất bại trong việc tìm ra những ống tuỷ khác và phải bỏ cuộc giữa chừng. Việc này gây ra việc tôi mất xương xung quanh cái răng đó khi tôi khoảng 30, và khiến tôi phải nhổ đi cái răng hàm đó khi tôi 40 tuổi. Sẽ có một cái răng giả titanium được thay thế vào đó, kèm với đó là một cái mão răng làm từ sứ được bỏ vào. Toàn bộ quá trình sẽ kéo dài trong vòng vài tháng, và nó là điều đau đớn nhất mà tôi phải chịu đựng, chỉ sau việc sinh nở.
Văn phòng nơi nha sĩ của tôi làm việc nằm ở tầng 18 của một trung tâm sầm uất ở Midtown Manhattan. Nằm giữa một biển những tiếng ồn và mùi khử trùng của phòng nha khoa, tôi thậm chí không biết bản thân có thể đứng dậy hay không. Tôi không thể tưởng tượng ra nổi cảnh lê thân lên chuyến tàu 45 phút để về nhà, và thứ duy nhất chào đón tôi sau khi vặn tay nắm cửa chính là bóng tối.
Vị nha sĩ, người vẫn đang chìm trong bộ phim của tâm trí tôi, cởi lớp khẩu trang ra và nói, “Nghe tôi đây này. Vợ tôi đã rời đi khi hai con chúng tôi vừa mới 2 và 4 tuổi. Và sau đấy cô ấy mất.” Theo sau đó là một khoảng không im lặng.
Tôi nhìn chằm chằm vào anh ấy. Tôi đã gặp người con trai giờ đây đã trưởng thành của anh ấy ở bên ngoài. Bức ảnh gia đình của họ vẫn được treo trên tường.
“Tôi cứ ngỡ là mình sẽ chết. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Tôi đã dùng thuốc ức chế serotonin trong vòng một năm, và nó đã giúp tôi vượt qua. Giờ đây tôi có thể thức giấc vào mỗi sáng, tôi có thể đi bộ đến nơi làm việc.”
Tôi nuốt nước bọt trong vô thức. Cổ họng đắng ngét.
“Điều cô cần là tập trung vào một thứ gì đó. Năm này sẽ là năm khó khăn nhất, nhưng cô rồi sẽ vượt qua thôi.”
Tôi run rẩy trên chiếc ghế bọc nhựa, nhìn chằm chằm vào đôi giày xước ở trước mặt. Liệu tôi đã vụn vỡ rồi ư? Liệu chữa lành cho chính bản thân có giống với chữa lành một chiếc răng đau không?
Trong cuộc hôn nhân này, cả chồng và tôi cùng dùng chung một chiếc xe hay chết máy. Câu chuyện chết máy đó nghe thì có vẻ rất tồi tệ, nhưng trong cơn bão lúc nào luôn luôn xuất hiện tia sáng. Một lần xe chết máy trên đường đi chơi Giáng Sinh cũng là lúc cốp xe được chất đầy đến tận nóc với quà cáp. Một lần khác nó chết máy ở trên cầu gần vùng Bronx trong một cơn bão tuyết khi ba đứa trẻ nhà tôi vẫn ngồi ở phía sau mà chẳng có chiếc xe kéo nào đến hỗ trợ được. Tôi đã phải gọi 911 để được cứu hộ trong khi chồng của tôi đã đứng cách xe chúng tôi 30 thước, vẫy tay vào dòng xe vẫn đang di chuyển vì sợ rằng xe sẽ bị những xe khác đi sau đâm vào.
Photo by Žygimantas Dukauskas on Unsplash
Photo by Žygimantas Dukauskas on Unsplash

One step at a time (Từng bước một)

Tuần tiếp theo, tôi đã đi bộ đến văn phòng bác sĩ chính của tôi, trả lời những câu hỏi về sức khoẻ tinh thần của bản thân, và nhận đơn thuốc. Khi về đến nhà, tôi đã bỏ lọ thuốc vào tủ, rót một ly whiskey và nằm xuống ghế.
Đó là một buổi chiều thứ Sáu, và tôi sẽ phải trả qua một cuối tuần mà không có lũ trẻ. Tôi đã huỷ kế hoạch đi ăn đồ nướng Hàn Quốc cùng bạn và quyết định rằng bản thân sẽ nằm yên một chỗ trong vòng 2 ngày như một nỗ lực để kiểm soát cơn đau. Tôi sẽ nằm yên không động đậy cho đến khi nỗi đau đó dừng lại.
Đêm tiếp theo, tôi nhận được một cuộc gọi từ đứa con trai 7 tuổi của tôi, người vẫn đang ở nhà bố của chúng, bảo rằng nó đang rất nhớ nhà. Con vừa khóc đỏ mắt qua màn hình Facetime, vừa liệt kê ra nỗi phiền muộn của mình.
Sau khi đọc xong câu chuyện Chú ếch vào mùa đông, câu chuyện về một chú ếch phải chịu đựng cái lạnh giá rét mãi cho đến khi mùa xuân đến, sau khi phải giả vờ bình tĩnh vì con trai, sau khi giả vờ vui vẻ để đổi lấy sự vui vẻ của con, tôi tắt máy, đi về phía tủ, lấy một viên thuốc và nuốt xuống.
Năm tôi lên 9, một vị nha sĩ ở thị trấn đã quyết định rằng sẽ cắt đi phần phanh**, phần mô mềm nối lợi và môi, đã tạo ra một khoảng trống giữa các chiếc răng của tôi. Khi tôi lên 12, một vị nha sĩ khác cho rằng quyết định đó là sai lầm và bắt đầu dán thêm sứ veneer lên để che lại chỗ trống đó. Năm 17 tuổi, một nha sĩ thứ 3 chạm vào đùi của tôi trong khi khám và mời tôi đi chơi tennis cùng. Khi tôi ngoảnh mặt đi và từ chối, anh ta đâm kim gây mê vào nướu của tôi với lực mạnh tới nỗi xương hàm của tôi đau nhức suốt một tuần.
Tôi đã gặp nhiều nha sĩ giỏi và ít nhất một con quái vật. Đã có lúc, tôi thấy cuộc đời mình như một cơn đau răng dai dẳng. Nhưng vị nha sĩ này, một người thấu cảm với nỗi buồn, giống một thánh nhân của Hy Lạp cổ đại, một nhân vật tôi ít có khả năng hình dung tới nhất, lại đưa ra lời khuyên thần thánh vào thời điểm mà tôi không nghĩ rằng mình có thể tiến thêm một bước nào nữa.
Trong sáu tháng, tôi cố nuốt một viên thuốc hằng ngày. Dần dần, tôi bắt đầu dọn dẹp những chiếc áo phông cá mập và quần camo yêu thích của con trai út và cảm thấy bớt đau khổ hơn, hôn lên đầu con tôi mà không còn bần thần nữa vào mỗi tối Chủ nhật khi chúng trở về từ chỗ bố chúng. Tôi bắt đầu đi bộ đường dài vào buổi sáng với con chó của chúng tôi và chầm chậm nấu súp cả ngày trong khi làm việc.
Không có chuyện gì xảy ra cùng một lúc hay một phát được luôn, nhưng dần dần tôi có thể mở mở cổng dẫn đến con phố nơi cha của chúng đang đợi Uber, ôm chúng thật chặt và để chúng đi.
Khi tôi quay lại gặp vị nha sĩ kia, tôi đã không khóc. Anh ấy có thể thấy ngay rằng tôi đã nghe theo lời khuyên của anh ấy.
“Cô đã tìm sự giúp đỡ,” anh ấy nói, vỗ vai tôi và đặt tôi vào ghế chụp X-quang. "Tốt."
Trên màn hình nhiễu hạt hiển thị hình ảnh, tôi đã thấy mọi thứ: trụ răng được cấy ghép đứng vững chắc, một vài dấu hiệu phục hồi bên trong khoang miệng sau khi được cấy ghép. Ánh nhìn tò mò và sau đó là dịu dàng đối với tất cả mọi thứ đã xảy ra bên trong khoang miệng của tôi. Toàn bộ câu chuyện trải dài qua 23 buồng rễ và 44 năm.
Khi vị nha sĩ tắt các file kỹ thuật số đó đi, chúng liền thu nhỏ vào một thư mục be bé trên màn hình. Cứ như vậy, chúng biến mất. Giống như những bức ảnh từ những mùa Giáng Sinh sau khi kết hôn hay những chuyến đi đường của tôi, chúng đều là những bản ghi về những thứ hữu hình và vô hình, về những dây thần kinh lộ ra ngoài và cái mão răng, về sự vắng mặt và sự hiện diện thường xuyên ở một nơi được gọi là lịch sử.
(*) tên tiếng Anh của bệnh là supernumerary roots, cách dịch của mình có thể không chính xác với tên khoa học tiếng Việt.
(**) tên tiếng Anh của bộ phận này là Frenum, cách dịch của mình có thể không chính xác với tên khoa học tiếng Việt

Đôi dòng của Tiên

Hình ảnh của họa sĩ Liz Fosslien
Hình ảnh của họa sĩ Liz Fosslien
Vì nỗi đau nào cũng cần thời gian để phục hồi cả, nên hãy nhẹ nhàng với chính bản thân mình. Các bạn thấy đấy, hồi phục đâu phải là một quá trình tuyến tính đâu. Sẽ có lúc các bạn gặp phải những cơn đau nghẹt thở, nhưng rồi vẫn sẽ qua thôi. Tớ tin là như vậy.
Chỉ cần mình nỗ lực, mình nỗ lực rồi mình cũng sẽ làm được thôi à.
Tớ tin như vậy, và tớ chúc mọi người có niềm tin chuyện đó sẽ xảy ra.
Chúc các bạn có một ngày đẹp trời. Cảm ơn vì đã đọc!