"Điều gì làm cho một người lớn khác với một thiếu niên? Có lẽ đó là việc người ta mất đi khả năng đọc một quyển sách liên tục một lúc [..]. Có nhiều điều khiến người ta giữ được khoảng cách giữa cuộc đời với câu chuyện và vì thế mà người ta có thể bỏ lửng nó trước khi tiếp tục" – Luis Sepúlveda.
Mắt Biếc là cuốn sách mà mình sẽ mãi bỏ dở nửa chừng. Đó là một câu chuyện giàu chất thơ, chất nhạc và rất hợp với lứa tuổi học trò mộng mơ. Nhưng chỉ nên như thế thôi. Chàng trai có thể “lớn sau” cô gái, nhưng chính vì thế phải “lớn nhanh” hơn cô ấy. Cho tới giờ, bộ phim Mắt biếc của Victor Vũ coi như một phần bổ khuyết cho cái đoạn sau mà mình bỏ dở. Chính vì phần bỏ dở mà mình dành nhiều thời gian trong rạp để suy nghĩ về câu chuyện của Mắt biếc dưới góc nhìn cảm thông hơn là trách cứ bất kỳ nhân vật nào. Chắc cũng ảnh hưởng một phần từ cách suy luận tới “lý do sau cùng” của Jared Diamond (tác giả của Súng, vi trùng và thép) nên mình sẽ cố gắng đi tìm đâu là nút thắt tận cùng trong mạch phim.
Tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan là một tình cảm vô cùng trong sáng, đẹp đẽ. Nhưng nó đẹp một cách mong manh như bông tuyết, bởi để nó tồn tại được là quá khó trong “mùa hè” của hiện thực. Mùa đông chính là tuổi thơ, lớn lên bên nhau ở làng Đo Đo, mùa xuân là thời niên thiếu cùng nhau đi học ở huyện. Nhưng những mùa cũ qua rồi. “Cái mà Hà Lan thích, ở làng Đo Đo không có”. Giữa miền đất mộng mơ của Ngạn, Hà Lan trở nên lạ lẫm. Nó ăn mặc lạ lẫm, không còn thích những trò vui ở quê, nó thích nói chuyện ở thành phố. Hà Lan đã khác, nó đã không còn như xưa. Nhưng Ngạn vẫn như xưa. Rồi Ngạn cũng lên thành phố học. Sau bao nhiêu chuyện xảy ra, Ngạn vẫn luôn là người bên cạnh lo lắng và chăm sóc Hà Lan. Những tưởng rằng, sau cú va vấp trong đời Hà Lan sẽ nhận ra tình yêu của Ngạn và về bên anh. Nhưng một lần nữa, chỉ một góc quay nhỏ thôi, gương mặt Hà Lan bỗng chốc thay đổi. “Về làng Đo Đo với Ngạn”. Xuyên suốt câu chuyện, Ngạn yêu Hà Lan như yêu làng Đo Đo. Với Ngạn, chỉ có làng Đo Đo mới là nơi đẹp đẽ, trong sáng nhất như Hà Lan của ngày xưa.
Nhưng với Hà Lan, làng Đo Đo như là những thứ đã đánh mất, đó là sự ngây thơ mơ mộng của tuổi thơ. Nơi đó không còn là nguồn vui của Hà Lan nữa. Làm sao cô trở lại nơi -  mà tuổi thơ trải qua không cha – với tư cách của một người con gái “chửa hoang”. Nơi mà cô sẽ hàng ngày đối mặt với người đời.
“Người đời thường vậy, họ chém ta một nhát rồi quên đi, thì chỉ nói cho sướng miệng thôi, cho đỡ buồn thôi chứ chết chóc ai đâu, ai biểu ta ngồi đó để ôm vết sẹo với nỗi đau khôn tả" - Nguyễn Ngọc Tư
Cô biết mình không thể trở lại là Hà Lan của quá khứ, thứ đã mất càng nghĩ lại càng xót. Càng hiểu Ngạn, Hà Lan càng không thể đến với anh. Và mọi sự trong đời Hà Lan cứ như vậy mà tiến triển như một sự lãng tránh quá khứ.
Chi tiết đáng buồn nhất trong bộ phim có lẽ là lúc Hồng tặng Ngạn chiếc áo sơ mi nam. Hồng là “Ngạn phiên bản nữ” nhưng cô chân thật hơn, đời hơn và cũng đáng thương hơn Ngạn. Cô thầm thích Ngạn từ tấm bé, luôn quan tâm Ngạn, lựa chọn về Đo Đo làm cô giáo để gần bên Ngạn. Cô dành cả thanh xuân cho Ngạn, tình cảm của cô như một cơn mưa phùn những tưởng sẽ từ từ thấm vào lòng của Ngạn. Nhưng nếu mùa Đông mưa phùn thành tuyết thì giữa mùa hè, cơn mưa ấy chẳng một thoáng qua, hiện hữu. Cái sơ mi nam cô tặng Ngạn, tựa như lời nhắc cả thanh xuân cô đã dành cho anh. Một cô gái tặng bạn một chiếc áo sơ mi nam, bạn không nhận cô ấy sẽ đem nó về làm gì? Trong thoáng chốc, mình thở dài, mạch phim đã đẩy Ngạn, Hà Lan và Hồng sang tuổi 35. Nhưng Ngạn vẫn vậy, anh vẫn sống trong miền đất Đo Đo mộng ảo (mình liên tưởng tới Neverland). Để rồi, Hồng đáng thương bao nhiêu năm “mắc kẹt” (“stuck” trong engsub) lại ở làng Đo Đo mộng ảo. Cô mắc kẹt lại vì Ngạn để rồi nhận ra vô vọng, vô nghĩa. Cô không may mắn như Ngạn vẫn tồn tại trong trái tim Hà Lan. Cuộc đời Hồng như một bức tranh tả thực, bỏ hết đi những phù phiếm hư ảo, nó khiến người ta phải đau lòng thay vì man mác buồn như bức tranh của Ngạn.
Đến đây, mình có thể đã nghĩ rằng lý do sau cùng trong toàn mạch phim chính là làng Đo Đo. Thật sự, Đo Đo trong phim Victor Vũ rất đẹp. Điều đó phần nào khiến ta cảm thông hơn với Ngạn. Nhưng chưa đủ để giải thích cho những dở dang trong đời của các nhân vật.
Vậy nên, lý do sau cùng đến ở những phút cuối phim làm mình hài lòng. “Ngạn chấp nhận điều đó”. Tức là anh biết mình cần gì, biết mình phải làm gì và chấp nhận những gì. Anh sẵn sàng đánh đổi để được điều đó. Anh yêu làng Đo Đo, yêu cuộc sống nghèo nàn nhưng bình yên, yêu lũ trẻ trong cái trường cộng đồng sập sệ. Anh có lẽ cũng biết Hà Lan sẽ không thể cùng anh về lại Đo Đo. Vì thế tình yêu của anh dành cho Hà Lan, anh giữ nó trong tim, chăm sóc Trà Long và có khi cả bà Diệu. Đối với anh, giữa làng Đo Đo và Hà Lan anh đã tìm được một điểm cân bằng nơi mà nhiều người sẽ cho là vô nghĩa, phi lý. Ngạn làm mình nhớ lại một đoạn mở đầu của Thần thoại Sisyphus như thế này:
“Con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Bản thân sự vật lộn đã đủ để lấp đầy trái tim anh ta. Ta buộc phải hình dung rằng Sisyphus hạnh phúc.” - Albert Camus
Chàng Sisyphus phải chịu hình phạt vĩnh viễn đẩy một tảng đá khổng lồ lên cao rồi nhìn nó lăn xuống để rồi lại tiếp tục đẩy nó lên đỉnh núi. Thật phi lý khi nói Sisyphus hạnh phúc, nhưng chính vì Sisyphus ý thức được điều đó, Sisyphus làm chủ, nên Sisyphus trở nên có nghĩa với anh, cuộc đời anh có nghĩa với anh, thuộc về anh. Ngạn đã dũng cảm LỰA CHỌN cuộc đời cho mình.
Kết phim là một kết thúc mở chứ không phải buồn, mình nghĩ vậy. Ngạn rời làng Đo Đo mộng ảo như một đứa trẻ đánh đổi sự ngây thơ để lớn lên. Chuyến xe cuối cùng, hay người mình yêu có đâu chỉ là một bến, một người. Và vì thế, ta có quyền hi vọng một kết thúc đẹp cho những nhân vật của Mắt Biếc.
    Với mình, cuối cùng điều giữ cho cuộc đời và câu chuyện gần nhau chính là sự liên tưởng, nhận diện và cảm thông với những cuộc đời tương đồng.