Các bạn có thể học được gì từ phim hành động? Không nhiều, xem cảnh hành động là chính. Bạn có thể học được gì từ series Mission Impossible? Vài ba điều thôi. Nhân một ngày tâm trạng không tốt, mình ra rạp xem. Lúc đầu cũng không định chọn MI, nhưng cuối cùng vẫn vào. Warning: spoilers.
Nhận xét về tổng quan toàn phim, mình cảm thấy đây là một bộ phim được đầu tư khá kỹ lưỡng. Cảnh quay đẹp, nhiều người đẹp, kỹ thuật quay và chọn cảnh cũng rất kỹ. Pha hành động đẹp mắt, đương nhiên không thiếu cảnh tông xe, truy đuổi, bắn súng, nhạc xập xình... của Tom Cruise, và cũng rất đương nhiên, chẳng có gì để chê cả. Nhưng đương nhiên, với một đứa khá để ý về kỹ xảo điện ảnh như mình, luôn có vài thứ để chê. Đầu tiên, bản thân mình nhận thấy đoàn phim sử dụng khá nhiều kỹ thuật ánh sáng, từ cả tranh tối tranh sáng dưới tầng hầm, cho đến hiệu ứng tia sáng khắp nơi khắp chốn trong những cảnh quay thiên tối. Hiệu ứng này không xấu, thậm chí là nổi bật cảnh quay, tuy nhiên nếu quá lạm dụng sẽ khiến người xem nhức mắt. Và mình là một đứa từ khá thích những hiệu ứng ánh sáng đã chuyển qua khó chịu khi những cảnh ấy xuất hiện. Đơn giản vì quá nhức mắt. Đã cận rồi còn ngồi gần (mình chọn hàng E, cố tình cách xa đám đông và gần màn hình hơn) như mình, khi xem sẽ thấy mấy đoạn sau rất khó nhìn.
Một cảnh mạo hiểm với khung cảnh xuất sắc trong phim (nguồn: Internet)
Thứ hai, đó là thời gian trong phim. Những cảnh hành động trong phim lần này đều tính thời gian rất sát, và theo mình, đấy là điều khá vô lý. Bạn không thể ngồi trên phi cơ, rồi nhảy dù xuống Paris trong vòng 1 tiếng rưỡi nếu bạn xuất phát từ Mỹ được. Hoàn toàn không thể. Thêm nữa, bạn không thể xuất phát từ một ngôi làng, đi trực thăng, vừa đi vừa đánh nhau, thả gói hàng, bắn nhau đâm nhau toé lửa mà chưa hết 15 phút được. Chưa kể khoảng cách phải rất xa thì bộ đàm mới mất kết nối. Điểm vô lý về thời gian trong phim khiến bộ phim bị trừ điểm trong mắt mình. Các bạn có thể phản biện: phải như thế mới thành phim, mình xin phép trả lời là phim thì vẫn phải dựa trên logic cụ thể, chứ không thể vì nó là phim nên logic về thời gian cũng méo mó đi được.
Và thứ ba, đó là thể lực cũng như cơ thể của Ethan (do Tom Cruise đóng) quá trâu bò. Ảnh chạy bộ cả mấy cây số trong vòng 10-15 phút để bắt kịp đối thủ, ảnh chạy như điên sau khi bị tông xe mà trên người trừ chân khập khiễng còn lại hoàn toàn không xây xát. Chưa kể ảnh đi qua khu vực bão, đối mặt với điện giật tầm gần mà chỉ bị chấn động nhẹ, bung dù quá sát bị giật ngược mà không hề hấn, đâm máy bay lăn vòng vòng mà không bị thương mấy. Điều này khiến mình cảm thấy, nếu không phải ảnh mình đồng da sắt, thể lực phi thường như Captain America thì phải nói ảnh không phải người nữa luôn rồi. Thật sự vô lý.
Nhưng có một điểm ở bộ phim khiến mình cứ suy nghĩ mãi. Đó là tại sao Ethan và đồng đội của anh, cả những con người sống dưới danh mật vụ, điệp vụ hai mang, lại chấp nhận cuộc sống hiểm nguy như thế. Theo mình suy đoán, Ethan là người nghiện adrenaline. Nếu chưa rõ, mình xin được nói qua Adrenaline là một chất kích thích tự nhiên có sẵn trong cơ thể của mọi sinh vật máu nóng. Chứng nghiện Adrenaline, nói nôm na chính là nghiện cảm giác mạnh, mỗi lần não bạn cảm thấy mạng sống của bạn đang bị đe doạ, cơ thể sẽ tiết ra adrenaline để giúp bạn đối đầu với tình cảnh đó. Các bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm bằng cách chơi trò cảm giác mạnh hoặc đi nhà ma ở bất kỳ công viên giải trí nào. Adrenaline sẽ khiến bạn cảm thấy phấn khích hơn và vui vẻ hơn bao giờ hết.
Quay trở lại với MIF, mình nghĩ Ethan là người nghiện Adrenaline. Tại sao? Đối mặt với cảnh sinh tử, giữa sự sống và cái chết, khi anh chỉ còn cách thế giới bên kia một cái trượt tay, và chỉ lúc ấy, anh mới cảm thấy mình đang sống và thực sự được sống. Núp dưới cái danh nghĩa cứu thế giới và quên đi tình cũ, anh lao mình vào những nhiệm vụ không lối về để tìm cảm giác sống sót cho bản thân mình. Mình không nhận ra điều này cho đến khi Julia nói: “I am a survivor...” và lúc ấy mình biết chị cũng là một người như thế. Cả Julia và Ethan đều ở trong hoàn cảnh phải giấu mình, phải biến mình thành bóng ma lang bạt khắp thế giới và tránh khỏi sự truy đuổi của mọi thế lực. Và chị yêu cuộc sống đấy, chị yêu cảm giác nay đây mai đó, ở trong cuộc sống đó chị tìm thấy bản thân mình và tìm được lý do tồn tại. Chị đã sống, đang sống và sẽ sống, với cuộc sống nay đây mai đó của chị, với cảm giác hừng hực mỗi ngày của chị. Và Ethan cũng thế, sẽ hơn thế. Luther đã nói, mỗi lần có chuyện xảy ra, anh đều nghĩ đáng ra mình nên ở đó. Vậy thử hỏi anh sẽ sống được trong hoà bình bao nhiêu lâu trước khi cái bình yên đấy khiến anh phát điên, trước khi cơ thể anh bồn chồn và suy nghĩ về hoà bình thế giới khiến anh phát điên.
Ngoại cảnh của phim được đầu tư khá công phu (nguồn: Internet)
Cũng giống như Ethan, John (Sherlock, BBC, 2012) là một người như thế. Một bác sỹ quân y từng đóng quân tại chiến trường Afghanistan, sau khi trở về Anh liền có ác mộng về chiến trường và mang theo một chân bị tật, đôi tay run rẩy đến mức không thể viết được hẳn hoi. Ấy vậy mà anh lại có thể chạy theo Sherlock đuổi theo một chiếc taxi qua mấy con phố, bắn tên lái xe một phát súng vào đúng vai không xê dịch lấy một phân. John nghiện chiến trường, nghiện cảm giác mỗi ngày phải giằng co sự sống với thần chết, nghiện cảm giác đến cuối ngày khi nằm trên giường và biết mình đang sống. Đấy là cảm giác tuyệt vời nhất nhưng cũng dễ gây nghiện nhất.
Khi tiền không còn là thứ chi phối cuộc sống nữa, bạn sẽ làm gì? Ethan đã tìm ra cách sống của anh, cách để anh cảm thấy mình đang được sống và cuộc sống của anh trở nên có ý nghĩa - Đó là tham gia những nhiệm vụ mạo hiểm. Thật sự nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng với những người thiếu vắng cảm giác an toàn, những người mắc bệnh về tâm lý luôn luôn tự dằn vặt bản thân về mục đích tồn tại của bản thân. Như Ethan, mình chắc chắn rằng anh khi ở trong thời bình, đứng ngoài cuộc chiến, sẽ nghĩ rằng "nếu mình không cứu thế giới thì cuộc sống của mình còn có ý nghĩa gì?". Và đó là cách anh tiếp tục đâm đầu vào những phi vụ mạo hiểm, ngay từ đầu đã là "nếu anh thất bại, ngài Thư Ký sẽ coi như chưa bao giờ xảy ra" và cũng là "the mission should you choose to accept it" (tạm dịch: Nhiệm vụ anh nên lựa chọn chấp nhận). Hoàn thành sứ mệnh, anh cứu được thế giới. Nhiệm vụ thất bại, đất nước không ghi công. Ấy vậy mà anh vẫn lao đầu vào những nhiệm vụ tự sát như thế, lương hoàn toàn không được nhắc tới, để làm gì? Cứu thế giới chăng? Trong mắt mình, Ethan cũng chỉ là một con nghiện cảm giác được sống, được tồn tại, cảm nhận sự tồn tại của mình sau mỗi giờ phút sinh tử.
Đương nhiên cũng không thiếu cảnh hành động mạo hiểm của anh Tom Cruise (nguồn: Internet)
Thật sự thì, trong bộ phim này, mình cảm thấy tình yêu của các nhân vật thật sự sáo rỗng. Có bao nhiêu người đàn ông, ấy thế mà các chị các cô đều xúm xít lại xung quanh Ethan, còn Ethan đương nhiên vẫn lưu luyến vợ cũ Julia. Bằng chứng là mình thấy Julia và Ilsa quá giống nhau, giống đến từng ánh mắt nụ cười, thật sự nghi ngờ đây có phải chị em sinh đôi không, nhưng nhìn từ phản ứng khi hai người gặp nhau thì chắc chắn không phải. Đến cả Góa Phụ Trắng, cô gái mật ngọt chết ruồi trở mặt nhanh hơn trở bàn tay, còn phải điêu đứng vì Ethan thì mình cũng thấy buồn cười.
Về các nhân vật khác, mình thấy diễn viên đóng rất đạt, rất tròn vai đến mức mình thật sự thót tim hộ cho họ luôn. Nói thế chứ, đóng đến phần này rồi mà còn không đạt thì còn gọi lại làm gì, đúng không?
p/s: thật sự mấy lần đi xem phim mình đều cảm thấy rất tệ. Ghế ở CGV có một khoảng rất dài rất rộng để các bạn duỗi chân cơ mà. Thế quái nào các bạn vẫn ngây thơ quả mơ đạp vào ghế người khác. Các bạn sợ nếu không đạp vào ghế thì người ta không biết mình chân dài hay sao? Các bạn thấy thoải mái nhưng người ngồi đằng trước hoàn toàn không thoải mái chút nào hết. Vì mấy lần bị đạp ghế, lần này mình đã cố tình ngồi cách ra (như đã nói ở trên) để không bị đạp nữa, thế nhưng mà, chẳng hiểu sao vẫn bị đạp vào lưng ghế dù đã đổi chỗ 2 lần :)) xin lỗi chứ ngay đầu phim đã bị đạp rồi mình chẳng có hứng xem gì nữa. Cáu kinh khủng, mà bạn nam ấy còn không thèm xin lỗi mình, để cho người bên cạnh bạn ấy xin lỗi hộ. Đùa chứ con trai con đứa sao mà kì cục vô duyên quá vậy? Ngày trước còn mong được vào rạp, giờ thì chỉ muốn ngồi nhà xem cho lành, không thì chọn đến khi nào hết hot thì đi xem, chỉ vì câu chuyện nói trong rạp và đạp ghế. Đáng buồn thay.
Chắc mình sẽ phân tích sâu hơn vào nhân vật (phong cách ăn mặc, các bộ phim khác của Tom,...) vào những bài tiếp theo.