Hôm nay đọc lại bài “đời bạn chán đến mức nào?” Của Chiếp, mình liên tưởng đến Minari. Nghĩ mà xem, cuộc đời của chính mình và những người xung quanh, bao nhiêu phần trăm giống với một bộ phim giật gân, hành động bất kì nào đó? Đa số chúng ta, và cả những vĩ nhân, sẽ sống một cuộc đời chẳng có gì đáng kể, trừ một vài khoảnh khắc rực rỡ (nếu có).
Màu sắc trang phục của nhân vật xoay quanh 3 màu: trắng, đỏ, xanh. Kết hợp với các họa tiết sọc và hoa - bắt nguồn từ quốc kì của Mỹ
Màu sắc trang phục của nhân vật xoay quanh 3 màu: trắng, đỏ, xanh. Kết hợp với các họa tiết sọc và hoa - bắt nguồn từ quốc kì của Mỹ
Cuộc đời có chán không? Chắc chắn là có, hầu như ngày nào cũng có lúc thấy chan chán chả có lí do gì. Nhưng nếu nhìn lại, khả năng cao ta sẽ đều đồng ý rằng cuộc đời đã sống khá đẹp, dựa trên những khoảnh khắc đẹp nhớ được.
Những bộ phim như Minari cũng thế, y hệt ta mà thôi. Nhìn tổng thể, Minari rất êm ả so với đa số phim trên thị trường. Biến cố ngoài đời thế nào thì trong phim thế ấy. Không giật gân, dồn dập, kích thích, súng đạn, máu me, trần trụi da thịt,… (và không kinh kì dị kiểu A24) cho đến lúc hết phim. Ta không bàng hoàng, không sửng sốt, không đau đáu khi đối diện với tấm gương đen. Minari sẽ trôi tuột đi và chỉ trở lại khi ta đặt lưng xuống chuẩn bị vào giấc ngủ. Hay khi ngồi nghe người lớn kể lại những mảnh kí ức không được lưu trữ trên bất kì mạng xã hội nào.
Hình như mình cũng từng nằm cho mẹ ngoáy tai như thế. Hình như mấy lúc dù rối tung lên, bố mình cũng “lạc quan tếu” như thế. Bố cũng cho mình ăn roi, và mình cũng có những pha đáo để như thế. Mẹ thì lúc nào cũng lo lắng vì gia đình như vậy. Bà thì bênh cháu chằm chặp. Cháu mình cũng từng nói nó không chịu ngồi vì cái ghế kia có “mùi bà ngoại”.
Từng thước phim về họ lại là những cánh cửa dẫn về quá khứ của-mình. Và đó là cách Minari, với chủ đề về người Hàn nhập cư mang trong mình giấc mơ Mỹ những năm 80, chạm đến mình - một đứa có hoàn cảnh hầu như chẳng giống tí gì.
"Lấy cây roi ra đây." - câu nói ám ảnh mà không phải ai cũng có diễm phúc được nghe
"Lấy cây roi ra đây." - câu nói ám ảnh mà không phải ai cũng có diễm phúc được nghe
Bố mẹ mình chưa từng rời Việt Nam, nhà mình không làm nông, không ai pha lẫn lộn tiếng Việt tiếng Anh khi nói chuyện với nhau và cũng không cháy lên một khát vọng đổi đời. Nhưng lạ kì thay, chỉ vì mình là người châu Á (hay chính xác hơn là các nước đồng văn?), mà bộ phim thân thuộc đến bất ngờ từ những khoảnh khắc rất bình dị. Thì ra ta giống nhau hơn ta nghĩ, nên group subtle asian traits bài viết nào cũng mấy nghìn like và hàng trăm người thi nhau tag để thể hiện sự tương quan của mình lẫn người họ quen.
Điểm cuối cùng khiến Minari rất đời nằm ở cái kết. Biến cố, thay đổi, và không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Ai đảm bảo cứ cố gắng thì đời họ sẽ sang trang ngay lập tức như thường được ra rả trên mạng? Việc duy nhất ta và gia đình trong Minari làm là tiếp tục sống, chiến đấu và học tập cho đến khi tự nhận xét cái kết cuối cùng có hậu hay không.
Chốt lại thì Minari có gì? Có thể kể đến những vấn đề được thể hiện trong phim như người nhập cư, giấc mơ Mỹ, văn hoá Hàn, khoảng cách thế hệ, đứt gãy văn hoá, phụ nữ và đàn ông trong gia đình,… Những chủ đề này rộng và không đơn giản, thế nhưng nó vẫn diễn ra và lẫn vào trong những đối thoại, hoạt động thường ngày với bất kì ai, dù biết hay không. Khi viết review về Minari, nhiều chủ đề mình đã có thể khai thác. Nhưng mình quyết định viết theo những gì ấn tượng và thân thuộc với mình và mọi người nhất, để tăng thêm cơ hội có thêm người xem Minari.
Xung đột giữa chồng và vợ - một người muốn nhiều hơn thế và một người chỉ cần đủ
Xung đột giữa chồng và vợ - một người muốn nhiều hơn thế và một người chỉ cần đủ
Tại sao không cơ chứ vì nhiều kí ức mình đâu thể được nhắc bởi On This Day?
P/s: Minari là cây cần nước, một loại cây phổ biến và xuất hiện trong nhiều món ăn ở Hàn Quốc. Giống cây này trồng ở đâu cũng được và sinh trưởng mạnh mẽ nhất vào mùa thứ hai, sau khi chết một lần và hồi sinh.Xem xong phim rồi tìm hiểu về loài cây này mới thấy Minari là bộ phim và bộ phim cũng là Minari.
-----
Bài viết Đời bạn chán đến mức nào của Chiếp: https://chiep.co/doi-ban-chan-den-muc-nao/