Xin chào những ai đang dành chút thời gian đọc bài viết này. Các bạn sắp nghe câu chuyện của một bạn trẻ, fresh loay hoay ngụp lặn trong ngành data analytics - ngành được cho là "sexy" nhất của thế kỷ 21. Xin đính chính lại thì đây không phải là câu chuyện kể về thành công của mình, mà chỉ là hành trình mình đi vào "ngành" và quan điểm của mình về những sự kiện xảy ra trên hành trình này thôi.
1. Bắt đầu từ marketing
Đúng rồi, mình đã bắt đầu từ Marketing. Mình bắt đầu tiềm thấy niềm vui từ việc đi làm, va chạm với thực tế từ năm 2 của một đại học cũng gọi là có một chút danh tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó việc đi làm với mình chỉ vỏn vẹn là để networking, học hỏi (được gì thì học) thôi, bởi mình bấy giờ không còn hứng thú với những hoạt động ngoại khóa nữa, chứ không phải để đi kiếm tiền. Thực tế nếu mình nhận một công việc làm gia sư tại nhà, thì tài chính của mình sẽ ổn định hơn một tí. Nhưng mình sớm nhận ra rằng mình muốn tìm hứng thú từ chính công việc, một vài buổi dạy gia sư 150 nghìn/buổi đã cho mình biết điều đấy.
 Mình apply vị trí Marketing intern của một công ty startup về fintech. Mình được người tuyển dụng hỏi rằng "Em có mong muốn làm gì?" - "Dạ em thích phân tích". Một câu trả lời mông lung hơn tương lai của mình lúc đó, nhưng nó đã đưa mình vào một chân trời mới, khi mình được offer một vị trí khác. Đó là thực tập sinh phân tích kinh doanh. Nghe thật ngầu phải không ha. Và nó thực sự ngầu. Mình được tiếp xúc với những công cụ dữ liệu phổ biến nhất: MS Excel. Những công thức, hàm tính ở Excel lúc đó thực sự làm mình thấy khâm phục các tiền bối thông thạo Excel (bất kể là họ làm ở vị trí nào), sau đó là Google Data Studio. Mình đã tạo ra những cái dashboard với màu sắc, bố cục, thông tin choảng nhau chan chát. Nhưng điều thú vị là mình còn ngắm ngía nó vẻ tâm đắc lắm. Lúc đó mình tâm đắc thật, bởi cảm giác đầu tiên thì luôn khác biệt. Tất nhiên là mình đã nhận kha khá lời khen chê, nhận xét để cải thiện từ kỹ năng xây dựng một báo cáo cơ bản, đọc được sự khác nhau giữa những con số về doanh thu, chi phí, các yếu tố cấu thành doanh thu, chi phí. Biết được ở đâu con số có sự drop mạnh, performance của team nào đang cao nhất, thấp nhất, và tất nhiên là tại sao. Cũng là từ đoạn đó, mình thắc mắc những câu hỏi mà mình không thể trả lời được: làm sao tăng doanh thu? Một câu hỏi mà chắc chắn là doanh nghiệp (revenue-driven) nào cũng hỏi rồi. Vấn đề là mình không biết đi từ đâu? Cũng là từ đoạn đó, mình trở nên tò mò nhiều hơn về lĩnh vực này, liệu thực sự thì nó chỉ dừng ở việc phản ảnh những gì đã diễn ra và cùng lắm là tại sao, chứ không có năng lực đề xuất giải pháp? Thế là mình tốn tầm 3 tháng còn lại của kỳ thực tập đó ôm cái câu hỏi to bự kia. Sau 3 tháng đó, mình đã không thể giải quyết được câu hỏi đó, và nó cứ ghim trong đầu mình cho tới khi mình quyết định tìm một nơi khác, nơi đã thực sự có một đội ngũ phân tích kinh doanh vận hành hoàn chỉnh. Nếu xem như 6 tháng vừa qua là đã bước được một chân vào làm việc với dữ liệu rồi, thì 6 tháng tiếp theo, mình đã
2. Bước thêm một chân nữa vào ngành dữ liệu lớn
Vậy là mình đã chọn tiếp tục bơi trong bể cũ. Mình apply vị trí phân tích kinh doanh cho một startup từ nước ngoài về lĩnh vực logistics.
Thực tế là mình đã apply vào những công việc liên quan đến phân tích dữ liệu, từ Operation Intern, Assistant Executive Intern,..đến Customer Insight Intern. Sau đó mình được nhận phỏng vấn cho một vị trí tương tự như vậy. Vào đến vòng giải case, mình mới được một offer chéo sang vị trí BI (Business Intelligence) Intern. Thật kỳ lạ là những cơ hội đến với mình đều là tự một offer chéo ^^. Khoan bàn đến lý do vì sao các nhà tuyển dụng làm như vậy mà không tuyển hẳn một vị trí có chính xác title, mình cảm thấy cực kỳ may mắn.
Khoảng thời gian 5 tháng sau đó, mình quả thực đã phát triển. Từ chuyện sử dụng những công cụ mới đến xây dựng tư duy, sáng tạo và các quy tắc mới liên quan đến ngành này, mình mới nhận ra cách phát triển bản thân trong lĩnh vực này.
Chúng ta cần một hướng đi đúng.
Bài học mà mình tự rút ra
Hướng đi đúng là hướng đi như thế nào? Theo mình, chúng ta nên hướng về những câu hỏi mà người thuê chúng ta về làm cần ta trả lời, dựa trên những dữ liệu mà họ có. Ở những câu hỏi đó, chúng ta cần công cụ gì, kỹ năng gì, kiến thức gì để giải quyết được, thì chúng ta mới học cái đó. Thực tế 11 tháng lăn lộn ở vị trí thực tập sinh nhưng may mắn được tham gia vào khá nhiều dạng dự án phân tích khác nhau, mình đã nghiệm ra được, lối tiếp cận kiến thức dàn trải không phải là lựa chọn tối ưu. Chính suy nghĩ đó cũng khiến mình thay đổi chiến lược học và tìm hiểu kiến thức xoay quanh lĩnh vực này.
Sau 5 tháng thực tập ở công ty thứ 2, mình được promote lên vị trí Junior BI Analyst. Thật sự là một vinh hạnh mà mình, một sinh viên cuối năm 3 (tại thời điểm đó) chưa bao giờ nghĩ tới. Bởi người sếp của mình, anh ấy quá giỏi, và việc mình đến gần với vị trí của anh ấy hơn làm mình thực sự áp lực. Đến đây hẳn các bạn nghĩ rằng mình đang ở vị trí đó rồi ^^ Cảm ơn các bạn cũng đặt niềm tin vào mình giống như các seniors của mình. Thực tế là mình
3.Tiếp tục với vị trí Business Analyst Trainee của một công ty chuyển phát nhanh toàn cầu
Rào cản lớn nhất để mình từ chối vị trí Junior thật hấp dẫn kia chính là nỗi sợ bị giới hạn cơ hội phát triển. Chính vì thế, mình đã nhận offer tham gia vào một chương trình đào tạo Fresher Program 12 tháng của công ty thứ 3, đem theo hy vọng có một con đường phát triển sự nghiệp vững vàng. Tại đây, mình được tiếp xúc với một đội ngũ cực kỳ chuyên nghiệp và phải gọi là lành nghề trong việc phát triển sản phẩm..."Khoan đã. Phát triển sản phẩm ư?" Vâng đó chính là câu hỏi của mình xuyên suốt thời gian làm việc ở đây. Có lẽ thời điểm này cũng là lúc mình có sự tìm hiểu nghiêm túc về những vị trí khác nhau, nhưng liên quan mật thiết với nhau và với lĩnh vực Data Analytics: Business Analyst, Data Analyst, Business Intelligence Analyst.
Công việc Business Analyst của mình đang là IT-BA, nó khác với vị trí đầu tiên của mình (non-IT BA), và cũng khác với vị trí thứ hai (BIA). "Khác như thế nào?" Mình đã giành hầu như toàn bộ thời gian rảnh để đọc và tìm hiểu về những vị trí này trong những ngày đầu học việc. Mình nghĩ nếu các bạn thực sự nghiêm túc với ngành thì cũng không ngại tìm hiểu. Nên mình xin phép mặc định là các bạn cũng rõ như mình nha.
Ở vị trí này, mình được đọc nhiều tài liệu mô tả quy trình, luyện tập xây dựng BRS, SRS, minh họa quy trình bằng các loại diagram khác nhau,..dưới sự hướng dẫn trực tiếp của trưởng phòng. Cái nhìn về công việc IT-BA của mình thêm phần rõ ràng hơn cũng nhờ cơ hội thực hành như vậy. Và cũng nhờ đó mà mình có thêm thông tin để so sánh với kỳ vọng của bản thân. Không quá bất ngờ khi câu trả lời là: có, khác!
"Vậy mình có muốn làm tiếp không?". Thực tế là mình có thể tiếp tục. Với một sinh viên năm 3, thời gian để tìm hiểu và khám phá tất cả những công việc liên quan dù có vẻ khá đánh đổi (12 tháng đào tạo kể cả on-the-job training) nhưng mình lúc ấy không ngại. Điều mà mình e ngại nhất lúc bấy giờ chính là ý nghĩa công việc này, những gì đang làm, mình có thích hay không, có đúng như kỳ vọng hay không? Trông có vẻ thật kiêu ngạo khi mới là một sinh viên còn chưa tốt nghiệp ra trường, mình đã có nhu cầu về một con đường phát triển sự nghiệp, nhưng mình cảm thấy điều đó chứng tỏ được phần nào sự nghiêm túc của bản thân.
----