MÂY, BỒNG BỀNH VÀ MỘT DẢI
nhân chút cảm hứng từ ngữ pháp học tiếng Việt, gởi tặng bạn Thỏ Ngọc và chị Mây Hồng. Mây – thứ thiên tượng bỏ bùa con người...
nhân chút cảm hứng từ ngữ pháp học tiếng Việt, gởi tặng bạn Thỏ Ngọc và chị Mây Hồng.
Mây – thứ thiên tượng bỏ bùa con người kim cổ. Nó lững lờ trôi giữa sắc xanh của trời, mặc nhiên kiêu kỳ trước con mắt tò mò của Luke Howard, ung dung ngắm chút tình gió sóng của Xuân Quỳnh. Vậy nên chẳng lạ gì khi giữa những lớp những dòng giải thuyết ngữ pháp vẫn có thấy len vào cái bóng dáng mịn màng hư vô ấy. Dẫu cho tính ẩn hiện tuỳ ý này có phần nào phù phiếm là thế, nó vẫn có tác dụng của một cơn mê khoan khoái khiến ta lạc bước theo lời thì thầm mời gọi nằm ở khoảng không giữa hai dòng chữ sau đây:
"Trên trời có một dải mây bồng bềnh."
"Trên trời, mây bồng bềnh một dải."
Ở đây có mùi vị của thơ. Cái mùi vị này là một triệu chứng của những cá thể bị chiếm hữu bởi vô vàn những mạch rễ rối bòng bong đã nảy nở từ cái ngày họ nhiễm phải hạt mầm của tiếng Việt. Giả như có một ông Tây đã tạm học một thứ tiếng Việt trộn lẫn Tây – Ta, hình như chẳng có triệu chứng nào khởi phát trong lúc ông đọc hai câu tiếng Việt giàu khả năng kích thích thẩm mỹ ấy. Mặt khác, câu sau có cảm giác siêu thoát hơn câu trước đôi phần.
Và có vẻ như trường phái ngữ pháp chức năng của tiếng Việt là người bác sĩ duy nhất cho tới hiện tại có khả năng chẩn đoán được căn nguyên của triệu chứng ấy – tuy rằng đó là một triệu chứng không mấy khó chịu, mà lại khá hay ho, đối với bất kỳ một ai thử cảm nhận lấy một lần. Bản kết quả chẩn đoán ấy sẽ được trình bày một cách khái lược sau đây.
Câu thứ nhất thuộc loại câu tồn tại - dẫn nhập (an introductory – existential sentence). Nó bắt đầu với một khung đề và theo sau đó là một phần thuyết. Khung đề chính là đôi mắt của bệnh nhân, hoạt động như ống kính chỉ chụp lấy một phần quang cảnh thế giới bên ngoài – tức. khung hình của thước phim. Thuyết, hay sở thuyết ("cái được nói ra") – dịch praedicatum của tiếng Latin – là nội dung của cảnh phim. Phần thuyết của loại câu này luôn có một vị từ (verb) thông báo sự hiện ra trước mắt người đọc/nghe của một nhân/vật hay sự tình, như: 'có', 'xuất hiện', 'hiện ra', 'rơi xuống', 'trồi lên'; đối tượng ấy có thể đã có mặt nhưng chỉ được tính là xuất hiện khi nó bất ngờ lọt vào khung cảnh. Nếu như câu ấy (nói hoặc viết) là một đoạn phim ngắn, người xem sẽ thấy ở giữa bầu trời bỗng nhiên hiện ra một dải mây bồng bềnh. Đến đây, hình như đó cũng chính là nội dung của câu thứ hai. Song vị bác sĩ bảo rằng ta hãy đi sâu vào phần thuyết, thăm khám nó thật kỹ thì mới có cơ may biết được nguyên do của hai triệu chứng có chút khác biệt về cảm giác siêu thoát này. Quả thật, lý do của việc ấy rất đơn giản: phần thuyết là nơi duy nhất có sự khác biệt, và hẳn cũng không ai phiền lòng nếu dấu phẩy chỉ nhằm mục đích là ngắt nhịp kia bị bỏ qua.
Linh cảm hồn nhiên mà tiếng Việt trao tặng cho từng kẻ ôm hạt mầm của nó, bảo rằng mây, bồng bềnh và một dải đang diễn trò ở đây. Đó là ba nhân vật của hai màn kịch nhỏ xảy ra trên cái sân khấu khung đề. Ở màn kịch thứ nhất, nhân vật một dải đang chở hai bạn diễn trên cái xuồng thuôn dài của chính mình giữa bầu trời; nhân vật mây đang ngồi yên, còn nhân vật bồng bềnh dùng gió trời chải chuốt cho chiếc xuồng. Ở màn kịch thứ hai, nhân vật bồng bềnh mượn gió để kéo chở người bạn diễn trắng mờ hư ảo, và nhân vật một dải thì giúp đem gió về cho bạn mình. Hai màn kịch ấy lần lượt có thể được hình dung qua hai loạt tranh minh hoạ sau đây.
Khi người bản ngữ của tiếng Việt nói 'mây', họ đang nói tới một phạm trù không ít mơ hồ và miên man hơn 'vui' là bao. Mặc dầu những bệnh nhân của thứ triệu chứng yêu đời ấy luôn có cảm giác rằng họ đang gọi tên một sự vật, hiện tượng sờ sờ trước mắt – hay ít nhất là có thể tưởng tượng một đường viền bao bọc lấy nó thành một thực thể độc lập, thì thứ mạch rễ ngấm ngầm nọ luôn mách bảo họ phải chọn cách nói là 'niềm vui' và 'đám mây'. Thứ mạch rễ ấy nhìn nhận 'gió', 'ghế', 'bánh', 'thuốc', 'hoa', v.v hay thậm chí là 'mèo' như những thứ vô định. Nói đúng hơn, cái vô định ấy có thể khác hẳn cái vô định của một vũ trụ vô định (tức. một thứ mà còn có một số chiều kích đo đạc vô hạn). 'Mèo' là một thứ chất lỏng, một thứ như bột bánh, một đặc trưng siêu thực, một miền hoang tưởng khó mà sờ nằm hay vạch ra biên giới dù bằng một cách hiện thực hay ẩn dụ. Thứ chất
'mèo' – hay là tính 'mèo' (cat-ity) ấy cần được viền lại trong các chiều của không - thời gian và/hoặc suy nghĩ để có thể được nhắc đến: chẳng hạn như 'con mèo'. 'Con' là trung tâm của cụm từ 'con mèo', chẳng phải là cái gì khác ngoài một bộ khung có khả năng chuyển động mà thứ chất mèo kia có thể lấp vào. Ta đếm một con, ta thấy nhiều cái con, ta nuôi một con, ta nhớ một con, v.v chứ chẳng phải ta đếm, thấy, nuôi hay nhớ tới một phạm trù 'mèo' nào đó. Chẳng qua, bởi lẽ một tính chất vốn là cái gì đó có chung ở nhiều sự vật cho nên khi nghe "nhà em có nuôi mèo", vì lý do tính thực tế của nội dung giao tiếp (hay. ý nghĩa dụng pháp) mà ta liền hiểu đó là một hay nhiều con mèo – chất 'mèo' chỉ có trong con mèo mà thôi. Song điều đó chỉ là những chỗ mà bộ mạch rễ nọ vô tình lãng quên; những lúc còn lại ta vẫn phải viền cái chất ấy lại thành 'con mèo'. Bộ rễ của tiếng Anh và tiếng Pháp có vẻ khác hẳn: nó cho phép người bản ngữ nói 'a cat' hay 'cat-s'. Nếu nói rằng 'cat' không tương đương với 'mèo' thì cũng hợp lý, bởi lẽ bên này thì có nghĩa là cả cái lon và patê, bên nọ thì chỉ có nghĩa là patê của chúa trời. Ngữ pháp học lần lượt gọi tên 'mèo' và 'con' bằng hai khái niệm danh từ khối (mass noun) và danh từ đơn vị (count noun).
Ở câu thứ nhất, chất 'mây' lấp đầy trong cái khung từ ngữ
'một dải'. Chính cái 'dải' ấy là thứ bồng bềnh, chứ không phải chất mây - hay từ ngữ 'mây', bởi vì một câu hỏi như “Mây đó là mây gì?” thường chỉ nhận được đáp án là những loại mây như “mây đen”, “mây mưa”, “mây sấm”, “mây vũ tích”, “mây ti tầng”, v.v thay vì một đáp án khôi hài là “mây bồng bềnh” – nó thuộc về nhóm đáp án của dạng câu hỏi “Mây đó là mây như thế nào?”. Vế sau của lời chẩn đoán trên đây muốn nói rằng: trong câu thứ nhất, từ ngữ
'bồng bềnh' sẽ diễn tả tính chất của từ ngữ
'mây' nếu màn kịch chỉ có hai diễn viên, như câu "Trên trời có mây bồng bềnh"; còn khi chất 'mây' đã được viền lại bởi từ ngữ
'một dải', một yếu tố không có tính phân loại như 'bồng bềnh' sẽ trỏ đến 'dải' – diễn viên có hình thức rõ ràng nhất trên sân khấu, để mà khán giả dễ đặt câu hỏi "Diễn viên ấy ra sao?" nhất. Thoạt tiên mà hỏi về nhan sắc của diễn viên thì vẫn tự nhiên hơn là thoạt tiên mà hỏi về phẩm giá của nhân vật mà diễn viên ấy thủ vai.
Ở câu thứ hai, thoạt tiên trên khung hình khán giả chỉ thấy có thứ chất 'mây' vô hình thù. Sau đó, người ta thấy một hoạt động "bồng bềnh" được thể hiện qua sự biến chuyển đặc trưng, liên tục về màu sắc và đường nét của phần chất 'mây' trong khung hình. Cách thức của sự biến chuyển ấy mỗi lúc một rõ hơn – "bồng bềnh" theo kiểu 'một dải'. 'Một dải' là diễn viên phối diễn trực tiếp với 'bồng bềnh', tới lượt 'bồng bềnh' lại trực tiếp tương tác với 'mây'. Tuy nhiên, vì cái quy luật kỳ quái gây ra bởi bộ mạch rễ tiếng Việt, 'một dải' cũng gián tiếp tương tác với 'mây'; chẳng qua ở đây 'mây' không phụ diễn cho nó, mà là ngược lại.
Tới lúc này, vị bác sĩ kia lại bảo rằng ở câu thứ hai không chỉ có thuyết và khung đề, mà còn có chủ đề. Trong hai loại đề, hay sở đề ("cái được đưa ra") – dịch subjectum của tiếng Latin – chủ đề là diễn viên chính trên cái sân khấu khung đề. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp, diễn viên ấy có tính quan trọng và chính chuyên tới mức chi phối cả dáng vẻ của những diễn viên biểu diễn sự tình (tức. việc chia động từ) ; cái đặc quyền làm chủ sân khấu và thường hay đứng ở tiền phương ấy làm cho ý nghĩa "chủ đề" của subject được thay bởi ý nghĩa "từ ngữ làm chủ" – hay. chủ ngữ. Tiếng Việt không như thế: nó không có một thứ chủ ngữ hiểu như vậy. Nó chỉ có hai loại đề có tác dụng chi phối mạnh mẽ phần thuyết (là một cách nói luân trùng của việc chúng được chọn làm diễn viên chính). Hai câu "Bút mực với bút máy, tôi đều thích" và *Tôi đều thích bút mực với bút máy, đủ để cho thấy ở đây 'tôi' không phải là chủ sân khấu như người ta vẫn tưởng và do đó gọi nó là chủ ngữ; chủ ngữ của câu, nếu có thể nói vậy, chính là 'bút mực với bút máy'.
Đến đây có thể thấy, hai câu được đề cập ở đầu bài viết vốn là hai kiểu câu khác nhau – một cách nói chuyên môn thay cho "hai tiểu kịch bản khác nhau". Chính vì vậy mà khán giả được xem hai màn kịch nhỏ khác nhau. Sự khác nhau ấy không nhất thiết phải được khán giả diễn giải một cách rành mạch, nhất là khi đó là một triệu chứng (dễ chịu) gây ra bởi một yếu tố ẩn mặc, và không phải ai cũng là bác sĩ. Song nó sẽ thể hiện trong hành vi ứng xử của họ:
(1a) - Trên trời có một dải mây bồng bềnh.
(1b) – Rồi có cái gì nữa?
(2a) – Trên trời, mây bồng bềnh một dải.
(2b) – Mây đen không mà!?
Câu (2b) có thể thay cho câu (1b), nhưng ngược lại thì không thể - trừ khi người hỏi muốn bỏ qua chủ đề (tuy là có giữ lại khung đề). Hai câu (1a) và (1b) lần lượt trả lời được cho các câu hỏi “Trên trời có cái gì?” và “Trên trời, mây đang như thế nào?”; khó mà hoán đổi hai câu hỏi hoặc hai câu trả lời.
Vị bác sĩ đứng lên, ân cần bảo rằng bệnh nhân có thể về. Vị ấy nói triệu chứng này – đúng hơn là một hội chứng - may ra chỉ có bùa chú oblīvīscere tōtōrum mới hoá giải được (và hoá giải luôn toàn bộ thứ tác nhân mạch rễ ngấm ngầm kia). Tốt hơn hết là cứ sống một cách tri giác được lấy cái đống quy luật kỳ khôi ấy; khi đã biết căn nguyên thì hẳn cũng đỡ bớt cảm giác lo âu. Hoặc có thể thử ngắm mây bằng tiếng Anh, tiếng Pháp xem sao.
Người mang triệu chứng rời khỏi phòng khám một hồi lâu thì chợt thắc mắc một điều: hai cái 'bồng bềnh' trong (1a) và (1b) là một người kham hai vai diễn hay là hai người khác nhau? Hình như cái của (1a) khi dịch qua tiếng Anh hay tiếng Pháp có thể gọi là adjective/ adjectif ; song người này sợ cách gọi tên này có thể bất ổn như cách gọi 'chủ ngữ'.
Chuyện đó hông đáng bận tâm cho lắm. Cái cảm giác nửa phần kỳ quái nửa phần phiêu bồng mà tiếng Việt mang lại, đủ để át đi mọi bận tâm bên lề. Đặc biệt là khi thấy rằng từ rất lâu trước thời đại khoa học - công nghệ đã tồn tại một cách tinh tế những mơ ước làm biên kịch, đạo diễn và quay phim. Không thể nói rõ rằng đó là mơ ước của cá nhân hay của bộ mạch rễ ngấm ngầm kia, nhưng chắc cú là hiện tại máy móc đã thực hiện được phần nào những ước mơ ấy.
./. HẾT
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất