Bài giải thiêng trên điểm hiện ra lối tư duy nước đôi trong cách vận dụng tiếng Việt:
[...] Người Việt bây giờ dường như bị rơi vào tư duy nước đôi (doublethink) mà George Orwell đề ra trong 1984, tức là họ tin được vào những cái trái ngược nhau. Một mặt họ tin rằng không mượn từ là tốt nhất cho tiếng Việt, mặt khác họ tin rằng số lượng từ mượn tiếng Hán là cái cần thiết cho tiếng Việt, chưa kể đến từ mượn Pháp cũng không ít; một mặt họ tin rằng tiếng Việt là đẹp nhất, nhưng mặt khác họ tin rằng từ mượn tiếng Hán mang nghĩa trang trọng hơn ở tiếng Việt, như “phụ nữ” thì trang trọng hơn “đàn bà”, “hoạ sĩ” trang trọng hơn “người vẽ”, “thi hài” trang trọng hơn “xác chết”, v.v..
Sự thể ấy, tôi hình dung nhóm người chủ trương dùng muối núi để nấu ăn, nhưng vẫn loay hoay ra chợ mua muối biển về dùng: Muốn giữ gìn "thuần Việt", nhưng chưa biết làm sao đành tiếp tục xài Hán, tuy nhất thiết không nhập hàng Âu. Sau cuộc lịch sử, tiếng Việt là một con nước đủ dòng (kể ra có thấy: Nôm, Hán, Nhật, Nam Đảo, Ấn, Âu), vẫn còn nhiều bánh xe nước thuận theo thế nước gập ghềnh tự có để sinh lợi đem nuôi hoạt động suy nghĩ, chưa có nhiều máy hơi nước.
Đây tôi không có ý bàn chuyện học chữ vuông. Cùng ba chữ trên ("máy chạy bằng hơi Nôm, như hơi nước"), font sau in không được hai chữ đầu nên nó thay bằng font khác. Điểm này font giống sự phản ánh thẩm mĩ: một số kí tự nhất định có trong kho font ấy, được đội một lốt riêng. Không chỉ kí tự và dáng vẻ, mà cả khái niệm và cảm tính. Ta cần biết cơ chế làm sao font ấy có chứa những kí tự liên quan, tức là biết cơ chế tại sao một số từ ngữ với nội hàm của nó được phân vào nhóm cảm tính nào đó. Ví rằng lối viết mềm ám chỉ tính trang trọng và lối viết cứng tính chất phác, vì tôi hình dung: trang trọng là nước lân quang đã rót vào mỗi "bình" khái niệm-chữ, quy định sự kích cho mĩ cảm sinh ra trong tinh thần của người mà sử dụng kho tiếng nói cấu thành bằng những bình ấy. Tính trang trọng không tự có - nói theo thế đối vị ngôn ngữ học, hoặc theo góc nhìn rằng xã hội hóa khiến con người nhiễm lấy thói quen cảm nhận. Thói quen cảm nhận - tức lượng lân quang trong bình - có thể kiểm soát và phân bổ được theo ý muốn. Thì chuyện là:

Từ ngữ nào thì rót? Ai rót?

Ảnh: @21.lapomme (tháng 5/2022)
Ảnh: @21.lapomme (tháng 5/2022)
Kiến trúc trục ngang thánh giá ở nhà thờ Phủ Cam đi về hai chái, chái bên tả Jesus treo bức ảnh lớn đề tước hiệu nhà thờ - như một món kính dâng lên Chúa: TRÁI TIM VẸN SẠCH ĐỨC MẸ (trên tranh viết in toàn bộ). Có cách nói khác: Trái tim vô nhiễm (của) Đức Mẹ. Tôi và bạn tôi nhìn tranh ấy, xốn xang: bố cục xanh lam to lớn, và cái từ nghe lạ tai ấy vốn có từng tiết được dùng thường nhật. Chúng tôi thấy hai tiếng ấy trang trọng, còn gần gũi hơn vô nhiễm (đầu tôi tuy vốn đã cấu trúc hóa lưỡng phân "Hán sang Nôm na" nhưng cũng thấy vậy). Vẹn, sạch đều là cognates Nôm, cùng từ căn, với hoàn , dịch 釋, nên có thể sắc trang trọng là do huyết thống hoặc do ngầm tranh chấp tư cách trau chuốt của sự nói chữ. Nhưng cứ đơn giản nhìn mặt ngang ngữ trạng hiện thời, rằng Nôm là Nôm, Hán là Hán, thì vẹn sạch chứng tỏ các tiếng Nôm có tiềm năng một thứ sức lực kích sinh mĩ cảm trang trọng.

Người ta vẫn cứ Hán sang Nôm na.

Tại sao trang trọng nó không rót được - hoặc rót không được - vào bình Nôm?
Sự trì cản thứ nhất do nhóm gọi là bình dân xét theo diện ngữ học: gọi là layman hay bình dân vốn vì ở họ không có men phát minh, men cải tiến. Họ bảo lưu những gì ổn thỏa. Xin đừng lấy đó làm chê: Trong khi các bộ óc ngữ học vi tế luôn chỉ ra và hướng đến cải thiện những khiếm khuyết của (một) ngôn ngữ, thì ở mọi quang cảnh ngôn ngữ, loài người đều có cách, hoặc khéo léo hoặc "mắc cỡ đỡ mất công", sử dụng tốt cái công cụ ngôn ngữ. Dùng cho phát triển khoa kĩ là thế. Sự bảo lưu ấy không thực sự cấp ưu quyền cho cái hướng sử dụng và cải tiến vị-cảm-tính.
Sự trì cản thứ hai - quả hấp dẫn - bởi hàn lâm. Xin lưu ý cách tôi dùng do, bởi. Góc nhìn bàn cờ của de Saussure nói không - thay vì chưa - đối với việc rót lại trang trọng vào Nôm. Trên bàn cờ ấy, người ta chơi lối chỉ cần biết trạng thái hiện tại, rằng giữa các quân cờ có thế cuộc ra sao, vì các bước trước đó vô nghĩa. Ông quên nét nhỏ con Root chỉ đi hai bước ở lượt đầu tiên - một thứ kí ức. Ông không nhắc nét lớn Root phong lập thành danh tính mới. Thị giác bàn cờ này trao quyền lớn cho cộng đồng, rằng họ là chủ thể của quyền đặt tư cách lưu hành cho từ ngữ. Trong khi nhóm bình dân rõ là ít có ngữ lực sinh ra các nguyên mẫu tốt (good prototypes) để lưu truyền và phù hợp để giáo dục. Tuy cùng đứng thành bản ngữ, nhưng nhìn đơn lẻ thì họ chỉ là những người mang một thứ hiểu biết mặc ẩn về tiếng. Sự trao quyền ấy, do chính cách Ferdinand de Saussure nhìn nhận, hay do cách dịch mà Cao Xuân Hạo đã chọn (les sujets parlants -> người bản ngữ thay vì chủ thể nói năng), tôi không rõ. Cách dịch ấy, nếu không phân trần những biên giới mà nó vạch ra, rằng biên giới ấy động hay tĩnh, thì nó rất phù hợp với lối nói "quảng đại" (廣代, populist). Mà thực tế là có thật: Sự biến đổi ngôn ngữ đến từ những nhỏ lẻ của của hoạt động thảo văn và sáng tác những nội dung buộc người ta phải cải thiện/tiến tiếng nói để đáp ứng tư duy tầm sâu. Mặc cho điều ấy, tiếng nói áp đảo chính thống vẫn là: Ngôn ngữ là khách quan. Bởi họ chọn hiểu và áp dụng bàn cờ theo hướng như vậy. Tiếng nói ấy là phần tử của diễn ngôn "truyền thống" - tức cái lối nói cấp quyền truyền thống nhưng lại lờ đi sự tồn tại của kẻ khởi phát trong lịch sử, cũng như chối bỏ quyền khởi phát của những tài năng đương thời. Đi kèm ở đây là sự khuôn mẫu hóa trong giáo dục xét với ngôn ngữ, với hệ quả của nó: Người ta biết đến và lấy dùng những mẫu <từ ngữ A-định nghĩa B> đang sẵn có lưu hành, nhiều hơn là biết mổ xẻ, tân tạo và tái tạo những bình từ ngữ của mình sử dụng. Việc rót lại trong chừng mực vẫn có thể giao tiếp được với người mà ta cần giao tiếp, là khả dĩ.

Dòng nước không cấp điện cho ta, là vấn đề của ta, không phải của dòng nước.

Muốn đánh vào thói doublethink đang bàn, muốn rót lại sự trang trọng vào bình khác, tất phải nhìn nhận tính nhỏ lẻ nêu trên. Do rằng, doublethink Hán sang Nôm na là một bệnh trạng do vô minh nhiều hơn là bởi chủ ý cố duy trì một cách thức không vệ sinh.
Viêc bắt buộc cả một xã hội cùng thấy những kết cấu tiếng Nôm là trang trọng - so với các kết cấu tiếng Hán - đòi hỏi: (1) quyền tác động quy mô lớn vào việc tinh thần hóa con người (giáo dục là một đơn cử của quyền ấy), (2) sự giàu có trong tâm hồn của người bảo bình đi rót.
Là một hiện tượng tự nhiên của nhánh xã hội, cũng như các hiện tượng tự nhiên của nhánh thiên nhiên, ngôn ngữ cần được cải tạo đáp ứng nhu cầu của loài người. Giống như rừng già qua nhiều thời đại diễn tiến, đã hình thành nguồn chất liệu quý giá từ gene đến cấu trúc mạch ngầm; giá trị của ngữ trạng ngôn ngữ không phải chỉ ở chuyện bàn tay những ai đã vun nên nó, mà ở kí ức về tất cả những hoàn cảnh sống mà người ta đã trải qua. Sinh hoạt buộc người ta phải phát minh câu cú và từ ngữ. Toàn bộ thế phân chia các <đơn vị ngôn ngữ A - ý nghĩa, sắc thái đặc trưng của A> là cái kho thừa kế. Cũng như tiền của được thừa kế, dùng tốt thì lợi sản, dùng tào lao thì tiêu sản. Chất liệu kí ức ngôn ngữ cần cải tạo, và máy hơi nước không phải chặng duy nhất trên giấc mơ phù phiếm hưng dựng ngôn ngữ.

Phù phiếm.

Vì với hoàn cảnh ngữ trạng nào, người ta cũng xoay sở có được cách ăn nói để sống một thời. Khi mà cái quan trọng hơn là chuyện có cơm ăn áo mặc, có công làm việc hưởng, thì ngôn ngữ chắc chắn là phù phiếm và không đáng cho ai quan tâm xây đắp.

./.