Hy vọng vẫn tồn tại ngay cả khi việc cứu chữa là không thể. Hy vọng nằm trong ý nghĩa cách ta đã sống đời mình.
Trong điều trị bệnh ung thư, có một triết lý nói rằng, việc điều trị phải được theo đuổi tới cùng. Và Sherwin B. Nuland - Giáo sư lâm sàng về phẫu thuật của trường Đại học Y thuộc Đại học Yale, đã sửa lại thông điệp này như sau:
"Việc điều trị phải được theo đuổi cho tới khi sự vô ích được chứng minh, hoặc ít nhất cũng được chứng minh với sự thỏa mãn của bác sĩ."
Tiếng máy kêu bíp bíp, tiếng rít của máy hô hấp nhân tạo hay tín hiệu điện tử lập lòe trên màn hình vi tính, đôi lúc, lại trở thành địa ngục đau khổ mà một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải vượt qua trước khi quy hàng cái chết.
Một căn bệnh ung thư được sinh ra cùng với mong muốn được chết. Không có chiến thắng nào dành cho ung thư. Nhưng thay vì tìm cách giúp bệnh nhân của mình đối mặt với thực tế rằng cuộc sống sẽ nhanh chóng đi tới hồi kết, một số bác sĩ lại cho phép con người ốm yếu đó và chính mình "hưởng thụ một kiểu 'làm gì đó' về mặt y học để phủ nhận sự hiện diện lơ lửng của cái chết", Sherwin nhận xét.
Khi được hỏi tại sao lại làm như vậy, một bác sĩ nhân từ, người luôn hết lòng với bệnh nhân sẽ trả lời: "Bởi vì tôi không muốn tước đi của họ niềm hy vọng duy nhất".
Tuy nhiên, liệu có phải hy vọng chỉ nằm trong cách chúng ta chữa lành hay giảm đớn đau bệnh tật. Hay nó là một cách để chúng ta hiểu được lẽ sống của đời mình?

"Em phải sống trước khi em chết"
Bob DeMatteis là một luật sư 49 tuổi và là chính khách hàng đầu ở một thành phố nhỏ thuộc bang Connecticut. Anh thuộc kiểu người không ai có thể ra lệnh được. Một trong những biểu hiện của tính cách ngoan cố này là việc xem thường quá mức sức khỏe bản thân.
Bob tảng lờ không chỉ sức khỏe mà còn tất cả những vấn đề khác về cơ thể. Cho đến khi anh phát hiện căn bệnh ung thư gan và một khối u di căn trong khung xương chậu.
Dù tính cách ngoan cố, người đàn ông này lại vô cùng sợ bác sĩ. Sherwin, khi đó bác sĩ trực tiếp điều trị cho Bob DeMatteis, còn nhớ ấn tượng đầu tiên về anh, "Đó là một người tuyệt vọng và sợ hãi đến tê liệt trước việc điều trị". Có lẽ, tâm lý này đã xui khiến anh tìm kiếm hy vọng sống ở nơi khác thay vì trông chờ vào các nỗ lực y học.
Bob đã từ bỏ khả năng chữa chạy và tìm cách giảng hòa với cái chết. Bởi anh tin rằng nếu có phép thần xuất hiện, chúng sẽ tới từ bên trong bản thân anh thay vì từ một vị bác sĩ chuyên khoa ung thư nhiệt thành nào đó.
Gia đình DeMatteis sống trong một khu vực nhiều cây cối rậm rạp, ở vùng đồi phía trên ngoại ô của thành phố nơi mà sự nghiệp chính trị của Bob trong một thời gian dài đã chỉ lối đưa đường. Ngay trước đêm Giáng Sinh, Sherwin tới thăm anh. Tuyết đã bắt đầu rơi vài giờ trước, như thể để ưu ái cho điều ước Giáng Sinh của một người đang hấp hối.
Với Bob, kỳ nghỉ này luôn được hình tượng hóa thành một hình ảnh vui tươi đầu thế kỉ 19 như trong truyện Christmas Carol mà anh yêu thích nhất. Giữa khung cảnh đó, anh là trung tâm của màn nồng nhiệt quay cuồng với niềm lễ hội. Kể từ khi kết hôn, năm nào vào đêm này, ngôi nhà của anh cũng đầy ắp khách khứa với đủ cấp bậc chức vụ. Tiêu chuẩn chung duy nhất để được mời là chủ nhà thích thú với sự có mặt của họ.
Bob DeMatteis tuyệt vời nhất khi ở giữa đám đông, càng sôi nổi càng tốt. Trong đám khách khứa này, trái tim anh nở ra và tâm hồn anh trở nên rộng mở. Thậm chí vẻ mặt cau có thường lệ của anh cũng biến mất trước sự vui vẻ ấy. Và anh đã quyết định rằng Giáng Sinh cuối cùng của mình sẽ không khác gì với những mùa trước đó.
Một cảnh trong phim Christmas Carol
Trước lúc bữa tiệc bắt đầu, Sherwin nói lời tạm biệt với người đàn ông khác thường này, người đã tìm được sự can đảm mà ít ai dám có. Khi chuẩn bị bước vào màn đêm đầy tuyết, Bob gọi theo từ phòng ngủ, dặn ông cẩn thận trên những quả đồi trơn trượt: "Ở ngoài đó nguy hiểm đấy bác sĩ, Giáng Sinh không phải là lúc để chết đâu."
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của mình, Bob có thể nhìn thấy một kiểu hy vọng của riêng anh. Đó là niềm hy vọng anh sẽ là Bob DeMatteis cho tới hơi thở cuối cùng, và rằng người ta sẽ nhớ tới anh vì cách mà anh đã sống. Giữ cho Giáng Sinh cuối cùng này diễn ra tốt nhất có thể là một phần không thể thiếu để thỏa mãn niềm hy vọng ấy.
Và Bob đã khiến cho mọi việc đêm đó diễn ra suôn sẻ. Anh bảo vợ mình giảm bớt dòng điện để khách khứa không nhìn thấy làn da vàng đầy vẻ chết chóc của mình trong ánh sáng lờ mờ. Trong bữa tối, anh ngồi ngay đầu bàn ồn ào, vui vẻ và vờ ăn uống, mặc dù đã từ lâu anh không còn có thể ăn đủ thức ăn để giữ cho dinh dưỡng hợp lý. Cứ hai giờ một lần, trong cái đêm dài dặc dó, anh khó nhọc lê mình vào bếp để vợ tiêm cho một liều morphine giảm đau.
Két thúc bữa tiệc, vợ anh, Carolyn, đã hỏi anh cảm thấy buổi tối hôm nay thế nào. Bob trả lời: "Có lẽ là một trong những Giáng Sinh tuyệt nhất anh từng có." Rồi anh nói thêm, "Em biết đấy, Carolyn, em phải sống trước khi em chết.".
Vài ngày sau, Bob qua đời. Anh được chôn cất trong một nghĩa trang công giáo gần nhà. Không có bia tưởng niệm trên những nấm mồ ở mé dốc xuống ngọn đồi, như thế xác nhận sự bình đẳng của mọi người trước cái chết, chỉ có đá ở chân mồ xác định nơi yên nghỉ. 
Và khắc ngang bề mặt đá granit ở chân mộ là văn bia mà Bob DeMattris đã chọn để được nhớ tới. Đó là một trong những trích đoạn yêu thích của anh trong tác phẩm Christmas Carol: "Và người ta luôn nhắc tới ông, rằng ông biết cách giữ cho Giáng Sinh thật đẹp."
Hy vọng có thể vẫn tồn tại ngay cả khi việc cứu giúp là không thể. Hy vọng nằm trong ý nghĩa của cách ta đã sống cuộc đời mình.
Hy vọng, có lẽ là một khái niệm trừu tượng, chứa đựng ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người trong những khoảng thời gian và hoàn cảnh khác nhau. Chúng là hiện thân của sự mong ngóng về một điều tốt lành chưa thành hiện thực, một nhận thức về tương lai mà trong đó, một mục tiêu mong muốn sẽ được đạt tới.
Đối với Bob DeMatteis, niềm hy vọng đem tới yên bình cho anh nằm trong những ký ức đẹp đẽ mà anh tạo ra, cuộc đời ý nghĩa mà anh có với những người còn trên dương thế. Bob đã truyền tải thông điệp rằng hy vọng có thể vẫn tồn tại ngay cả khi việc cứu giúp là không thể. Hy vọng nằm trong ý nghĩa của cách ta đã sống cuộc đời mình.

Một trong các bài học quan trọng mà một bác sĩ mới vào nghề nhận được là không bao giờ cho phép bệnh nhân của mình đánh mất hy vọng, thậm chí cả khi rõ ràng là họ sắp chết. Mong ước này được người hành nghề y làm với những mục đích tốt đẹp.
Thế nhưng, những trải nghiệm mà Sherwin có được trong sự nghiệp cứu người đã khiến ông suy nghĩ lại quan niệm trên. "Đôi lúc, con đường được lát bằng mục đích nhân văn lại trở thành địa ngục đau khổ mà một bệnh nhân phải vượt qua trước khi quy hàng cái chết", ông trầm ngâm.
Và Hazel Welch là cái tên mà ông không bao giờ quên được.
Nghệ thuật cứu vãn sự sống
Hazel Welch là một phụ nữ 92 tuổi, sống trong khoa dưỡng bệnh của một khu liên hợp cư trú dành cho công dân cao tuổi cách Bệnh viện Yale-New Haven chưa tới mười cây số. Mặc dù lanh lợi về mặt tinh thần, bà vẫn yêu cầu dịch vụ chăm sóc điều dưỡng của khoa bởi vì chứng viêm khớp lâu năm và chứng nghẽn do xơ cứng động mạch ở chân khiến bà không thể tự đi lại được nữa. 
Không lâu sau ngày 23 tháng Hai, 1978, bà Welch ngã xuống sàn bất tỉnh. Một chiếc xe cứu tương đưa bà tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Yale-New Heaven, ở đây người ta chẩn đoán bà mắc chứng viêm phúc mạc nặng, đồng thời phát hiện một số lượng lớn không khí tự do trong ổ bụng. Rất nhanh chóng, Sherwin và hội đồng y khoa hiểu rằng bà đã bị thủng đường tiêu hóa với dấu hiệu rõ ràng nhất là một chỗ loét ở tá tràng, nằm ngay bên trên dạ dày. 
Khi đó, hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, bà Welch đã từ chối phẫu thuật. Bà nói với Sherwin rằng "ta đã ở trên hành tinh này đủ lâu rồi, anh bạn trẻ ạ", và không muốn tiếp tục nữa. Bà nói, bà chẳng còn phải sống vì ai nữa.
Trong những thế kỉ trước, con người tin vào khái niệm ars moriendi, nghệ thuật về cái chết. Đã từng có những giải đoạn thái độ khả thi nhất khi tiếp cận cái chết là để mặc cho nó diễn ra, yên bình trong tay Chúa.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong kỉ nguyên không có nghệ thuật về cái chết, chỉ có nghệ thuật cứu vãn sự sống, và thế lưỡng nan trong nghệ thuật đó nhiều vô số.
Thông thường, các bệnh nhân có lý do chính đáng để không tiến xa hơn khi chỉ có một khả năng rất nhỏ là họ có thể sống sót. Một số người có lý do mang tính triết học hoặc tâm linh, nhưng một số người thực tế hiểu rằng, điều giành được sau một cuộc chiến lớn để hồi phục là không xứng với những gì phải chịu đựng để giành được nó.
"Đối với một vài người, thậm chí cả việc chăc chắn sẽ qua được phía bên kia của những tuần đau khổ cũng không xứng đáng với cái giá về thể xác và tinh thần mà họ phải trả", một y tá chuyên khoa ung thư thông thái nói với Sherwin.

Tuy nhiên, đối với Sherwin lúc đó, quyết định của bà Welch thật vô lý. Ông đã dùng mọi ý lẽ có thể để cố gắng thuyết phục bà rằng, trí tuệ minh mẫn của bà và phản ứng của bệnh bạch cầu ở bà cho thấy bà còn nhiều năm tốt đẹp phía trước.
"Tôi hoàn toàn thẳng thắn khi nói với bà rằng, với tình trạng đã biết của chứng xơ vữa động mạch và chứng viêm phúc mạc, cơ hội bà hồi phục từ cuộc phẫu thuật cần thiết này chỉ là khoảng 1/3", ông phân tích, Nhưng 1/3 là tốt hơn rất nhiều so với cái chết cầm chắc trong tay. "cái chết chắc chắn sẽ đến nếu bà không để cho chúng tôi phẫu thuật".
Bà Welch vẫn cương quyết từ chối, và Sherwin để bà một mình suy nghĩ về nó, cơ hội sống sót của bà giảm xuống từng phút một. Mười lăm phút sau, ông trở lại. Bệnh nhân của ông nửa nằm nửa ngồi trên cáng, "quắc mắc nhìn vào tôi như thể tôi là một cậu nhóc nghịch ngợm". Bà vươn ra và nắm lấy tay ông, nhìn thẳng vào mắt ông như thể buộc vị bác sĩ vào sứ mệnh quan trọng mà bà bắt ông chịu trách nhiệm cá nhân về thất bại của nó.
"Ta sẽ chịu phẫu thuật", bà nói, "nhưng chỉ vì ta tin tưởng anh."
Trách nhiệm cứu người khiến không ít bác sĩ nghĩ rằng, trong rất nhiều kiểu hy vọng mà họ có thể giúp bệnh nhân tìm thấy lúc cuối đời, thì loại hy vọng lớn lao hơn tất thảy chính là niềm tin mãnh liệt rằng, còn một thành công cuối cùng chưa giành được. Đó là thành công hứa hẹn sẽ chiến thắng mọi đau đớn và muộn phiền trên đời... Mà Sherwin gọi đó là nghệ thuật cứu vãn sự sống, và thế lưỡng nan trong nghệ thuật đó nhiều vô kể.
Trong cuộc phẫu thuật, ông phát hiện ra một lỗ thủng ở tá tràng lớn. Dạ dày gần như đã tách hoàn toàn khỏi tá tràng như thể bung hẳn ra khỏi nó; ổ bụng của bà Welch đầy dịch tiêu hóa ăn mòn cùng những mẩu vụn từ bữa trưa mà bà đã ăn mấy phút trước khi bị bất tỉnh.
Sherwin đã làm điều ông cần làm là đóng ổ bụng lại, và đưa bệnh nhân vẫn còn bất tỉnh của mình vào khoa chăm sóc tích cực sau phẫu thuật. Hệ hô hấp của bà vẫn chưa đủ khả năng tự thở, vì vậy chiếc ống được bác sĩ gây mê luồn vào vẫn ở trong khí quản của bà.
Sau rốt, bà Welch qua khỏi cơn nguy kịch và sống sót. Nhưng bà không ngần ngại cho Sherwin biết ông đã phản bội bà, khi giảm thiểu những khó khăn của giai đoạn hậu phẫu.
Và đó chính là sai lầm mà Sherwin đã mắc phải.
Định nghĩa lại Hy Vọng
Ông đã giảm nhẹ đi thực tế mà bà Welch có thể gặp mà những người mắc chứng xơ cứng động mạch cao tuổi thường trải qua trong giai đoạn hậu phẫu.
Mặc dù mục đích của ông chỉ nhằm đáp ứng điều ông tin chắc sẽ tốt cho sức khỏe của bà, ông biết bản thân đã mắc phải sai lầm tệ hại nhất của chủ nghĩa gia trưởng. "Tôi đã che giấu thông tin bởi vì tôi sợ bệnh nhân có thể sử dụng nó để làm điều mà tôi coi là một quyết định sai lầm."
Bà Welch nói, bà đã trải qua quá nhiều, và bà không còn tin tưởng ở vị bác sĩ đã cứu mình. Bà là một trong những người cảm thấy sự sống sót không xứng với cái giá phải trả, và Sherwin đã không hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ trong việc dự kiến cái giá phải trả có thể là gì.
Trong việc chăm sóc một căn bệnh đã trở nặng, cho dù là ung thư hay một căn bệnh chết người khác, Hy Vọng nên được định nghĩa lại.
Hai tuần sau khi được chuyển trở lại căn phòng cũ tại khoa nội trú, bà Welch bị đột quỵ và qua đời trong vòng chưa tới một ngày.
Sau này, trong cuốn How we die (tạm dịch: Hiểu về sự chết), ông đã viết, "nếu có cơ hội được sống lại sự việc này, hay một số việc tương tự như vậy trong sự nghiệp của mình, tôi sẽ lắng nghe bệnh nhân nhiều hơn và bớt đòi hỏi bà phải lắng nghe tôi."
Mục đích của Sherwin là vật lộn với việc điều trị bệnh; trong khi mục đích của bà là sử dụng căn bệnh bất ngờ này như một cách thức nhẹ nhàng để đi tới cái chết. "Bà đã nhượng bộ chỉ để làm vừa ý tôi."
Sherwin đã chiến thắng trong trận chiến sinh tử nhưng lại thua trong trận chiến lớn hơn trong việc chăm sóc bệnh nhân một cách nhân văn.

Thực tế, đa phần bệnh nhân đều được khuyên nên nắm lấy cơ hội chiến thắng ít ỏi mà bác sĩ trao cho họ. Thông thường, họ chịu đựng nó, họ tàn phá những tháng cuối cùng của mình vì nó. Và dù thế nào đi nữa thì họ cũng vẫn chết, sau khi đã chất chồng những gánh nặng mà họ và những người yêu thương của họ phải gánh tới những khoảnh khắc cuối cùng.
Ông khuyên, mọi người cần phải tìm kiếm hy vọng theo những cách khác, những cách thực tế hơn, thay vì theo đuổi những cách chữa bệnh mơ hồ và đầy nguy hiểm. Trong việc chăm sóc một căn bệnh đã trở nặng, cho dù là ung thư hay một căn bệnh chết người khác, Hy Vọng nên được định nghĩa lại.
Đôi khi, một nguồn hy vọng của người đang hấp hối có thể đơn giản như nguyện ước được sống cho tới lễ tốt nghiệp của con gái, hay thậm chí đón lễ giáng sinh cuối cùng, chờ đợi người thân yêu đang trở về từ miền đất xã xôi nào đó.
Hy vọng không nên chỉ nằm ở kỳ vọng được chữa làm hay thậm chí là giảm bớt đi nỗi đau đớn hiện tại. Đối với các bệnh nhân đang chờ chết, hy vọng được cứu chữa luôn thể hiện là cuối cùng sẽ thất bại, thậm chí hy vọng của thuyên giảm cũng thường tan thành mây khói.
(*) Nội dung bài viết được trích dẫn từ cuốn sách Hiểu về sự chết của tác giả Sherwin B. Nuland.
Chuột Gặm Sách