Phần 1:
Phần 1 đã đi qua nền triết học từ những ngày sơ khai của nhân loại đến thời trung cổ đầy màu sắc của đức tin và thánh thần. Cuối thời trung cổ, thế giới bước vào giai đoạn Phục hưng, và từ đó, triết học chuyển mình mạnh mẽ, tiến đến những góc nhìn đầy tươi mới.

Thời phục hưng và lý tính (năm 1500 - 1750)

Thời kỳ Phục Hưng là lúc mà các giá trị văn hoá Hy-La được quan tâm mạnh mẽ trở lại. Với việc xem con người làm trung tâm thay vì thánh thần, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, triết học thời kỳ này bắt đầu có màu sắc lý tính và thế tục. Xã hội lại được thấy sự đối đầu giữa chủ nghĩa duy lý (tri thức đến từ suy luận) và chủ nghĩa duy nghiệm (tri thức đến từ kinh nghiệm). Ngoài ra, các tư tưởng triết học mang tính chính trị cũng ra đời, tạo tiền đề cho nhiều chuyển biến trong cốt lõi cấu trúc xã hội.
Niccolo Machiavelli, nhà ngoại giao của Florence, đã đưa ra những ý tưởng đầy khác biệt so với thời ông sống. Vốn đảm nhiệm công việc ngoại giao, ông cho rằng một chính trị gia giỏi là người không bị luân lý trói buộc. Bậc cai trị, theo Machiavelli, cần phải đảm bảo lợi ích và an ninh cho quốc gia. Machiavelli tin rằng nhà cai trị tốt không thể, không nên và không được giữ lời hứa, mà họ cần phải lừa gạt, thao túng, phản bội, lợi dụng, tất cả vì mục tiêu và lợi ích lớn hơn của quốc gia họ trị vì.
Tư tưởng của Machiavelli
Tư tưởng của Machiavelli
Được công nhận là người đầu tiên của chủ nghĩa duy nghiệm Anh quốc, Francis Bacon cho rằng mọi tri thức đến từ kinh nghiệm, nhận thức bởi các giác quan. Ông lập luận rằng khoa học được phát triển nhờ việc tìm ra những quy luật ngày càng tổng quát. Với mỗi giả thuyết mới, ngoài việc quan sát liên tục để tìm ra kết luận, ông còn yêu cầu phải liên tục kiểm tra giả thuyết đó qua việc tìm kiếm những ví dụ phủ định. Điều này giúp giới khoa học dần chú tâm hơn vào việc thí nghiệm.
Tóm tắt chủ nghĩa duy nghiệm
Tóm tắt chủ nghĩa duy nghiệm
Thomas Hobbes là một trong những nhà tư tưởng chính trị vĩ đại nhất nước Anh. Ông tin rằng trạng thái tự nhiên, hay bản chất của con người, là ích kỷ, vô pháp, bạo lực, tham lam. Trong trạng thái tự nhiên, do không có luật pháp và ai cũng chiến đấu vì bản thân, nên sự hỗn loạn bao trùm. Do đó, Hobbes tin rằng xã hội cần có khuôn khổ để con người kính sợ và tuân theo. Hobbes đưa ra ý tưởng về Khế ước Xã hội, một hợp đồng ràng buộc giữa con người với nhau. Trong Khế ước Xã hội, người dân trao lại quyền lực cho nhà nước và từ bỏ một phần tự do, đổi lấy sự bảo vệ của nhà nước và pháp luật. 
Ngoài ra, Thomas Hobbes còn là một nhà duy vật: ông quan niệm rằng con người đơn thuần chỉ là vật chất, và thứ gọi là linh hồn không tồn tại. Theo ông, con người chỉ đơn giản là những cỗ máy vô cùng phức tạp mà thôi.
Thực thể Leviathan (tượng trưng cho nhà nước) được tạo ra bởi người dân, nắm trong tay thanh kiếm tượng trưng cho quyền lực, nhằm bảo vệ người dân
Thực thể Leviathan (tượng trưng cho nhà nước) được tạo ra bởi người dân, nắm trong tay thanh kiếm tượng trưng cho quyền lực, nhằm bảo vệ người dân
Không chỉ nổi tiếng với những thành tựu toán học, Rene Descartes còn là một nhà triết học. Ông được biết đến rộng rãi với câu nói: “Cognito ergo sum” - “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Ông có được câu nói này qua một thí nghiệm tưởng tượng: vốn là một người luôn hoài nghi mọi thứ, Descartes đưa ra giả dụ là có một con quỷ quyền năng đang cố lừa bịp chúng ta về mọi điều trên thế giới. Con quỷ này có thể khiến ta tin rằng 1+1=3. Con quỷ có thể làm ta tưởng rằng ta đang ngồi đây đọc những dòng này, nhưng thực ra ta chỉ là một bộ não trong cái bình ở phòng thí nghiệm của nó, và con quỷ truyền những ý thức huyễn tưởng vào não ta. Nhưng dù cho con quỷ có thực hay không, phải tồn tại một thứ gì đó để con quỷ có thể lừa gạt. Chỉ cần ta có suy nghĩ, thì tức là ta có tồn tại, vì con quỷ không thể lừa suy nghĩ của ta nếu ta không tồn tại. Từ đó, câu nói “tôi tư duy, nên tôi tồn tại” ra đời. Đây là khởi đầu của Nhị nguyên luận, với tư tưởng chủ đạo rằng tâm trí tồn tại tách biệt với thể xác, và hai phần này có những tương tác nhất định với nhau.
Giống như Descartes, Blaise Pascal là một nhà toán học, và cũng nổi tiếng với những tư tưởng triết học của mình. Ngoài ra, Pascal còn là một tín đồ ngoan đạo. Khác với nhiều triết gia cố chứng minh sự tồn tại của Chúa thông qua lý luận, Pascal đưa ra lập luận nhằm khuyên mọi người nên tin vào Chúa.
Ông cho rằng chúng ta có thể cá cược: Chúa có thể tồn tại hoặc không. Nếu ta cược rằng Chúa không tồn tại: giả sử ta thắng cược (Chúa không tồn tại), thì ta nhận được cảm giác về sự độc lập của bản thân giữa thế giới; còn giả sử ta thua cược (Chúa có tồn tại) thì ta sẽ mất đi cơ hội được lên thiên đường và có khả năng bị đày dưới địa ngục. Với lựa chọn đánh cược mà phần thưởng tiềm năng thấp hơn rất nhiều so với rủi ro tiềm năng, tốt hơn hết ta nên đánh cược rằng Chúa có tồn tại. Theo Pascal, những kẻ đặt cược khôn ngoan với cái đầu lạnh sẽ cược vào việc Chúa có tồn tại.
Tóm tắt lại: hãy cược rằng Chúa tồn tại. Nếu thua, ta chẳng mất gì. Nếu thắng, ta lợi rất nhiều.
Tóm tắt lại: hãy cược rằng Chúa tồn tại. Nếu thua, ta chẳng mất gì. Nếu thắng, ta lợi rất nhiều.
John Locke, một triết gia người Anh, tiếp bước chủ nghĩa duy nghiệm Anh quốc. Ông cho rằng mọi thứ ta biết, hay còn gọi là tri thức của ta, đều đến từ kinh nghiệm. Khi mà nhiều triết gia duy lý tin rằng rằng tri thức có thể đạt được chỉ với sự logic và lập luận, hay nói cách khác, là con người sở hữu một dạng tri thức bẩm sinh, John Locke phản đối tư tưởng này. Ông cho rằng con người sinh ra là tờ giấy trắng, không sở hữu kinh nghiệm gì. Để khái niệm tri thức bẩm sinh tồn tại, cần có ý niệm phổ quát nào đó ở con người thuộc mọi nền văn hoá ở mọi thời kỳ. John Locke cho rằng những ý niệm đó không tồn tại, vì vậy ông tuyên bố mọi học thuyết về ý niệm bẩm sinh là sai lầm. Một lần nữa, với ông, tri thức chỉ được tạo nên từ kinh nghiệm.

Thời kỳ cách mạng (năm 1750 - 1900)

Trong khoảng 150 năm từ giữa thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, thế giới trải qua nhiều cuộc cách mạng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Ảnh hưởng từ tôn giáo vẫn trên đà thoái trào. Khoa học ngày càng phát triển. Những thành tựu này có được nhờ quá trình nuôi dưỡng và tích lũy từ thời phục hưng và lý tính trước đó. Trong thời kỳ cách mạng, nhiều đột phá về khoa học diễn ra, nhiều tư tưởng về chính trị xã hội ra đời, đổi thay sâu sắc xã hội phương tây.
Voltaire là một triết gia người Pháp sống trong thời kỳ có nhiều phát kiến khoa học, đem lại nhiều góc nhìn mới về thế giới. Ông nhận ra rằng trong suốt lịch sử, mọi thứ được coi là sự thật, mọi học thuyết, mọi giáo điều, đều từng bị chỉnh sửa ở một thời điểm nào đó, vậy nên không có gì đúng mãi mãi. Lập luận này làm ông trở nên hoài nghi, và ông tin rằng mặc dù hoài nghi là cảm giác không dễ chịu gì, nhưng sự chắc chắn vào chân lý vĩnh cửu mới là vô lý. Theo ông, cái gọi là “sự thật” chỉ đúng cho đến khi được chứng minh là sai, hay nói cách khác, không có chân lý tuyệt đối. Phát triển từ suy luận đó, ông nói rằng những giáo điều, luật lệ, trật tự xã hội đều không phải chân lý, thế nên người dân cần hoài nghi và thách thức chúng thay vì cứ việc chấp nhận như lẽ thường. Tư tưởng này vô cùng quan trọng trong việc người dân đứng lên chống lại thể chế và tầng lớp cai trị.
David Hume sinh ra trong thời kỳ châu Âu đang đầy những cuộc tranh luận về bản chất tri thức, hay còn biết đến là cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm. Một bên tin rằng tri thức có thể đạt được thông qua suy luận lý tính, bên còn lại cho rằng kinh nghiệm tạo nên tri thức. David Hume đã chia những thứ mà tâm trí ta có thành hai loại: ấn tượng - đến từ tri giác trực tiếp như nghe, nhìn, chạm, ngửi; và ý niệm - đến từ việc suy nghĩ và tưởng tượng dựa trên những ấn tượng trên. Ông tin rằng ý niệm chỉ là bản sao của các ấn tượng, hay nói cách khác, ta không thể nghĩ về thứ mà ta chưa bao giờ cảm nhận.
Mặt khác, ông quan sát việc con người nhìn nhận sự nhân quả: khi một việc xảy ra liên tục, ta ngầm giả định rằng nó sẽ mãi vận hành như vậy. Chẳng hạn như con người luôn thấy mặt trời mọc mỗi sáng, và nghiễm nhiên cho rằng sáng mai sẽ chẳng khác gì sáng nay. Đây được gọi là lập luận quy nạp. Với Hume, không thể khẳng định như vậy được. Biết đâu có lúc nào đó mặt trời không mọc? Ta chẳng thể chắc chắn về việc mặt trời mọc mỗi sáng khi mà ta không thể quan sát mọi lần mặt trời mọc. Hume nói rằng suy luận quy nạp kiểu này đơn thuần là do thói quen ngầm giả định của con người thay vì lý tính. Điều này giáng một đòn mạnh mẽ đến tư tưởng của chủ nghĩa duy lý.
Jean-Jacques Rousseau là nhân vật vô cùng quan trọng trong nền tư tưởng chính trị thời kỳ Khai sáng. Trước đó, Thomas Hobbes đưa ra quan điểm về trạng thái tự nhiên của con người:  ích kỷ, vô pháp, bạo lực, tham lam. Thế nhưng Rousseau lại có cái nhìn trái ngược. Ông tin rằng con người trong trạng thái tự nhiên là những sinh vật lương thiện, hiền lành. Nhưng sự xuất hiện của tiền tài, quyền lực, sự hình thành của xã hội, đã sinh ra lòng đố kị, thói tham lam, sự bất công giữa con người với nhau. Con người sinh ra tự do, nhưng xã hội lại đặt gông cùm lên họ. Trớ trêu thay, nền văn minh đã làm tha hoá con người.
Rousseau trăn trở tìm cách để con người chung sống, vừa tuân thủ luật pháp, mà vẫn có được tự do. Giải pháp ông đưa ra là một Khế ước Xã hội, với ý tưởng chủ đạo là một xã hội nơi tất cả công dân, chứ không chỉ mình tầng lớp vua chúa, được tham gia vào công việc lập pháp, thi hành luật pháp theo ý chí tập thể. Luật được người dân ban ra và áp dụng cho người dân, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả vì lợi ích của toàn dân. Những tư tưởng này của Rousseau đã thúc đẩy cách mạng Pháp diễn ra, biến Pháp từ một nước quân chủ chuyên chế thành một nước cộng hoà, mang lại bình đẳng cho người dân, với những giá trị về tự do, bình đẳng, bác ái.
Người dân phá ngục Bastile trong cách mạng Pháp
Người dân phá ngục Bastile trong cách mạng Pháp
Cha đẻ của kinh tế học, Adam Smith, đã cho ra đời những ý tưởng về hoạt động kinh tế của con người. Theo ông, con người là sinh vật hành động vì tư lợi, từ đó sinh ra hành động thương lượng mua bán, nơi mà họ đi đến thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Nhu cầu trao đổi hàng hoá này đã đặt dấu chấm hết cho sự tự cung tự cấp. Nhờ có giao thương, con người dần trở nên chuyên môn hoá: họ tập trung vào một hoặc vài lĩnh vực cụ thể, đẩy mạnh năng suất và sản lượng ở lĩnh vực đó, dùng sản phẩm dư thừa để trao đổi lấy những sản phẩm khác. Sự tổng hòa của trao đổi và chuyên môn hoá này tạo nên một thị trường tự do, nơi xã hội xích lại gần nhau qua việc giao thương đôi bên cùng có lợi. Bàn tay vô hình của thị trường với những quy luật cung cầu sẽ điều tiết lượng hàng hoá và định giá hàng hoá hiệu quả hơn bất kỳ chính phủ nào. Với Adam Smith, mưu cầu tư lợi của con người là chất keo dính tuyệt vời của xã hội.
Giữa cuộc đối đầu khắp châu Âu giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm, Immanuel Kant xuất hiện như một làn gió mới. Theo Kant, kinh nghiệm của con người liên quan đến hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là cảm năng, tức là khả năng nhận thức sự vật quanh ta. Những thứ được nhận thức qua cảm năng được gọi là trực giác. Yếu tố thứ hai là giác tính, tức là khả năng sở hữu và sử dụng các khái niệm. Khái niệm ở đây có nghĩa là nhận thức gián tiếp về một vật. Giả sử trước mặt ta là một cuốn sách: nếu không có khái niệm “sách” trong đầu, ta sẽ chẳng biết được thứ ta đang thấy trước mắt là gì, và nếu không có trực giác về cuốn sách (không nhìn thấy chẳng hạn) thì ta chẳng thể biết cuốn sách đó tồn tại. Tóm lại, Kant tin rằng cả khái niệm về “sách” trong ta và nhận thức của ta về cuốn sách (nhìn thấy nó) đều đến từ kinh nghiệm. Ta sẽ chẳng có cả hai thứ này nếu chưa từng bắt gặp cuốn sách nào.
Mặt khác, với Kant, thời gian và không gian lại là tiên nghiệm (có sẵn mà không cần qua kinh nghiệm). Kant nói rằng tồn tại hai thế giới, một thế giới gọi là thế giới hiện tượng, nơi ta nhận thức được, cái còn lại là thế giới tự thân, tồn tại tách biệt khỏi nhận thức của ta. Chủ nghĩa của Kant còn được gọi là chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm.
Jeremy Bentham là một nhà cải cách luật pháp kiêm triết gia. Ông quan tâm đến những vấn đề về lợi ích và hạnh phúc trong xã hội. Tư tưởng chủ đạo của ông là chủ nghĩa vị lợi, ở đó mọi quyết định xã hội nên được thực hiện nhằm đem lại lượng hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất. Một ví dụ cụ thể là giả sử có một kẻ bị phần lớn xã hội ghét bỏ, liệu ta có nên giết kẻ đó, nhằm đem lại sự thoả mãn cho phần đông của xã hội? Câu trả lời của chủ nghĩa vị lợi là có, khi mà lượng hạnh phúc đem lại cho số đông vượt xa lượng bất hạnh gây ra cho kẻ xấu số kia, mặc cho kẻ kia không làm gì đến mức đáng bị xử tử như vậy.
Một ví dụ tiêu biểu cho chủ nghĩa vị lợi: bạn sẽ hi sinh một người để cứu năm người chứ?
Một ví dụ tiêu biểu cho chủ nghĩa vị lợi: bạn sẽ hi sinh một người để cứu năm người chứ?
Triết gia John Stuart Mill được nuôi dạy và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa vị lợi của thầy mình là Jeremy Bentham. Ông đồng ý với thầy rằng quyết định tốt là quyết định mang lại nhiều hạnh phúc nhất có thể. Nhưng ông không đồng tình với cách Jeremy Bentham định lượng niềm hạnh phúc từ các nguồn khác nhau. Với Jeremy Bentham, mọi niềm hạnh phúc đều như nhau, dù nó đến từ việc được ăn một bữa ngon, hay nó đến từ việc có được thành tựu học thuật nào đó sau bao năm học hành nghiên cứu. Còn về phần Mill, ông quan niệm rằng có những niềm hạnh phúc cấp cao và cấp thấp, và những niềm vui trí tuệ thì cao cấp hơn những khoái lạc vật chất, mặc dù ông không đưa ra cách quy đổi giữa hai loại hạnh phúc này.
Cũng từ chủ nghĩa vị lợi, John Stuart Mill đưa ra quan điểm về một xã hội nơi mọi cá nhân được tự do làm điều mình muốn. Ở xã hội đó, cá nhân được tự do mưu cầu hạnh phúc, miễn là hành động của họ không làm ảnh hưởng đến sự tự do mưu cầu hạnh phúc của người khác. Ông tin rằng khi mọi người được tự do làm điều mình muốn (miễn là không ảnh hưởng đến người khác), họ sẽ phát triển tối đa tiềm năng của mình, từ đó toàn xã hội sẽ được hưởng lợi. Có thể thấy rằng những tư tưởng của John Stuart Mill xuất hiện tại nhiều xã hội thời nay.
Georg Hegel là triết gia nổi tiếng nhất nước Đức vào nửa đầu thế kỷ 19. Ông là một nhà nhất nguyên luận, nghĩa là ông tin rằng mọi thứ trên thế giới đều là những phương diện khác nhau của một thứ duy nhất. Hegel gọi thứ duy nhất này là Tinh thần. Theo Hegel, toàn bộ lịch sử đều do Tinh thần chi phối. Lịch sử vận động là do sự vận động của Tinh thần. 
Quá trình phát triển của Tinh thần có được nhờ vào phép biện chứng, một khái niệm rất đặc thù trong tư tưởng Hegel. Với ông, mọi khái niệm trên thế giới này được gọi là chính đề. Bên trong khái niệm đó, tồn tại một mâu thuẫn, gọi là phản đề. Sự mâu thuẫn này được giải quyết bằng sự sinh ra của một khái niệm mới, kết hợp giữa chính đề và phản đề, được gọi là hợp đề. Một ví dụ về biện chứng là trong xã hội có khái niệm về sự chuyên chế, đây là chính đề. Trong chính đề này, tồn tại phản đề là sự tự do. Hai thứ này kết hợp lại, tạo nên hợp đề là nền pháp luật, thứ cai trị con người nhưng nhằm mục đích thúc đẩy tự do. Hợp đề đó tiếp tục tồn tại phản đề của chính nó, và kết hợp với nhau thành một hợp đề khác. Lịch sử phát triển là nhờ sự hình thành liên tục của các hợp đề. Đừng quên rằng mọi thứ đều là những phương diện khác nhau của Tinh thần, vậy nên quá trình lịch sử chính là Tinh thần đang tự đổi thay và vận động chính nó.
Phép biện chứng: Chính đề (thesis) + Phản đề (Antithesis) = Hợp đề (Synthesis)
Phép biện chứng: Chính đề (thesis) + Phản đề (Antithesis) = Hợp đề (Synthesis)
Cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh, Soren Kierkegaard, đã đem lại một góc nhìn mới cho nền triết học. Khi mà các triết gia bận tranh cãi về bản chất thực tại, bản chất của nhận thức, cách thiết kế luật pháp và xã hội, thì Kierkegaard đặt con người làm trung tâm với câu hỏi chủ đạo: ý nghĩa của cuộc sống là gì? Ông tin vào sự tự do ý chí, điều cho phép con người tự do lựa chọn hành động của chính mình. Con người khác với đồ vật ở chỗ, đồ vật có mục đích trước rồi mới hiện hữu, còn con người chúng ta hiện hữu trước rồi mới tự do tìm mục đích cho sự tồn tại của mình. Kierkegaard suy nghĩ về sự tự do của con người: chúng ta rất nhiều lựa chọn, chúng ta có thể chọn làm gì đó hoặc không làm gì, và sự tự do đó dấy lên trong chúng ta nỗi bất an dai dẳng. Chúng ta chỉ là bụi sao trời, sinh ra chẳng có mục đích, trôi lơ lửng trong vũ trụ mênh mông. Mục đích đời ta là do ta chọn. Chỉ mình ta mà thôi.
Karl Marx là một trong những triết gia ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Ông quan sát, nghiên cứu xã hội loài người trong suốt chiều dài lịch sử, và đi đến kết luận về tiến trình phát triển của nhân loại: mọi diễn biến lịch sử đều là kết quả của mâu thuẫn giai cấp, với nguyên nhân gốc rễ là lợi ích kinh tế. Theo ông, xã hội tồn tại hai giai cấp: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản sở hữu hầu hết của cải và phương tiện sản xuất trong xã hội, trong khi giai cấp vô sản phải đi làm thuê cho tư sản.
Với Marx, giai cấp vô sản làm lụng cật lực cho tư sản, nhưng họ chỉ được trả công vừa đủ để không chết đói, trong khi phần lớn giá trị họ tạo ra đều chảy vào túi giai cấp tư sản. Marx đề xuất ý tưởng mang tên chủ nghĩa cộng sản, theo đó phương tiện sản xuất được biến thành tài sản chung của xã hội, mọi người làm việc hòa thuận với nhau vì lợi ích tập thể, mọi nhu cầu của xã hội được đáp ứng. Nói ngắn gọn, đây là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Việc hình thành xã hội cộng sản, theo Marx, sẽ chấm dứt sự thống trị của giai cấp tư sản lên giai cấp vô sản. Ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản của Marx đã đóng vai trò vô cùng lớn trong những biến chuyển xã hội thế kỷ 20.
Thời kỳ cách mạng trôi qua với hàng loạt những đổi thay về chính trị, xã hội, khoa học và tư tưởng của nhân loại. Nhiều cuộc cách mạng và cải cách diễn ra trên toàn thế giới, mở ra thời kỳ hiện đại của những hệ tư tưởng và những cuộc chiến mang quy mô toàn cầu. Đây sẽ là nội dung của phần 3: triết học từ thời hiện đại đến nay.

References:

1. Triết học - khái lược những tư tưởng lớn
2. Lược sử triết học
3. 50 ý tưởng triết học
Phần 3: