Mình bắt đầu cảm thấy mình không hạnh phúc khi mình lên 10 tuổi.
10 tuổi, có một lần, trong dịp cúng tiễn Ông Công Ông Táo về trời, mình ngây ngô viết một mẩu thư gửi ông ngoại đã mất của mình. Mình chẳng nhớ trong đấy gồm tùm lum cái gì, chỉ nhớ bảo ông hãy phù hộ cho bố mình đừng uống rượu và mắng chửi mẹ nữa. Bố rất tốt. Chỉ có điều mỗi khi uống, ông lại không giống ông của thường ngày.
Quay lại chuyện bức thư, viết xong, dấu dấu giếm giếm trong con ngựa vàng mã. Ấy thế mà bố mẹ cũng bắt được. 
Mình đã kỳ vọng một sự thay đổi trong mối quan hệ của họ, nhưng cũng chẳng có gì. Tự nhiên mình cảm thấy: Sao ở nhà mà mình cũng không hạnh phúc?
12 tuổi, anh mình không chịu được khi nhìn cảnh bố đay nghiến mẹ. Bố và anh có xung đột tay chân nảy lửa. Hình ảnh gia đình gia giáo mà mọi người thường nghĩ vỡ tan trong một nốt nhạc.
Mình chỉ muốn trốn thoát khỏi căn nhà này.
16 tuổi, trong một cơn say, bố tát mẹ. Lần đầu tiên mình thấy ông tát mẹ. Và em mình, đã cầm dao trước mặt bố. Nhìn ánh mắt hận thù ấy của nó, mình chỉ tự hỏi: Tại sao họ sinh ra chúng mình để chứng kiến sự không hạnh phúc ấy?
Mình muốn tránh xa bố mẹ, càng xa càng tốt.
Liên tiếp những lần chì chiết của người lớn ấy đã ăn sâu vào não mình. Nhà từ đó, không phải là nơi an toàn để mình có thể dựa dẫm nữa. Mình lựa chọn học thật giỏi, đi thật xa để đỡ phải chạm mặt bố mẹ.
Thoắt cái, bố mình trở thành ông nội. Một buổi sáng, trông ông nựng cái cục bông  nhỏ bé ấy lên, ánh mắt, cử chỉ của ông, tự nhiên mình chảy nước mắt. Rằng sự bé nhỏ dịu dàng ấy chắc sẽ có thể thay đổi được một con người. Tự nhiên mình cảm nhận được ông đã yêu và cưng nựng mình như thế nào từ khi mình còn đỏ hỏn, rằng ông đã suýt soa ra làm sao mỗi khi mình không chịu ăn uống.
Mình nghĩ, liệu mình có quá khó khăn với ông? Có phải khi càng trường thành, mình lại càng hà khắc và xa cách với bố mẹ? Liệu bố cũng cảm thấy không hạnh phúc giống mình? Liệu mình đã một lần nhìn lại và thay đổi?
Và mình thử thay đổi, thay đổi trong suy nghĩ và trong cả phản ứng. 
Và mình hối hận, khi đã không nghĩ được xa đến thế ngay từ đầu. 
Tin mình đi, hãy thử một lần nói yêu bố. Nếu không hãy thay chúng bằng những lời sến rện. Ngại quá thì nói kiểu bông đùa ấy. Lúc đầu hơi ngượng, ngượng sởn cả da gà ấy, nhưng thật sự nó khiến tình cảm đi lên nhiều lắm.
Ví dụ như này:
Khi sự tranh cãi nảy lửa nhen nhóm sắp diễn ra giữa bố mẹ, mình chuyển sang bông đùa chuyển đại từ "mẹ" là "bồ bố, người yêu bố, vợ của bố". Mình hay trêu: "Ui chào vợ bố chứ ai. Dấm dớ vẫn là vợ mình, chấp làm gì", xong mình cười há há.
Bố nghe thế cười xòa. Không khí được thay đổi ngay tắp lự.
Thay vì hằn học khi thấy ông say, mình ngó ra: "Bố uống gì không con yêu của bố pha cho".
Tự nhiên bố dịu dàng trở lại, thôi việc lôi mẹ ra dằn vặt như mọi khi.
Khi bố với anh trai khắc khẩu, mình sẽ mô kích: "Bố không phải xét nghiệm ADN đâu. Anh ngang như thế chắc chắn là lấy từ tính của bố", lại cười há há.
Mọi cáu gắt tranh luận căng thẳng bỗng nhẹ lại như một câu chuyện đùa.
Nói chung, bài học là, hãy thử đặt mình vào vị trí của bố mẹ. Với mình, sự thay đổi để có được hạnh phúc là nghĩ mọi thứ thật nhẹ nhàng, nói yêu thương nhiều hơn, bông đùa chừng mực và duyên dáng. Nước mới có thể dập được lửa, chứ thêm một ngọn nữa vào, có mà cháy đùng đùng.
Có thể tùy theo tính cách của mỗi ông bố người mẹ mà sự thay đổi để có được hạnh phúc của mỗi người sẽ không giống nhau. Nhưng chung quy lại, chỉ có chính bọn mình - người vô tình rất hiểu tính cách bố mẹ, mới có thể nhận ra con đường để giúp họ, giúp cả tâm hồn chúng mình.
Bởi suy cho cùng, con cái vẫn là tài sản mà bố mẹ yêu và trân trọng nhất.