Trong hai ngày vừa qua, có vài clip cắt xén từ Chuyển Động 24h trở nên rất “hot”. Nội dung của những clip đó xoay quanh việc 1) Thú nuôi chắc chắn sẽ hợp tác khi có yêu cầu cách ly, bởi chúng không biết livestream và khai báo gian dối; và 2) Hashtag #ApologizetoVietnam trở nên dậy sóng sau khi kênh truyền hình YTN đưa tin về việc một trong 20 “ông tướng” Hàn được cách ly tại Việt Nam livestream kể khổ.

Sau đó, tôi đã bảo, quái lạ, dù chỉ là chuyên mục phụ, nhưng gì thì gì cũng là VTV1, chả có nhẽ lại so sánh người ta với chó mèo? Ra là, do bị cắt xén, chứ trong clip gốc của VTV24 thì đấy là một câu nói để nối, từ tin về chú chó đầu tiên nghi bị nhiễm Corona (1), tới tin về một chị bán hàng online “livestream” việc “khai báo gian dối” để trốn cách ly (2). Clip gốc (dài 11:13 phút) hiện đã được đăng trên YouTube: https://www.youtube.com/watch?v=0k-k-CqdmX4 và đã được nhiều page đăng lại, như Đơn vị tác chiến điện tử (Comrade Commissar)…v..v...

À ra là thế, đúng là VTV24 thường có kiểu chuyển tin khá “mượt” như vậy. Nhưng, cái hay của khúc chuyển tin này, đứng trên phương diện ký hiệu học, là nó nhắm tới cả những người Hàn quốc ở tin tiếp theo, tạm đánh dấu số (3) và tin về chị bán hàng online livestream khai gian kia (2). Tức là một ký hiệu (signifer) có hai kí hiệu biểu đạt (signified). Ở đây, mặc dù ám chỉ cả hai chủ thể, nhưng VTV24 rõ ràng cố tình làm giảm độ liên kết từ tin số (1) tới tin số (3), khi để tin (2) vào trước. Ở giữa (2) và (3), VTV24 cũng đã có một đoạn nối tương tự, về việc “có chưa thoải mái về điều kiện vật chất, thì cũng xin đừng nói lời cay đắng”.
Cái “hay” ở những clip bị cắt xén trên mạng, tức là gần như bỏ toàn bộ phần tin số (2), là…. Xoá bỏ hoàn toàn sự tinh tế trong cái “kháy” của VTV24 (dù bản thân tôi thấy cũng chả tinh tế lắm lol). Bản thân điều này thì chỉ làm giảm độ hấp dẫn và sự chỉ trích duyên dáng của VTV24 mà thôi, nhưng khi ôcnjg với việc những đoạn clip cắt xén kia cũng hoàn toàn thiếu đi nửa sau của tin (3), thì lại là tai hoạ thật sự. Hoặc có thể không (a)?
Ở nửa sau của tin số (3), biên tập viên (BTV) đã nhấn mạnh về việc:
1) YTN không nằm trong top những đài lớn nhất, mà lại thường xuyên đưa ra những ý kiến bất đồng với Chính phủ, do đó không phải là tiếng nói đại diện của Hàn Quốc;
2) Không có kênh truyền hình nào khác phản ánh vấn đề này như YTN đã làm;
3) Một cách chính thức thì Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng trong việc hỗ trợ 20 công dân Hàn Quốc nói trên.
4) Ngày 27/2, thì Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam đã phát đi Thông cáo như thế này: (ảnh).
5) Đừng coi những hành động hay lời nói của vài người trở thành đại diện cho cách ứng xử của con người Hàn Quốc, phá bỏ đi tình cảm tốt đẹp mà hai dân tộc đã xây dựng được <-> Giống như khi một vài người Việt ở nước ngoài có những hành động đáng xấu hổ, họ cũng không đại diện cho người Việt.
6) Trong lúc này, càng phải nhớ, người Việt không đáng được xếp vào top kém văn minh nhất trong ứng xử không gian mạng.

Có thể thấy, mặc dù nửa đầu của tin (3), VTV24 chỉ thuần đưa lại tin tức về 20 người Hàn Quốc được cách ly cũng như việc hashtag ApologizetoVietnam trở nên phủ sóng toàn cầu, hoàn toàn không có ý kiến gì, thì nửa sau của chính tin đấy, VTV24 đã hết sức nhấn mạnh, dùng đến bốn ví dụ (từ 1 – 4) và hai luận điểm (5, 6) để khuyên nhủ chúng ta (cư dân mạng) không nên hành động bồng bột, công kích người Hàn Quốc và nên “giữ gìn tình cảm tốt đẹp mà hai dân tộc đã xây dựng”.

VTV24 khi muốn xỏ xiên, “kháy” thì cũng “kháy” khá Vũ Trọng Phụng, tức là không đi trực tiếp vào vấn đề, mà sử dụng một vấn đề khác (2) dể ám chỉ nó. Nhưng, khi muốn đưa ra ý kiến chính luận, tức là muốn định hướng người xem, thì VTV24 cũng rất khảng khái, thẳng thắn trong quan điểm của mình. Tôi đồ rằng, sự trực diện này đến từ sự mất kiểm soát thật sự đã diễn ra trên mạng mấy ngày vừ qua, khi có những người đã có những phát ngôn chưa có nhiều suy nghĩ, gộp toàn bộ người Hàn Quốc lại, chê bai lịch sử, ngoại hình, xã hội của họ, trong khi lỗi thật sự chỉ nằm ở đài YTN (mà VTV24 đã khẳng định không phải một đài lớn) và 20 người kia (mà VTV24 đã so sánh với những trường hợp “xấu xí” của người Việt Nam tại nước ngoài).
Sự thẳng thắn này là đáng trân trọng, vì hai nhẽ: Một vì tình hình đã tệ và khuyên ngăn chúng ta dừng lại, hai là VTV24 tự nhận thức được khán giả của họ, một phần nhiều có lẽ đến những câu kháy trước đó cũng không hiểu nổi, nếu đến đưa ra ý keiens mà cũng hai ba tầng nghĩa thì quá phức tạp với những khán giả này.
VTV24 đã quên mất một việc: Người ta có thể chỉnh sửa clip. Đó là lý do tại sao nữhng clip rút ngắn, rút gọn mất nửa sau lại tồn tại nhiều như vậy, trong khi nửa sau mới là phần “ý” chính của tin (3), và nửa đầu chỉ là tin tức thông thường.
Tại sao người ta phải làm vậy? Tại sao người ta phải chỉnh sửa clip để cố tình thô thiển ghép “ký hiệu” từ tin (1) sang tin (3), và hoàn toàn bỏ qua phần ngăn ngừa, khuyên nhủ hành động của cư dân mạng ở nửa sau tin (3)? Và, các bạn có để ý câu hỏi (a) của tôi ở trên, “hoặc có thể không”. Câu hỏi này có ý nghĩa là, tại sao khi phát nguyên clip, thì những comment chửi bới người Hàn như một quốc gia, như một tập thể vẫn còn rất nhiều, và chúng ta vẫn nhắm đến đặc điểm hình thể, xã hội, lịch sử của họ để công kích? Tại sao những lời khuyên của VTV24, những lời khuyên ĐÁNG RA PHẢI LÀ Ý CHÍNH CỦA TIN TỨC, lại trở thành một món phụ để người ta gièm pha, nói xấu một quốc gia khác.

Để giải thích, tôi xin được nói thêm chút kiến thức truyền thông.
Năm 1988, giữa cơn bão “Bài Cộng” đầy tính hoài nghi mang tên McCarthyism ở Mỹ sắp lụi tàn, triết gia, nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky kết hợp cùng nhà phân tích truyền thông, nhà kinh tế Edward Herman đã xuất bản cuốn sách “Manufactoring Consent” (tạm dịch, Sự đồng thuận giả tạo), vạch trần bộ mặt thật cùng những chiêu trò mà truyền thông hay chính quyền dùng để khống chế người dân, khiến họ tạo ra sự “đồng thuận” đầy giả tạo, được sản xuất đại trà trong xã hội. Cuốn sách, ít nhất với giới truyền thông, đã trở thành một quyển gối đầu giường mà dù thích hay ghét thì bất kì người làm truyền thông hay chính trị gia nào đều cũng đã nghe qua.
Trong năm thứ bậc của bộ lọc truyền thông nhằm điều khiển con người, thì bậc thứ năm chính là “Tạo ra một kẻ thù”. Trong sách thì tên nó là “Chủ nghĩa bài Cộng sản” do ảnh hưởng từ khoảng thời gian chính trị căng thẳng McCarthyism và cuộc chiến tại Việt Nam trước đó. Ông đề cập về việc chiêu bài này đã được sử dụng tại Việt Nam như thế nào, khi truyền thông đã vẽ nên “chúng ta” (người Mỹ) là những chú chim bồ câu giải cứu hoà bình, giải cứu quốc gia VNCH, để đánh bại “con diều hâu” (Bắc Việt và CNCS) đang nhăm nhe phá hoại hoà bình thế giới.
Đương nhiên, kết quả như thế nào chúng ta đều đã biết. Chomsky giải thích, Mỹ thất bại trong chiến tranh Việt Nam, một phần là nhờ sự phổ cập của TV cũng như sự thẳng thắn, đa tin trực diện của truyền thông báo chí Mỹ bấy giờ, nói lên những sự phi nhân tính trong cuộc chiến này.
Nhưng ông cũng đồng thời lưu ý, việc biến ra, tạo ra, nhân hoá ra một thứ kẻ thù để chúng ta nhắm vào, chính là cửa ngõ đầu tiên để khán giả truyền thông bị dẫn dắt, nghe theo một thứ mục đích xa vời nào đó, để giam cầm chúng ta trong nữhng hang đá của Plato.

Vậy, “Sự đồng thuận giả tạo” của Chomsky thì có liên quan gì đến VTV24? Nó không liên quan TRỰC TIẾP đến VTV24, vì ở đây, VTV24 rõ ràng đã có sự nhanh nhạy cũng như khéo léo trong giao tiếp, kể cả chỉ trích 20 người Hàn Quốc kai cũng chỉ trích vô cùng duyên dáng và thông minh. Không. Ở đây, nó liên quan đến chúng ta, nữhng độc giả.
Chúng ta, ngay cả khi nhận được một ý kiến gần như là thẳng thắn của VTV24, vẫn phải cắt ghép nó cho thoả ý nguyện, để biến những lời nói chân tình của VTV24 thành những lời công kích. Chúng ta cần phải giả vờ rằng”các bác bên trên đã cho phép”, để được thoả nguyện chửi bới, xả stress bằng những tin tức rất nhỏ mọn (mà hashtag #ApologizetoVietnam KHÔNG, nhấn mạnh là KHÔNG, phải một trong số đó). Chúng ta muốn, chúng ta CẦN nhìn vào một đoạn đùa duyên dáng của clip để làm cái cớ rằng lãnh đạo cũng đồng tình với sự chỉ trích đó. Chúng ta cần tự lừa mình, cần một thứ để tin vào, cần những cái bóng dẫn lối dưới hang đá. Tệ hơn, chúng ta muốn được lừa, muốn cơn cáu giận, sự sợ hãi của mình được nhắm vào đâu đó đến lức, chúng ta sẵn sàng tạo ra cái bóng đó. Kể cả khi họ (ở đây là VTV24 chẳng hạn) đang cố gắng muốn truyền đạt một ý tưởng tốt đẹp đến chúng ta sau những câu bông đùa, thì ta vẫn cứ vin vào những câu đùa kia để tự lừa mình.
Bởi vì sao? Bởi vì, như Chomsky đã nói, chúng ta cần một mục tiêu để thù ghét, để kích động. Chúng ta cần nhắm vào một đối tượng nhân hoá nào đó để giải toả khỏi nỗi sợ giữa cơn đại dịch này.

Suy cho cùng, nó cũng lại chỉ là sự thù ghét và nỗi sợ hãi.

Đó chắc hẳn là ý của VTV24 khi duyên dáng nói, đừng đánh đồng cả tập thể bằng vài cá nhân, như vài người Việt Nam ở nước ngoài. Cũng như khi họ nói, phải chứng tỏ sao cho Việt Nam không xứng đáng nằm trong top những đất nước có văn hoá mạng kém nhất.
Ồ, và VTV24 còn kháy ở cái tiêu đề nhé: Chúng ta có chắc được rằng “người dại” ở đây chỉ là 20 người Hàn Quốc, là chị livestream kia, hay… hay là những người đang chửi bới, trù ẻo toàn bộ đất nước họ một cách không có “duyên” bằng VTV24?
Vậy, nào, chúng ta đã chứng tỏ được điều đó chưa? Hay chúng ta vẫn muốn tự lừa mình?
________________________

*Cũng phải nói thêm, một cái “kháy” tạm được, dù hơi nhỏ mọn, của VTV24 nữa, đó là trong mục chú thích trên video YouTube của kênh có một “lưu ý”, rằng vừa xem vừa ăn bánh mì sẽ trọn vẹn hơn, cũng như là một trong số rất ít những video YouTube của kênh này được bật comment. Cái kháy này, cũng như cái kháy trước về việ so sánh với chó mèo, nếu có nhắm đến thì chỉ hoàn toàn nhắm đến 20 người bệnh kia và đài YTN, chứ chưa bao giờ công kích người Hàn Quốc.