Thiết Phủ Đồ, một đơn vị thiết kỵ của Kim quốc
Họ là một đơn vị huyền thoại, những kị binh được trang bị khôi giáp nặng nề nhất trong lịch sử Trung Hoa. Được biết dưới cái tên...
Họ là một đơn vị huyền thoại, những kị binh được trang bị khôi giáp nặng nề nhất trong lịch sử Trung Hoa. Được biết dưới cái tên “Thiết Phù Đồ” (铁浮屠), đây là một công cụ đắc lực của Kim quốc, tham gia hàng chục trận chiến quan trọng, góp phần tạo dựng nên những võ công vang dội của người Nữ Chân khắp vùng phía Bắc Trung Quốc trong thế kỉ 12.
Nguồn gốc
Nhà Kim là một vương quốc của người Nữ Chân, được hình thành trên địa bàn tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang hiện nay (Đông Bắc Trung Quốc). A Cốt Đả (Aguda) thủ lĩnh của bộ tộc Hoàn Nhan là người có công kiến quốc. Theo truyền thuyết, tên của vương quốc “Kim” (vàng) bắt nguồn từ tên dòng sông nơi bộ tộc của A Cốt Đả sinh sống (sông Anchuhu trong tiếng Nữ Chân có nghĩa là vàng). Cũng có thể tên này được đặt để đối kháng lại với vương quốc thù địch với họ, nhà Liêu, như A Cốt Đả khi lên ngôi đã nói: “Liêu lấy sắt tinh luyện làm hiệu, nhằm thể hiện sự vững mạnh. Sắt tinh luyện tuy cứng song cuối cùng cũng bị “biến hoại”, chỉ có ‘kim’ là “bất biến bất hoại”.Liêu là một quốc gia của người Khiết Đan, kẻ thù đầu tiên của nước Kim, có vị trí tại vùng phía Bắc, Đông Bắc Trung Hoa và Mông Cổ hiện đại.
Vào mùa xuân năm 1114, A Cốt Đả đã thống nhất được các bộ lạc Nữ Chân, lúc này đang bị người Khiết Đan (nhà Liêu) nô dịch. Ông đã phát động một cuộc chiến chống Liêu. Năm 1115, ông lên ngôi Hoàng đế, thành lập nhà Kim, bắt đầu xuất binh chinh phạt Liêu.
Năm 1121, người Nữ Chân đồng ý tham gia liên minh trên biển (Hải thượng chi minh) với nhà Tống để cùng nhau diệt Liêu. Trong khi quân Tống thua trận, quân Kim giành được hết chiến thắng này đến chiến thắng khác và buộc tàn quân Liêu phải chạy sang phía Tây. Trong những trận chiến với Liêu, chiến thắng của quân Kim đến từ việc triển khai một cách khéo léo những đội thiết kị thiện chiến của họ.
Kim diệt Liêu cùng Bắc Tống hình thế đồ (quá trình diệt Liêu và đánh Bắc Tống của nhà Kim) (Ngũ kinh của nhà Liêu: 東京遼陽府: Đông Kinh Liêu Dương phủ, 上京臨潢府: Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ, 中京大定府: Trung Kinh Đại Định phủ, 西京大同府: Tây Kinh Đại Đồng phủ, 南京析津府: Nam Kinh Tích Tân phủ)Năm 1125, sau cái chết của A Cốt Đả, nhà Kim đã phá vỡ liên minh với nhà Tống và bắt đầu Nam tiến. Khi giao chiến với quân Tống, họ đã gặp khó khăn khi đụng phải những khối bộ binh vững chắc với hỏa khí. Tứ hoàng tử Ngột Truật đã tập hợp những kị sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm nhất thành một đội quân, gọi là “Thiết Phủ Đồ”.
Sự hưng khởi của nước Kim là một kì tích. Dưới sự lãnh đạo của A Cốt Đả và những võ công của Hoàng tử Ngột Truật, xuất phát từ những vùng đồng cỏ khô cằn quanh sông Anchuhu, họ chỉ mất 10 năm để chinh phạt toàn bộ nước Liêu và mất hơn 5 năm để tràn ngập miền Bắc Trung Quốc, tấn công kinh thành và bắt hai vua Tống làm tù binh. Từ những người lang thang, trong vòng chưa đến 20 năm, họ đã tạo dựng được một vương quốc rộng lớn hơn cả đế quốc Frankish của Charlemagne hay nước Pháp đệ nhất dưới thời Napoleon.
Lực lượng tiên phong
Ngột Truật muốn sử dụng đội kị binh này như một đơn vị tiên phong, luôn đi đầu trong các trận chiến, tạo ra những cơn shock cho quân địch bằng những cuộc càn quét (charge) khủng khiếp hay xuống ngựa chiến đấu như những người bộ binh nặng.
Phong cách chiến đấu của đơn vị này có thể đã chịu ảnh hưởng từ những kị binh “Thiết Dao Tử” (鐵 鷂子) của đế quốc Tây Hạ. Về “Thiết Dao Tử”, trong Tống sử có miêu tả về đơn vị này như sau: “những kị sĩ có thể di chuyển hàng trăm đến hàng nghìn dặm một ngày trên mình ngựa, họ là những kị sĩ xuất sắc, tấn công mạnh mẽ như sấm sét, di chuyển linh hoạt như mây bay. Khi gặp quân địch, họ tấn công phủ đầu bằng những đợt charge mạnh mẽ và bất ngờ”. Những kị binh này là một đội quân tinh nhuệ của hoàng gia Tây Hạ, họ tham gia rất nhiều chiến dịch. Chỉ được bọc giáp ở mức độ trung bình, ưu thế của họ đến từ độ dẻo dai và nhanh nhẹn. Những cây thương cũng có thể gắn chặt lên mình ngựa để phòng trường hợp người kị sĩ hi sinh, con ngựa vẫn có thể tự hoàn thành nhiệm vụ.
Thiết Phủ Đồ
Khác với “Thiết Dao Tử”, “Thiết Phủ Đồ” là những kị sĩ được trang bị những bộ giáp nặng nhất ở vùng Viễn Đông. Chúng ta sẽ khảo sát nhân lực, trang thiết bị và phong cách của đơn vị này một cách chi tiết ở bên dưới.
Nhân lực
Khoảng ba triệu người, một nửa trong số đó là người Nữ Chân đã tiến xuống miền Bắc Trung Quốc trong hơn hai thập kỉ. Số người Nữ Chân này đã thiết lập được sự cai trị lên 30 triệu người Hán bản địa. Sau khi chiếm được miền Bắc Trung Quốc, nhà Kim bị Hán hóa, họ nhanh chóng tiếp thu rất nhiều nét văn hóa Trung Quốc như trang phục, bộ máy quan liêu, Nho giáo. Nhiều người Nữ Chân kết hôn với phụ nữ người Hán, hoặc nô dịch họ làm thê thiếp, nô tỳ. Các quý tộc Nữ Chân rất hứng thú với việc nghiên cứu kinh điển Trung Hoa và làm thơ kiểu Hán. Nhưng họ vẫn giữ vị trí độc tôn của những quý tộc Nữ Chân trong chính quyền.
Theo “金虏图经” (Kim lỗ đồ kinh – ghi chép của một tù binh Kim) “金兀术自将牙兵三千策应,皆重铠全装,虏号铁浮屠,又号叉千户,这叉千户便是指侍卫亲军” (Kim Ngột Truật đích thân đem ba ngàn nha binh đến tiếp ứng, tất cả nha binh toàn thân bọc giáp, giặc gọi là Thiết Phủ Đồ, cũng gọi là Xoa Thiên Hộ, cái tên Xoa Thiên Hộ này là để chỉ thân quân thị vệ)
Nhìn chung chính quyền và quân đội hoàn toàn do người Nữ Chân nắm giữ. Theo những ghi chép của Uông Nhược Hải (汪若海), một người làm việc trong triều Tống đã quan sát được những cuộc chiến giữa Kim và Tống thì Thiết Phủ Đồ là một đơn vị dành riêng cho con trai của các gia đình quý tộc Nữ Chân danh giá. Lòng trung thành của họ được đảm bảo một cách vững chắc. Các vị trí trong quân đội của người Nữ Chân được thế tập từ đời này sang đời khác và họ còn được ban phát đất đai. Những gia đình Nữ Chân được tổ chức theo chế độ Mãnh An Mưu Khắc, 100 hộ hợp lại thành 1 Mưu Khắc, 10 Mưu Khắc thành 1 Mãnh An.
Kị binh là lực lượng chuyên nghiệp duy nhất trong quân đội nước Kim. Họ được trả lương, trang thiết bị được nhà nước chu cấp. Trong khi đó, kị binh của người Hán đa phần là những đơn vị được trưng tập.
Trang bị
Các Thiết Phủ Đồ được bọc giáp toàn thân, chỉ để lộ hai mắt và bàn tay, gần giống với các kĩ binh Ba Tư thế kỉ 4-7. Một số sử gia dùng thuật ngữ “cataphracts” hay “clibanarii” (với Hi-La) để chỉ những kị binh được bọc giáp kín người như vậy. Những con ngựa cũng được bọc giáp. Họ sử dụng giáp lamellar và giáp bông dày. Một kị sĩ sẽ được cấp cho hai con ngựa để đảm bảo được độ cơ động và khả năng tác chiến trong mọi tình huống.
Vũ khí của họ cũng rất đa dạng. Ngoài một cây thương, họ thường có một chiếc chùy nhỏ, cung tên và đao. Để thực hiện được những nhiệm vụ khác tùy yêu cầu của tình hình thực tế, họ được trang bị cả thang dây, xẻng và rìu.
Họ thường được triển khai với số lượng lớn, 3000-6000 người mỗi lần ra quân. Những kị sĩ ở châu Âu thời trung đại còn xa mới đạt đến con số này, những đợt tấn công của họ trở nên chết chóc hơn bao giờ hết.
Quy mô quân đội của các quốc gia phương Đông vượt xa châu Âu rất nhiều. Lưu ý rằng đây chỉ là đơn vị tiên phong của một đoàn quân khổng lồ được hỗ trợ bởi 15.000 kị binh khác các loại và 40-80.000 bộ binh được trang bị tốt. Quân số của nước Kim đã có thể đạt đến con số nửa triệu người, vẫn còn rất khiêm tốn nếu so với nhà Hán hay nhà Đường.
Chức năng
“Thiết Phủ Đồ” được sử dụng như một mũi dùi tiên phong lao thẳng vào đội hình quân địch. Triệu Ngạn Vệ, một người Tống đã ghi chép lại về chiến thuật của họ: “Những kị sĩ xếp thành hình tam giác hướng về phía trước, họ lao về phía kẻ thù nhanh hết mức có thể rồi sau đó tỏa ra, chạy quanh bao vây quân địch, chờ cơ hội để tấn công thêm lần nữa, nếu tình hình yêu cầu, họ có thể xuống ngựa chiến đấu như những người lính bộ binh”
Trong một số ghi chép khác, quân Kim cũng sử dụng Quải Tử Mã (拐子马), ba kị sĩ sẽ được liên kết với nhau bằng một sợi dây da, tàn sát bất kì tên bộ binh xấu số nào bị kẹt ở giữa.
Có nhiều tranh cãi xung quanh từ này, có ý kiến cho rằng “Quải tử mã” là một đơn vị riêng, tách biệt với “Thiết Phủ Đồ”. Có ý kiến lại cho rằng “Quải tử mã” thật ra là lực lượng 10.000 kỵ binh chạy ở hai cánh trợ chiến cho những đợt tấn công của “Thiết Phủ Đồ”.
“Thiết Phủ đồ” còn có thể xuống ngựa chiến đấu như một đơn vị bộ binh nặng. Trong trận chiến tại Tiên Nhân Quan, họ đã xuống ngựa và tiến lên theo đội hình của bộ binh. Điều này được thể hiện trong bộ trang bị của họ, trong đó có nhiều vũ khí được trang bị cho bộ binh như trường đao dùng để phá giáp.
Để chống lại những đội kị binh thiện chiến quân Kim, quân Tống cũng đã phát triển những chiến thuật của riêng mình với những khối bộ binh vững chắc được trang bị nỏ, hỏa khí và các loại kích (Halberd).
Lê Tùng Dương - Nghiên Cứu Lịch Sử. Chuyễn ngữ và biên tập từ trang Dragon’s Armory
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất