[Tóm tắt Sách] Tâm lý học hành vi - Khương Nguy
Tâm lý con người gói gọn trong một quá trình: “Kích thích và Phản ứng”
John B. Watson, người được xem là cha đẻ của Tâm lý học hành vi đã từng phát biểu: “Hãy trao cho tôi những đứa trẻ sơ sinh khoẻ mạnh và để tôi nuôi dưỡng chúng trong thế giới của riêng tôi, tôi đảm bảo với bất cứ đứa trẻ ngẫu nhiên nào, tôi đều có thể huấn luyện đứa bé đó trở thành bất kỳ kiểu chuyên gia nào mà tôi muốn - bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ - bất kể tài năng, thiên hướng, khuynh hướng, khả năng, chủng tộc của tổ tiên đứa bé đó.”
Bạn có tin vào điều này không?
Và dựa vào đâu John B. Watson tự tin có thể hiện thực hóa điều này?
1- Tâm lý học hành vi là gì?
Chúng ta hãy hình dung Tâm lý học hiện đại là một bức tranh được tạo thành từ nhiều mảnh ghép như Triết học, Thuyết tiến hóa, Khoa học thần kinh cùng với đa dạng các Trường phái và Học thuyết Tâm lý khác nhau. Trong đó, Tâm lý học hành vi với đại diện nhà sáng lập là John B. Watson, là một trong những trường phái nổi bật và có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt trong những năm 1920 – 1960, chấm dứt giai đoạn trước đó Tâm lý học bị hiểu nhầm là một bộ môn Thần học, đầy tính tâm linh và siêu nhiên. Thay vào đó, “hành vi” trở thành chủ thể được nghiên cứu một cách khoa học và khách quan trong phòng thí nghiệm nhằm tìm ra các quy luật giải mã tâm lý con người.
Tác giả quyển sách “Tâm lý học hành vi”, Khương Nguy – một trong những nhà Tâm lý học hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc đã chọn lọc các luận điểm chính, tổng quát nhất của học thuyết này để truyền đạt lại theo hướng ứng dụng, qua đó mong muốn có thể giúp độc giả của mình hiểu được bản chất và đối mặt được với các vấn đề tâm lý cá nhân. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quyển sách này.
2- Ba loại hành vi cơ bản của con người:
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, tương tác giữa con người và môi trường xung quanh là vô số kể, tuy nhiên có thể cơ bản chia hành vi con người ra thành 3 nhóm:
(1) Phản xạ không điều kiện, là những hành vi bản năng bẩm sinh của con người, như việc mắt bạn sẽ nheo lại khi gặp một luồng ánh sáng mạnh, hay khi chạm tay vào vật nóng bạn sẽ bất giác rút lại ngay lập tức.
(2) Phản xạ có điều kiện, là những hành vi được hình thành trên cơ sở phản xạ không điều kiện, chúng ta học được trong quá trình tiếp xúc với môi trường. Chẳng hạn như khi lưu thông trên đường, gặp đèn đỏ thì bạn dừng lại, gặp đèn xanh thì tiếp tục đi; hay khi trời lạnh thì biết cần mặc áo ấm.
(3) Điều kiện hóa phản ứng, là những hành vi bạn học được khi đối diện với một thử thách, bạn sẽ thử và sai cho đến khi có kết quả như mong đợi. Lần sau khi đối mặt với tình huống tương tự, bạn sẽ dễ dàng đưa ra phản ứng tối ưu nhất vì bạn đã tìm được con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề, đồng thời biến con đường đó thành phản xạ có điều kiện ổn định dần theo thời gian. Ví dụ như một em học sinh giải một bài toán khó, ban đầu em loay hoay, thử nhiều công thức khác nhau cho đến khi ra đáp án, lần sau gặp một bài toán dạng tương tự, em sẽ giải nhanh hơn do đã biết cách làm.
Phần lớn để nhận định tổng thể cuộc đời một người là thành công hay thất bại, hạnh phúc hay đau khổ đều dựa trên tập hợp chuỗi phản xạ có điều kiện của người đó mà ra. Đó là cung đường con người học tập thông qua kích thích của môi trường và việc cơ thể phản ứng lại với kích thích đó. Kích thích và phản ứng lại là những cái mà chúng ta có thể kiểm soát được. Vậy có lẽ đến đây bạn đã có đáp án về việc cuộc đời mình sẽ nằm trong tay những điều huyền bí như vận mệnh hay trong chính bản thân bạn.
3- Muốn thay đổi hành vi, hãy thay đổi kích thích:
John B. Watson đã tiến hành một cuộc thực nghiệm với đề tài “Làm sao để đánh thức người mẹ đang say ngủ”, một người phụ nữ đang ngủ trưa không bị đánh thức bởi tiếng chó sủa ầm ĩ nhưng lại choàng tỉnh giấc khi nghe tiếng khóc của con mình là một bé sơ sinh. Có thể nói đơn giản, tiếng khóc của bé sơ sinh là kích thích phù hợp để thúc đẩy phản ứng hành vi của người mẹ.
Một tình huống ứng dụng khác chúng ta dễ bắt gặp trong doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đầu tư vào các chế độ mang tính khích lệ như khen thưởng, cải thiện môi trường làm việc, mở rộng không gian nghỉ ngơi không nhằm mục đích nào khác ngoài việc mong muốn khơi gợi sự làm việc hăng say của nhân viên để từ đó mang lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp. Bằng chứng cho thấy các nhà tuyển dụng đã rất thành công với tư duy này, quy mô tập đoàn càng lớn thì chính sách đãi ngộ càng tốt để thu hút nhân tài.
Vậy để áp dụng trong đời sống, bạn phải hiểu rõ động lực của đối phương là gì để có thể đưa ra những kích thích phù hợp nhằm đạt được phản ứng mình mong đợi. Nếu bạn thường xuyên trách bạn trai mình vì không đủ quan tâm và yêu thương bạn nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Hãy chiêm nghiệm lại, bạn đã đưa ra kích thích đúng hay chưa so với hành vi được kỳ vọng là sự quan tâm? Trách móc người khác chưa bao giờ là một kích thích đúng cả.
4- Cuộc đời tốt đẹp là cuộc đời tập hợp những thói quen tốt:
Nếu ở phần trước tôi đã nói nhiều về các kích thích đúng dành cho những mối quan tâm bên ngoài, phần tiếp theo này tôi muốn nói về các kích thích đúng dành riêng cho bản thân bạn.
Rất nhiều lần bạn đặt ra các mục tiêu cá nhân như: “Tôi sẽ giảm cân thành công”, “Tôi sẽ không thức khuya để lướt mạng xã hội nữa”, nhưng chưa bao giờ bạn thật sự có được kết quả như mong đợi. Cần hiểu rằng, thói quen xấu của bạn đã được hình thành từ rất lâu trước đó, để can thiệp chúng ta cần thúc đẩy việc hình thành một thói quen mới tốt hơn, trong một môi trường kích thích mới.
Đừng giảm cân bằng những cách cực đoan về phía bản thân mình như nhịn ăn, uống thuốc giảm cân cấp tốc nữa!
Hãy thử thay đổi môi trường kích thích bằng cách tránh xa các thông tin quảng cáo về những ly trà sữa “hấp dẫn”, bắt đầu tìm đọc những câu chuyện truyền cảm hứng, gia nhập những hội nhóm cùng nhau giảm cân lành mạnh, tích trữ nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo trong tủ lạnh thay cho thức ăn nhanh. Như vậy là bạn đã thay đổi được hệ một hệ sinh thái kích thích từ phía môi trường rồi đó. Hành vi của bạn chắc chắn ít nhiều sẽ thay đổi theo.
Điều cần lưu ý, thói quen không được hình thành một lần và tồn tại vĩnh viễn mà sẽ suy giảm và mất đi nếu không còn kích thích phù hợp. Việc thiết lập những thói quen tốt cần kiên trì, trong khi những thói quen xấu lại rất dễ có được. Không một thói quen lành mạnh nào có thể được tự động duy trì bởi một người lười biếng. Hiểu được lý thuyết của Tâm lý học hành vi, bạn sẽ có thể bắt tay vào để thiết kế cho mình một cuộc sống thịnh vượng hơn.
5- Chữa lành tổn thương với Tâm lý học hành vi:
Như đã biết, cách tốt nhất để thay đổi hành vi là thay đổi nguồn kích thích. Nhưng sẽ thế nào nếu trong một số trường hợp bất khả kháng bạn không thể thay đổi môi trường hiện tại? Ví dụ như bạn đang phải chịu đựng sự tiêu cực từ chính gia đình mình, nhưng hiện không đủ khả năng tài chính để dọn ra sống riêng; hoặc từ người sếp trực tiếp của bạn nhưng đó là công việc duy nhất bạn có và bạn đã cạn tiền dự trữ để có thể quyết định nghỉ việc. Liệu có cách nào có thể chữa lành tổn thương trong các môi trường phức tạp mang nhiều tính nhiễu động như vậy hay không?
Đáp án là hoàn toàn có thể, dựa trên nguyên lý kích thích thay thế được, phản ứng cũng thế. Chúng ta không thể lựa chọn tình huống, nhưng chúng ta có thể lựa chọn thay đổi phản ứng cảm xúc và hành vi trước tình huống đó.
(1) Nâng dung lượng trái tim, tăng khả năng chịu đựng căng thẳng bằng cách rèn luyện cho mình sự rắn rỏi thông qua điều kiện hóa phản ứng, nghĩa là khi đối mặt với tình huống gây căng thẳng, bạn hãy tìm cách xử lý và vượt qua nó, lần sau khi thử thách tương tự xuất hiện thì mức độ dung nạp căng thẳng của bạn đã được cải thiện hơn, khả năng xử lý cũng nhanh chóng hơn, từ đó thái độ của bạn đối với vấn đề cũng không còn gây gắt.
(2) Nhìn nhận lại tình huống gây tổn thương, không tránh né, từng bước tiếp cận vấn đề và tái đánh giá nhận thức và hành vi nhằm mục đích giảm nhẹ vấn đề và lý tưởng hơn là làm vấn đề không còn là vấn đề nữa [Tham khảo thêm ở mục 6].
6- Giải phóng bản thân khỏi cảm xúc:
Theo tâm lý học hành vi, cảm xúc không phải là một điều trừu tượng, phản ứng cảm xúc cũng giống như phản ứng hành vi theo thói quen đã được giải thích ở các phần trước. Trẻ em khi vừa sinh ra sẽ có 3 nền cảm xúc cơ bản là sợ hãi, tức giận, yêu thương. Sự phức tạp hóa của các cảm xúc này cùng với vô vàn các cảm xúc khác cũng chỉ là phản xạ có điều kiện, được học trong quá trình tiếp xúc với môi trường.
Một thí nghiệm nổi tiếng của John B. Watson đã cho thấy, một đứa trẻ ban đầu không sợ chuột, nhưng khi bé vừa chạm vào loài động vật này thì ông cho một tiếng động lớn vang lên làm bé sợ hãi, từ đó bé trở nên sợ hãi với chuột dù rằng khi đó không còn tiếng chuông lớn nào vang lên nữa. Thậm chí sau đó bé còn chuyển dịch cảm xúc sợ hãi của mình sang tất cả các loài động vật lông mềm khác chứ không chỉ riêng chuột.
Vậy nếu ta chậm lại một chút, bình tĩnh và khách quan để phân hóa các phản ứng cảm xúc mang tính điều kiện này, không dễ dàng bị lung lạc ý chí bởi những tác động bên ngoài thì sẽ có thể loại bỏ được các nỗi sợ do môi trường tạo ra. Nhận định này của John B. Watson cũng là tiền đề cho sự phát triển của CBT (Liệu pháp trị liệu nhận thức – hành vi) rất nổi tiếng trong Tâm lý học hiện đại.
Có thể ngẫm nghĩ một chút, một cô gái vì sao lại sợ hãi việc kết hôn dù sâu thẳm trong lòng luôn muốn có một gia đình trọn vẹn? Lý giải dựa trên Thuyết hành vi, chúng ta có thể hiểu trước đây cô gái ấy đã gặp một kích thích đủ lớn dẫn đến việc thay đổi phản ứng cảm xúc và hành vi. Một giả thuyết rằng cô gái đã được sinh ra trong một gia đình có bố không yêu thương mẹ, đánh đập mẹ. Từ việc sợ hãi khi thấy bố bạo hành mẹ, cô đã chuyển dịch nỗi sợ của mình sang một cái lớn hơn, là hôn nhân. Để giải thoát được mình khỏi nỗi sợ vô hình này, cô gái cần làm rõ được điều làm cô sợ hãi là việc cha bạo hành mẹ, còn hôn nhân không phải là điều đáng sợ.
7- Đừng ngại thử và sai:
Theo Tâm lý học hành vi, nhân cách là tập hợp chuỗi các hành vi ổn định của một người trong thời gian dài. Bản thân mỗi chúng ta là tổng hòa của những nhân cách tốt và cả chưa tốt, tất cả những điều này đã được kích thích và tạo lập hơn mấy mươi năm, từ lúc sinh ra đến nay, nên kết quả của sự thay đổi tích cực cũng không thể đến vội vàng. Việc tốt nhất chúng ta có thể làm là luôn sống tịnh thức, biết tự đánh giá, chấp nhận những điểm thiếu sót của bản thân, luôn nhìn mọi thứ với một tâm hồn rộng mở, từ đó thiết kế cho mình một cuộc đời mới bình an và hạnh phúc hơn.
Trên con đường này bạn sẽ phải trải qua rất nhiều lần thử và sai, điều đó sẽ không làm bạn nản lòng mà sẽ giúp bạn rắn rỏi hơn, rèn luyện khả năng tự chống đỡ khi phải đối mặt với các tình huống khó khăn. Những người không có tinh thần dám thử - dám sai sẽ rất lóng ngóng và hoang mang khi hoàn cảnh trở nên không thuận lợi.
Thử nghiệm bằng nhiều cách khác nhau đến khi đạt được kết quả mong muốn là phương pháp tiếp cận chính xác nhất. Với những ai đang tích cực đi tìm câu trả lời cho các vấn đề của mình, những người luôn khao khát tự điều chỉnh và hoàn thiện bản thân, bạn hãy luôn kiên nhẫn, vì bạn đã và đang trên hành trình của sự chữa lành rồi.
8- Kết – Quyển sách này dành cho những ai?
Theo tôi, người thực hiện nội dung tóm tắt sách này, đây là một quyển sách có độ khó trung bình. Sách không thuộc dòng self-help đưa ra lời khuyên trực tiếp mà tập trung vào việc phân tích nguyên lý và đòi hỏi người đọc cần tự lực đào sâu tìm hiểu vấn đề, sách cũng không phù hợp với các bạn đã có chuyên môn cao trong ngành Tâm lý, mà sẽ phù hợp nhất với nhóm độc giả đang ở bước đầu của chặng đường đam mê tìm hiểu về Tâm lý học đúng như một bộ môn khoa học. Hi vọng phần tóm tắt bên trên đã có ích với bạn!
Người thực hiện: Chloe Châu
Thông tin được biên soạn chọn lọc từ quyển sách “Tâm lý học hành vi” – Tác giả: Khương Nguy cùng một số kiến thức và quan điểm riêng của người thực hiện.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất