Phần 2:
Phần 2 đã sơ lược nền triết học từ giai đoạn Phục hưng tới thời cận đại với những bước chuyển mình mạnh mẽ và đầy tươi mới. Tới thời hiện đại, triết học dần trở nên thực tiễn, ngoài ra còn khám phá nhiều chủ đề ngách, mở ra vô vàn những hướng đi mới cho các triết gia.

Thời hiện đại (năm 1900 - 1950)

Cuối thời cận đại, khoa học tự nhiên phát triển chóng mặt. Qua những công trình nghiên cứu về thuyết tiến hoá của Darwin, hay cách giải thích bản chất vũ trụ của Einstein, hay thuyết phân tâm của Freud, con người dần có những câu trả lời khá chắc chắn về đấng tối cao, sự tồn tại và tinh thần con người. Ngoài ra, thời kỳ hiện đại còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều những cuộc chiến tranh mang tầm thế giới và sự trỗi dậy của những hệ tư tưởng chính trị. Dần dà, nền triết học chuyển hướng sang triết học luân lý, triết học chính trị và logic học.
Friedrich Nietzsche, một triết gia người Phổ, đã làm giới triết học ngỡ ngàng với câu nói: Chúa đã chết. Xin được giải thích rằng, khái niệm Chúa ở đây không phải là đấng tối cao mà chúng ta vẫn thường nghĩ tới. Theo Nietzsche, khái niệm Chúa là đại diện cho những giá trị luân lý cao quý mà con người tin tưởng. Nietzsche thấy rằng xã hội con người vẫn luôn tin vào một số giá trị nào đó về đạo đức, luân lý, mục đích cuộc đời, và ông tin rằng những giá trị này cần được xét lại và nếu cần thì lật đổ. 
Một ví dụ về tư tưởng Nietzsche là chúng ta được dạy rằng xã hội cần chăm sóc cho người già yếu vì nguyên tắc đạo đức. Nhưng niềm tin này từ đâu ra? Liệu chúng ta có nên cứ chấp nhận nó đúng thay vì xét hỏi bản chất của nó? Có những xã hội ở Papua New Guinea, họ giết bớt người già để đảm bảo cái ăn cho xã hội. Vậy ai đúng ai sai về giá trị đạo đức ở đây? Theo Nietzsche, những giá trị luân lý này phần nào đó trói buộc cuộc sống chúng ta. Ông tin rằng, với cái chết của Chúa, hay là cái chết của hệ giá trị luân lý xã hội, chúng ta giờ đây có được sự tự do tuyệt đối để đặt ra hệ giá trị cho riêng mình.
Với nhiều người, triết học chỉ đơn giản là suy nghĩ về thế giới quanh ta, nhiều khi chỉ để hiểu bản chất của nó thay vì phục vụ mục đích nào đó. Nhưng với John Dewey, một triết gia người Mỹ, thì đấy không nên là mục đích của triết học. Theo ông, triết học về bản chất đến từ sự tư duy của con người. Vậy vì sao con người tư duy? Vì con người có vấn đề cần giải quyết, có thắc mắc cần trả lời. Vậy nên tư duy được kích hoạt và triết học ra đời. Theo Dewey, mục đích của triết học nên là giải quyết vấn đề. Thay vì hỏi “đây có phải cách mà sự vật tồn tại không”, ta nên hỏi một cách thực dụng hơn là “tiếp nhận quan điểm này có ý nghĩa thực tiễn gì”. Sự thực tiễn của tư tưởng John Dewey đã có nhiều ảnh hưởng trong những lĩnh vực như giáo dục và chính trị.
Bertrand Russell, một triết gia xứ Wales, đưa ra một câu hỏi đánh động tới cốt lõi của logic: câu sau đây sai hay đúng “vua Pháp hiện nay hói đầu”. Thoạt nghĩ đến thì ta sẽ thấy câu này sai, vì hiện nay Pháp làm gì có vua. Nếu vậy tức là câu này sai, và ta có thể nói ra phiên bản phủ định rằng "vua Pháp hiện nay KHÔNG hói đầu". Câu phủ định này đáng ra phải đúng, nhưng ta vẫn thấy sai với cùng lý do rằng hiện nay Pháp làm gì có vua.
Russell đưa ra những cấu trúc logic nhằm giải đáp vấn đề này: với một câu có dạng “A là B”, thì ta sẽ phân tích nó ra thành 3 mệnh đề riêng biệt là “có một A nào đó”, “chỉ có duy nhất một A là B”, “nếu cái gì là A thì nó là B”. Vậy câu nói “vua Pháp hiện nay hói đầu” được chia thành “có một thực thể nào đó đang là vua Pháp”, “chỉ có một thực thể đang là vua Pháp”, và “nếu thực thể nào đó đang là vua Pháp, thì thực thể đó hói đầu”. Nhờ có Russell, từ đây, các triết gia khác bắt đầu chú tâm vào nền tảng logic của ngôn ngữ.
Một nghịch lý mà Russell đề ra, được gọi là The Barber Paradox
Một nghịch lý mà Russell đề ra, được gọi là The Barber Paradox
Karl Popper, một triết gia Áo, hướng sự quan tâm của mình đến vai trò của triết học trong nghiên cứu khoa học. Theo ông, nền khoa học vào thời ông sống vẫn nghĩ rằng tôn chỉ của khoa học là tìm ra chân lý của thế giới. Hiểu biết khoa học vốn được tạo ra nhờ phép quy nạp, quá trình đi từ một số quan sát về thế giới dẫn đến kết luận tổng quát. Ví dụ, nếu một nhà khoa học đã quan sát loài thiên nga trong nhiều năm, và tất cả những con thiên nga ông từng thấy đều màu trắng, vậy thì ông sẽ đưa ra giả thuyết là mọi con thiên nga đều màu trắng.
Theo Karl Popper, giả thuyết này không thể được chứng minh là đúng hoàn toàn, mà chỉ có thể được chứng minh là sai, bằng việc ai đó thấy một con thiên nga đen. Đây được gọi là tính chất có-thể-kiểm-sai của giả thuyết, thứ mà Karl tin rằng là đặc tính then chốt của khoa học. Nếu chúng ta cứ mãi tìm ví dụ củng cố giả thuyết có sẵn, thì ta sẽ chẳng biết thêm điều gì. Còn nếu ta tìm được ví dụ lật đổ giả thuyết nào đó, một mảnh kiến thức mới sẽ được thêm vào kho tàng tri thức nhân loại. Không có gì là mãi đúng trong khoa học, chỉ có điều chưa được chứng minh là sai thôi.
Theo Karl Popper, khi một lý thuyết bị chứng minh là sai, kiến thức mới sẽ ra đời
Theo Karl Popper, khi một lý thuyết bị chứng minh là sai, kiến thức mới sẽ ra đời
Câu hỏi về ý nghĩa của việc làm người đã luôn ám ảnh các triết gia tự cổ chí kim. Trong Cơ Đốc giáo, con người được Chúa tạo ra với những mục đích nhất định. Còn theo Jean-Paul Sartre, một triết gia hiện sinh người Pháp, chúng ta tồn tại chẳng có mục đích gì sất. Chúng ta cứ thế xuất hiện và tồn tại giữa thế giới này, tự do tuyệt đối và cũng vô định vô cùng, vì chẳng có thế lực hay thánh thần nào đặt ra mục đích cho đời ta. Chúng ta tự định nghĩa mục đích cho sự tồn tại của chính mình, tự chịu trách nhiệm cho mọi thứ mình làm và mọi cảm nhận mình có. Với sự tự do ý chí tuyệt đối trong tay, con người tự tạo ra ý nghĩa cho đời mình, và rồi bao nỗ lực đó sẽ biến về hư vô khi cái chết gõ cửa. Theo Sartre, con người bị kết án phải tự do.
Tổng quan về các trường phái hiện sinh
Tổng quan về các trường phái hiện sinh

Thời đương đại (năm 1950 - nay)

Từ nửa sau thế kỷ 20 trở đi, các tiến bộ vượt bậc về công nghệ đưa xã hội phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Triết học thời này mang đậm màu sắc về đạo đức, chính trị và công lý, vốn là những chủ đề gần gũi và ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống hàng ngày của xã hội. Điều này phản ánh sự thực tiễn trong lối tiếp cận triết học của thế giới lúc bấy giờ.
John Rawls, một tư tưởng gia người Mỹ, trở nên nổi tiếng vào những năm 70 với tư tưởng về công lý xã hội. Theo ông, công lý thực sự cần đối xử với tất cả mọi người một cách công bằng không thiên vị, bất kể địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, giàu nghèo. Hình tượng lý tưởng trong tư tưởng ông là một nữ thần công lý bị bịt mắt, do đó mà trở nên vô tri với những thiên kiến có sẵn, sẵn sàng đưa ra sự bình đẳng tuyệt đối và sự trừng phạt không thiên vị. Nếu một người phạm tội, người đó sẽ bị trừng phạt, và giai cấp hay vị thế xã hội của họ sẽ chẳng thể tác động đến hình phạt mà họ sắp chịu.
Theo John Rawls, nữ thần công lý cần bị bịt mắt bởi tấm màn thờ ơ (Veil of Ignorance), nhằm xoá đi mọi thiên kiến về của cải, địa vị, giới tính, tuổi tác
Theo John Rawls, nữ thần công lý cần bị bịt mắt bởi tấm màn thờ ơ (Veil of Ignorance), nhằm xoá đi mọi thiên kiến về của cải, địa vị, giới tính, tuổi tác
Triết gia Đức Jurgen Habermas được biết đến nhiều nhất với nghiên cứu về khái niệm không gian công. Theo ông, từ thế kỷ 18 đổ về trước, văn hoá đa phần được đại diện bởi tầng lớp thống trị, ví dụ như những công trình kiến trúc hay những lễ hội hoành tráng tổ chức bởi vua chúa và quý tộc. Nhưng từ sau thời gian này trở đi, một số loại hình không gian công ra đời, hoạt động như vùng đệm giữa không gian riêng tư và không gian chịu sự kiểm soát của giới cầm quyền. Một số ví dụ về không gian công có thể kể đến là các quán cà phê, những quảng trường, ấn phẩm báo chí, hội thảo. Trong những không gian công này, các cá nhân trong xã hội có thể tụ họp nhằm bàn bạc và tranh luận về các vấn đề xã hội, gia tăng cơ hội xuất hiện những ý tưởng chất vấn thẩm quyền nhà nước. Khi các cá nhân trong xã hội đặt nghi vấn về hệ thống cầm quyền, kết hợp với sự xuất hiện của không gian công thúc đẩy trao đổi thông tin, nhiều cải cách xã hội đã ra đời.
Habermas cũng lo lắng rằng những không gian công này có thể bị kìm hãm bởi nhà nước, ví dụ như nền báo chí bị nhà nước thâu tóm và chỉ chú tâm đăng tải chuyện phiếm về người nổi tiếng thay vì nói lên những nhức nhối của xã hội. Khi đó, các cá nhân trong xã hội dần biến thành những người tiêu thụ sản phẩm giải trí thay vì những cá thể có lý trí và tư duy phê phán. Điều này làm chậm sự phát triển của xã hội.
Ý tưởng về không gian công (Public sphere) của Habermas, nơi mà các ý tưởng sẽ được tập hợp và dần được đưa lên các cấp độ cao hơn như quốc hội và nhà nước
Ý tưởng về không gian công (Public sphere) của Habermas, nơi mà các ý tưởng sẽ được tập hợp và dần được đưa lên các cấp độ cao hơn như quốc hội và nhà nước
Luân lý đến từ đâu? Câu hỏi này đã làm đau đầu các thế hệ triết gia trong lịch sử. Với Richard Rorty, một triết gia Mỹ, thế giới này chẳng có giá trị luân lý tuyệt đối nào cả. Ví dụ, nếu ta được hỏi về một vấn đề đạo đức, như liệu có được đối xử tàn nhẫn với động vật không, thường thì ta sẽ phản đối. Từ câu trả lời đó, người khác có thể tiếp tục hỏi ta rằng vì sao ta ăn thịt từ những con vật bị giết mổ. Cứ thế, bằng phương pháp hỏi Socrates, khi càng nhiều câu hỏi được đặt ra, ta càng đuối lý và thấy được sự mâu thuẫn trong niềm tin của chính mình. Đến cuối cùng, ta chỉ có thể nói rằng: trong thâm tâm tôi biết rằng việc này sai trái. Vậy chân lý từ “thâm tâm” này từ đâu đến? Richard Rorty tin rằng chân lý có sẵn trong thâm tâm như vậy không tồn tại, tất cả chỉ là ta và xã hội tự tạo ra. Theo ông, điều này không hề tiêu cực. Ông cho rằng không cần một hệ giá trị đạo đức tuyệt đối, mà chỉ cần xã hội này đoàn kết và đối thoại với nhau, là ta sẽ tự tạo ra được những khái niệm về đạo đức đủ thực tiễn cho mình.
Peter Singer là một triết gia người Úc với mối quan tâm sâu sắc đến chủ nghĩa vị lợi. Chủ nghĩa vị lợi nhắm tới việc có được tổng số hạnh phúc lớn nhất. Trong khi các triết gia vị lợi trước đây chỉ đặt con người vào phép tính, thì Peter Singer nghĩ đến đến cả động vật. Với ông, động vật cũng có khả năng cảm nhận nỗi đau, vậy nên hành động giết mổ hay thí nghiệm lên động vật gây đau đớn cho chúng chẳng kém cạnh gì làm điều tương đương lên con người. Theo ông, con người có thể từ bỏ thức ăn có nguồn gốc động vật. Cách này có thể làm giảm hạnh phúc của con người đi một chút nhỏ nhoi (bữa ăn có thể bớt ngon) nhưng lại không gây ra hàng tấn đau khổ cho động vật. Điều này hoàn toàn hợp lý khi xét theo chủ nghĩa vị lợi, khi mà kết quả là tổng số hạnh phúc cao hơn nhiều so với khi con người giết động vật để ăn.
Nói không ngoa, triết học là cội nguồn của mọi bộ môn khoa học. Nó xuất phát từ những niềm thắc mắc và tính tò mò của con người. Nó xuất phát từ những câu hỏi làm ta nhíu mày hàng thiên niên kỷ. Hãy nhìn xung quanh: mọi thể chế, luật pháp, giá trị đạo đức, phát kiến khoa học, cấu trúc xã hội, tất cả đều được góp phần nhen nhóm và nhào nặn nhờ bàn tay của triết học. Nhờ tư duy của giống loài chúng ta.
Tôi tư duy, nên tôi tồn tại.
Con người sinh ra có tư duy. Vậy nếu ta không tư duy, thì ta tồn tại làm gì?

References:

1. Triết học - khái lược những tư tưởng lớn
2. Lược sử triết học
3. 50 ý tưởng triết học