Gần đây, trên mạng xã hội rộ lên những vụ án đầy tranh cãi. Người ta cãi nhau ỳ xèo về luật, về công bằng và tự vệ. Là một người lí sự, tôi có tham gia vào vài cuộc tranh luận như vậy. Những cuộc tranh luận đó thường sẽ kết thúc bằng một tràng dài những màn phỉ báng, lăng mạ, và công kích cá nhân.
Có hai luồng dư luận chính khi mà những vụ như thế này xuất hiện. Luồng thứ nhất cho rằng pháp luật không công bằng, xử phạt quá đáng những người chỉ tự vệ. Còn luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng pháp luật xử phạt như vậy là hợp lí. Dù là theo phe nào thì sau một hồi, tranh luận sẽ khép lại bằng xỉ vả và công kích.
Tôi sẽ không kết luận ai đúng, ai sai. Suy cho cùng, công lí là một chủ đề mà các triết gia đã tranh luận xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tôi không dáo mạo muội nói rằng mình sẽ kết thúc được trận chiến đó.
Nhìn vào cả hai phía, ta sẽ thấy hai bên tồn tại hai lập luận cốt lõi. Lập luận thứ nhất cho rằng việc tự vệ là hoàn toàn chính đáng và hệ quả xấu để lại cho kẻ xâm phạm là hoàn toàn xứng đáng. Còn bên kia thì cho rằng những người bị khởi tố đang chịu hậu quả thích đáng cho hành vi tự vệ quá tay của họ. Suy cho cùng thì mỗi bên đều có cái lí. Tuy vậy, khi tranh luận, người ta thường phủ nhận hoàn toàn luận điểm của đối phương chỉ từ một ý bất đồng. Team "tự vệ" thì kết luận rằng những người đồng tình với pháp luật toàn là phường trộm cướp và đạo đức giả. Còn team "pháp luật" thì xem bên kia là những kẻ man rợ.
Thực sự, nó không đơn giản như vậy. Trong bóng tối, liệu anh có thể thấy kẻ đột nhập có hung khí hay không? Vô hiệu hóa một kẻ đột nhập có cần chém nó đến thừa sống thiếu chết? Tôi không phản đối vũ lực. Có nhưng lúc vũ lực là cách giải quyết hiệu quả nhất. Tuy vậy, tôi tin rằng có một ranh giới khá rõ ràng giữa cái lỡ tay và cái cố ý, giữa tự vệ và trả đũa. Việc đánh một kẻ gãy chân và đâm nó 3 phát mà lưỡi dao xoáy ngược chiều kim đồng hồ rất khác biệt. Đến tự vệ cũng có mức độ. Một người đấm anh thì anh nên đấm lại, đó là tự vệ chính đáng. Nhưng nếu anh đâm chết một người chỉ vì một quả đấm hoặc đánh nó đến nhập viện chỉ vì một lời đe dọa bâng quơ thì hãy sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tôi không nói rằng luật pháp hoàn hảo. Công lí tuyệt đối không thể đạt được khi mà con người con chưa thống nhất được công lí là gì. Hơn nữa, thay đổi luật pháp không phải là chuyện đơn giản. Nghĩ một chút bạn sẽ thấy, nếu cứ mỗi khi xuất hiện tranh cãi mà thay đổi luật thì chắc luật mới sẽ được ban hành mỗi tuần kèm theo bao nhiêu hỗn loạn. Đó là còn chưa kể đến việc người ta sẽ thay đổi như thế nào trước luật mới. Nếu không suy xét kĩ, luật mới đưa ra có thể chẳng thay đổi gì hoặc thẩm chí là phản tác dụng. 
Luật bắt buộc trang bị túi khí trên ô tô của Mỹ là một ví dụ khá thú vị. Vào năm 1968, Mỹ thông qua luật dự thảo bắt buộc các hãng sản xuất ô tô phải trang bị dây an toàn cho phương tiện của mình. Khi luật dự thảo được thông qua, các chuyên gia kì vọng rằng nó sẽ giảm mạnh số lượng người tử vong vì tai nạn. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát của Sam Peltzman vào 1975 cho thấy số người chết vì tai nạn hoàn toàn không đổi. Nguyên nhân của việc này là khi có dây an toàn, các tài xế lái xe nhanh hơn và bất cẩn hơn vì họ khó bị thương hoặc chết vì tai nạn. Hệ quả của việc này là lượng tai nạn và số người bị đi bộ tử vong do tai nạn tăng khiến cho số người tử vong không hề giảm.
Có những việc nhìn trên bề mặt ta thấy chúng có vẻ rất dễ dàng. Nhiều khi ta còn chủ quan đến mức thắc mắc rằng các chuyên gia học làm gì cho tốn cơm tốn gạo. Nhưng ta thường quên mất rằng: thấy mọi việc đơn giản vì ta không phải là chuyên gia. Khi ta không biết cái khó nó nằm ở chỗ nào, ta sẽ cho rằng mọi việc rất đơn giản.