Ảnh bởi
Kenny Eliason
trên
Unsplash
Thường thì ai nghe đến hai từ “triết học” cũng lắc đầu ngán ngẩm. Lắc đầu vì triết học bị coi là cao siêu, khó hiểu. Ngán ngẩm vì triết học chẳng có mấy ứng dụng trực tiếp lên cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Thực ra, triết học là nền tảng của mọi thứ quanh ta. Triết học là nghiên cứu về bản chất của thế giới, về sự tồn tại của vạn vật, về việc chúng ta biết hay không biết gì, về cách để chúng ta suy ngẫm.
Về tổng quan, triết học có 4 nhánh chính.
Nhánh đầu tiên là siêu hình học (metaphysics). Trong nhánh này, các triết gia đi tìm câu trả lời cho bản chất của hiện thực, cái gì tạo nên thế giới quanh chúng ta.
Nhánh thứ hai là tri thức luận (epistemology). Tri thức luận vật lộn với câu hỏi: bản chất của nhận thức là gì? Đâu là chân lý, và đâu là niềm tin? Ta biết những gì, tin những gì, nghi hoặc những gì? Ta có thực sự biết cái mà ta biết không? Và làm sao để ta biết là ta biết?
Nhánh thứ ba là đạo đức học (ethics). Nhánh này đặt ra những câu hỏi lớn về tốt xấu: Cái gì là tốt? Cái gì là xấu? Đúng hay sai được quyết định thế nào? Có cái gì đúng ở bối cảnh này nhưng lại sai ở bối cảnh khác?
Nhánh thứ tư là logic học. Logic học bàn về cách tư duy và các phương pháp suy luận. Logic học là bộ công cụ mạnh mẽ, bổ sung cho rất nhiều các bộ môn khác.
Từ thượng cổ tới hiện đại, con người đã luôn tò mò về bản chất của thế giới. Chừng nào con người còn tồn tại, họ vẫn sẽ không ngừng suy tư về triết học. Hãy thử đi ngược dòng thời gian, để xem nền triết học đã xuất hiện và phát triển ra sao.

Thời cổ đại (năm 700 TCN - 250)

Những thế hệ triết gia đầu tiên đã đặt những câu hỏi trực tiếp về bản chất của thế giới xung quanh. Những sự vật sự việc họ thấy, như trái đất, mặt trời, sấm sét, đặt ra nhiều thắc mắc về bản chất của sự tồn tại là gì, chúng ta nhận thức thế giới ra sao, mối quan hệ giữa thể xác và tinh thần là gì. Ngoài ra, những triết gia cổ đại này còn phát triển nhiều phương pháp tư duy và lý luận, đặt nền móng cho nền triết học sau này.
Khoảng thế kỷ 6 TCN, ở Trung Hoa xuất hiện một nhân vật là Lão Tử, cha đẻ của Đạo giáo. Theo ông, nguồn gốc của vạn vật là Đạo. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng Đạo lại không phải là sự vật. Đạo là tổng hoà của vũ trụ, của những sự tương phản, của sự biến hoá và tuần hoàn không ngừng. Điều này được thể hiện rất rõ ở biểu tượng âm dương: trong âm có dương, trong dương có âm, cả hai hoà quyện, tuần hoàn. Và với Lão Tử, để sống đời đức hạnh, cần hành động theo Đạo: con người cần sống vô vi (không hành động), sống thuận tự nhiên, thả mình theo dòng chảy của vạn vật, nhằm giữ sự hài hoà của thế giới.
Khoảng 500 năm TCN, Khổng Tử cho ra đời Nho giáo với tư tưởng triết học mang nhiều màu sắc luân lý. Ông chia con người trong xã hội thành vào nhiều thứ bậc, và giữa các thứ bậc có những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm riêng, ví dụ như vua phải nhân từ với bề tôi, bề tôi phải trung thành với vua, con cái phải nghe lời cha mẹ, cha mẹ phải yêu thương con cái. Ngoài ra, ông còn chủ trương cai trị xã hội thông qua đạo đức: người ở thứ bậc cao có trách nhiệm làm tấm gương đạo đức, vua cần làm gương cho dân chúng về sự quang minh chính trực, nhằm cảm hoá và giáo dục dân chúng. Tư tưởng Nho giáo đã làm nền tảng cốt lõi của xã hội Trung Hoa trong hàng ngàn năm sau.
Siddhartha Gautama, hay còn gọi là Đức Phật, từ một hoàng tử sống trong xa hoa quyền quý, đã từ bỏ tất cả để đi tìm sự giác ngộ, từ đó tạo ra Phật giáo. Ông phát triển Phật giáo thông qua lý tính và suy luận, thay vì mặc nhiên chấp nhận những lời dạy từ thánh thần. Ông quan tâm đến những câu hỏi lớn về mục đích sống, nguồn gốc của khổ đau và hạnh phúc, cùng với cách sống cuộc đời tốt đẹp. Ông thấy rằng sự tồn tại luôn đi cùng với khổ đau, và nỗi khổ đau này đến từ ham muốn của con người. Chừng nào con người còn ham muốn, họ vẫn còn khổ đau từ nỗi thất vọng do không được thỏa mãn hoàn toàn. Mục tiêu tối thượng của cuộc đời trong tư tưởng Phật giáo là đạt được Niết Bàn: trạng thái vượt qua bản ngã và không còn ràng buộc với nỗi khổ đau luân hồi.
Hướng cái nhìn sang phương tây, hay cụ thể là Hy Lạp cổ đại, Socrates xuất hiện như một trường hợp vô cùng đặc biệt. Ông được coi như cha đẻ của triết học phương tây, mặc dù ông không tạo ra trường phái hay học thuyết nào. Điều đặc biệt của ông là phương pháp truy vấn biện chứng, hay còn gọi là phương pháp Socrates: với mỗi vấn đề, ông sẽ đứng ở vị trí kẻ không biết gì, sau đó đặt ra hàng loạt câu hỏi với người đối thoại, đào sâu vào cốt lõi, dần dà làm lộ rõ những mâu thuẫn. Ông tin rằng cuộc đời đáng sống là phải luôn đặt ra câu hỏi, nếu không ta sẽ chỉ sống đời vô tri. Hệ thống tư duy của ông đã đặt nền tảng cho các phương pháp lý luận khoa học sau này.
Đặt câu hỏi kiểu Socrates
Đặt câu hỏi kiểu Socrates
Sau khi người thầy Socrates giã từ cõi đời, học trò của ông là Plato đã nối tiếp những bước chập chững của triết học phương tây. Plato nổi tiếng với ngụ ngôn cái hang: nơi những con người bình thường chỉ được thấy cái bóng của những sự vật được hắt trên tường hang. Với ông, những gì con người chúng ta nhận thức được qua giác quan cũng giống như cái bóng trên tường vậy: chỉ là cái bóng của hiện thực, chứ không phải hiện thực. Đây là nền tảng cho học thuyết về Mô thức của ông. Ông quan niệm rằng mỗi sự vật trên thế giới này sẽ có một Mô thức, một thực thể hoàn hảo bất biến tương ứng. Ví dụ, tồn tại một Mô thức về quả táo, mang trong nó mọi tính chất lý tưởng của một quả táo. Và những quả táo mà con người nhận thức được đều chỉ là cái bóng của Mô thức quả táo. Đi xa hơn, Plato cho rằng có 2 thế giới tồn tại song song: thế giới của các Mô thức (vĩnh cửu, bất biến), và thế giới giác quan (nơi con người nhận thức mọi thứ bằng giác quan). Và ông tin rằng nếu chỉ dựa vào giác quan để tìm hiểu bản chất thế giới thì không đủ (vì chỉ thấy được cái bóng), mà phải dùng lý tính và suy luận để chạm tới được Mô thức của mọi vật. Hướng tiếp cận này được gọi là chủ nghĩa duy lý.
Ngụ ngôn cái hang của Plato
Ngụ ngôn cái hang của Plato
Aristotle là học trò của Plato, nhưng ông lại không theo hướng tiếp cận của thầy mình. Đi ngược lại niềm tin vào những Mô thức lý tưởng bất biến, Aristotle thấy rằng chân lý có thể được tìm ra bằng cách quan sát thế giới. Cũng với ví dụ quả táo: qua giác quan, con người nhận thức được hàng trăm hàng ngàn quả táo, đa dạng về chủng loại và khác nhau trong nhiều khía cạnh, nhưng chúng sẽ có những đặc tính chung, và những đặc tính chung đó làm nên tính chất của cái gọi là quả táo. Càng quan sát và trải nghiệm nhiều, chúng ta càng có ý niệm rõ ràng hơn về quả táo. Nói rộng hơn, theo Aristotle, chân lý tồn tại ở ngay thế giới này (chứ không nằm tách biệt ở một thế giới Mô thức), và chúng ta có thể tìm thấy chân lý thông qua kinh nghiệm và giác quan. Hướng tiếp cận này được gọi là chủ nghĩa duy nghiệm, và cuộc đối đầu giữa duy lý và duy nghiệm sẽ còn tiếp tục rất dài hơi trong lịch sử.
Vào khoảng 300 năm TCN, chủ nghĩa Khắc kỷ ra đời dưới sự sáng lập của Zeno, và trong vài trăm năm sau, những triết gia như CiceroSeneca đã giúp truyền bá chủ nghĩa Khắc kỷ khắp đế chế La Mã. Tư tưởng cốt lõi của Khắc kỷ khuyên ta chỉ nên lo lắng tới những điều ta có thể kiểm soát được, nhằm đạt được sự tĩnh tại nội tâm. Ví dụ như khi thời tiết chuyển xấu hay người thân qua đời, những người Khắc kỷ sẽ không bị suy sụp tinh thần, do những việc này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Tư tưởng Khắc kỷ còn cho rằng chúng ta cần có trách nhiệm với cảm xúc và suy nghĩ của mình, vì cảm xúc của ta là do ta lựa chọn. Cảm xúc làm mờ lý trí và sự phán đoán. Đặt cảm xúc ra khỏi bàn cân sẽ giúp ta ra quyết định sáng suốt hơn.

Thời trung cổ (năm 250 - 1500)

Thời kỳ trung cổ mở ra khi đế chế La Mã sụp đổ và châu Âu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Cơ Đốc giáo. Những giá trị triết học thời Hy Lạp - La Mã dần phai mờ dưới sự trỗi dậy của Cơ Đốc giáo. Xã hội giờ đây tìm kiếm câu trả lời trực tiếp cho bản chất vũ trụ thông qua Kinh Thánh chứ không qua những thảo luận triết học. Tuy vậy, vẫn có nhiều học giả thời trung cổ tìm cách hợp nhất triết học Hy Lạp vào giáo lý Cơ Đốc, nhằm tìm ra lời giải thích duy lý cho tôn giáo. Ở một diễn biến khác, Hồi giáo lan rộng mạnh mẽ, các học giả Hồi giáo lại là người gìn giữ triết học Hy Lạp - La Mã trong một thời gian dài.
Augustine vừa là một con chiên ngoan đạo, vừa là một người với nhiều thắc mắc. Ông đặc biệt quan tâm đến chủ đề về sự tốt xấu. Ông tự hỏi tại sao Chúa để cái xấu tồn tại. Và câu trả lời của ông là Chúa tạo ra mọi thứ trừ cái xấu. Theo ông, cái xấu không phải là thứ riêng biệt, mà cái xấu là sự thiếu vắng của cái tốt: một người lưu manh không phải vì họ sở hữu sự lưu manh, mà do họ thiếu sự tốt lành. Ngoài ra, ông tin rằng con người có lý tính, và để tạo ra con người có lý tính, Chúa cần cho con người tự do ý chí. Điều này nghĩa là con người được tự do hành động, kể cả hành động tốt hoặc hành động thiếu tốt (hành động xấu). Con người có thể chọn tuân theo Chúa (hành động tốt) hoặc đi ngược lại lời Chúa (hành động xấu). Theo cách nghĩ này, niềm tin trong Kinh thánh về một Chúa toàn năng - toàn thiện - toàn tri vẫn được bảo toàn, và cái xấu đến từ sự tự do ý chí nơi con người chúng ta.
Triết gia La Mã Boethius cũng tin vào một Chúa toàn năng - toàn tri - toàn thiện, nhưng điều này lại gợi ra trong ông nhiều câu hỏi về ý chí tự do. Một câu hỏi lớn làm Boethius băn khoăn: nếu như Chúa là toàn tri (biết mọi thứ), vậy làm sao con người có được ý chí tự do? Ví dụ như việc ta sẽ đi ra ngoài chiều nay: Chúa biết mọi việc trên đời, cả quá khứ hiện tại và tương lai. Việc ra ngoài của ta trong tương lai đã được Chúa biết trước ngay bây giờ. Vậy ta không thật sự có tự do ý chí trong việc chọn ra ngoài hay ở nhà chiều nay hay sao? Câu trả lời của Boethius là cách chúng ta nhìn nhận thời gian khác với Chúa: con người cảm nhận thời gian theo một dòng chảy tuyến tính đi từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Trong khi đó, Boethius tin rằng Chúa tồn tại trong một thực tại vĩnh hằng, nơi quá khứ hiện tại tương lai là một. Chúa nhận biết mọi thứ trong một khoảnh khắc bất tận. Vậy nên, việc chúng ta định ra ngoài trong tương lai, hay việc chúng ta đang ở nhà, với Chúa, đều nằm trong cùng một thời điểm. Điều này không ngăn cản sự tự do ý chí của con người.
Avicenna là một trong những triết gia Ả Rập vô cùng nổi tiếng. Tuy là một tín đồ Hồi giáo, ông lại đi theo tư tưởng và phương pháp lập luận của Aristotle. Ông quan niệm rằng tinh thần và thể xác là hai thứ tách biệt, thể hiện qua thí nghiệm tưởng tượng tên là Người bay. Giả sử chúng ta bị bịt mắt, bịt tai, trôi lơ lửng trong thinh không, ta sẽ không biết mình có một thể xác do không có cảm nhận vật lý nào. Tuy vậy, ta vẫn nhận thức được mình đang tồn tại. Vậy cái đang tồn tại là gì? Avicenna tin rằng đây là tinh thần của chúng ta, tách biệt với thể xác.
Thí nghiệm của Avicenna
Thí nghiệm của Avicenna
Anselm là tổng giám mục xứ Canterbury, một chức vụ cao trong hệ thống giáo hội. Vừa mộ đạo, lại sở hữu tài năng logic, Anselm đã đưa ra những lập luận chứng minh rằng Chúa hiện hữu. Trong lập luận của mình, ông thừa nhận hai điều: một - Chúa là điều vĩ đại nhất mà ta có thể nghĩ bàn, và hai - sự hiện hữu thì vĩ đại hơn sự phi hiện hữu. Ông nói rằng, trong tâm trí chúng ta, có khả năng tồn tại một ý niệm về thứ vĩ đại nhất. Do Chúa là điều vĩ đại nhất mà ta có thể nghĩ bàn, vậy nên Chúa là điều vĩ đại nhất trong tâm trí ta (điều 1). Nhưng Chúa chỉ tồn tại trong tâm trí lại không vĩ đại bằng Chúa tồn tại ở cả tâm trí và hiện thực (điều 2). Vậy nên Chúa phải tồn tại. Theo logic này, chỉ cần nghĩ về Chúa thì Chúa tồn tại, ở cả tâm trí và hiện thực.
Vài trăm năm sau, một nhà thần học là Thomas Aquinas đưa ra những lý luận về nguồn gốc của vạn vật. Lấy ví dụ một vật bất kỳ quanh ta: vật này được hình thành từ một nguyên nhân nào đó. Rồi những nguyên nhân trên lại có nguyên nhân gây ra chúng. Chuỗi nhân quả đó cứ thế kéo dài đến tận cùng, Aquinas tin rằng điều này là không thể. Cần có một nguyên nhân đầu tiên, một nguyên-nhân-không-có-nguyên-nhân, đóng vai trò khởi thuỷ của toàn bộ chuỗi nhân quả trong vũ trụ. Theo ông, nguyên nhân đầu tiên này là Chúa. Mặt khác, Aquinas cũng đi theo lý luận của Aristotle: vũ trụ luôn luôn tồn tại (tức là tồn tại vĩnh cửu). Vậy thì Chúa nằm đâu trong tiến trình của vũ trụ? Aquinas đã dung hoà hai cách nghĩ này và kết luận rằng: Chúa tạo ra sự vĩnh cửu của vũ trụ. Lập luận này giúp ông được tôn vinh làm triết gia chính thống của Giáo hội Cơ Đốc.
Câu hỏi lớn của Aquinas: điều gì khởi tạo vũ trụ?
Câu hỏi lớn của Aquinas: điều gì khởi tạo vũ trụ?
Thời trung cổ đậm đà màu sắc tôn giáo sẽ dần lui về phía sau, nhường sân khấu cho thời phục hưng hơi hướng thế tục hơn. Phần 2 sẽ nói về triết học từ thời phục hưng tới cuối thời kỳ cách mạng.

Reference:

1. Triết học - khái lược những tư tưởng lớn
2. Lược sử triết học
3. 50 ý tưởng triết học
Phần 2: