Xuyên suốt những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một tuổi thơ với những trải nghiệm tuyệt vời và không ít người trong giới trẻ chúng ta từng ao ước. Đó là những năm tháng dài rong ruổi trên bờ đê, những trưa nắng hè đi bắt châu chấu, những cái đầu va vào nhau khi lùa kiến về tổ, những lần nóng mặt khi thua chọi cỏ gà, có khi là những trận ẩu đả đến toác đầu chảy máu vì vài quả dứa dại …
Ảnh: internet
Mắt Biếc cũng gợi lại trong miền kí ức xa xôi về những mảnh tuổi thơ tươi đẹp đó, để rồi khi đọc lại chúng ta mỉm cười về chính hình ảnh của mình xưa kia. Nhưng xen lẫn vào những kí ức đẹp đó, là một nỗi buồn man mác, có lúc là niềm đau dữ dội của một cuộc tình kéo dài hơn 20 năm đằng đẵng.
Ngạn – Hà Lan: Sao Hôm Sao Mai
Vẫn là một bông hoa tình yêu ở làng Đo Đo, một huyện lị nhỏ ở tỉnh Quảng Nam (cũng là quê hương của bác Ánh), nhưng bông hoa tình yêu mà Ngạn dành cho Hà Lan không đơm hoa kết trái như Đông và Rùa trong tiểu thuyết Ngồi khóc trên cây. Tình yêu đơn phương của Ngạn âm ỉ, có lúc bùng cháy dữ dội, luôn luôn vị tha, có lúc hờn ghen nhưng chưa bao giờ là nguội lạnh.
Có nhiều lần tôi thầm trách Ngạn, những ca khúc, những bài thơ si tình như thế sao đôi môi vẫn còn tiếc lời yêu thương. Nhưng bình tâm mà suy nghĩ thì những lời yêu thương là thừa thãi, khi mà chắc chắn rằng thông điệp yêu thương Hà Lan đã cảm nhận được rồi, khi trái tim của Hà Lan không ở lại làng Đo Đo nữa rồi.
Em từng yêu tôi chưa mắt biếc ơi?
Tình thơ tôi trao cho em nhưng đôi môi vẫn còn tiếc lời
Em đã bên ai rồi mắt biếc ơi?
Tôi vỡ tan mất nếu một ngày em và họ siết môi !
Tôi thương Ngạn và cũng chẳng trách Hà Lan. Cũng giống như bao người trẻ khác thôi, làm sao chúng ta có thể bên một người mà mình không thương yêu, như thế chẳng phải thương hại sao? Như thế có đáng thương cho mình và cho người không? 
Trà Long: cánh phượng nhỏ kéo mùa hè về
Có ai đó nói rằng, trong đời ai cũng từng trải qua 2 mối tình: một lần tôi yêu người nhưng không được đáp lại, một lần người yêu tôi nhưng tôi không cảm xúc. Một lần, Ngạn dành cả trái tim nồng nhiệt tuổi trẻ cho Hà Lan nhưng không được đền đáp. Một lần, Trà Long đến bên đời Ngạn với thứ tình cảm tinh khiết nhất, nhưng Ngạn chỉ yêu 1 tâm tưởng, 1 bóng hình cũ chứ không phải là Trà Long.
Trà Long thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ, nhưng được lớn lên bằng tình thương của Ngạn. Có lẽ vì vậy mà Trà Long xinh đẹp, thuần khiết, dành một tình yêu mãnh liệt với làng Đo Đo nghèo và cả Ngạn nữa.
Trà Long kéo về những mùa hè tuyệt vời mà Hà Lan đã mang đi mất. Vậy mà sao Ngạn nỡ lòng ra đi không một lời từ biệt? Tôi tự hỏi rồi Trà Long sẽ ra sao khi mà thiếu vắng Ngạn bên đời, khi thứ hạnh phúc giản dị vừa nhen lên chưa kịp nóng? Và một người yêu thương làng Đo Đo như thế cũng nỡ ra đi để bỏ lại một miền quê heo hút với mẹ già và cô gái yêu thương bé bỏng sao?
.. Và tình yêu quê hương?
Không chỉ có tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương cũng được bác Ánh nhắc đến rất nhiều. Làng quê trong các tác phẩm của bác thật đẹp và yên bình. Bao đời nay làng quê Việt Nam vẫn đẹp như thế, nhưng tuổi trẻ phiêu bạt của chúng ta có muốn gắn bó?
Tôi cũng sinh ra ở một làng quê miền Trung, cũng có một tuổi thơ đầy dữ dội như bao trẻ em làng quê khác. Nhưng từ học đại học, tôi ít về nhà hơn, và cũng không có dự định trở về quê lập nghiệp sau khi làm việc ở Hà Nội hơn 1 năm. Chúng ta trẻ, chúng ta muốn đi, đi thật nhiều nơi để biết nhiều hơn, để trải nghiệm nhiều hơn.
Liệu trong chúng ta có ai muốn sống những năm tháng tuổi trẻ cho đến già ở chính nơi gắn liền với bao kỉ niệm thơ ấu? Hay chúng ta chỉ xem quê hương như một miền kí ức thần thánh để tìm về?