KHI DU HỌC LÀ MỘT NỖI ÁM ẢNH
“Sau một năm ở nước ngoài, thứ duy nhất còn xót lại là nỗi ám ảnh đến cùng cực ở một đất nước xa lạ”
Vài ngày trước tôi vừa thấy có một bạn trẻ về Việt Nam sau mấy năm du học và bày tỏ nỗi ám ảnh của mình với nơi mà bạn ấy du học. Chợt nghĩ lại thì tôi cũng đã ám ảnh nơi tôi du học suốt mấy năm trời ròng rã.
Lần đầu tiên khi tôi thông báo mình đi du học với bạn bè, ai cũng cảm thấy vui cho tôi vì cơ hội tốt đẹp này. Nói thật là lúc đó tôi cũng đã từng rất vui và cảm thấy may mắn khi có thể đến một chân trời mới. Như một đứa trẻ mới lớn khác, tôi ôm trong mình rất nhiều hoài bão và mộng tưởng về một đất nước chỉ nhìn thấy trong sách vở. Cho đến khi tôi đặt chân đến Canada. Cái lạnh khiến tôi rùng mình, tuyết thì dơ chứ chẳng đẹp như trong phim, và dám cá là ai đi bộ dưới trời tuyết âm mười mấy độ suốt 20 phút thì cũng chẳng ưa nổi đống tuyết trắng xóa xinh đẹp kia. Thứ duy nhất còn sót lại sau một tuần khi tôi ở nước ngoài là cảm giác tôi ghét nơi này kinh khủng!
Cái lạnh không hề dễ chịu hơn cái nóng ở Việt Nam, việc học cũng không hề nhẹ nhàng như tôi đã tưởng vì mọi thứ đều bằng tiếng Anh và học là vừa học kiến thức lẫn học tiếng. Cô đơn thì khỏi phải bàn vì bạn bè không có, người thân cũng không. Tất cả mọi thứ như rơi vào một hố sâu mà nơi đó chỉ có mình bạn và sự nhàm chán. Hàng quán cũng chẳng mở xuyên đêm như Việt Nam, mọi thứ bắt đầu từ 11 giờ sáng và kết thúc vào 6 giờ chiều. Có nghĩa là từ 6h chiều đến tối là khoảng thời gian dành cho bản thân và gia đình, một đứa trẻ học suốt 12 năm như tôi không biết khoảng thời gian đó mình có thể làm gì ngoài việc học bài, và cũng chẳng có người thân nào để dành thời gian nên khoảng thời gian đó thay vì nghĩ ngơi thì lại khiến tôi nghĩ ngợi và suy sụp.
Sau một năm thì tôi về Việt Nam để thăm nhà. Một tháng ở Việt Nam khiến tôi xóa tan hết mệt mỏi và tiêu cực. Tôi thích cái thời tiết nóng chảy mỡ, món ăn vặt bán đầy ngoài đường, và khoảng thời gian được ở bên cạnh gia đình và bạn bè. Còn một tuần trước khi về lại Canada, tôi rơi vào khủng hoảng. Tôi ám ảnh cái nơi mà tôi đã từng khao khát đặt chân tới. Tôi sợ cái lạnh tê buốt đầu ngón chân, và đóng băng cả lông mi khi phải chờ xe bus hơn nửa tiếng. Tôi ghét cay ghét đắng mớ kiến thức tôi phải học bằng một ngôn ngữ khác. Tôi không thích sự buồn chán và tẻ nhạt khi mọi thứ đều đóng vào lúc 6 giờ chiều. Và tôi cực kì sợ hãi việc phải đi làm với những người đến từ nước khác và tiếng anh lại là thế mạnh của họ. Cạnh tranh, học hành, và buồn chán là những gì tôi nghĩ đến trong chuyến bay từ Việt Nam sang Canada lần thứ hai và đặc biệt là cuộc gọi giữa đêm khi ngoại tư tôi mất. Cảm giác người thân mất một cách đột ngột và mình thì ở tận một nơi mà dù có lao ngay ra sân bay để mua vé cũng chẳng về kịp, nó bất lực hơn bao giờ hết. Đó là lúc mà bạn sẽ thấy đồng tiền cũng chẳng giúp được gì cho bạn vào lúc đó. Dù có phi cơ riêng để về nước thì cũng chẳng kịp dành khoảng thời gian cuối cùng bên cạnh họ.
Tôi đã cực kỳ sợ hãi nơi mà tôi đi du học, sợ đến mức mà có những đêm tôi khóc chỉ vì những thứ chẳng đâu vào đâu. Nhưng mà sau hai năm ở Canada, tôi cũng sợ phải về nước. Không phải cái cảm giác muốn ở lại hay về nước, mà là nỗi sợ về nước rồi thì mình làm được gì. Vì khi đã quen với khí hậu, với con người, với phương tiện di chuyển ở vùng đất mới, tôi lại sợ khi phải bắt đầu lại ở Việt Nam. Về Việt Nam đồng nghĩa tôi lại là đứa trẻ 18 tuổi, xe máy không biết chạy, công việc không biết tìm ở đâu, và chi phí sinh hoạt khi ở một mình thế nào tôi cũng không rõ. Và về nước cũng đồng nghĩa tôi lại chịu sự quản thúc của gia đình. Tôi đã cảm thấy bản thân thật hèn hạ và thất bại khi không dám đương đầu với sự thay đổi, nhưng lúc đó tôi thật sự rất khó để lựa chọn. Nên tôi vẫn tiếp tục ở Canada. Sau một thời gian, tôi quen dần mọi thứ. Có xe rồi thì không sợ lạnh, quen với môi trường văn hóa rồi thì tự khắc sẽ có bạn, hoặc có thể làm bạn với bản thân.
Điều duy nhất khiến tôi thấy không hối tiếc nhất khi đi du học là tôi học được cách làm bạn với chính mình. Nếu ở Việt Nam tôi luôn dựa dẫm vào đám bạn của mình, buồn là réo nó đi ăn rồi khóc lóc ầm ĩ, hoặc kể lể với mẹ, làm nũng với ba, thì ở đây tôi học cách ngồi xuống và đem vấn đề của mình ra phân tích. Giải quyết được thì tìm cách giải quyết, không giải quyết được thì tìm kế hoạch khác cho mình. Sự cô đơn khiến tôi dần nhận ra tôi có thể làm rất nhiều thứ khi ở một mình, đọc sách, xem phim, nấu ăn vân vân và mây mây. Những thứ mà tôi sẽ không bao giờ muốn làm nếu có lũ bạn thân ở Việt Nam xung quanh. Tôi tự lập và điều đó khiến tôi thấy dễ chịu hơn từng ngày, dù cả quá trình không hề khiến tôi thoải mái. Nhưng nhìn lại khoảng thời gian đã qua, tôi có thể mỉm cười vì con đường này tôi đã chọn. Tôi đánh mất rất nhiều thứ khi không ở Việt Nam, từ người bạn trai quen từ năm cấp ba cho đến những cuộc vui cùng đám bạn thân mỗi dịp lễ. Nhưng khoảng thời gian từ 6 giờ chiều đến tối tôi lại được chính mình, hiểu bản thân có thể làm gì khiến mình thoải mái, và tìm được một góc nhỏ để cảm nhận sự bình yên trước xô bồ của những cuộc vui.
Học bằng tiếng anh khiến tôi nhận ra mình có thể suy nghĩ theo một hướng tích cực khác. Ngôn ngữ gắn liền với văn hóa, việc học và giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác khiến tôi có một góc nhìn mới hơn. Mọi môn học cũng giúp tôi nghĩ sâu hơn về một vấn đề, và cuộc sống xa nhà cũng cho tôi nhiều hơn những trải nghiệm về cuộc sống. Từ bạn bè đến công việc, mọi thứ đều là những thứ mới mẻ mà tôi có thể học được. Mọi thứ đều có một cái giá của nó, nếu bạn chọn một trải nghiệm, một cuộc sống khác hẳn với 18 hay mấy chục năm bạn từng có, vậy thì bạn phải chấp nhận đánh đổi sự vui vẻ trước mắt, tiền bạc, bạn bè và đôi khi là những cuộc gọi bất ngờ về người thân. Nhưng đổi lại có thể là một nơi làm việc mà bạn thích, một lượng kiến thức mà bạn khao khát, chính bản thân bạn và một cuộc đời mà tự bạn có thể làm được tất cả.
Nếu bạn đang ám ảnh ở cái nơi xa lạ nào đó, thì bạn không hề cô đơn, và nó có giai đoạn. Qua khỏi giai đoạn đó rồi bạn sẽ tìm ra được nơi mà bạn thuộc về. Có thể bạn sẽ về Việt Nam, cũng có khi bạn chọn ở lại. Dù đi đâu cũng không quan trọng, vì ở Việt Nam khổ, ở nước ngoài cũng không sướng. Chấp nhận mới giúp bạn cảm thấy yên bình. Chấp nhận mọi nơi trên thế giới này đều không hề sung sướng, và cố gắng mới đem lại ý nghĩa thật sự cho cuộc sống này. Đời vốn dĩ chẳng bao giờ cho bạn 100% sự hoàn hảo, nên nếu bạn đang trong hố sâu của sự đau khổ, thay vì cứ nhìn chằm chằm vào nó và rơi nước mắt thì hãy thử nhìn xem xung quanh hố sâu đó ngoài nước mắt thì có gì. Nếu đã chẳng có gì thì hãy cố để thoát khỏi cái hố đó. Ngoài hố có thể là những cái hố khác cũng sâu không kém, nhưng bạn lên được miệng hố tức là bạn đã không bị nó nhấn chìm, cứ không có lợi thì cứ leo khỏi nơi đó, tiếp tục như thế bạn sẽ tìm được một cái hố mà bạn thấy sự yên bình và hạnh phúc. Quan trọng không phải trước mắt bạn cảm thấy như thế nào, mà là bạn chọn chấp nhận điều đó ra sao.
-Lâm Duệ Nghi-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất