Đầu tiên là rừng Amazon đang cháy bừng bừng. Trong khi cả thế giới nháo nhào như cháy nhà hàng xóm thì ông tổng thống Brazil tỉnh tơ, bảo rằng cháy mãi rồi cũng hết thôi mà, đừng lo. Ông Bolsonara - tổng thống Brazil, vốn thuộc dạng mặt sắt đen xì (Aka dân túy cánh hữu), là người vui tính và ít nói, ổng chỉ lên ti vi và làm giật mình thiên hạ chứ không kêu gào ba xu như mấy nhà hoạt động môi trường trên facebook. Ổng bảo: Tôi đốt rừng nuôi bò. Tưởng đùa mà hóa là thật. Brazil đang đẩy mạnh xuất khẩu thịt bò và đậu tương, và nếu bọn tư bản có ngúng ngẩy thì ông bán cho dân Á. Dân Á, vốn vẫn thèm thịt bò và sữa tươi, và khi cơn thèm còn đấy thì họ chả quan tâm gì đến quyền này nghĩa nọ, rừng cháy thì cũng buồn, nhưng không quan trọng bằng việc đĩa bò bít tết thiếu một miếng sẽ không đầy để post facebook, bèn nhập lấy nhập để với giá thuế quan đầy tình cảm. Khi ông thủ tướng Ireland yêu cầu Brazil "dập lửa đi", nếu không sẽ cấm nhập thịt bò, ông Bolsonara chỉ cười nụ cho qua. Nội các của ông Bolsonara thì thủng thẳng: Hồi trước mấy nước phát triển chặt hết rừng của họ rồi xây tàu bè súng ống, giờ lại kêu gọi chúng tôi bỏ tiền túi ra giữ rừng. Lập luận của ông Bolsonara đơn giản: Rừng của Brazil, Brazil sẽ làm gì tốt nhất cho Brazil. Bỏ tỉ đô để cứu rừng không phải là điều tốt nhất đấy. Ai yêu rừng thì trồng rừng ở nhà chứ dân Brazil quyết tâm theo đuổi ấm no và tự cường. Ai phản đối thì trả tiền đây!

Cuối cùng chẳng ai trả tiền. Trái Đất cũng chẳng có tiền túi riêng, thế là vài trăm nghìn kilomet vuông rừng lại sắp biến thành ruộng đậu tương và trại bò lúc lắc.
Tiếp theo là Hồng Kông. Tuần phản kháng thứ 11 vẫn nóng hổi, tuy chưa ai chết chưa ai bị thương nhưng quân đội thì điều động đủ người rồi. Về cơ bản thì Trung Quốc là trùm xử lý mấy vụ biểu tình, cứ hỏi một người Trung Quốc điển hình rằng ở nước anh có bạo động không, chắc chắn câu trả lời sẽ na ná: Ở nước chúng tôi chỉ có hiểu lầm đáng tiếc chứ chưa từng có bạo động. Điều này khác hẳn với xứ cờ hoa, khi mấy chú sinh viên có thể biểu tình phản đối từ Trump, Facebook đến phong cách ăn mặc quái gở của Superman... mà không gì đáng tiếc có thể xảy ra cả. Ở đây ta thấy Trung Quốc tỏ vẻ ôn hòa hơn so với truyền thống, và khi ôn hòa bất bình thường như này có nghĩa là mọi thứ đã sắp xếp xong xuôi rồi. Bà Carrie Lâm, vốn là cái đệm lò xo giữa 2 cánh cửa, sẽ bảo đảm hai cánh cửa này được đóng lại mở ra nhẹ nhàng. Không biết bà sẽ phải giải quyết làm sao với mối căm ghét giữa hai khối dân cư này: Dân Hồng Kông thì ghét dân nhà nghèo đại lục sang chơi và làm ô uế thành phố, dân đại lục thì cho rằng dân Hồng Kông là thứ buôn bán vong ân, ăn thừa bơ mà quên nguồn cội. Xét cho cùng thì cả hai đều có lí đúng và đều đang diễn đúng phần vai của mình. Vở kịch này tuy hơi nhàm, nhưng đủ hay, chắc chỉ thiếu xe tăng hoặc anh hùng để trở thành tuyệt phẩm.
The creation of Hong Kong, by u/ZWF0cHVzc3k
Nhắc đến kịch nghệ thế giới tuần qua, chúng ta không thể không nhắc đến ông Trump. Như một truyền thống cá nhân, twitter của ông luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới tinh hoa nhân loại. Ở lần này, ông đề nghị mua Greenland, vốn là mảnh đất tự trị của Đan Mạch, với cung cách lịch sự và nhã nhặn bất ngờ. Với những người không học kinh tế cũng chả quan tâm đến thế giới, có lẽ câu hỏi đơn giản chỉ là: ông Trump có phát hành cổ phiếu đất đai ra công chúng không? Và liệu ông Trump mua được thêm 3 triệu m2 đất cho nước Mỹ thì điều kiện làm thẻ xanh sẽ dễ thở đi đôi chút? Đây là những câu hỏi rất khó, khiến thủ tướng Đan Mạch phải nghĩ 3 ngày mới đăng đàn trả lời. Câu trả lời không lọt tai ông Trump lắm, và vì thế ổng bảo rằng ê Đan Mạch mày nói ngu thật ngu và tao không muốn nghe mày nói nữa, đồng thời hủy luôn chuyến thăm Đan Mạch sắp tới. Chúng ta có thể coi đây là một hành động ép giá của ông Trump. Phi vụ này sẽ tiếp diễn ra sao? Liệu ông Trump có ghi danh trở thành cò đất nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới? Chúng ta hãy cùng chờ xem ở kì sau.
Tường thuật bởi Elbe, nearly-top-writer của Spiderum.