Kỷ luật được tạo nên bởi quy tắc và thói quen. Điều này chắc chắn không có gì phải bàn cãi. Bạn cần một kế hoạch rõ ràng cùng những thang đo cụ thể để tuân theo khi rèn luyện tính kỷ luật. Có những cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn chính xác các lý thuyết và kiến thức thực tiễn để bạn hiện thực hóa từng bước trong quá trình đó: Atomic Habits (Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ); The Power Of Habit (Sức mạnh của thói quen); The 7 Habits Of Highly Effective People (7 Thói quen hiệu quả)... 
Tuy nhiên, khi bạn search từ khóa “sách kỷ luật” trên Google, rất có thể bạn sẽ thấy cuốn Càng kỷ luật Càng tự do hiện lên giữa rất nhiều đầu sách kỹ năng và self-help khô khan. Ngoại trừ tiêu đề chứa cụm từ “kỷ luật”, cuốn sách này không có bất kỳ điểm chung nào với những cuốn sách kể trên: Không có kiến thức từ sách vở, không có chỉ dẫn, không có công thức nào để bạn áp dụng… Càng kỷ luật Càng tự do là tổng hợp của rất nhiều câu chuyện xoay quanh chủ đề kỷ luận, kiên trì, phát triển bản thân, nhằm “truyền cảm hứng” cho người đọc thay vì đưa cho họ bất kỳ hướng dẫn nào cụ thể.
Sách Càng kỷ luật càng tự do (Hình ảnh: Fanpage Being - Định nghĩa chính mình)
Sách Càng kỷ luật càng tự do (Hình ảnh: Fanpage Being - Định nghĩa chính mình)
Với mình, đây là một cuốn sách thuộc thể loại “súp gà cho tâm hồn” - một dòng sách Trung Quốc tương tự như sách “hạt giống cho tâm hồn” ở Việt Nam. Bản chất nó là sách tản văn. Tác giả chỉ đơn thuần chia sẻ trải nghiệm và quan điểm cá nhân ở nhiều câu chuyện khác nhau, chính vì thế sách khó có thể mang lại thay đổi trực tiếp như sách kỹ năng. Nhưng ngược lại, nó cũng có một tác dụng mà những cuốn sách self-help thông thường không làm được: Đó là mang lại sự động viên về mặt tinh thần, thay vì lên gân hô hào người đọc phải cố nữa, cố mãi để thành công.
Bài viết này sẽ chia sẻ tới bạn một số lời khuyên về tính kỷ luật trong cuốn sách Càng kỷ luật Càng tự do, tất nhiên ở các khía cạnh liên quan đến tinh thần và tạo động lực nhiều hơn là công thức. Để bớt tạo cảm giác giáo lý và chia sẻ một chiều, mình sẽ liên hệ chúng với những bộ phim mình ấn tượng - cũng có nội dung liên quan đến từ khóa kỷ luật. Nếu bạn là một người cảm tính, hoặc là một người nguyên tắc nhưng muốn thả lỏng trong khi vẫn tìm hiểu về đức tính đáng có này, thì mình hy vọng bài viết này sẽ là một khoảng nghỉ thích hợp dành cho bạn.

NHỮNG LỜI KHÍCH LỆ KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN BẰNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ ĐỀU LÀ TRÒ BỊP BỢM 

Dù ai nói ngược nói xuôi, với mình khi nhắc đến “Những bộ phim hay nhất về tính kỷ luật”, một trong những cái tên hiện ra đầu tiên trong đầu mình là Legally Blonde (2001). Đúng rồi, chính nó đó, chính cái phim về một cô nàng bánh bèo tóc vàng quyết tâm thi đỗ trường Luật Harvard để trả đũa anh người yêu cũ đó.
Diễn viên Reese Witherspoon trên poster của Legally Blonde
Diễn viên Reese Witherspoon trên poster của Legally Blonde
Về khía cạnh kỷ luật, bộ phim này chỉ có thể lột tả một lời nhắc hết sức cơ bản, một bài ca ai-cũng-biết: Kỷ luật bắt đầu từ thói quen, tức là nó phải được thực hiện bằng những hành động lặp đi lặp lại theo một mục đích cụ thể chứ không phải là những lời hứa hẹn suông.
Điều đặc biệt của Legally Blonde có lẽ nằm ở tính thời điểm. Công thức chung của nhiều phim rom-com đình đám ra mắt đầu những năm 2000 là giới thiệu nữ chính mang hình tượng con ngoan trò giỏi, sau đó nàng gặp một chàng trai, rồi nửa phim còn lại cả cuộc đời nàng xoay quanh câu chuyện tình yêu đầy mùi mẫn. Người ta đá bay chả đoái hoài gì về con đường học hành và hay sự nghiệp của nàng, kể từ lúc nàng gặp được tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Chỉ có Elle Woods, dù không rời mắt được khỏi mấy cậu trai body sáu múi nhưng vẫn ở thư viện ôn thi LSAT (Kỳ thi tuyển sinh của trường Luật), dù đi làm tóc vẫn đọc sách ôn bài, dù lên đồ gợi cảm đi tiệc “hóa trang” nhưng vẫn mua laptop về làm bài tập. 
Chương đầu tiên của Càng kỷ luật Càng tự do cũng đã dành riêng một câu chuyện mang tên Những lời khích lệ không được thực hiện bằng hành động cụ thể đều là trò bịp bợm để nhấn mạnh về việc phải bắt tay vào hành động thực sự nếu muốn đạt được mục tiêu. Tác giả Ca Tây viết:
“Viết một đoạn khích lệ bản thân mình rất dễ, chỉ vì để hoàn thành nhiệm vụ mà tùy tiện đăng tải một vài hình ảnh hay icon rất dễ, dựa vào nhiệt huyết nhất thời để lên kế hoạch cho mười năm cũng rất dễ, nhưng thực sự đi đến hành động đồng thời từ đó học những khả năng cụ thể lại là điều không hề dễ dàng chút nào. Cho dù lên kế hoạch hay “tự khích lệ”, “cổ vũ ý chí” cho bản thân thì tất cả những nghi thức đó đều mới chỉ là bắt đầu. Bạn đừng bao giờ cảm thấy hoàn thành nghi thức thì sứ mệnh của bạn cũng đã hoàn thành. Thực hiện nghi thức là để cho người khác nhìn thấy, có học được nội dung hay không chỉ có bản thân bạn mới biết.”
Phân cảnh kinh điển nhất của Legally Blonde là lần đầu Elle và người yêu cũ gặp nhau tại Harvard.
(Tạm dịch: Em thi đỗ Trường Luật Harvard ư? - Thì sao? Làm như nó khó lắm ấy?)
(Tạm dịch: Em thi đỗ Trường Luật Harvard ư? - Thì sao? Làm như nó khó lắm ấy?)
Câu thoại “Like it’s hard?” vừa thể hiện thành tựu của bản thân, vừa chứng tỏ cho người yêu cũ thấy là anh ta đã phạm phải sai lầm lớn khi chia tay với mình - là một nghi thức của Elle. Đây là cái mục đích phù phiếm ban đầu cho sự nỗ lực mà cô ấy muốn để người khác nhìn thấy. Tuy nhiên, Elle cũng đồng thời gặt hái được nội dung và kiến thức thực sự cho chính bản thân mình. Sự glow-up lớn về mặt tư duy và nội tâm trong suốt hành trình theo học tại Harvard là bảo chứng cho câu nói phù phiếm đó của Elle: Muốn kiểm chứng xem lời hứa hẹn ban đầu của bạn là lời truyền cảm hứng hay trò bịp người, phải chờ xem đến cuối cùng bạn có thực sự thành công và đạt được mục tiêu mình muốn hay không.

QUY TẮC TRÒ CHƠI CỦA NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH, BẠN LÀM ĐƯỢC MẤY ĐIỀU?

Mình tin là sự tự nhận thức về tầm quan trọng của tính kỷ luật sẽ ngày càng rõ hơn khi bạn đến độ tuổi đi làm, cần tự quản lý cuộc đời mình. Vì càng lớn tuổi, tính kỷ luật sẽ không chỉ dừng lại ở việc trau dồi, học tập, mà nó còn liên quan rất nhiều đến việc quản lý lối sống, cải thiện sức khỏe, chăm sóc tinh thần. Nói đến đây, có một trích dẫn trong Càng kỷ luật Càng tự do khắc họa rất rõ đời sống của một người trưởng thành:
“Cùng với sự tăng lên của tuổi tác, bạn ngày càng trở nên tính toán so đo, mất hết cảm giác. Bạn nổi cáu khó chịu chỉ vì một việc hết sức nhỏ bé, bạn thấp thỏm lo âu chỉ vì mấy đồng tiền, không ngừng tranh luận cãi cọ với người thân trong gia đình, quan hệ với bạn bè, hàng xóm láng giềng đều không tốt. Vậy thì trong một thời gian rất dài bạn đã phải trải qua những mối quan hệ xã hội không thuận lợi. Tất cả mọi nỗ lực của chúng ta đều là để hy vọng chúng ta có thể dần bước trên con đường đời tốt đẹp hơn. Cho nên ngẫu nhiên nhiên bắt gặp những khuyết điểm của bản thân trong quá khứ đồng thời suy nghĩ xem làm thế nào mới có thể giữ được sự ung dung của bản thân là một việc vô cùng quan trọng.”
Nói ngắn gọn lại, luận điểm ở đây là bạn cần có tính kỷ luật trong cả đời sống cá nhân chứ, chứ không dừng lại ở con đường sự nghiệp, học vấn. Vì mọi khía cạnh trong đời sống đều được duy trì bởi thói quen và sự nỗ lực. 
Để hiểu rõ hậu quả của việc chăm chút cho sự nghiệp và thành tựu xã hội mà bỏ bê đời sống cá nhân, mời bạn xem The Devil Wears Prada (2006) (trong trường hợp bạn vẫn chưa xem bộ phim iconic này). 
Vai diễn để đời của Meryl Streep và Anne Hathaway trong The Devil Wears Prada
Vai diễn để đời của Meryl Streep và Anne Hathaway trong The Devil Wears Prada
Phim kể về Andrea Sachs, một cây bút tài năng vừa tốt nghiệp đại học được nhận vị trí công việc “hàng triệu cô gái khao khát” - trợ lý cá nhân cho tổng biên tập viên của thời báo thời trang nổi tiếng hàng đầu Miranda Priestly. Trong quá trình làm việc, Andrea từ một cô gái mọt sách chẳng hề quan tâm gì đến thế giới thời trang đã trở thành một trợ lý toàn năng, không chỉ linh hoạt xử lý công việc mà còn ngày càng thay đổi bản thân để trở nên phù hợp với những bộ cánh hàng hiệu hợp thời nhất. Tuy nhiên, cùng lúc đó, mối quan hệ của cô với bạn bè và người yêu lâu năm ngày càng trở nên xa cách. Lúc này, nhân vật Nigel trong phim lúc này đã nói, 
(Tạm dịch: "Khi mà cuộc sống cá nhân của cô trở nên tanh bành, thì đó là lúc thăng chức rồi đó.")
(Tạm dịch: "Khi mà cuộc sống cá nhân của cô trở nên tanh bành, thì đó là lúc thăng chức rồi đó.")
Khi bạn từ chối tách bạch đời tư và công việc, rất có thể bạn sẽ thành công, nhưng rồi cũng khổ sở như Miranda Priestly. Bà có danh tiếng, tiền bạc, địa vị và thậm chí là cả một di sản để cả giới thời trang cúi mình noi theo, nhưng hôn nhân của bà bung bét, bà không có bạn bè vì bà coi mọi người đều là quân tốt trên bàn cờ do làm chủ. Như Ca Tây mượn một trích dẫn của Trương Ái Linh để mô tả những người tham vọng: “Sau khi bước sang tuổi trung niên, đàn ông thường cảm thấy cô đơn, bởi vì đưa mắt nhìn xung quanh đều là những người cần dựa dẫm vào mình, mà chẳng có ai để mình dựa dẫm cả.”
Nhưng cũng có người giống như Andrea. Khi Miranda chia sẻ rằng bà nhìn thấy hình bóng của mình trong Andrea, cô từ chối sống một cuộc đời như vậy. Cái cô lựa chọn là anh người yêu đã đồng hành bên mình qua nhiều năm qua, một công việc ổn định hơn ở một tòa soạn báo. Kỷ luật ở đây thế hiện qua những nguyên tắc trong đời sống, khi bạn biết điều gì là quan trọng thực sự và dáng để bạn bỏ công sức ra nỗ lực mỗi ngày. 

AI MÀ KHÔNG PHẢI VỪA CẬT LỰC KIẾM TIỀN, VỪA KHAO KHÁT HƠI ẤM CỦA TRẦN THẾ MỘT CÁCH MÃNH LIỆT CHỨ

Đây là tên một phần trong cuốn sách Càng kỷ luật Càng tự do, và mình nghĩ bộ phim duy nhất xứng tầm với câu nói chỉ có thể là The Pursuit Of Happyness (2006).
Bộ phim với sự tham gia diễn xuất của cha con Will Smith &  Jaden Smith
Bộ phim với sự tham gia diễn xuất của cha con Will Smith & Jaden Smith
Bộ phim được dựa trên cuốn hồi ký của Chris Gardner, kể về gần một năm anh chật vật đấu tranh để có một công việc, thoát khỏi tình trạng vô gia cư và có một mái ấm cho con trai nhỏ 5 tuổi của mình. The Pursuit Of Happyness là một bộ phim kinh điển đại diện cho máu và nước mắt của những người lao động trong cuộc sống hiện đại, để từ đó đề cao giá trị của sức mạnh nội tại, lòng quyết tâm, và quan trọng nhất, ý nghĩa của mọi nỗ lực khổ đau mà ta đã ép mình phải thực hiện.
Chris và con trai từng ngủ lang tại nhà vệ sinh của ga tàu điện ngầm với 30 đô la trong túi. Anh từng đánh mất cái máy quét mật độ xương - thứ cần câu kiếm tiền duy nhất ở thời điểm đó - nên phải xếp hàng dài dằng dặc mỗi ngày chỉ để có một chỗ nghỉ tá túc qua đêm. Anh từng bán máu để có tiền trang trải cuộc sống và có tiền chữa cái máy quét xương đó. Anh đã nỗ lực, anh không hề bỏ cuộc, anh đã sống đúng với nguyên tắc của mình, và đã kỷ luật. Để có được công việc môi giới chứng khoán, Chris đã thực sự kỷ luật trong cái cách anh ấy hoàn thành công việc và cả trong mối quan hệ với cấp trên (Dù chỉ còn 30 đô la trong ví, anh ấy vẫn đưa cho cấp trên 5 đô để ông ta trả tiền taxi khi quên ví. Chris không bao giờ để lộ hoàn cảnh khốn cùng của mình trước mặt những người ở công ty). Khoảnh khắc anh nhận ra mình đã đạt được mục tiêu và cuộc đời mình sẽ thay đổi mãi mãi, Chris đã nói:
(Tạm dịch: Phần này của cuộc đời tôi, chính cái giây phút này đây, được gọi là "Hạnh phúc")
(Tạm dịch: Phần này của cuộc đời tôi, chính cái giây phút này đây, được gọi là "Hạnh phúc")
“Chúng ta có quá nhiều khát khao.” Tác giả Ca Tây viết.  “Chúng ta cũng có những theo đuổi không sao buông bỏ được. Trước khi con đi học cần phải đổi được nhà lớn hơn. Trước khi bố mẹ già đi cần tiết kiệm đủ tiền. Trong ba năm buộc phải thăng chức tăng lương, trong vòng năm năm tự mình lập nghiệp. Thứ gì khan hiếm thì mới đáng quý, cuộc sống cũng giống như vậy. Bởi vì thiếu thốn tình yêu nên cảm giác an toàn là điều ta mưu cầu trong đời. Bởi vì nghèo khó nên tiền mới là ước mơ.Lựa chọn cái ấm áp nơi trần thế này chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nếu như quyết định dù phong ba bão táp thế nào vẫn không chùn bước, thì hãy nói với bản thân mình, cố gắng tiến lên phía trước là để có cuộc sống tốt đẹp hơn, thỉnh thoảng tuyệt vọng là để tự cân bằng mình, có cay đắng có ngọt ngào mới là một cuộc sống bình thường.”
Kỷ luật là kỹ năng. Nhưng thứ giúp ta đi được đường dài là động lực - vốn là một điều vô cùng cảm tính. Hy vọng rằng mọi quy tắc và nỗ lực bạn đặt ra không chỉ hiệu quả giúp bạn đạt được mục tiêu lý trí, mà còn là một phương tiện giúp bạn cảm thấy thỏa mãn và trọn vẹn về mặt tinh thần.
Vì sau cùng, tất cả những quá trình chúng ta cố gắng trong cuộc đời này, đều là những hành trình mưu cầu hạnh phúc.

LỜI KẾT

Một người từng nói với mình về ý nghĩa của những cuốn sách như sau: Đọc sách nhiều khi chỉ là để giải tỏa cảm xúc. Những kiến thức sách vở nói, ví dụ như kỷ luật thay đổi cuộc đời, phải biết xây dựng thói quen… thực tế ai cũng ngầm biết rồi. Vấn đề là do hoàn cảnh, môi trường, hoặc do bản tính lười nhác, nên họ chỉ luôn dừng ở việc nghĩ về nó, chuyện ngày ngày nỗ lực vẫn chỉ là chuyện trong mơ. 
Những lúc như thế này, mình nghĩ là sách tản văn dạng câu chuyện sẽ có tác dụng vẽ cho họ viễn cảnh rõ ràng hơn về một cuộc đời tốt hơn, cho họ một chút động lực gián tiếp để cố gắng.
Điều suy cho cùng, tạo nên thành công của một con người là kỷ luật. Nhưng điều tạo nên bản chất con người, lại là cảm xúc. Dẫu biết rằng sự nghiêm khắc và tính toán là một trong những điều cần thiết nhất để có một cuộc sống đáng tự hào, nhưng điều đó không có nghĩa là ta bỏ qua mọi khía cạnh mềm mại liên quan đến tinh thần. Trong trường hợp này, Càng kỷ luật Càng tự do có thể nhắc cho bạn biết là sự mềm mại và linh hoạt trong tính kỷ luật cũng vô cùng quan trọng.
Nói tóm lại, Càng kỷ luật càng tự do không phải là sách hay nhất về kỷ luật, càng không phải cuốn sách hiệu quả hay hữu ích nhất. Nhưng có lẽ nó sẽ là một cuốn sách thích hợp và cần có với những người cảm tính, cần một sự động viên chứ không phải là một lời răn dạy khi đang lạc lối giữa cuộc đời.
Quỳnh