Mình học được gì khi học Thạc sĩ
Gần đây mình có nói chuyện với mấy đứa em vừa nhận đề tài nghiên cứu. Điểm chung là đứa nào cũng hoang mang không biết bắt đầu từ đâu....
Gần đây mình có nói chuyện với mấy đứa em vừa nhận đề tài nghiên cứu. Điểm chung là đứa nào cũng hoang mang không biết bắt đầu từ đâu.
- Thầy hướng dẫn có đưa đề tài cho nhưng em không biết bắt đầu từ đâu.
- Em có thử đọc mấy bài báo khoa học nhưng không hiểu gì.
- Những buổi meeting với lab, nghe mọi người báo cáo mà em không hiểu mọi người đang nói gì.
- Thầy bảo phải có số liệu để báo cáo nhưng em vẫn chưa biết làm như nào.
Đây thường là những gì mình nghe được từ tụi nó. Điều này làm mình nhớ lại lúc vừa mới vào lab, vấn đề mình gặp phải cũng y chang như vậy. Thời điểm đó lab mình còn mấy năm rồi mới có học sinh quốc tế, nên thầy hướng dẫn cũng có vẻ hơi bối rối khi hướng dẫn cho mình. Vì không hỏi được ai nên mình phải mò mẫm tìm cách giải quyết cho những vấn đề trên. Sau 2 năm nghiên cứu, thì mình nghĩ mình vẫn chưa tìm ra và còn đang trên con đường mò mẫm ấy. Tuy nhiên mình cũng đúc rút được những kinh nghiệm riêng cho bản thân. Vì mình học về khoa học máy tính, nên những điều này có thể không đúng với các ngành khác.
1. Học thật tốt ngoại ngữ
Nếu bạn đang đi học thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài, thì ngoài những kiến thức chuyên ngành thì ngoại ngữ cũng là một rào cản mà bạn cần phải vượt qua. Với ai mà không ở một đất nước nói tiếng Anh nhiều như mình thì lại càng cần dành thời gian để học tiếng của nước đó. Như trong lab mình, không phải ai cũng thành thạo tiếng Anh (ngay cả bản thân mình). Vì thế, việc học ngoại ngữ là bước đầu tiên giúp mình hiểu mọi người nói gì và mọi người có thể hiểu mình đang nghĩ gì.
2. Học thật chắc những kiến thức cơ bản
Trước khi vào lab, mình đã lấy những môn liên quan đến nội dung nghiên cứu của lab. Mặc dù thành tích của mình khá tốt, nhưng khi vào lab nghe mọi người nói thì mình không biết mọi người đang nói về vấn đề gì. Và khi đọc các bài báo khoa học, mặc dù những khái niệm được dùng trong bài báo mình đã học trên lớp, nhưng mình không thể kết nối chúng được với nhau. Đến lúc này mình nhận ra trước đây mình chỉ tập trung học những thứ sẽ ra trong bài thi, và lơ là những kiến thức khác. Điều này đã tạo ra một lỗ hổng trong kiến thức. Để làm tốt một bài kiểm tra đôi khi chỉ cần tập trung vào một phần kiến thức, nhưng khi nghiên cứu mình cần tạo cho bản thân một nền móng kiến thức đủ rộng và đủ sâu.
Để khắc phục vấn đề này, mình đã học lại những kiến thức cơ bản và cố gắng hiểu ý nghĩa của nó. Sau khi thấy có thể hiểu được rồi, thì mình kiểm tra lại bằng cách đọc những bài báo khoa học có đề cập đến những kiến thức đó xem mình đã hiểu thật hay chưa. Ngoài ra khi tham dự meeting trong lab hay khi đọc báo, mình sẽ ghi lại những khái niệm hay thuật ngữ mình không biết để tìm hiểu. Vì kiến thức trong nghiên cứu khoa học rất nhiều và rất khó, không ai có thể biết hết được, nên ngay cả bây giờ mình vẫn đang tiếp tục công việc này.
3. Nắm vững quy trình hay các bước khi làm thực nghiệm
Trong nghiên cứu khoa học, hoặc chí ít là ngành mình đang học, công việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc đọc hiểu các bài báo khoa học, mình còn phải đưa ra một giả thuyết hay phương pháp mới nào đó. Để kiểm chứng cho những giả thuyết mình đưa ra là đúng đắn hay không, thì thực nghiệm là điều không thể thiếu. Nhằm đảm bảo tính chính xác và độ tin tưởng của kết quả thực nghiệm, mỗi lĩnh vực sẽ có những quy trình quy chuẩn khác nhau. Để biết được điều này cách đơn giản nhất là hỏi thầy hướng dẫn hay những người có kinh nghiệm trong lab của mình. Tuy nhiên không phải cứ biết được các bước rồi là sẽ làm được ngay, cái này mình cần phải tích luỹ kinh nghiệm nên phải làm nhiều.
Hồi mới vào lab, cách mình học làm thực nghiệm là xem những bài báo đã xuất bản của lab gần với đề tài nghiên cứu của mình. Mình sẽ cố gắng làm lại những thí nghiệm mà các bài báo đó mô tả, mà mục tiêu là có kết quả gần với họ nhất. Bằng cách này mình học được cách sử dụng những công cụ cần thiết cho việc thực nghiệm, rèn luyện được khả năng hiểu và làm được những phương pháp đã nêu ra trong bài báo. Quá trình này với mình là sự lặp đi lặp lại giữa sai và sửa, nên chỉ có làm nhiều thôi.
4. Học cách đọc báo khoa học
Đọc các báo khoa học hay papers là việc không thể thiếu khi nghiên cứu. Tuy nhiên đối với người mới thì việc này có thể là việc vô cùng khó khăn. Nhưng như mình nói ở phần học kiến thức cơ bản, điều làm mình thấy khó khăn trong việc hiểu những bài báo khoa học là nó đề cập đến quá nhiều thứ mình chưa biết hay chưa thật sự hiểu. Nên việc học và nắm vững kiến thức là điều duy nhất để mình có thể hiểu những gì họ đang nói trong bài báo.
Khi đã có thể đọc hiểu được một bài báo rồi thì chúng ta lại muốn đọc được nhanh. Từ kinh nghiệm của cá nhân mình, để đọc được nhanh thì mình cần phải hiểu được cấu trúc của một bài báo. Ví dụ như phần Abstract nói về cái gì, phần Introduction mô tả điều gì, nội dung của Related works hay Experiments là gì. Thường các bài báo đều có cấu trúc giống nhau, nên để đọc nhanh thì mình nghĩ là nắm vững cấu trúc của một bài báo và đọc nhiều.
5. Học cách trình bày
Sau khi vùi đầu vào sự lặp đi lặp lại của việc đọc báo và làm thí nghiệm, chúng ta cũng có kết quả nghiên cứu của mình. Công việc tiếp theo sẽ là trình bày kết quả nghiên cứu đó. Trong nghiên cứu khoa học thì có những cách để trình bày như viết papers, tham dự hội thảo và thuyết trình bằng poster hoặc slide. Bản thân mình cũng không giỏi trong việc này, nhưng ít nhất là vẫn đỡ hơn hồi mới đầu nghiên cứu. Cách của mình thì là làm, xin feedback từ các thầy và các bạn trong lab. Đặc biệt, khi thấy những bài present hay papers viết tốt, thì mình cứ khiêm tốn đến nhờ họ chỉ và xin kinh nghiệm. Thời gian đầu mấy bản nháp khi xin feedback của mình bị gạch be bét. Lúc đó thấy cũng hơi buồn, nhưng mình cũng có mục tiêu là cố gắng để số lượng gạch này giảm đi. Dù qua 2 năm rồi, số lượng gạch có vẻ ít đi nhưng mỗi lần nộp papers hay đi hội thảo thì cũng vẫn phải sửa đi sửa lại hơi nhiều.
6. Học cách quản lý thời gian
"Trên đường tới thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng" mình nghĩ thế, và có những lúc mình dành hầu hết thời gian trong ngày cho việc nghiên cứu. Nhưng trớ trêu thay, những lúc như thế thì mình chẳng nhận được kết quả gì đặc biệt. Mỗi lần như thế mình lại thấy mình chưa đủ cố gắng, và lại dành nhiều thời gian hơn nữa. Nhưng kết quả vẫn như thế. Đến lúc mình thấy nếu cứ duy trì như thế mình sẽ không đủ năng lượng để làm nữa. Lúc này mình dành thời gian nghỉ ngơi và làm ít lại. Lại một lần trớ trêu nữa, lúc này thì mình lại có kết quả mình mong muốn. Khi có được kết quả mong muốn rồi, mình lại muốn làm thêm, lại dành nhiều thời gian hơn. Và đấy, nó lại rơi vào trạng thái lúc đầu.
Sau nhiều lần lặp đi lặp lại, mình nhận thấy rằng việc cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi là điều quan trọng. Lúc dành quá nhiều thời gian cho công việc, mà làm không ra, mình cũng khá khó chịu. Sau này mình nhận ra lúc đầu óc không thoải mái và bị vướng bận bởi quá nhiều sự khó chịu bực dọc như thế, làm sao có thể tỉnh táo để làm việc một cách hiệu suất được. Vì thế đến bây giờ, mỗi ngày mình chỉ dành tối đa 8 tiếng một ngày cho việc nghiên cứu. Mỗi ngày mình sẽ đặt ra những mục tiêu có thể hoàn thành trong 8 tiếng, và tập trung vào nó. Sau 8 tiếng mình sẽ không nghĩ gì về công việc nữa. Việc giữ nhịp giữa làm nghỉ này giúp mình bảo vệ được sức khoẻ và tinh thần bản thân. Cá nhân mình thấy điều này còn giúp mình rất nhiều trong việc duy trì được sự hiệu quả khi làm việc.
Lời kết
Trên đây là một số kinh nghiệm mình đúc rút được trong quá trình học Thạc sĩ. Vì là từ kinh nghiệm bản thân, nên có lẽ nó sẽ không hợp với nhiều người. Nhưng mình cũng mong nó thể ít nhiều giúp ích cho những bạn sắp nghiên cứu hay học cao học.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất