Mở miệng hay im miệng cũng là một quyết định, một lựa chọn của cá nhân mỗi người. Im miệng chưa hẳn là sóng yên biển lặng nhưng chí ít người ta cảm thấy yên tâm hơn, ít có gây ra những sóng gió căng thẳng hay va chạm hằn học không cần thiết. Liệu im miệng có là một giải pháp tốt cho mỗi trường hợp và mở miệng thì có phải lúc nào cũng gây ra hoạ, cũng xấu cũng để người ta có cơ hội công kích, bắt bẻ mình.
Theo tôi đây là một lựa chọn và người lựa chọn phải quan sát, nhìn nhận và tinh tế để khi mở miệng hay im miệng đều cảm thấy thoải mái cho bản thân và người đối diện một cách bình thường nhất.
Tôi có một chị bạn, cả hai thường tâm sự chuyện cuộc sống hằng ngày. Có lần chị nói “Hình như đã nhiều lần hối hận vì đã mở miệng. Chứ chưa lần nào hối hận vì đã câm miệng. Cố gắng bớt gieo ác khẩu mà nhiều khi lỡ lời!”
Đối với tôi, nói hay im miệng thì cũng tuỳ trường hợp, tuỳ người và quan điểm  của bản thân. Bạn đã nghe câu “ cây muốn lặng mà gió chẳng dừng rồi chứ?”
Bạn im miệng nhưng người ta vốn thích phiền bạn, thích tổn thương bạn, thích bới móc bạn thì im miệng hay mở miệng cũng chẳng khác nhau là mấy. Có lẽ, nếu bạn im miệng trong mọi trường hợp người khác sẽ “được đằng chân, lân đăng đầu”. Bởi trong mắt họ bạn là một người yếu đuối, không có quan điểm, dễ bắt nạt. Thế nên, dù bạn im miệng không quan tâm thì bạn cũng chẳng dễ dàng tránh khỏi những tổn thương không cần thiết. Bạn sẽ vẫn bị làm phiền là điều hiển nhiên.
Ví  như thếnày có một người mượn tiền bạn. Nếu như bạn có nhiều tiền để cho mượn trong vui vẻ thì không bàn tới. Nhưng cố gắng ép buộc bản thân cho mượn chỉ vì không muốn mở miệng từ chối. Dù bạn không có tiền nhưng bạn vẫn cho người đó mượn, lúc nào họ mượn bạn đều cả nể cho mượn. Không mở miệng nói về cuộc sống quan điểm của mình. Thì dĩ nhiên bạn sẽ là cái ví không đáy cho những ai muốn mượn tiền bạn. Trừ khi bạn nói lên sự thật, quan điểm sao cho cả hai có thể thấy thoải mái nhất. Điều đó sẽ giúp bạn vứt bỏ gánh nặng và sự làm phiền, dựa dẫm không cần thiết của người khác.
Đây cũng là trường hợp mà tôi đã gặp phải do cả nể và thích chọn cách im lặng “để trời yên biển lặng”, để là một cô gái dễ thương dễ mến trong mắt người khác. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm trong tôi và tôi nhận lại cái kết chả mấy vui vẻ nếu không nói là tồi tệ.
Tôi không cổ suý cho quan điểm mở miệng mọi lúc mọi nơi, oang oang khắp chốn. Nhưng tôi cũng không đồng ý với quan điểm im miệng mọi lúc mọi nơi cho bớt hối hận khi lỡ lời gieo khẩu nghiệp.
“Cuộc sống này, không có đưa than ngày tuyết rơi. Chỉ có dệt hoa trên gấm thôi. Nhưng nếu muốn được dệt hoa thì bản thân mình phải là gấm đã…”  Muốn an nhiên thì cũng phải học cách mở miệng.
Xã hội này, rất thực tế và có rất nhiều loại người nên cách ứng xử của mỗi người cũng khác nhau và quan điểm của mỗi cá nhán cũng khác nhau.
Đôi khi mở miệng nhưng tinh tế, duyên dáng bật lên quan điểm cá nhân của mình thì chẳng có gì là xấu cả, có khi người khác cứ muốn bạn mở miệng. Người ta không đồng tình với mình hay cảm thấy mình khó ưa vì người ta và mình có quan điểm khác nhau. Và trong xã hội có cả tỷ người thì sẽ có người cùng quan điểm với mình... Thì cũng có người ngược quan điểm với mình.
Có những việc, khi bạn càng im lặng thì đôi khi bạn lại nhận lại những điều mà bạn chẳng mong muốn, đôi khi gây ức chế cho bản thân. Trong thế giới thực tế này nếu sống thực dụng một chút cũng chẳng có gì sai. Vì thế mới có câu” đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy.” Ăn nói khôn khéo, tinh tế, chân thành không bao giờ là thừa...
Im miệng, có chăng để người ta nghĩ mình dễ giải rồi muốn đối xử với mình sao cũng được. Đã là con người, dĩ nhiên luôn có những bản tính, tham lam, sân xi... Tốt có và xấu xa cũng có. Vì thế, nói như thế nào? Thì cũng tuỳ vào quan điểm cá nhân của mình và người nghe mà tinh tế khi nói, khi nghe trên quan điểm tôn trọng nhau. Đôi khi, trước khi nói cũng phải cân nhắc kỹ, tinh tế trước khi mở miệng, tránh tổn thương mình thương người. Nên người xưa mới có câu “ học ăn học nói, học gói, học mở”.
Người tôn trọng, quý mình ắt sẽ có cách lắng nghe và có cái nhìn cởi mở, thoải mái hơn. Ngược lại, người không trân trọng, cảm thấy không ưa nổi bạn thì dĩ nhiên sẽ soi và nhìn bạn, lắng nghe bạn với góc nhìn hạn hẹp, xét nét hơn. Điều đó, cũng là một trong những bản chất của con người, cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ là ta biết đối diện nó có những thay đổi phù hợp tránh tổn thương người và mình.
Học yêu thương bản thân, yêu thương cuộc sống, công việc và học nói lên quan điểm của bản thân, mở miệng đúng lúc, đúng chỗ, tinh tế chẳng bao giờ là thừa cả. Tại sao không nâng cao kỹ năng để nói lên quan điểm của bản thân mà lại chọn cách im miệng cho người ta vùi dập, lãng quên và chìm nghỉm trong xã hội triệu dân này! Chỉ để “sóng yên biển lặng”. Và học cả cách lắng nghe khi cần thiết “để sóng yên biển lặng”.
-Phú Trên Mây-