Mình tự giải đề thi học bổng FPT, tất nhiên là để mở nhé
Mình giải bài này với tâm thế đã có tài liệu rồi nhé, coi như một sự học hỏi, nếu hứng thú với đề thi này thì bạn hãy đọc để tham khảo nhé
Đề luận
Em bảo anh đi đi
Sao anh không dừng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay..
Lời nói gió thoảng bay
Đôi mắt huyền đấm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em!.
Silva Kaputikyan
Phải chẳng cuộc sống sẽ giản đơn và tốt đẹp hơn nếu chúng ta
luôn nói thẳng, nói thật “yêu thì bảo là yêu, ghét thì bảo là ghét”, tránh những vòng vo bóng gió như cô gái trong bài thơ trên?
Bạn đồng ý hay phản đổi phát biểu này? Hãy viết một bài luận
để phát triển quan điểm của bạn. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc quan sát của bạn trong cuộc sống.
Bài làm
Văn chương, thơ ca về chủ đề tình yêu xưa nay nhiều như cây
trong rừng vậy, dẫu có dành ra cả đời để tìm đọc thì cũng chẳng thể nào am tường được tất thảy. Vậy mà một bài thơ, một bài ca để trở thành một “cây khổng lồ xanh” được người đời công nhận, lưu truyền xuyên xuốt vượt qua quy luật băng hoại của thời gian, trường tồn đến thực tại ngày hôm nay thì thực hiếm vô cùng, tựa như những bông cỏ 4 lá vậy. Tình yêu thật đẹp và đa màu sắc bên cạnh đó còn chất
chứa những cung bậc cảm xúc rất khó định hình, khó diễn tả. Tình yêu cho người ta cảm nhận những hỉ, nộ, ái, ố ở đời. Yêu là vui vẻ, là đắm say, là ghen tuông, là hờn dận. Hơn thế nữa, tình yêu còn là nguồn sống, là nơi an ủi vỗ về, là nơi ta tìm về. Chẳng thế mà Xuân Diệu đã từng ngâm nga rằng:
“Làm sao mà có thể sống mà không yêu, không nhớ, không thương một kẻ nào”.
Nếu như nhắc đến văn học, thơ ca tình yêu của Việt Nam ta thì không thể không nhắc đến những bậc thi sĩ như Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Hàn Mặc Tử….. còn khi kể đến văn học thế giới thì chẳng thể nào bỏ qua Silva Kaputikyan, với những bài thơ tha thiết, dạt dào cảm xúc về tình yêu đất nước, con người, tình yêu đôi lứa. Thơ của bà được lưu truyền nhiều đi khắp nơi trên thế giới, nhưng câu ca được công chúng đón nhận nhiều nhất, thậm chí có những nhạc sĩ Việt Nam ta còn lấy đó làm cảm hứng tạo nên một bài ca chỉ có thể là bài “Lạ Lùng”:
Em bảo anh đi đi
Sao anh không dừng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay..
Lời nói gió thoảng bay
Đôi mắt huyền đấm lệ
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em!.
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em!.
Bài thơ chỉ có tám câu giản dị nhưng đã bộc lộ được tâm trạng
bối rối, khó hiểu xen lẫn sự buồn bã, thất vọng của người phụ nữ khi yêu. Vâng khi yêu tâm trạng ta thật kì lạ, tâm trạng ấy có muôn vàn những cung bậc cảm xúc, những gam màu pha trộn lẫn nhau khiến cho nó càng thêm thật đặc biệt. Anh đi đi! Anh về đi! Em không muốn gặp anh đâu! Một cái quay lưng, một giọt nước mắt rơi! Ôi! Cớ sao lại phức tạp, lại bối rối khó xử đến thế.
Em bảo anh đi đi
Sao anh không dừng lại
Em bảo anh đừng đợi
Sao anh vội về ngay..
Lời nói gió thoảng bay
Đôi mắt huyền đấm lệ
Nữ thi sĩ S. Kaputikyan thật tài tình, bà đã thấu hiểu được
cái tâm trạng rối ren, “phức tạp sâu sắc” ấy của người thiếu nữ lúc đang rơi vào bể tình chốn nhân gian. Bảo rằng thế này nhưng lại là thế khác, ý em thế này nhưng em không nói ra đâu, anh phải tự hiểu cơ. Nếu chàng trai không có một sự “ thông minh cảm xúc” cao, không có một trực giác nhạy bén thì quả thật rất dễ bỏ lỡ một tình yêu đẹp. Ôi sao cái cảm giác ngây thơ, khó chiều ấy đã gây ra bao sự hợp tan, kết duyên chẳng thành lại khiến cho tình yêu trở nên thật đặc
biệt và đẹp đẽ tới nhường nào. “Một phút nói lời ra đi. Chỉ là muốn biết đối phương có níu kéo mình hay không. Thật không ngờ đối phương được nước đẩy thuyền. Từ đó xa cách muôn trùng như chưa từng tương giao với nhau vậy”. Quả thật đây là một trong những bi kịch vô cùng đáng tiếc của tình yêu vậy, người ta không bao
giờ yêu đối tượng như nó đang “là”, mà chỉ luôn muốn yêu đối tượng như mình mong muốn, như nó phải “là”. Nhưng bi hài ở chỗ cái “là” ở đây đến người muốn còn không thể xác định được nó, không hiểu mình muốn gì nhưng lại muốn người khác thuận theo ý mình, phải làm vừa lòng mình khác nào gieo quyền quyết định của bạn cho người khác? “ Em bảo anh đi đi/ Sao anh không ở lại” chính cái “sao anh
không ở lại” là cái mà cô gái muốn ở chàng trai, rằng sao anh không như tôi muốn, không hiểu cho tôi. Xét cho cùng tình yêu của cô gái chỉ là tình yêu chính bản thân cô ấy nhưng lại đem cái tinh thần của cô chiếu vào chàng trai ấy mà thôi. Tôi yêu anh ấy, anh có nhiều điểm tôi cảm thấy hợp với tôi. Nói cách khác anh ấy phải có những phẩm chất mà tôi muốn anh ấy phải có. Chính sự ích kỷ, cá nhân ấy đã đẩy tình yêu thơ ngây ấy rời vào khởi nguồn của giông tố bi kịch trong tình
yêu, bởi vì chẳng ai hoàn hảo mà có đủ phẩm chất như cô ấy muốn cả. Xét về bản chất, ta chỉ yêu cái chúng ta hợp, chúng ta là chung,…vậy mà ta cứ nhầm tưởng rằng ta đang yêu đối tượng.
“Tình yêu mà chỉ là sự sở hữu thì nó chẳng phải là tình yêu” – Thích Nhật Hạnh
Vậy tình yêu thật sự là như thế nào? Là tình yêu luôn phải gắn
liền với lòng khoan dung tách nó ra thì chẳng thể là một tình yêu hoàn chỉnh được. Vậy khoan dung ở đây là gì? Là tha thứ chăng? Đừng vô lý thế, anh có quyền gì mà đòi tha thứ hay không tha thứ cho tôi? Bản chất của sự khoan dung nằm trong nhận thức “tôi chính là bản thân tôi và tôi sẵn sàng để cho người khác là chính bản thân họ”. Khi bạn đã chấp nhận để người khác là chính họ, ngay cả khi bạn không tha thứ, bạn vẫn là người khoan dung. Nếu bạn đuổi người ta đi nhưng lại
muốn người ta quay lại, người ta nào có thể biết, người ta bị đuổi thì người ta đi thôi. Nhưng nếu bạn muốn níu giữ tình yêu này lại thì đừng đổ lỗi cho người ta, hãy dũng cảm mà chạy đến níu bước người ta lại. Và cũng xin đừng nhầm lẫn giữa tha thứ và khoan dung, tha thứ là tôi sẽ bỏ qua cho bạn lần này nhưng bạn sẽ phải thay đổi để không lặp lại trong tương lai, còn khoan dung là tôi sẽ chấp nhận sự khác biệt của bạn, ta sẽ cố gắng đồng cảm, thấu hiểu tâm trí của nhau. Ấy thế mà S. Kaputikyan đã kết lại bài ngâm với 2 câu thơ:
Sao mà anh ngốc thế
Không nhìn vào mắt em!
Tình yêu đích thực đâu cần lời nói, chính sự quan tâm, thấu
hiểu, đồng cảm lẫn nhau mới có thể làm nên một tình yêu bền vững tựa như núi Thái Sơn vượt qua mọi ngàn giông bão, nắm tay nhau đến khi đầu bạc. Minh chứng của tình yêu đâu chỉ “anh yêu em”, cái lời nói có thể giả nhưng “đôi mắt huyền đẫm lệ” kia thì không thể giả được, vì đó là cảm xúc, là sự bộc bạch tự tận tấm lòng thông qua những “giọt nước mắt”. Vì vậy tình yêu đích thực đâu cần nói nhiều
mới thực sự hiểu nhau, đôi khi ta ngồi lại nhìn vào mắt vào thật sâu sắc thì cũng đã hiểu được tiếng lòng của nhau rồi.
Quả thật chỉ với vài dòng cảm xúc ngâm nga vu vơ, cùng với
tài năng biến tấu thành thơ ca của nhà thi sĩ đại tài người Armenia đã khắc hoạ được rõ nét cái phức hợp tình cảm đặc sắc vô cùng độc đáo của người phụ nữ khi vương vấn vào tình duyên ở hồng trần. Bài thơ đã để lại cho ta nhiều suy ngẫm về lối sống luôn nói thẳng, nói thật “yêu thì bảo là yêu, ghét thì bảo là ghét”, tránh những vòng vo bóng gió như cô gái trong bài thơ trên.
Trước tiên, tôi khẳng định rằng bản thân mình có phần đồng ý
những cũng có phần chưa đồng ý với quan niệm sống trên.
Tôi đồng ý rằng con người ta cần phải có lối sống chân thực,
nhất là trong hoàn cảnh xã hội rối rem, thực giả lẫn lộn, trắng đen khó phân biệt như hiện nay. Sống trên đời không được lừa dối, chân lí giản đơn ấy từ xưa đến nay vẫn luôn được ông cha ta lưu truyền qua nhiều thế hệ để dạy bảo con cái. Không lừa dối bản thân, không lừa dối mọi người là một trong những bước đầu tiên để thoát khỏi sự dày xéo trong lòng bản thân, sầu não, tai ương của cuộc đời. Bởi lẽ chỉ có những con người sống chân thật mới cảm nhận được sự thanh thản
trong tâm hồn, hạnh phúc và an yên trong cuộc sống. Sống chân thực còn cho ta một người động lực to lớn để vươn tới ước mơ đẹp đẽ, không chỉ thế nó còn giúp ta không ảo tưởng bản thân và có quan niệm sống đúng đắn về tốt xấu, thiện ác. Người người trong xã hội sẽ gắn kết với nhau chặt chẽ hơn biết nhường nào nếu ai cũng
sống chân thực. Trên thực tế Việt Nam ta là một nước đề cao tính trung thực vô cùng mạnh mẽ, tiêu biểu trong việc học, trong các kì thi việc chân thành, trung thực luôn được đặt lên hàng đầu. Xây dựng một đức tính trung thực cho các bạn học sinh ngay từ những việc nhỏ nhất, lên án sự gian dối, biểu dương sự trung thực. Để từ đó mỗi con người có thể dần dần hoàn thiện nhân cách của mình, giúp cho cuộc sống, xã hội trở nên tốt đẹp và văn minh hơn. Phùng Quán còn quyết liệt hơn trong bài thơ “Lời mẹ dặn”
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Rất nhiều người đã dũng cảm nói lên tiếng lòng trong người
mình. Còn bạn thì sao?
Mặt khác tôi có phần cũng không đồng ý với quan điểm của câu
nói trên. Tại sao lại vậy? Bản chất con người ta từ xa xưa có xu hướng hay chịu đựng, “gồng” mình lên để tiếp tục gánh vác cuộc đời dẫu cho có mệt mỏi vô cùng cũng không muốn chia sẻ cùng ai. Khi vui mà dối lòng không cười được, khi buồn mà tỏ ra vui cho người khác an tâm, đâu có nhiều khi dám nói lên tiếng lòng của mình, sống thật với những gì mình thích. Có một người mẹ từ dưới quê gọi điện lên để thăm hỏi cuộc sống của con, người con dù mệt mỏi, vất vả, cô đơn phong
lưu nơi xứ người nhưng để cho mẹ an tâm mà vẫn nói với mẹ rằng: “Con vẫn ổn, mẹ đừng lo” đó thôi. Trong chuyện tình cảm điều này còn nhạy cảm hơn hết, khi yêu dù mến mộ cũng không thổ lộ ngay, khi ghen ghét cũng chẳng bao giờ tỏ rõ thái độ. Tình yêu thầm kín lúc nào cũng đẹp đẽ và rực rỡ hơn khi đã thổ lộ, lời ghen ghét cũng không nói tường mà nói lời ngỏ ý, bóng gió giúp cho người nhận ra đại
ý mà sửa chữa sẽ tốt hơn rất nhiều. Trong công việc các nhân viên thực sẽ làm tốt lên khi các đồng nghiệp của họ giấu và không cho họ biết những phản hồi tiêu cực, xúc phạm làm tổn thương họ của khác hàng, hay một vị bác sĩ để tiếp thêm cho bệnh nhân ung thư hi vọng để chiến đấu với căn bệnh ác tính đã dấu đi tính trạng bệnh
của họ. Lời nói dối không xấu, quan trọng là cách mà ta sử dụng nó vì mục đích nào thôi, nếu vì trục lợi mà đánh đổi sự chân thật của người khác thì niềm tin của bạn đối với họ cũng như tờ giấy bị xé rách vậy chả thể nào lành lại được.
Tóm lại, chỉ với vài dòng ngâm nga ngắn ngủi, đại thi tài thơ ca người Armenia đã cho người đọc một cái nhìn thật đặc biệt và độc đáo về những xúc cảm trong lòng người thiếu nữ khi đắm chìm vào bể lưới tình. Từ đó mở ra cho người đọc nhiều góc nhìn mới về lối sống chân thật. Bài thơ có giá trị ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất