Nguyễn Minh Luân hay Lucas Luân Nguyễn có lẽ là cái tên không còn xa lạ với các khán thính giả yêu thích điện ảnh và âm nhạc. Được biết đến là một chàng trai đa tài trong nhiều lĩnh vực: phân tích điện ảnh, sáng tác nhạc, dịch giả,... Lucas Luân Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn ấn tượng trong hành trình sáng tạo của bản thân. Anh đảm nhận vị trí Cố vấn Việt hóa cho Netflix, là dịch giả của cuốn sách Save The Cat (Blake Snyder), tham gia chuyển ngữ lồng tiếng cho nhiều dự án điện ảnh như: Encanto, The Mitchells vs. The Machines (2021), Teenage Mutant Ninja Turtles: Mutant Mayhem (2023),.. và là một copywriter với nhiều khóa học chất lượng.
Sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vậy làm sao để Lucas Luân Nguyễn cân bằng và tìm cảm hứng sáng tạo trong mỗi lĩnh vực? Những chia sẻ của anh về góc nhìn điện ảnh ra sao và lời khuyên cho các bạn theo đuổi vũ trụ sáng tạo như thế nào? Hãy đón xem tập podcast thứ 10 của The Creator cùng host Linh Vetter để giải đáp các thắc mắc trên nhé!
Dưới đây chỉ là 3 câu hỏi mà chúng mình cho là thú vị nhất thui, các bạn có thể lắng nghe buổi nói chuyện đầy đủ tại đây.
Góc nhìn điện ảnh của anh Lucas có được hình thành từ bao giờ và đến từ đâu?Hành trình cảm thụ điện ảnh là một hành trình dài. Đầu tiên để nói về cảm thụ, chắc chắn mình đã được học và học từ khi mình còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, nó được trau dồi khi mình học môn văn. Nhiều người cho rằng, học văn là học cảm thụ một cách áp đặt. Tuy nhiên, khi lớn lên, anh nhận thấy rằng, thực ra môn văn cho chúng ta nền tảng về cảm thụ chứ nó không phải lối cảm thụ duy nhất khi chúng ta cảm thụ một tác phẩm. Trong quá trình trưởng thành, chúng ta trải nghiệm nhiều hơn, có nhiều kiến thức hơn và xem nhiều tác phẩm hơn, chúng ta dần dà sẽ phát triển được nhiều kĩ năng cảm thụ và lối tiếp cận mới.
Trong khoảng thời gian 3 năm học tại Úc, anh nghĩ nó đã hình thành cho anh rất nhiều lối tư duy và thẩm mỹ khi tiếp cận tác phẩm văn học. Đặc biệt, ở bên đó, anh rất hay đi xem phim một mình, mà phim bên đó không có vietsub nên nó yêu cầu mình phải rất tập trung để cảm nhận và chuyển hóa nó. Về sau mình cũng tập viết về nó, viết giống như một thói quen thôi, để mình lưu lại cảm xúc của mình về nó cũng như truyền cảm hứng của bộ phim đó đến với mọi người. Bản thân anh là một người rất thích kể chuyện, nếu mình trải nghiệm một câu chuyện hay thì mình rất thích kể nó cho mọi người. Và phim cũng giống một câu chuyện, mình xem bộ phim này hay quá thì mình cũng muốn giới thiệu nó cho mọi người. Từ đó, dần dà nó hình thành nên cho mình một khả năng cảm thụ. Bên cạnh đó, trong ba năm tại Úc anh cũng được học nhiều kiến thức về truyền thông, điện ảnh… để áp dụng nó trong lối cảm thụ tác phẩm của mình.
Anh có thể chia sẻ về cuốn sách gần đây do anh làm dịch giả - “Save The Cat! The Last Book on Screenwriting You'll Ever Need” cho các bạn khán thính giả của The Creator được không? 
Một trong những vinh dự anh có được (anh coi đó là vinh dự) là anh được dịch một trong những cuốn sách về ngành biên kịch nổi tiếng nhất thế giới cho độc giả Việt Nam là Save The Cat! The Last Book on Screenwriting You'll Ever Need” (Tạm dịch: Cứu Con Mèo: Bạn không cần một cuốn sách nào về biên kịch nữa). Cuốn sách này có mặt trên thế giới từ 2005 và tới giờ là hơn 2 thập kỉ trôi qua mà nó mới có bản tiếng Việt chính thức và hoàn chỉnh ở Việt Nam. Sự tồn tại của nó là kim chỉ nam cho rất nhiều biên kịch trên thế giới và cả Việt Nam trong nhiều năm qua. Phải nói là gần như không có biên kịch nào ở Việt Nam đi theo dòng phim thương mại mà không biết tới cuốn “Save The Cat".
“Save The Cat" là một cuốn sách dạy cho biên kịch những bí quyết để thành công khi bước chân vào dòng phim thương mại. Đầu tiên, chúng ta cần thừa nhận với nhau rằng ngành công nghiệp điện ảnh là ngành cần có tiền để vận hành, và biên kịch cũng như vậy, họ là những người bán kịch bản và họ cũng phải gia nhập vào đường đua mang tính kinh doanh. Cái kịch bản của họ có khả năng làm ra được tiền cho người làm phim không thì người làm phim mới chịu bỏ tiền ra cho cái kịch bản đó, bởi đồng tiền đi ra thì cũng phải có đồng tiền đi ngược lại vào túi mình chứ. Do đó, khi tác giả Blake Snyder quan sát thị trường phim thương mại từ rất nhiều năm về trước và ở trong ngành phim đủ lâu nên ông ấy đưa ra kết luận là ngành công nghiệp phim thương mại là ngành công nghiệp lúc nào cũng phải giảm thiểu rủi ro nhất có thể. Nó giống như một ván bài về kinh doanh thôi. Blake Snyder đã xem những thành công của các bộ phim thương mại về trước và nhìn thấy được những mẫu thức chung, công thức chung để những bộ phim đó kiếm được ra tiền. Ông ấy bắt đầu chỉ ra được những điểm chung của những bộ phim đó cùng với những kiến thức của cấu trúc ba hồi và những tài liệu kiến thức điện ảnh cũ… để viết ra cuốn “Save The Cat". Đặc biệt, Blake Snyder có nói rằng, nếu bạn đi theo cấu trúc này cho bộ phim thương mại thì khả năng bộ phim đó thành công trong phòng vé cao hơn là bạn không đi theo.
Trong cuốn “Save The Cat", Blake Snyder chia rất nhiều chương. Nó bắt đầu từ việc bạn phải bán được ý tưởng của mình ra sao cho đến việc phân loại câu chuyện, xây dựng nhân vật và dàn nhịp như thế nào… để cho đến hôm nay, khi chúng ta xem Dune, Kungfu Panda 4 vẫn nhìn thấy rất rõ bản nhịp của Blake Snyder trên từng bộ phim đó mà không trật đi một nhịp nào.
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn thấy rất nhiều biên kịch, bộ phim đi theo cấu trúc đó. Bộ phim thành công nhất của Việt Nam trong thời gian gần đây là bộ phim Mai cũng đi theo 100% cấu trúc của “Save The Cat”.
Là một nhà sáng tạo nội dung, anh nghĩ các bạn trẻ cần làm gì nếu muốn “phá bỏ khuôn mẫu" trong ngành này?
Một trong những điều mà những người mới đặt chân vào ngành sáng tạo nội dung hay cả những người đã có thâm niên trong nghề hoặc thậm chí chính anh cũng đã từng mắc phải đó là chúng ta đang sống trong một thế giới mà không có cái gì là “original” nữa cả, không có điều gì là độc bản, nguyên bản nữa. Thế giới của chúng ta bây giờ là thế giới của liên văn bản khi mọi thứ đều ít nhiều qua lại với nhau. Đó là lý do tại sao xuất hiện  một ngành học rất hay trên đời là Văn Học Dẫn Luận So Sánh (Comparative Literature). Đó là ngành học nghiên cứu sự giao thoa và sự ảnh hưởng đến nhau giữa các tác phẩm, trường phái và văn hoá, văn bản. Chính ngành này đã dẫn đến ngành học Chuyển Thể và Cải Biên (Adaptation). Như vậy, chúng ta có thể thấy chúng ta đang sống trong một thế giới mà gần như không có gì còn là độc bản nữa. Vì vậy, những nhà làm sáng tạo khi mới vào nghề thường mắc phải những câu hỏi như: Tại sao tôi làm cái này mà sao giống cái kia quá?, … Điều này cho thấy chúng ta bị quá khó chấp nhận rằng ta không có cái độc bản của chính mình. Theo anh, điều này là thứ dẫn đến sự khủng hoảng của rất nhiều người khi họ không tìm thấy cái mới, không đem đến giá trị mới và mang cái hình bóng gì đó nó đã có rồi. Ngay cả anh cũng từng rơi vào trường hợp này.
Tuy nhiên, anh nghĩ chúng ta cần phải chấp nhận trên đời không còn thứ gì nguyên bản nữa hết, tất cả những câu chuyện trên đời ít nhiều đều đã được kể, quan trọng là người nào có vốn coi nhiều hơn, họ có vốn kể chuyện hoặc nghe câu chuyện nhiều hơn thì họ sẽ dễ dàng nhận ra cái mẫu thức đó hơn. Ví dụ có những người họ coi một bộ phim nhưng họ nhận thấy hình bóng của 10 bộ phim trước đó họ từng coi nhưng bên cạnh đó cũng có những người họ coi một bộ phim họ cảm thấy tươi mới, họ thấy bộ phim này rất khác với những tác phẩm trước đó họ từng coi.
Anh nghĩ là, để “phá bỏ khuôn mẫu" nó không chỉ là câu chuyện của một cá nhân mà nó còn là câu chuyện của cả tập thể. Nó là câu chuyện của rất nhiều người khi cùng nhau tạo nên một tác phẩm. Mỗi người chúng ta khi đưa vào một góc nhìn của mình trong một tác phẩm sẽ có thể đưa tác phẩm ấy thay đổi. Vì vậy, “phá bỏ khuôn mẫu" cho một tác phẩm không chỉ nhìn ở dưới góc độ của một người mà nó còn phải dưới góc nhìn của toàn thể mọi người tạo nên tác phẩm đó. Anh nghĩ, ở thời đại bây giờ, tính độc bản nằm ở nhiều nghệ sĩ tính khác nhau để tạo ra một thứ mang tính độc bản chứ chúng ta không thể định nghĩa tính độc bản là thứ mới lạ hoàn toàn mà chưa từng có trước đây.
Lắng nghe đầy đủ cuộc trò chuyện của host Linh Vetter và khách mời Lucas Luân Nguyễn tại đây: 
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast mới nhất của Talk Sâu, bạn có thể theo dõi tại: