Trải qua quãng thời gian học cao điểm với LinkedIn, mình quay lại với các bài học hàng tuần của Coursera.
Coursera là một trong những nền tảng học online vô cùng uy tín và được tin dùng hiện nay với cả kho bài học đến từ nhiều trường đại học lớn trên thế giới, một ưu điểm của Coursera là có phụ đề đa ngôn ngữ (cả Tiếng Việt), sẽ giúp những khoá nhiều từ chuyên ngành lắt léo có thể được giải quyết và thấm vào đầu dễ dàng hơn.
Tương tự các nền tảng học khác, đương nhiên là sẽ có học phí, tuy nhiên bạn vẫn có thể học free nhưng thời gian rất gấp và không có chứng chỉ, vậy làm gì để có chứng chỉ? Xin Financial Aid chứ còn gì nữa. Mặc dù thời gian để phê duyệt khá lâu (2 tuần), bù lại khi xin Financial Aid thành công, bạn sẽ không còn vướng bận gì về việc phải cố nhồi một khoá thật nhanh trong 7 ngày, lại còn được cấp chứng chỉ (một trong những chi phí rất lớn), lịch học thì chia theo tuần dễ dàng. Ví dụ như khoá mình đang học của Stanford hiện tại tốn hơn 25 giờ và nếu chỉ theo việc học dồn 7 ngày là gần như không tưởng với quỹ thời gian bây giờ của mình, đương nhiên mình đã xin thành công Financial Aid. Mỗi tuần mình chỉ việc học theo lịch có sẵn và hoàn thành bài test hàng tuần, tuần nào rảnh có thể học dồn nhiều bài với nhau, chung quy là khá thoải mái và chủ động.
Xin Financial Aid có khó không? Cá nhân mình thấy là không. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm được cả tá tài liệu cách xin Financial Aid Coursera trên Google, chỉ lưu ý rằng thời gian phê duyệt là 2 tuần nên hãy sắp xếp thời gian để xin trước nhé và nên có sự phân bổ. Ví dụ nếu giờ quỹ thời gian thoải mái có thể học vài khoá một lúc, còn nếu chỉ xếp thời gian học được 1 khoá thì hãy lên lịch trước khi khoá cũ kết thúc từ 2-3 tuần để chuẩn bị xin Financial Aid dần nha, tránh ngắt quãng lại bay hết cả tinh thần học hành.
Xong câu chuyện nặng đầu nhất là Financial Aid, chúng ta đến với cách học. Đây là cách học chung mình áp dụng cho tất cả các nền tảng học online của mình
1. Chọn khoá học. Trước khi bắt đầu học hoặc xin Financial Aid thì việc "nghía" qua một lượt, khoanh vùng các khoá muốn học và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên là vô cùng quan trọng
2. Lên kế hoạch học. Trong To Do List và Google Calendar của mình luôn có note riêng cho việc học, việc của mình là làm theo kế hoạch đó, dần dần cũng tạo thành thói quen
3. Luôn có 1 file doc onlineđể ghi chú lại tất cả những ý chính và những điều mình cho là quan trọng. Lúc đầu mình có định viết tay, tuy nhiên nhận thấy không tiện lắm, làm file doc online đi đâu cũng mở được, chỉnh sửa lại dễ dàng
4. Mình luôn lưu lại transcript của tất cả các bài giảng, như Coursera còn lưu được cả clip nên mình lưu luôn. Việc này sẽ giúp mình có thể dễ dàng xem lại khi cần vì đôi khi việc ghi chú chỉ là ý chính, đặc biệt như Coursera có rất nhiều phần kiến thức trừu tượng và ví dụ bổ trợ
5. Tất cả những điều trên đều được lưu lên drive, thuận tiện và sao lưu cũng dễ dàng
6. Mình luôn chia đôi màn hình như vậy để học và ghi chép cho tiện
7. Một điều nhỏ là có một số khoá nói khá chậm nên đôi khi mình vẫn để tốc độ nói lên 1.25 hoặc 1.5, thỉnh thoảng lên 1.75, coi như rèn luyện nghe hiểu đi
8. Chứng chỉ như việc công nhận sự học của bạn nhưng không phải tất cả, có những khoá học mình vẫn sẵn sàng học vì nó hay, không Financial Aid, không chứng chỉ, quan trọng là bạn thấy phù hợp và học được gì từ đấy mà thôi
Học trên Coursera sẽ nặng hơn LinkedIn khá nhiều, tưởng tượng như Coursera là cuốn giáo trình đại học cho bạn rất nhiều lý thuyết cần thiết và LinkedIn chính là giáo cụ trực quan biến các lý thuyết đó trở nên thực tế và dễ hiểu hơn vậy. Vậy nên thú thật học 22 khoá/tháng trên LinkedIn không căng bằng học 1 khoá/tháng trên Coursera đâu. Nhưng không thể phủ nhận kho tàng học hành trên nền tảng này thật tuyệt vời. Mình học trên Coursera chưa nhiều để đến độ đánh giá nên học gì, mặc dù vậy vẫn có lời khen cho Coursera và nếu bạn muốn nghiêm túc tìm hiểu nhiều kiến thức sâu hơn về một lĩnh vực nào đó thì đừng ngần ngại mà hãy tìm ngay cho mình một khoá học đi thôi.
PS: Đây là một buổi học của mình trên Coursera, tầm hơn 1 tiếng đến 2 tiếng tuỳ bài, ví dụ như bài hôm nay là tuần 6 trong khoá "Organizational Analysis" của Stanford rồi, mình bật tốc độ nói 1.5 vì thầy nói hơi chậm, bài test tuần này cũng được điểm cao nhất từ đầu khoá đến giờ (95.55%). À còn nhạc thì đơn giản vì mình hay nghe piano khi cần tập trung thôi (đương nhiên nghe giảng thì không nghe) nhưng gom vào để đỡ mất công tìm nhạc khi cần.