Somewhere in the ancient mystic trinity, you get three as a magic number
Schoolhouse Rock
Xin chào, lại là mình đây! Sau một thời gian dài bỏ quên cái ổ nhện nho nhỏ này thì mình đã trồi lên dọn dẹp đây ^^ *lau lau quét quét*
Quay lại chủ đề chính, cho những ai quan tâm phần 1 có gì hay ho thì mình sẽ để link ở đây nhé.
Ở phần 2 này, chúng ta sẽ cùng theo dõi một câu chuyện giả định như sau:
A, B, C là hàng xóm của nhau và hay xảy ra mâu thuẫn. Để chấm dứt chuỗi xích mích này, tất cả đã thống nhất chọn một ngày đẹp trời và tổ chức đấu súng tay 3 để tìm ra người sống sót sau cùng (lưu ý: đây chỉ là giả định, vui lòng không thử dưới bất kỳ hình thức nào!)
Trong 3 người này thì A bắn tệ nhất: bắn 3 phát trúng 1, tiếp đó là đến B (3 phát trúng 2) và C bắn tốt nhất (bách phát bách trúng). Vì A bắn kém nhất nên sẽ là người bắn đầu tiên, sau đó đến B và C. Và giả định mỗi người đều muốn tối đa hóa cơ hội sống sót của mình. Vậy theo bạn, A sẽ bắn ai trước?
Cùng ngắm Milky Way trong lúc suy nghĩ đáp án nhé ^^
Và lựa chọn tốt nhất cho A chính là...
.
.
.
.
.
.
.
.
.
...bắn lên trời!
Vì nếu A bắn B hay C (giả sử bắn trúng) thì người còn lại tới lượt của mình cũng sẽ dễ dàng bắn A, suy ra A ngủm trong nỗi hận ngàn thu!
Còn nếu A không bắn ai cả, thì tới lượt tiếp theo, B sẽ bắn C vì C là đối thủ khó nhằn nhất -> loại C để tăng cơ hội sống cho mình, vì nếu C không còn thì người tiếp theo là A, vẫn có khả năng bắn trúng B và thắng game.
Lập luận tương tự, nếu B bắn trật thì tới lượt của mình, C sẽ loại B ra khỏi cuộc chơi và khi chỉ còn A với C thì do A bắn trước nên vẫn có khả năng trúng C và thắng game. (nhắc lại: mỗi người chơi chỉ có một mục đích duy nhất là tối đa hóa khả năng sống sót của mình)
Đọc game tự nhiên nhảy số ngay đến chiếc meme viral này (source: imgflip.com)
Đọc game tự nhiên nhảy số ngay đến chiếc meme viral này (source: imgflip.com)
Vậy kết luận: từ góc nhìn của A với 2 lựa chọn: (1) không bắn ai cả và (2) bắn một trong hai (có thể trúng hoặc không) thì lựa chọn (1) sẽ đem lại cơ hội sống sót cao hơn cho A.
Hơi vô lý nhưng xét ở góc độ duy lý thì lại rất thuyết phục, đúng không?
Và mình cũng nhấn mạnh một lần nữa (cũng như đã đề cập ở phần 1): một giả định quan trọng của lý thuyết trò chơi là từng người chơi đều duy lý (rational), mục tiêu là tối ưu hóa lợi ích của mình, và sẽ duy trì mục tiêu và cách chơi xuyên suốt game. Tất nhiên là ở mô hình đơn giản như ở hai ví dụ của mình thì có thể hơi "vô tri", nhưng khi xét ở quy mô hai tập đoàn, hai quốc gia thì có khi đó sẽ là lựa chọn tốt nhất cho cả 2 bên?
Cám ơn các bạn đã theo dõi đến cuối bài viết. Mong gặp lại các bạn ở những chủ đề thú vị tiếp theo nhé.
Cheers!
SG, 11pm 22082023
p/s: bài viết này dành tặng em, người đã động viên anh mở lap và tiếp tục thú vui viết lách. Yktisinty :">