Mẹ tôi hay tự cho mình là quê mùa ít học, nên hiếm khi gọi tôi lại để mà giáo huấn. 
Khi tôi hỏi xin lời khuyên, bà chỉ nêu cảm nghĩ thật lòng rồi kết lại bằng câu “mẹ thấy vậy nhưng con mới là người hiểu rõ, nên hãy tự mình quyết định”. Chưa bao giờ bà áp đặt quan điểm cá nhân lên bất cứ ai hay bất kì điều gì cả. 
Tuy mẹ không dạy tôi bằng lời, nhưng tôi vẫn học được rất nhiều điều qua cách sống của bà. Và tôi muốn viết chúng ra đây để chia sẻ với mọi người:

Luôn nói thật

Mẹ tôi không biết nói dối. Nếu buộc phải làm thì trông tệ hại vô cùng. Khi muốn che giấu một điều gì đó, bà thường chọn cách im lặng. Còn bị hỏi đến cùng thì bà sẽ nói thật.

Không than phiền, không từ bỏ

Đến nay mẹ tôi đã ngoài 60 tuổi. Khi nhẩm lại, tôi thấy cuộc đời bà buồn nhiều vui ít; vất vả thường trực, còn tiện nghi thoải mái thì chẳng mấy khi. 
Những nợ nần, bệnh tật, mất mát lẫn điều tiếng bà đều đã đi qua. Vậy mà tôi chưa bao giờ thấy bà hé nửa lời than vãn. 
Trước đây, có những đêm mẹ phải thức làm việc đến gần nửa đêm với một cái tay đau. Đôi khi ngủ gật. Để rồi 4 giờ sáng lại phải dậy làm việc tiếp. Nhưng bà không buông tiếng trách móc cũng không đùn đẩy việc cho ai.
Thấy việc gì dang dở hay cần giải quyết, bà chỉ bắt tay vào làm đến khi xong thì thôi. Bao nhiêu lần thất bại, bà cũng không bỏ cuộc. Mẹ tôi là vậy đó.

Đừng khóc, hãy hành động

Không hiểu vì sao, tôi chưa bao giờ thấy mẹ khóc. 
Bà không khóc khi tranh cãi với cha tôi, không khóc khi dì tôi mất, không khóc khi tôi đi học xa nhà, cũng không khóc khi con chó cưng của gia đình chết.
Nhưng tôi biết bà buồn, vì mặt bà đỏ lên và giọng bà đôi khi cũng run run. Tất cả chỉ diễn ra trong thoáng chốc. Vì ngay sau đó, bà phải chạy đôn chạy đáo để giải quyết vấn đề. Có thể vì bà là chị cả của trong một gia đình 7 anh chị em nên đã quen với việc phải tỏ ra mạnh mẽ. Cũng có thể vì bà là người thường hay chia sẻ những tâm tư ra ngoài, nên không phải chất chứa trong lòng.
Nhiều người bảo con trai được quyền khóc. Đúng vậy, chúng ta không được cấm đoán một người đàn ông bày tỏ cảm xúc. Nhưng với tôi, chúng ta cũng không nên lấy đó làm cái cớ để mà bù lu bù loa về đủ thứ nhỏ nhặt trong cuộc sống. Từ mẹ, tôi học được rằng, thay vì khóc lóc, hãy hành động.

Sống là cho

Mẹ là người ít vị kỷ nhất mà tôi biết trên cõi đời này. Lúc chưa lấy cha tôi thì mẹ phải lo cho ông bà và các dì. Có gia đình rồi thì mẹ lại gánh thêm nỗi bận tâm chồng con. Đến tận bây giờ, khi hai đứa con của mình đã lớn, mẹ lại tiếp tục lo cho cháu.
Có những khi nửa đêm, nghe cháu quấy khóc, mẹ tôi cũng bật dậy đầu tiên để vỗ về (trong khi chị tôi thì vẫn ngủ say thẳng cẳng).
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ mua cái gì cho riêng mình, toàn mua cho con cho cháu. Cũng chưa bao giờ mẹ bảo tôi phải làm cái này hay cái kia cho bà. Hơn 60 năm cuộc đời, bà chưa bao giờ biết mỹ phẩm hay nước hoa là gì. Khi ăn thì miếng ngon phần con, miếng dở phần mình.
Đôi khi tôi thầm hỏi, có bao giờ mẹ sống cho bản thân?

Bác ái

Mẹ bán trầu cau. Thường có mấy bà cụ đến vặt buồng cau để ăn thử rồi lại chê dở không mua. Nhưng mẹ biết mấy bà đấy không có tiền, nên dù ngoài miệng bảo “có mua thì mua không thì thôi”, lại hay dúi vào tay mấy bà cụ nghèo đi ngang đôi ba trái cau tươi.
Mẹ hay xem mấy chương trình về người nghèo rồi chặc lưỡi: “Mình cũng nghèo mà có nhiều người còn nghèo hơn mình”. Mẹ hay mang đồ cũ trong nhà cho mấy người ăn mày trong chợ (nhà tôi ngay trong chợ). Đi buôn mà ngồi nghe con nợ kể chuyện con đang ngồi xe lăn, chồng ung thư giai đoạn cuối, mẹ tôi xóa nợ luôn. Tôi hỏi thì mẹ bảo “có vài trăm nghìn thôi, tao thấy tội nên tao cho luôn.”

Lắng nghe con cái

Tôi nhớ mình đã cãi lời cha khá nhiều lần: khi học đại học thì muốn thi lại vào trường khác, khi đi làm thì lại muốn chuyển nghề… 
Những lần như vậy, không cấm tiệt tôi ngay từ đầu như cha, mẹ luôn lắng nghe tôi lý giải lựa chọn của mình rồi ủng hộ nếu bà cảm thấy hợp tình hợp lý. Nhiều lần tôi cũng làm bà buồn, nhưng bà quên chuyện đó rất nhanh.
Không chỉ lắng nghe, ủng hộ mà bà còn truyền sự lạc quan cho con cái nữa. 
Còn nhớ lần tôi hoang mang không biết liệu lúc thi đại học lại có đậu hay không, hay khi chị tôi bế tắc vì công ty đang làm giải thể, mẹ đều nói “không sao đâu”, và nhắc lại chuyện ngày xưa bà cũng phải chật vật thế nào, mà giờ thì mọi thứ đều ổn cả thôi. 
Còn nhiều điều khác mà tôi học được từ mẹ lắm, những chuyện muôn đời không nói năng
Tôi cảm thấy khá may mắn vì đã đi qua trót lọt cái thời dậy thì ưa cáu bẳn để thành một đứa con hiểu chuyện. Chí ít là hiểu được những vất vả của mẹ mình để cố không làm bà lo nghĩ thêm (dù biết đó là bất khả).