Làm thế nào để bắt “tâm trí”, “tinh thần”, “cảm xúc” làm việc cho chúng ta chứ không phải chống lại chúng ta là một đề tài đã được đặt ra từ lâu.
Và gần đây nó thâm nhập cả vào Agile. Xin được trích một đoạn ngắn từ cuốn Agile Y của anh Hiển Nguyễn
“Quản lý thời gian … là chưa đủ. Mỗi ngày chúng ta đều có 8h làm việc, … nhưng tại sao lượng công việc thực hiện được trong 2h tại 2 thời điểm khác nhau đến lại khác nhau đến vậy? … Giờ đây, kỹ năng không chỉ dừng lại ở việc sắp đặt những công việc vào từng thời điểm cụ thể thông qua việc quản lý thời gian; chúng ta còn cần quản lý nhằm duy trì nguồn năng lượng bản thân ở mức cao nhất, khiến công việc hiệu quả hơn.” và “Năng lượng của mỗi người được hiểu là khả năng thực hiện công việc của họ tại một thời điểm bất kỳ, là tổng hợp của các yếu tố: sức khỏe, cảm xúc, trí tuệ và tinh thần. Những yếu tố này được Tony Schwartz đưa ra trong một bài viết khá nổi tiếng trên Havard Business Review: Quản lý năng lượng của bạn, không phải thời gian.”
Nhìn lại quá khứ xa xưa với bản thân tôi thì có lẽ định đề “cảm xúc” khởi đầu từ tác phẩm lừng danh Emotional Intelligence của Daniel Goleman. Lừng danh nhưng đến gần đây tôi mới có duyên cầm nó trên tay và đọc. Cũng xin trích một đoạn tâm đắc về hai xu hướng trái ngược:
“Là một nhà tâm lý học theo sát những tiến bộ do khoa học đem lại trong sự hiểu biết cái phi lý, tôi thấy nổi lên hai xu hướng trái ngược: Xu hướng ghi nhận trạng thái ngày càng tồi tệ của cuộc sống cảm xúc và xu hướng đưa ra những phương thuốc mang theo niềm hy vọng”
Các nghiên cứu kinh điển cho chúng ta nền tảng và những bài báo hiện đại cho chúng ta cách áp dụng vào cuộc sống. Và quả thật, tôi dễ dàng tìm thấy vài tóm tắt bài báo của Tony Schwartz về quản lý năng lượng.
Cảm nhận là những bài như thế này khá OK, chắc là phù hợp với thị hiếu đại chúng, đưa ra được các lời khuyên thực hành. Nhưng từ góc độ tìm hiểu sâu, tôi cảm thấy chưa thỏa mãn lắm vì các lời khuyên đều có điểm chung là đi theo hướng can thiệp hành vi, một xu hướng đã định hình từ thời Đắc Nhân Tâm, Bảy thói quen của những người thành đạt. (Nói công tâm thì mình cảm nhận cuốn Bẩy thói quen … đã có rất nhiều cơ hội để vượt lên khỏi mức can thiệp hành vi). Cũng vì chưa thỏa mãn nên hôm nay tôi thử tự đưa ra một cách giải thích từ góc độ khác: Năng lượng tâm trí.
Tâm trí luôn có energy.
Mind - energy luôn tồn tại ở hai mức:

- Mức nền tảng thì nó chỉ là khả năng (suy nghĩ, phân tích, khái quát hóa) thuần túy. Chỉ là khả năng đơn thuần mà chưa hề có sự khái niệm hóa, chưa hề có sự phân biệt nào hết. Ta có thể hình dung nó như năng lượng tâm trí của một em bé: có đủ mọi năng lực tiềm tàng nhưng chưa nhuốm một khái niệm nào hết, chưa chịu một ảnh hưởng điều kiện hóa (conditioning) nào hết. Tâm trí quay về mức nền tảng này khi chúng ta ngủ.

- Ở mức độ tiềm thức/ý thức của tâm trí thì mind-enery này được biểu hiện cụ thể ra thành từng loại khái niệm, cảm xúc.
Trước tiên và phần lớn mind-energy (gọi tắt là energy) luôn được dùng cho cái tôi, bảo vệ và phát triển cái tôi, vì “cái tôi” là khái niệm nền tảng cơ bản nhất, nguyên thủy nhất, cái khái niệm đầu tiên sinh ra khi em bé biết phân biệt “mình” và “mẹ” nó. Sau đó các khuôn mẫu energy sẽ cơ bản hình thành theo hướng làm Cái tôi được thoải mái và thích thú nhất.
Để thử hiểu xu hướng này của năng lượng tâm trí, ta có thể thử suy nghĩ về câu hỏi : 
Tại sao trong vô vàn người mới thoáng thấy, bạn lại thích/ ghét những người nhất định? Về mặt logic, ai cũng là người ta gặp lần đầu, nếu trông họ tương tự như nhau thì ta sẽ yêu/ghét họ ở mức độ tương tự, same same nhau. Nhưng dường như đó không phải là điều thực tế xẩy ra với đầu óc. Bạn đã có cảm giác thích thú đặc biệt một cô gái trong một nhóm các cô gái mà những đối với những thằng bạn của bạn thì đó chỉ là một nhóm same same bao giờ chưa? Nếu để ý quan sát từ bản thân đời sống thì bạn sẽ thấy với cảm xúc yêu ghét mà nói thì chúng ta có xu hướng phân biệt khá cực đoan và nếu chỉ dựa vào những yếu tố ngoại hình (giống kiểu các cá nhân được giới thiệu trên các trang web hẹn hò) thì không có một cách giải thích hợp logic nào cho xu hướng phân biệt cảm xúc mạnh mẽ này cả.
Còn câu trả lời của tôi cho câu hỏi trên là:
>Vì họ làm tiêu tốn mind-energy của bạn nhiều nhất.






Vâng, khi một thứ gì đó làm cho bạn nẩy sinh trong đầu một số concept nào đó, sau đó dẫn dắt đến các concept khác khiến não bạn tiêu dùng mind-energy của mình theo một số pattern mà cái self của bạn rất thích, nó tạo nên cái gọi là sự say mê, hay thích thú. Bạn đơn giản là muốn lặp lại, muốn tiếp tục cái energy pattern đó càng nhiều càng tốt, vì thế bạn tìm cách quay lại/ sở hữu thứ kia để thỏa mãn niềm say mê đặc biệt này của tâm trí.
Biết vậy thì ta làm gì với cái đề tài “Làm thế nào để bắt “tâm trí”, “tinh thần”, “cảm xúc” làm việc cho chúng ta chứ không phải chống lại chúng ta”? Tôi cho rằng:
Thông thường self/ego sẽ tự động điều hướng mind-energy ở tầng tiềm thức và ở mức độ ý thức thì người ta đơn thuần bị dẫn dắt đi theo. Các giác quan tiếp nhận các năng lượng kích thích từ bên ngoài, tiềm thức tự phân tích các phản ứng energy và phân chúng ra loại tích cực/ tiêu cực, sau đó tự động định hướng filter out những energy mà nó coi là tiêu cực, đưa ra các tín hiệu điều khiển người ta theo đuổi các pattern energy tích cực, rồi lại nhận phản hồi lập tức từ các giác quan, và cứ lặp lại như thế. Những gì ý thức hiểu được chỉ là phần nổi của cả quá trình đó, khiến cho một số quan sát thực nghiệm tâm lý học đi đến chỗ công nhận khả năng toàn bộ các quyết định đã được đưa ra sẵn ở tầng tiềm thức trước khi nó nổi lên tầng ý thức, tầng ý thức đơn giản là đón lấy quyết định đó và thực thi. Và một số người thậm chí cho rằng chẳng có gì gọi là ý chí tự do (free-will), dường như vô thức và tiềm thức tự động quyết định mọi thứ cho ta.

Nếu điều trên đúng, việc nhận biết và hiểu rõ cơ chế làm việc của vô thức và tiềm thức với mind-energy là bước đầu tiên để có thể tiến tới quản lý năng lượng theo ý muốn (ý chí). Muốn làm được điều đó thì từ góc độ cá nhân chỉ có cách là tự luyện lập. Việc tập tành theo tôi trước tiên giúp ta theo đuổi hai mục đích:
- Mở rộng khả năng quan sát và nhận biết của tầng ý thức với quá trình diễn biến của dòng mind-energy
- Hướng tới việc ý thức rõ hơn về bản thân cái tôi (khái niệm lõi), ý thức rõ hơn tác động vốn là vô hình của "cái tôi" lên dòng tâm trí mind-energy
Rốt cuộc để hiểu và làm việc với năng lượng tâm trí ta lại phải quay về Cái tôi. Nếu không chấp nhận dừng lại ở những biện pháp mang tính behaviour fixing, rốt cuộc ta vẫn phải dấn bước trên hành trình đến với các kinh điển của triết học (ví dụ Zarathustra), tâm lý (Con đường chẳng mấy ai đi), hay các nghiên cứu mới nhất về ý chí và não bộ (Lời nói dối vĩ đại của não) và tự tìm hiểu cho mình.
Trộm nghĩ, cùng với thời gian, có thể khi đã đạt được hai mục đích trên, người luyện tập tâm trí sẽ tiến tới mức tự dùng ý thức để tái lập trình tâm trí, tái định hướng cái tôi (việc này hóa ra có nhiều tác dụng phụ không ngờ như tự chữa lành bệnh tật,..). Anh ta hiểu rõ dòng năng lượng tâm trí và biết cách để nó luôn tràn đầy và sử dụng nó một cách hiệu quả nhất.