Mình không thích đi làm và bạn cũng vậy?
Làm thế nào để đi làm khi bạn ghét đi làm
Mấy nay trời Hà Nội lạnh quá, sáng mở mắt, ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu mình là hay hôm nay xin nghỉ làm nhỉ, lạnh như này chẳng muốn ra khỏi chăn chút nào. Lạnh thì đúng là lạnh thật đấy, nhưng cũng chỉ là lý do lý trấu, chứ bình thường ấm áp mình cũng có muốn đi làm đâu.
Những ngày thời tiết đẹp, mở cửa sổ nhìn vài sợi nắng vàng mỏng manh vắt ngang qua ô cửa, mình sẽ nghĩ: “Nay thời tiết đẹp ghê, trời này mà được ra ngoài chơi thì thích nhỉ.” Nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ mình vẫn cố gắng đi làm bình thường vì chẳng ai lại nói lý do xin nghỉ là “trời đẹp quá em muốn nghỉ để đi chơi” cả. Còn nếu may mắn trúng hôm được nghỉ thì mình cũng chẳng ra ngoài chơi, cùng lắm mình mở cửa sổ ra ban công tán dương thời tiết vài lần, rồi lại lên giường nằm. Vì mình thích nằm. Đây là vấn đề sở thích, mình cho là vậy. Người khác thích chơi game, đọc sách, thì mình thích nằm. Nếu được ngồi, mình nhất định sẽ không đứng; nếu được nằm, chắc chắn mình sẽ không ngồi. Người thích nằm hoàn toàn không phải người lười biếng. Họ đau lưng.
Đi làm rất vui
Người ta bảo đa số mọi người thường ngưỡng mộ những gì họ không có. Mình không biết những người giàu và chăm chỉ có ngưỡng mộ mình vì mình nghèo và lười không, nhưng mình thì cực kỳ ngưỡng mộ họ. Mình ngưỡng mộ những người dám phát biểu câu “Đi làm vui lắm”, “Tôi yêu công việc”, “Sống có kế hoạch, có mục tiêu rõ ràng”. Mình ngưỡng mộ những người giỏi giang và chăm chỉ, một sự ngưỡng mộ thuần khiết không có chút ghen tị hay ganh ghét nào. Biết phải làm gì nhưng không chịu làm thì đáng ra nên chạy về nhà đóng cửa lên giường trùm chăn và tự cảm thấy xấu hổ về bản thân rồi, chứ lấy tư cách gì mà đi ghen ghét người khác cơ chứ.
Mình cũng không nhẹ nhõm, thoải mái hay vui mừng khi gặp những người “lười và không thích đi làm” giống mình. Để làm gì cơ? Để cảm thấy bớt cô đơn vì mình chẳng phải kẻ nghèo túng và lười biếng duy nhất còn tồn tại trên đời? Hay là để cảm thấy tốt về bản thân vì ngoài kia còn rất nhiều người tuy nghèo hoặc lười hơn mình nhưng họ vẫn sống ổn? Không, mình chỉ là thản nhiên chấp nhận sự thực phũ phàng rằng mình lười, nghèo, không thích đi làm và hiện tại chưa có đủ điều kiện cũng như khả năng để thay đổi điều đó theo hướng mình mong muốn.
Mình ghét đi làm nhưng đi làm không được ghét mình đâu nhé
Mình không thích đi làm không phải vì ghét công việc đang làm. Suy cho cùng, biên tập sách là một công việc thú vị và dễ tạo ra cảm hứng (chỉ là lương thấp). Nó phù hợp với một người hướng nội, tính cách có phần khó tính, khắt khe và thích đọc sách. Công việc này cũng mang lại niềm hứng thú (khi theo dõi sự đón nhận của độc giả về cuốn sách mà mình tham gia biên tập) và cả giá trị (mình rất mong có thể mang đến những cuốn sách hay, thú vị, có thể giúp ích cho mọi người).
Tuy nhiên, chẳng có thứ gì là tuyệt đối cả, mọi thứ không thể hoàn toàn tốt hoặc xấu. Dù bạn làm gì hay không làm gì, “một thế lực cao tầng nào đó” vẫn sẽ tự ý mang đến cho bạn vô số sự kiện ngẫu nhiên, đây là mối quan hệ một chiều và áp đặt. "Một thế lực cao tầng nào đó" hẳn sẽ không phân loại sự kiện đó là tốt hay xấu trước khi đưa nó đến tay bạn. Chính bạn mới là người nhận lấy chúng, phân loại và phản ứng với chúng. Cách bạn phản ứng sẽ khiến bạn buồn hoặc là vui, khó chịu hay tức giận, học hỏi được hay chỉ muốn lờ đi. Sao cũng được.
Điều tích cực là, cách bạn phản ứng sẽ thu hút những sự kiện tương ứng xảy đến tiếp theo. Qua thời gian quan sát, suy ngẫm, tự trải nghiệm hoặc học hỏi từ kinh nghiệm của người khác, bạn sẽ nắm bắt được quy luật để từ đó quyết định thực hiện hành động phù hợp nhằm thuận lợi thu được kết quả mà bạn mong muốn. Chẳng hạn bạn lấy thất tình làm động lực để làm việc chăm chỉ và đạt thành tích cao trong công việc. Hay bạn mất tiền nhưng không buồn mà vẫn (cố) làm một chill guy, mẹ bạn biết được chửi bạn te tua vì “không biết tiếc của à”, “cái ấy mà không dính vào người thì cũng mất rồi” (và vô số lời lẽ yêu thương khác).
Tương tự, nếu mình không xử lý cảm xúc chán ghét đi làm mà cứ để mặc nó dồn nén, tích tụ lại thì rồi sẽ tới lúc mình nghỉ việc và trở thành một kẻ thất nghiệp. Gia đình sẽ chửi mắng, xã hội sẽ kỳ thị, bạn bè sẽ ái ngại, người lạ sẽ chỉ trỏ, còn bản thân bạn thì tự hoài nghi bản thân. Bạn sẽ không còn tiền mua bánh dứa, kẹo nougat, trà sữa hương rừng, dâu tây, mít, ngọc trai, bông tai, game..., cũng không có tiền biếu bố mẹ (hoặc trả nợ).

Làm thế nào để vui vẻ (hoặc ít ra cũng không buồn lắm)?
Tuy mình nghèo, lười, ghét đi làm nhưng mình vẫn khá vui mỗi ngày vì ít ra mình còn có công việc để tự nuôi sống bản thân và mua những thứ mình thích. Câu mình vừa viết có một từ rất quan trọng. Bạn thừa biết mệnh đề sau “nhưng” sẽ cho biết cán cân của bạn nghiêng về phía nào hơn đúng không. “Tuy bạn xinh nhưng bạn lười” thì ấn tượng mạnh mẽ hơn là “lười”, trong khi “tuy bạn lười nhưng bạn xinh” thì ấn tượng mạnh mẽ hơn lại là “xinh”. Bạn chỉ cần sử dụng một câu nói với phần sau “nhưng” tích cực hơn. Ít nhất, nó sẽ giúp tạo ra ấn tượng “không tệ lắm” trong tâm trí bạn về một sự kiện không thuận lợi nào đó trong cuộc sống. Điều này giúp cảm xúc tiêu cực từ những sự kiện tương tự không bị dồn nén lại khiến ngày tháng của bạn bị gán mác “không vui”.
Sự cân bằng cảm xúc cũng là một điều cực kỳ quan trọng. Bởi đa số hành động và lời nói trong trạng thái cảm xúc kích động sẽ không dẫn đến kết quả như bạn mong muốn. Sếp cũ của mình mỗi khi gặp chuyện trái ý (dù lớn hay nhỏ) đều nổi khùng lên và lập tức trút cơn giận ấy xuống bất kỳ ai có liên quan (hoặc ở gần). Kết quả là nhân viên và đối tác dần chạy đi hết (kể cả mình). Chưa kể còn tự làm trò hề trước mặt người khác.

Khi cảm xúc tiêu cực phát sinh, nếu bạn ý thức được mình cần làm ngay một thứ gì đó để bình ổn lại trước khi nói hoặc làm gì thì mọi thứ sẽ bớt khó khăn hơn về sau. Nếu công việc hôm nay không thuận lợi thì tối về bạn có thể làm những việc bạn thích để cảm xúc cân bằng lại, sau đó nghĩ phương án giải quyết. Nếu một chuyện gì đó xảy ra khiến bạn buồn thì hãy làm những việc có thể đem lại niềm vui cho bạn, như một sự bù đắp. Khi mình buồn, mình xem clip hài hước về cho mèo tới khi nào mình vui lại thì thôi. Tuy nhiên, cần phải tránh sa đà vào những trò giải trí và/ hoặc biến thành một con người trì hoãn, lúc nào cũng “nước đến chân mới nhảy”. Mình đang ngấp nghé bên bờ vực trở thành một con người hay trì hoãn và đang cố dừng lại trước khi sảy chân rớt xuống. Sẽ chẳng có bí kíp võ công nào dưới đáy vực đâu. Mà kể cả có thì bí kíp đó cũng không chữa được bệnh trì hoãn. (Nhưng mà người trì hoãn cũng thoải mái quá đi chứ, nếu một công việc cần hoàn thành trong 1 tuần thì người bình thường phải làm hết 7 ngày còn người trì hoãn được ăn chơi nhảy múa cả 6 ngày, tới ngày thứ 7 mới phải cắm đầu cắm cổ vào làm.)
Công việc là một phần quan trọng của cuộc sống
Nhưng ngoài công việc ra, còn có những phần khác cũng không kém phần quan trọng. Nếu chúng ta coi một phần nào đó là tất cả thì mọi cảm xúc tốt xấu phát sinh từ đó sẽ bắt đầu choán hết tâm trí và hoàn toàn kiểm soát cách chúng ta cảm nhận, suy nghĩ và hành xử. Có thể vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, phần về gia đình hay sự nghiệp sẽ chiếm ưu thế và nắm quyền quyết định, những phần còn lại về bản thân hay tình cảm phải chịu cảnh lép vế tạm thời. Không sao cả, nhưng đừng để mọi thứ diễn ra quá lâu và quá sâu khiến cho cuộc sống của bạn đi về hướng hoàn toàn mất cân bằng, không còn đường quay lại. Hoặc nếu có thể quay lại thì công sức và thời gian tiêu tốn cũng là rất nhiều, chưa kể mọi thứ sẽ chẳng còn như trước.
“Chúng ta không nên buồn. Và không có gì phải buồn. Thì chúng ta vẫn không buồn. Buồn thì cũng buồn một chút xíu thôi. Chứ không phải đến nỗi mà phải buồn quài buồn quài, đúng hông? Mưa nào mà hổng tạnh..."
(Nhưng năm nay GENG mà còn trượt cúp nữa thì coi chừng t😒.)

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất