NHỮNG GÓC KHUẤT Ở TRƯỜNG CHUYÊN LỚP CHỌN
Đã từng có một thời gian nở rộ trending bóc phốt trường Chuyên trên Spiderum. Bài hay có, bài dở có. Thêm vào đó là những bài phản...
Đã từng có một thời gian nở rộ trending bóc phốt trường Chuyên trên Spiderum. Bài hay có, bài dở có. Thêm vào đó là những bài phản bác lại, nổi bật là bài của bác 1 + 1 = 3. Cho nên bài viết này mình không theo trending gì cả, cũng chả phản bác lại ai, đơn giản chỉ muốn đưa ra thêm những góc khuất mà mình nhìn nhận thấy được trong thời gian học ở Chuyên.
Góc khuất 1: Nơi nào càng danh giá, nơi đó càng có những góc tối
Ở Trung Quốc, nơi mà có những ông bố bà mẹ là tỷ phú đô la, luôn có ước muốn đưa con mình sang những trường danh giá nhất của Mỹ như MIT, Harvard, Standford hay Oxford, Cambridge của Anh. Họ sẵn sàng bỏ hàng triệu đô la vào những trung tâm du học, thuê những gia sư hàng đầu để con cái họ đạt được ước muốn của họ. Nếu không được, họ sẵn sàng thuê người viết bài luận, thuê người thi SAT hộ,... Đã từng có thời gian kì thi SAT bị cấm ở Trung Quốc do tình trạng gian lận xảy ra quá nhiều. Còn gian lận như thế nào bạn hãy xem phim Bad Genius sẽ rõ.
Hay gần đây là vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia với những ông to bà lớn có con cái học trường Chuyên. Nếu con cái họ giỏi giang, vậy thì họ chả phải "chạy" đến tận chục điểm làm gì. Một cách dễ hiểu, con cái họ vào trường Chuyên lớp chọn cũng theo cách thức không chính thống. Vậy ai sẽ tiếp tay cho những hành động này? Rõ ràng sẽ là những thành viên nội bộ trong trường Chuyên rồi.
Góc khuất 2: Áp lực, trầm cảm là có
Áp lực từ gia đình, khi những ông bố bà mẹ bắt ép con cái học hành ngày đêm, từ đi học thêm đến thuê gia sư. Cốt là để bố mẹ nở mày nở mặt, có cái đi khoe với các phụ huynh khác. Những ông bố bà mẹ kia luôn miệng nói mong muốn những điều tốt nhất cho con cái, nhưng họ chả chịu nghe con chia sẻ lấy một câu.
Cô bạn mình là một trường hợp như vậy. Năng lực của nó xét ra chả thể vào nổi chuyên Anh nhưng vì bố mẹ bắt ép nên đã học đến mức trầm cảm. Từ một đứa con gái nhanh nhẹn hoạt bát biến thành một đứa sống khép kín, cả ngày chả nói lấy một lời. Riêng môn tiếng Anh thôi bố mẹ bạn ấy thuê hẳn 3 người dạy: Một người là thầy giáo có tiếng ở tỉnh chuyên ôn luyện vào chuyên Anh, một người là cô giáo ở trường Chuyên cốt là để xem năm ấy ra đề vào dạng nào, người còn lại là một gia sư. Bạn ấy học ngày học đêm, học đến nỗi kiệt quệ. Cái ngày trường Chuyên thông báo kết quả, bọn mình trong lớp đứa buồn, đứa vui. Chỉ riêng bạn ấy không vui cũng chả buồn bởi vì bạn ấy đang nằm liệt giường vì kiệt sức. Cả lớp mình đến thăm, ai nấy đều xót xa. Chắc chỉ có riêng bố bạn ấy là thấy vui, khoe với cả lớp con gái đã đỗ chuyên Anh. Còn bảo bọn mình bạn ấy chỉ cần nghỉ mấy ngày là khỏe lại thôi, không vấn đề gì đâu. Mình lúc đấy tức lắm nhưng cũng chả làm được gì.
Với những ai chưa hiểu được áp lực mà học sinh thi Chuyên phải trải qua, mọi người hãy xem thử phim Sky Castle sẽ rõ. Hãy cứ thử tưởng tượng trường Chuyên chỉ lấy khoảng 30 người một lớp (Như ở tỉnh mình là vậy), 30 người đó là 30 người xuất sắc nhất của cả cái tỉnh đó. Với những bạn được trời ban cho trí thông minh, có thể các bạn sẽ đỗ Chuyên một cách không quá áp lực. Hoặc bố mẹ bạn không phải là người quá áp đặt, bạn cũng sẽ dễ thở hơn. Còn những trường hợp như cô bạn mình vừa kể trên, thi vào Chuyên như một cuộc chiến mà bố mẹ lại không phải là hậu phương vậy.
Góc khuất 3: Ai giỏi hơn được tung hô, ai kém hơn bị dè bỉu. Tình bạn là điều gì đó xa xỉ.
Mình có chơi thân với 2 cậu bạn từ hồi cấp 2. Mình học trường Chuyên ở tỉnh, còn hai bạn kia, một người học chuyên Amsterdam HN, một người học chuyên Khoa học Tự nhiên HSGS. Bọn mình cũng hay tâm sự với nhau về chuyện trường lớp cũng như học tập. Và qua những câu chuyện đó, 3 bọn mình học 3 trường chuyên khác nhau lại có những điểm chung. Đầu tiên như tiêu đề "Ai giỏi hơn được tung hô, ai kém hơn bị dè bỉu". Việc người giỏi hơn được khen thưởng là hoàn toàn hợp lý, nhưng kém hơn bị dè bỉu lại là một điều tệ hại. Dè bỉu ở đây là như thế nào? Là khinh khỉnh, coi thường người khác. Không chỉ học sinh mà cả thầy cô cũng vậy, ai không nằm trong đội tuyển coi như ra rìa luôn. Ở trường Chuyên, bạn sẽ khó thể thấy những trường hợp cầm dao đuổi nhau hay đánh hội đồng một ai đó. Thay vào đó là những cuộc chiến ngầm, những cuộc chiến học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, thi Olympia, thi trại hè, thi máy tính cầm tay, thi trại nhanh,... Ai cũng muốn đứng đầu, đôi khi chả biết đứng đầu để làm gì, nhưng cứ đứng đầu cái đã.
Chính sự cạnh tranh ngầm này dẫn đến khó hình thành tình bạn. Tại sao lại khó hình thành tình bạn? Vì thiếu sự sẻ chia. Vì ai cũng muốn đứng đầu nên việc chia sẻ sách ôn thi, chia sẻ chỗ học thêm ít khi xảy ra. Và vì ai cũng có những mục tiêu riêng, nên việc ai người nấy làm.
Nhớ lại cái hồi cuối cấp 3, lớp mình và kể cả lớp 2 cậu bạn kia còn chả có buổi chụp kỷ yếu ra hồn. Có người thì bận chuẩn bị hồ sơ đi du học, đi thi IELTS, thi SAT. Có người thì đặt mục tiêu vào Y HN hay các trường TOP đầu chả buồn dành một ngày ôn thi của mình chỉ để chụp kỷ yếu. Lớp đi chụp kỷ yếu mà giống như đi họp lớp vậy, chả lúc nào thấy đông đủ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì mọi ngày cũng chả chơi thân với nhau là mấy. Mặc dù mọi người luôn là những người lịch sự, gặp nhau vẫn cười, nói vài ba câu chuyện phiếm, nhưng giống xã giao nhiều hơn là bạn bè thật sự. Từ hồi ra trường đến giờ chả mấy khi họp lớp, chủ yếu toàn mấy thằng ngày xưa cúp học đi chơi net là còn ngồi uống trà đá với nhau được đến giờ.
Tóm lại trường chuyên chả phải toàn lũ đần độn, cừu non như bác nào có nói trên đây, cũng chả phải toàn người rảnh rang mà ngồi cày rank lên thách đấu hay solo Yasuo. Trường Chuyên chính xác ra là một xã hội thu nhỏ, nơi mình nhận được nhiều bài học, nhiều trái đắng, giúp mình hiểu được phần nào những góc khuất của xã hội để ra đời tự tin hơn.
P/s: Chuyện về trường Chuyên còn nhiều chuyện oái oăm khác nữa nhưng thôi hôm nay tạm kể vậy đã.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất