Xuất phát điểm là một thằng sinh viên bình thường chuyên về Tiếng Anh, nghe có vẻ thì cũng có gì tây tây và oách đấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thật là đáng lo ngại cho cái tương lai bấp bênh với vốn tiếng Anh ít ỏi này. Sự lo lắng cho vận mệnh của bản thân cộng thêm một tí sự ham thích khám phá, học hỏi và thử thách bản thân những điều mới mẻ, mình cảm thấy việc tìm tòi và phát triển thêm nhiều kĩ năng để sau này không trở thành một nhân vật chủ chốt của hội những kẻ vô dụng trong cái xã hội khắc nghiệt này.
 Việc học hỏi nhiều kĩ năng có lẽ là điều thiết yếu đối với mình mà thôi, nếu so sánh bản thân mình với những đối tượng cạnh tranh trong thị trường lao động đến từ quốc gia khác thì sao? chẳng phải trong mắt họ mình là một thằng nhóc mới tập toẹ được một ít tiếng Anh (thứ mà họ xem là điều hiển nhiên phải có) và là một kẻ vô công rồi nghề với vốn liếng là con số 0 khi nhắc đến các kĩ năng khác.
Như vậy thì chẳng phải việc mình bị đá ra khỏi thị trường lao động với xu hướng quốc tế hoá để trở thành thành viên của tầng lớp vô dụng trong xã hội là điều ngay trước mắt rồi sao. Nếu không mộng lớn mà chỉ biết an phận trong cái ao làng nhỏ bé, trở thành một thầy giáo bình thường 7h sách cặp đến lớp, 5h lái xe về và ngày ngày quen với công việc gõ đầu lũ trẻ thì biết dùng Tiếng Anh có lẽ sẽ tạm chấp nhận được. Ơ mà khoan, thế nếu như trường nơi mình dạy tìm được giáo viên người bản địa để đứng lớp thì không phải là ngay cả chén cơm, "à chỉ là chén cháo trắng" cũng bị người khác đá mất à. Đương nhiên thì tuổi trẻ nhiệt huyết cộng với thân trai 12 bến nước thế này mà không chuẩn bị cho tương lai thì không đáng mặt đấng mày râu tí nào rồi.
Như mình đã từng có một bài viết về lợi ích của việc thông thạo nhiều kỹ năng "Biết càng nhiều... càng tốt", việc liên tục học hỏi và nâng cấp bản thân là vô cùng quan trọng, tuy nhiên phải bắt đầu như thế nào và duy trì ra làm sao thì hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn cùng biết nhé.
Thực sự mà nói thì để bạn tìm xem bạn cần học thêm điều gì để tốt cho tương lai thôi cũng đã là việc khó nhằn rồi. May mắn thay mình có một vài cơ hội va chạm thực tế và qua chút ít vốn liếng siêng năng đọc báo thì mình cũng nhận ra được mình cần những gì để không trở nên vô dụng trong tương lai.
Trước đây mình vốn là kẻ luôn thích tọc mạch và tìm tòi về những cái mới, những khái niệm mà mình chưa hiểu lắm khi nghe qua. Cảm giác thật khó chịu khi không thể tự mình giải đáp các câu hỏi xung quanh thôi thúc mình phải tìm đến chị Google để tìm cho ra lẽ. Rốt cuộc những điều ban đầu mình làm đơn giản cũng chỉ là thoả mãn được cái trí tò mò của bản thân mà thôi, không giúp ích được nhiều cho lắm.
Cho đến khi đầu năm nay, mình mới nhận ra rằng: hoá ra tự mình có thể giải quyết mọi vấn đề nó mới ngầu và thú vị như thế nào. Chỉ khi mình bắt đầu tự phát triển cho riêng mình một doanh nghiệp, đây là lúc mình gặp biết bao nhiêu điều cần phải học hỏi và cũng là lúc mình thực sự bắt đầu học rất nhiều thứ từ con số 0.
Mọi doanh nghiệp đều bắt đầu bằng ý tưởng kinh doanh, và mình cũng không phải ngoại lệ. Liệu rằng đây chỉ là hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ hay bạn có tham vọng biến nó thành một thương hiệu sống thực sự cũng yêu cầu sự hiểu biết khác nhau hoàn toàn. Bởi vì là doanh nghiệp tự mở, mình không có nhiều vốn để có thể đầu tư vào việc nhờ sự giúp đỡ của bên thứ 3 để phát triển doanh nghiệp của mình, thay vào đó tự mình giải quyết vấn đề của bản thân là cách tốt nhất để mình giải quyết bài toán tài chính đó.
Kinh doanh điện tử thì cần tới các nền tảng xã hội và internet. Cứ va phải điều gì là mình phải mày mò về điều đó, bắt đầu bằng việc học cách tạo và xây dựng một website để kinh doanh, sau đó phải học cách marketing như thế nào cho hiệu quả, và nó lại liên quan đến mặt media khi bạn phải tự quay và tạo nội dung cho chính sản phẩm của mình. Lại đến với photoshop để làm việc với sản phẩm, SEO để tối ưu thứ hạng tìm kiếm và hàng tỷ tỷ thứ khác từ việc truy tìm nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm,... mà mình cần phải hiểu được nếu muốn tồn tại trong việc kinh doanh này.
Sau nửa năm trầy da, tróc vẩy, lăn lộn từ kĩ năng này sang kĩ năng khác, dù không đạt đến trình độ chuyên nghiệp nhưng để có thể hiểu và tự support cho doanh nghiệp của mình thì đó không còn là vấn đề nan giải nữa. Và mình thu được gì, đó là một phiên bản mới hơn và đa năng hơn so với chính mình trước đây. 
Dài dòng như thế đủ rồi, vậy tự học như thế nào cho nhanh chóng (theo ý kiến của mình nhé) để vừa tiết kiệm thời gian và không mất đi động lực? Sau đây là vài chia sẻ nhỏ bé của mình.

1. NGUỒN TÀI LIỆU.
Quá trình nắm được các khái niệm sơ khai về một lĩnh vực mới (nếu bạn thực sự chú tâm nghiên cứu) theo mình không mất quá nhiều thời gian đâu. Nguồn tài liệu lúc nào cũng sẵn có trên internet và rất nhiều người có trình độ cao sẵn sàng chia sẻ trong các hội nhóm trên mạng xã hội cũng như rất nhiều video liên quan trên youtube. Từ ngày đó, không biết là bao cái hội nhóm mình đặt chân vào. Với quan điểm chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau cho những người có cùng chí hướng, mình biết được nhiều điều rất hay về lĩnh vực mình đang tìm hiểu.
Tuy nhiên nguồn tài liệu mình ưa thích sẽ vẫn luôn là sách giấy nhé. Không phải lĩnh vực nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm đọc được tại các nhà sách. Tuy nhiên, tất cả các nhà sách đều sẽ có chuyên mục sách về kinh tế và quản lý doanh nghiệp. Đây là những trang quan trọng đầu tiên trên con đường học hỏi mọi thứ của bạn. Việc tiếp cận sách giấy cũng mang lại cảm giác học hỏi cao hơn và giúp bản thân duy trì động lực tốt hơn nhiều so với tìm kiếm tài liệu online. Có những quyển sách vô cùng hay giúp người đọc định hình tư duy về lĩnh vực đang theo đuổi, không chỉ đơn thuần là các tài liệu khô khan các cách bắt đầu từ A đến Z trên internet.
Branding 4.0 là một quyển sách mình vô cùng thích khi tìm hiểu về việc phát triển thương hiệu trong thời đại mới (Tuy nhiên quyển này cũng vô cùng khoai, mình đọc vài lần vẫn chưa thấm hết được)

2.  THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN.
Thông thường chúng ta sẽ luôn nghĩ rằng việc học một kĩ năng mới phải luôn theo đúng quy trình, từ những cái cơ bản nhất đến những thứ nâng cao hơn. Tuy nhiên việc tiếp cận thông thường đôi khi lại khiến bạn chán nản hơn bao giờ hết, chỉ vài khái niệm đơn giản nhưng lại không có sự phối hợp với nhau rất khó để bạn có thể nắm rõ nguyên tắc của nó.
Chẳng hạn như khi đến với Photoshop, mình đã thực sự nản chí khi tìm hiểu từng tính năng của từng công cụ trong đó. Có xem đi xem lại mình vẫn thấy sao mà mãi mình cũng không áp dụng được. Một tháng đầu dường như là vô nghĩa khi mình không học được gì nhiều. Bởi vì việc học những điều đơn giản là vô cùng nhàm chán, không có gì chuyển biến nhiều và không áp dụng được ngay làm cho khả năng học hỏi giảm đi khá nhiều.
Mình đã thay đổi cách tiếp cận xem sao, thay vì xem các video hướng dẫn căn bản, mình tìm hiểu xem các chuyên gia chỉnh sửa các bức ảnh cầu kì hơn như thế nào, các video hiệu ứng đặc biệt như glow, blend hay chỉnh sửa vui. Trong quá trình chỉnh sửa đó, các thao tác căn bản như chọn vật thể hay xoá vật thể cũng bao gồm, học bằng cách này khiến mình nhanh hiểu vấn đề hơn bao giờ hết. À hoá ra foreground hay background cũng có công dụng của nó, brush dùng như thế này sẽ hay hơn và vâng vâng. Từ quá trình mình học các chi tiết, thay vì đi từ các chi tiết đến việc tạo nên các quá trình.

3. THỰC CHIẾN NHANH CHÓNG.

Học đi đôi với hành quả là đúng mà, thế nhưng khi nào thì nên hành thì chưa ai bảo cả. Theo mình hành động càng nhanh càng tốt, chỉ qua việc thực nghiệm các kiến thức và va chạm với các khó khăn trong công việc, mình mới biết sự thiếu sót đang nằm ở đâu để giải quyết nó ngay và luôn. 
Nhồi nhét kiến thức vào đầu sau đó mới đem ra thực hành chưa chắc bạn đã có thể nhớ 100% những gì mình đã học. Học thông qua thực tế, sửa ngay chỗ cần sửa mới là cách học thông minh nhất.
Điều này dường như đúng với mọi vấn đề chứ không chỉ riêng việc học hỏi, khi mình bắt đầu lên ý tưởng cho sản phẩm, mình bắt tay vào thực hành ngay dẫu vẫn chưa có nhiều ý niệm trong đầu về quá trình hình thành sản phẩm cho lắm. Xong ý tưởng thì lại đúng đến việc nguyên liệu ở đâu, thế là mình lại tìm nguồn cung, sau khi tìm xong nguồn cung rồi thế thì tên thương hiệu nhãn mác thì sao? Lại đâm đầu mà tìm kiếm câu trả lời tiếp. Thế còn việc vận chuyển và lưu kho, ai lo? như nào?. Ôi giồi ôi mình thề là gian khổ vô cùng, cứ va vấp đủ vấn đề rồi tự mình nhận ra thôi, một bài học thật bổ ích.

4. HÌNH MẪU LÀ QUAN TRỌNG.
Matt D'Avella

Đây có thể là mentor của bạn hoặc đơn giản chỉ là người bạn thần tượng trong lĩnh vực đó. Họ có thể không giúp gì cho bạn ngoài đời nhưng việc có một hình mẫu để hướng tới sẽ đem đến cho bạn rất nhiều khi bắt đầu học từ con số 0. Muốn trở thành cầu thủ giỏi mình muốn học theo Ronaldo, làm film maker chuyên nghiệp thì học theo Matt D'Avella, chẳng hạn như vậy.
Hình mẫu khiến chúng ta đi nhanh hơn và rõ ràng hơn trong phương hướng.
Hi vọng các bạn không ngại khó mà thử thách mình ở một lĩnh vực mới từ con số không, và trở thành một người tài giỏi không ngại khó trong mọi lĩnh vực. Xin cảm ơn.