Mình Không Muốn Làm Người Thầy Hoàn Hảo
Trong những năm còn học bậc Cử Nhân ở Úc, mình đã rất hài lòng với chất lượng giáo dục ở đây khi mình hỏi xoáy đáp xoay nhiều cái khi...
The mistakes are part of the joy. The sloppiness is part of the humanity. A classroom should be a messy, vibrant place - Justin Minkel
Trong những năm còn học bậc Cử Nhân ở Úc, mình đã rất hài lòng với chất lượng giáo dục ở đây khi mình hỏi xoáy đáp xoay nhiều cái khi học một chương mới mà các thầy cô vẫn có thể giải đáp ngay tại chỗ. Câu trả lời nào dài quá, các thầy cô sẽ nói "Tôi sẽ trả lời em sau qua email để tránh làm mất thời gian của lớp nhé". Khi đó, với một đứa vừa hoàn thành ba cấp học phổ thông ở VN, thì việc đó là việc đương nhiên.
Tới khi mình đi học bậc Thạc sĩ Sư Phạm, các giáo sư trong trường mới dạy "Nếu trong quá trình dạy, các em không biết câu trả lời cho một câu hỏi nào đó của học sinh, hãy nói "Thầy không biết. Để thầy tra cứu lại rồi trả lời em sau nhé", chứ đừng bịa ra câu trả lời. Các em cũng chỉ là một con người bình thường, không thể nào biết được tất cả mọi thứ, nhất là trong những năm đầu đi làm".
Hoặc, một biến thể khác mà các giáo sư gợi ý là "Hay là thầy và em cùng tra cách làm trên mạng và xem ai tìm được nhanh hơn nhé".
Và từ đó, định hướng về hình ảnh một tấm gương người thầy đã hoàn toàn thay đổi.
Mình không còn phải cố gồng mình lên tỏ ra biết tuốt hay lúc nào cũng giả vờ là mình đĩnh đạc, không có làm sai điều gì trong cuộc sống. Bên cạnh việc thừa nhận những gì mình không biết với học sinh, mình còn thoải mái hơn trong việc kể cho các em học sinh nghe việc mình đã tạch một môn khi học đại học vì lười như thế nào, hay như việc mình đã bị phạt tiền đau đớn ra sao khi lên tàu mà quên không quẹt thẻ. Và mình cũng thường xuyên hỏi các em về một vấn đề nào đó mà mình không hiểu, ví dụ như về tôn giáo, phong tục của các em (các em là người đạo Hồi).
Có lần một em học sinh hỏi mình "Thầy có nói tục không thầy?". Mình nói thẳng luôn "Thầy sẽ là một kẻ nói dối nếu thầy nói là không. Thầy có phải thầy tu đâu. Nhưng thầy chỉ nói vậy với người bạn thân thiết thôi, và không phải lúc nào cũng nói". Và mình hỏi luôn "Thế các em có biết tại sao trong trường lại bắt các em không được nói bậy không?" Các em nói Không. Và mình giải thích "Vì các em vẫn còn chưa có thói quen kiểm soát suy nghĩ và lời nói của mình. Nhiều khi các em nói trước khi kịp nghĩ tới hậu quả. Vì vậy, nếu để các em nói tục thoải mái thì nó sẽ trở thành một thói quen xấu, và sau này khi các em ra đời nó sẽ ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của các em. Các thầy là người lớn, đã có những nhận thức và khả năng kiểm soát hành vi tốt, nên các thầy mới biết lúc nào có thể nói bậy được, lúc nào không, và làm đúng theo đó." Lúc đó các em mới ồ à và thoải mái hơn mỗi khi nhận một thẻ phạt do nói bậy. Có lúc các em còn chủ động tới nhận lỗi vì nói bậy ngay cả khi mình không để ý.
Mình nhận ra rằng, đây mới là hình mẫu một người thầy mà mình không những cảm thấy thoải mái vì được là chính mình, mà vừa là hình mẫu mà mình muốn rèn cho các em học sinh trở thành. Rằng ngay cả khi các em đã lớn, đã trải qua bao năm kinh nghiệm, thì việc không biết một điều gì đó là điều bình thường, thừa nhận việc không biết đó cũng là điều bình thường, và việc đi hỏi khi mình không biết, dù đối phương có nhỏ tuổi hơn mình, cũng là việc hết sức bình thường.
Mình muốn cho các em thấy và hiểu rằng, ngay cả thầy cũng còn nhiều điều để học, nên việc học là việc cả đời. Mình cũng muốn cho các em thấy rằng, việc mắc sai lầm là việc bình thường, miễn là các em rút kinh nghiệm được từ nó, để từ đó các em không còn trở thành người quá cầu toàn nữa.
Từ khi mình thay đổi cách tương tác với học sinh như vậy, sợi dây liên kết giữa mình và các em trở nên sâu sắc hơn. Đã không ít lần mình được nghe các em nói "Thầy là giáo viên ưa thích nhất của em". Và mình tin rằng kết quả đó chính là khi mình thể hiện đúng con người thật của mình - một người thầy không hoàn hảo.
Quả thực, giáo viên cũng chỉ là một con người bình thường. Những người thầy có vẻ "biết tuốt" kia có lẽ cũng từng mất nhiều năm va vấp phải những câu hỏi mà mình không trả lời được, để tự rút kinh nghiệm cho những năm dạy sau. Họ cũng có khuyết điểm, hay có những nhu cầu cơ bản như những người bình thường khác.
Cá nhân mình tin rằng việc người giáo viên cho các em thấy được con người không-hoàn-hảo-một-cách-bình-thường của mình không những làm giảm áp lực lên chính giáo viên, mà còn giúp tăng sự tin tưởng giữa học sinh và giáo viên. Từ đó các em sẽ dễ dàng chia sẻ với giáo viên hơn, và nhờ vậy mà chúng ta có thể kịp thời can thiệp khi tình huống xấu xảy ra. Chứ nếu lúc nào cũng tỏ ra là gương mẫu đường hoàng, các em có thể sẽ bị áp lực trước sự hoàn hảo đó và không dám lên tiếng, sợ bị giáo viên đánh giá, và tới khi biết được thì hậu quả đã trở nên quá muộn. Mà chúng ta, những người giáo viên, đâu hề muốn biến các em thành những kẻ cầu toàn đâu, đúng không?
Đương nhiên, cái gì cũng phải có mức độ. Rõ ràng bạn sẽ không lên bục giảng và kể lể về đời sống tình dục của bạn - một việc vốn dĩ cũng rất là bình thường, đúng không? ^^ Đó là chưa kể, bạn cần phân định rõ ranh giới giữa giáo viên-học sinh và bạn bè, nếu không các em rất có thể sẽ "nhờn", hoặc lấy đúng những gì bạn chia sẻ ra để chống lại lời bạn. Vì vậy, hãy cân nhắc những gì mình có thể chia sẻ nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất