... Bạn tôi là một cá thể, có thể nói là, luôn trôi nổi trên cái bất diệt của sự sống. Nhẹ thì gọi nó là vô lo vô nghĩ, còn nặng thì gọi là bất cần, chán sống. Đôi mắt của nó nhìn cuộc đời với nét vô hồn. Rỗng tuếch. Tôi nhận thấy được sự bất thường của nó. Và chính nó cũng nhận thấy điều đấy. Nó biết mình không ổn. Nó không giống với những con người bình thường.
Vài ngày nó lại dành ra chút ít phút giây trong cái quỹ thời gian dài vô hạn của nó, để liệt kê ra những gì khác thường về bản thân.

Những gì nó liệt kê ra. Bất ổn. Nhỉ?

Đến một ngày nọ, cháu nó sang chơi, mượn máy nó và vô tình đọc được những dòng này. Và tất nhiên, như biểu hiện của bao con người bình thường khác, đứa cháu nhìn bạn tôi với ánh mắt vô cùng khó hiểu. "Dì bị điên à?" - Đấy là những gì con bé hỏi bạn tôi. Và đấy cũng chính là câu hỏi mà bạn tôi luôn tự dằn vặt chính mình:
"Có chuyện gì sai với tôi không?"
...
Một người bạn khác của tôi thì bị chẩn đoán mắc trầm cảm nặng. Tôi hỏi nó rằng nó cảm thấy thế nào. Nó chỉ nói rằng những suy nghĩ trong đầu nó như những xoáy sâu, sâu mãi. Gần như đêm nào, nhờ có thuốc ngủ, nó sẽ ngủ và mơ thấy mình đang trôi nổi giữa một con sông, hoặc khi thì là đang bay trên tầng không của vũ trụ. Luôn là vậy, vô định. Thi thoảng nó không biết nó là ai, muốn gì và nó sinh ra có ý nghĩa gì. Tôi từng chứng kiến nó khóc ngon lành trong hơn 3 tiếng đồng hồ, điều đó làm tôi lo lắng. Nhưng với nó, nước mắt như một thứ cứu rỗi, nó sẽ khóc đến khi mệt rồi ngủ. Nó bị mắc rối loạn giấc ngủ, nên với nó, giấc ngủ là một thứ gì đó xa xỉ. Và lúc đó, nước mắt đóng vai một người hùng.
Vì sao những người bạn của tôi lại như vậy? Vì sao lại luôn bất ổn giữa những cá thể vẫn sống và làm việc bình thường? Vì sao lại vô cảm trước một cuộc sống mà với chúng ta, nó thật đẹp và ý nghĩa?... Sẽ chẳng có "vì sao" cả. Mọi thứ đến theo cái cách mà nó muốn đến, âm ỉ, từ tốn. Life is hard. Cuộc sống như như một dòng sông chảy xiết, sóng xô làm chai lì những hòn đá ven sông. Những hòn đá dần dần trở nên nhẵn nhụi, vô cảm hơn. Tất nhiên, để trở nên như hiện tại, những người bạn tôi đã từng trải qua một biến cố gì đó trong quá khứ. Những biến cố dù lớn, dù nhỏ nhưng đủ in đậm trong vết nhớ của chúng. Như một chiếc nam châm, những kí ức đau buồn đó hút lấy nạn nhân với sức mạnh kinh khủng, để rồi khiến họ cứ luẩn quẩn ở đó không tài nào thoát ra.
Những người bình thường sẽ không thể hiểu cặn kẽ nỗi đau của người bị bệnh tâm lí. Cũng như cái cách đứa cháu ném cho bạn tôi ánh mắt xa lạ khi biết được tình trạng bạn tôi, một sự khó hiểu vô cùng. Đâu ai muốn chấp nhận người thân của mình bị "điên"? Và đâu ai muốn lắng nghe những kẻ điên tâm sự? Bệnh làm họ mệt mỏi, nhưng sự cô đơn và xa lánh ăn mòn tâm hồn của họ. Họ dằn vặt trong đau đớn; họ phải hành xử như những kẻ bình thường để hoà nhập với xã hội, và đơn giản, để níu giữ sự quan tâm của những người xung quanh. Tôi gọi đó là những kẻ đơn độc cố gắng chui vào thân của một cây sồi già, bởi với họ, sự gắng gượng đó khó khăn đến nhường nào.
Nhưng xin thưa, trầm cảm, OCD, tâm thần phân liệt,... đó không phải điên. Thay vì nhìn nhận trên góc độ khinh miệt, hãy nhìn nhận theo góc độ khoa học. Đó là bệnh lí. Đó là khi cơ thể ta vẫn lành lặn nhưng luôn có một niềm đau âm ỉ trong tâm hồn. Khi bạn có một cái chân đau, mọi người sẽ xúm xít hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của bạn, nhưng khi tâm lí bạn què quặt, thật đáng buồn, không ai đủ kiên nhẫn để hỏi "Are you ok?" và lắng nghe bạn giãi bày. Vì nó là bệnh lí, nó cần được giải quyết thay vì trốn tránh và xa lánh. Thuốc và liệu pháp trị liệu là một phần, nhưng hỡi những con người lành lặn và bình thường, sự xuất hiện của các bạn đóng vai trò to lớn trong sự biến chuyển của bệnh nhân. Một cánh tay đưa ra kịp thời của bạn, đâu biết chừng, đã khiến một người luôn nhìn lên trần nhà và tự hỏi chỗ nào treo cổ là hợp lí phải suy nghĩ lại; một người đều đặn ngày 2 lần cứa tay phải xem xét; hay một người có ý định lao ra trước mũi xe ô tô để kết thúc cuộc đời phải từ bỏ suy nghĩ của anh ta/cô ta.
Đây không phải một lời van xin, nó giống một lời đề nghị hơn: hãy tạo cho người bệnh không gian khiến họ thấy an toàn và có thể giãi bày. Tôi biết điều này thật khó khăn với chúng ta, bởi lẽ, để lắng nghe và chấp nhận những suy tưởng của họ, những con người mà phải thẳng thắn rằng đang trong tình trạng không bình thường, đó là điều không hề dễ dàng. Nhưng nếu bạn không thể hiểu, hãy thẳng thắn với họ rằng bạn không hiểu. Nhưng hãy thể hiện sự đồng cảm với họ, bởi với bệnh nhân mắc bệnh tâm lí, đó là một liều thuốc tuyệt vời. Nếu bạn yêu họ, hãy nói bạn yêu họ. Nếu bạn quan tâm họ, hãy nói bạn quan tâm họ. Hãy để tình yêu sưởi ấm trái tim già cỗi phủ rêu xanh trong lồng ngực họ, hãy để họ biết rằng, bạn luôn bên cạnh và đấu tranh căn bệnh cùng bệnh nhân.
Bệnh tâm lí là bệnh lí, nên khi được chữa trị, bệnh sẽ hết và đưa bệnh nhân trở về trạng thái bình thường. Nhưng đó là một quá trình, và quá trình nào cũng cần có thời gian và sự kiên nhẫn. Hãy kiên nhẫn và nhẫn nại với người bị bệnh, bởi chính họ cũng đang kiệt sức chống chọi với bệnh của mình. Và hỡi những người bệnh nhân đang đấu tranh, bạn có một sức chịu đựng phi thường, và đừng lo lắng khi cảm thấy cô độc, bởi cũng có rất nhiều người cũng đang đấu tranh giống bạn. Hãy tin rằng một ngày, khi bạn thức dậy, bạn sẽ lại vui và yêu đời trở lại, bạn sẽ lại tìm được ý nghĩa trường tồn của sự sống. Xin đừng, làm ơn đừng, để thế giới mất đi một con người tuyệt vời như bạn.
Tôi yêu bạn.